TRẦN THÙY LINH

 

BYBLOS - The echo from the past

Đường lên lâu đài cổ Byblos trên dãy núi Lebanon xuyên qua khu phố nhỏ có những cửa hàng bán đồ lưu niệm đầy màu sắc ( đây cũng là quê hương của Fossil, các loại hoá thạch nổi tiếng thế giới). Những quán cà phê xinh xắn, nhà hàng bán đồ ăn bản địa, tiệm shisha...nép bóng dưới những giàn hoa leo đầy quyến rũ. Nắng chiều bảng lảng leo qua những khung cửa sổ đầy màu sắc, đi xiên qua mái nhà có người đàn ông đang ngồi đọc sách trên bậc cửa của ngôi nhà cao hơn bên hàng xóm. Nắng dừng chân bên cánh cổng gỗ đầy chữ viết của khách thập phương, cạnh đó là gốc dây leo có lẽ cũng đã trăm tuổi. Nắng như đọng lại, sóng sánh trên đường. Thời gian quánh từng giọt dài, lăn theo bờ tường đá. Và lòng người thì lắng lại trong những hồi ức xa xăm mặn mòi mùi biển, hoang sơ mùi đá và thổn thức theo tiếng kinh cầu vọng về từ nơi xa. 3g30 chiều, ngày nào cũng vậy, tiếng nguyện cầu lại theo sóng biển lan xa. Lan cả vào tiềm thức người bộ hành xứ lạ.

Lâu đài Byblos gồm phần cung điện và pháo đài được xây dựng bằng đá vôi vào thế kỷ 12 theo phong cách La mã, có hầm và hào bao quanh. Trải qua nhiều cuộc giao chiến, nhiều lần trùng tu, các công trình đã bị hư hại nhiều, nhưng các di tích khảo cổ tìm được tại đây vẫn cho thấy một thời hoàng kim của Byblos với các đền đài mang phong cách Ai cập, Phoenician và một nhà hát Amphitheater La mã. Trong lâu đài là một Bảo tàng nhỏ với các hiện vật minh chứng cho một thời vàng son của Byblos.

Dưới chân lâu đài là khu Cảng cổ Byblos, nơi từng là trung tâm của đường biển Địa Trung Hải, do các Pharaohs Ai cập xây dựng khoảng hơn 3000 năm trước công nguyên. Bên bờ vịnh đầy thơ mộng ngày nay là những nhà hàng, khách sạn 5 sao và những con đường cho du khách tản bộ, đạp xe. Mùa này biển vắng khách. Chỉ có vài người dân địa phương thong thả dạo chơi, một người đàn ông miệt mài tìm ốc trên bờ đá, mặc cho sóng biển tung bọt trắng xoá phủ lên người. Mấy thanh niên Lebanon cao lớn ra hiệu cho chúng tôi chụp ảnh chung và lao tới ôm cô bạn tôi đầy thân thiện. Buổi chiều hôm ấy với những tia nắng vàng lộng lẫy trên khu phố cổ, những tia nắng hoàng hôn dịu dàng của biển hắt lên khuôn mặt xinh tươi của bạn cùng những tiếng cười Lebanon, đã theo tôi suốt chặng đường trở về nhà.

Địa Trung Hải - không chỉ có những quốc gia Nam Âu vốn đã thân quen, Địa Trung Hải, với tôi giờ đây là một cảm giác rất khó lý giải. Có thể đó là sự pha trộn đầy ngẫu hứng, từ văn hoá, con người, tới món ăn. Có thể đó là sự thân thiện, là sự hoà đồng tôn giáo, chấp nhận khác biệt và một niềm vui sống sau những cuộc nội chiến và chiến tranh liên miên trong vùng. Có thể đó là sự mâu thuẫn trong gương mặt phố xá, là mới và cũ, là Đông và Tây, là Hồi giáo và Công giáo cùng song hành. Tôi không biết. Chỉ biết rằng, cũng như ở Jordan, Lebanon đã cho tôi một cảm giác muốn khám phá, muốn đi từ bảo tàng này tới hang động nọ, từ lâu đài này qua góc phố kia, từ thung lũng núi này qua vùng biển nọ....

Để cho sóng cuốn trôi hết. Và, trong trẻo đọng lại.
 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh