TRẦN THÙY LINH


Bỗng Đâu Thấy Nhớ Người Dưng

Nếu như có người hỏi tại sao lại chọn sống ở Sài gòn, thì bạn sẽ trả lời ra sao? Tôi tin rằng sẽ có nhiều câu trả lời như chính cư dân của thành phố này. Có những người không lựa chọn, đơn giản vì họ được sinh ra ở đây, nên sống nơi đây. Có nhiều người - ngày một nhiều hơn - đã chọn nơi này làm quê hương. Cũng có rất nhiều người đã lựa chọn sự ra đi, giã từ nơi từng là quê hương. Nhưng cho dù ra đi hay ở lại, họ vẫn đều là người Sài gòn, ít nhất là trong mắt tôi.

1.
Ai đó nói rằng làm gì có người Sài gòn "gốc". Xét về phương diện lịch sử hình thành của đô thị này, có lẽ đúng. Nhưng xét dưới góc độ cá tính tạo nên bản sắc của đô thị, thì không hẳn đúng. Linh hồn của một đô thị hiển hiện qua những không gian công cộng và trên hết là trên những bộ mặt cư dân. Những con người với hàng triệu triệu quá khứ khác nhau, trở thành „người Sài gòn“ khi sống tại Sài gòn, sinh sống bên cạnh những cư dân cất tiếng khóc chào đời nơi đây;những con người không mất đi tính cách Sài gòn,ngay cả khi đã xa Sài gòn. Với tôi, vùng đất này đầy kỳ bí. Dường như nó tác động lên bạn một cách rất âm thầm lặng lẽ, trái ngược với những phô phang ta luôn thấy bên ngoài. Làm nên một tập hợp những cá tính riêng trong một tính cách chung của vùng Nam bộ, dưới tên gọi: Người Sài gòn.

 

Sống ở nơi mình sinh ra hay chọn cho mình một nơi khác để sống? Câu trả lời vừa dễ lại vừa khó, đương nhiên là mang tính cá nhân, chắc chắn là tùy hoàn cảnh và thời điểm lịch sử trong cuộc đời mỗi người. Có những lựa chọn thật giản đơn, nhẹ như lông hồng, mà cũng có những lựa chọn thật khắc nghiệt và trăn trở. Có đôi khi ta hay dùng sự châm biếm để lấp đi những khắc khoải. Ta thường dùng sự hào nhoáng vay mượn, để che đi nỗi khát khao về những điều đơn sơ bình dị. Ta mê cái náo nhiệt và khinh khi cái trầm lắng, hoặc ngược lại. Mang hoa xứ ngừoi so với cỏ vườn nhà. Giống như dùng chê bai để khỏa lấp đi bao yêu thương luôn quay về. Nhưng dù lựa chọn của bạn là gì, Sài gòn mà bạn từng gắn bó, đang ở,hay đã rời xa, đều không có lỗi. Nơi đó vẫn luôn trong tim và trong tiềm thức của bạn, khắc dấu lên thần thái, tính cách, giọng nói hay thói quen của bạn. Dù là gì đi nữa, Sài gòn vẫn là Sài gòn. Và những người sinh ra,hay không sinh ra, đã từng sống,hay đang sống nơi đây cũng vậy. Họ vẫn là người Sài gòn.
 

Từ phương xa anh nhắn tin về: „Cám ơn những bài viết về Sài gòn của em“. Chỉ vậy thôi mà thấy xốn xang. Không cần nhiều lời, tôi hiểu điều anh muốn nói.Có thể là cái gì, nếu không phải là chính Sài gòn? Là sự kết nối giữa những con người nhờ một vùng đất, -không giống bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này-, làm nên cái chung giữa những người Sài gòn với nhau? Là cái “tình thương mến thương" của một người Sài gòn như anh dành cho "cô em Bắc kỳ nho nhỏ" như tôi? Là sự rộng lòng với quá khứ, nhẫn nại với hiện tại, và hy vọng đến (đôi khi) hồn nhiên với tương lai. Là cái hào sảng và phóng khoáng, là sự mở lòng với những khác biệt, là "vui mát trời ông địa luôn". Bạn bè tôi đang sống tại Sài gòn đến từ đủ mọi vùng miền. Có Bắc, có Trung, có Nam, có những người mới lập nghiệp tại đây, có những người đã có vài ba hay nhiều thế hệ sinh ra nơi đây, và có cả những người đang ở nước ngoài như anh. Người ít, người nhiều, họ đều sống theo lối đó. Với tôi, họ đều là người Sài gòn.
 

2.
Trong con hẻm nhỏ có một gia đình trẻ mới dọn về. Họ gốc Bắc, sống khá khép kín. Cánh cổng sắt chỉ thi thoảng mở khi có người về và lâu lâu người ta mới thấy đứa con gái nhỏ ở tuổi ẵm bồng lấp ló sau cánh cổng. Cuộc sống cứ thế trôi đi như trong vô vàn con hẻm khác. Những ồn ào, sôi động, dường như đều nằm ngoài cánh cổng khép kín ấy. Cư dân trong hẻm đôi lúc cũng xì xào, già non này nọ, riết rồi cũng thôi. Nói như chị Ba làm móng dạo:" Xí ! Hơi đâu lo chuyện người dưng. Không rảnh à nhen!". Vào một đêm nọ,cả xóm bị đánh thức bởi tiếng khóc của cô bé nhỏ. Dai dẳng và ngằn ngặt hàng giờ đồng hồ. Gần sáng, tôi nghe tiếng đập cửa nhà ấy và tiếng người lao xao. Hóa ra con nhỏ mọc răng, sốt tới hơn 40 độ muốn lả đi, mà nhà chỉ có mình ngừoi mẹ chưa có kinh nghiệm, không biết xử trí ra sao. Chị Ba bế thốc đứa nhỏ nhúng vào chậu nước lạnh trong cái nhìn kinh hoàng của mẹ nó. Vậy mà nhỏ dịu lại. Sau khi được bà Tám hủ tíu ôm ấp kiểu Kan-gu-ru trong vòng tay mập mạp của bà, nó bú hết bình sữa và ngủ ngon lành. Những ngày sau đó, cánh cổng ấy đã không còn khép nữa. Mỗi cuối tuần, tiếng thằng Bi, con Na, thằng Lì…trong xóm hòa cùng tiếng cười giòn tan của cô bé nhỏ từ trong nhà bay ra tận đầu hẻm. Lâu lâu lại thấy người mẹ trẻ dẫn con ra ăn hủ tíu bà Tám hay đi úy lạo từ thiện với chị Ba, anh Sáu. Năm tháng cứ thế trôi đi, thằng Bi,con Na và cô bé lớn dần…. Rồi một ngày nọ, tôi thấy có một người đàn bà - không còn trẻ nữa - đứng lặng thinh trong con hẻm vắng. Nắng chiếu xiên qua những mái nhà và dàn hoa giấy bên nhà anh Tư,đổ bóng lên cánh cổng đóng chặt của ngôi nhà ấy. Vật đổi sao rời. Người đã ra đi mà cổng còn ở lại. Nhưng Sài gòn hôm nay vẫn vẹn nguyên, phải không người Sài gòn?

 

Thời còn ở bên quận tư, hay nghe bà má nhà sau rầy la mấy thằng con trai lộc ngộc " Tụi bây ăn xài xả láng sáng dậy sớm vầy, tiền nào nuôi cho thấu!". Chúng nhe răng cười. Vẫn sáng cà phê vỉa hè, ngày chúi mũi vô làm, tối đi nhậu, có khi lòng dòng tới sáng. Những cuối tuần rảnh rỗi, má con kéo nhau đi "nuôi" mấy cái quán vốn dĩ đông nghẹt quanh năm, từ bình dân ốc len xào dừa, lẩu cá kèo, tới sáng choang sang trọng,mọc lên như nấm sau mưa. Mà ở Sài gòn này, có ai không vậy, hén? Với dân Sài gòn, nhậu là chia sẻ. Vui, buồn, không vui, không buồn, đều là lý do để nhậu. Dzô dzô là để cùng nhau, nhớ rằng mình đang bên nhau. Mỗi lần uống là một lần cụng ly. Quen cũng cụng mà không quen cũng cụng. Xong rồi quên. Người Sài gòn hay quên, để sớm mai thức dậy, lại thấy mình sống như chưa từng được sống.
 

Xét cho cùng thì có được hạnh phúc trong những khoảnh khắc hiện tại chẳng phải là điều mà ta luôn kiếm tìm đó sao?
 

3.
Có một ngày lang thang trên phố, bức bối trong cái lạnh giả tạo, bực bội vì kèn xe chát chúa, cau có vì người hồn nhiên, thẫn thờ vì nhà cổ tan hoang và hoang mang vì cây bê tông ngày một thêm dày. Ngày không dài thêm, đêm cũng chẳng ngắn lại, mà người thì vẫn vậy. Tự nhiên bắt gặp dòng tự bạch của ai xiêu vẹo trên tường quán cà phê trong một chung cư cũ: " Sài gòn không phải là nơi để buồn, Sài gòn là để quên". Có quên được không? Leo tuốt lên cao, qua từng bậc thang lở lói gạch xưa thềm cũ, để thấy một Sài gòn lồng lộng sáng qua những ô cửa sổ xiêu vẹo. Thấy bên dưới, người vẫn như kiến cần mẫn trong đêm đen và đèn xe vẫn không ngừng lấp loáng trênsông trôi theo dòng triều lặng lờ lên xuống. Thấy cuộc sống hối hả ngoài kia giữa những âm thanh xưa cũ trong này. Nghe em áo trắng tóc thề, ngọt ngào bên tai nhẹ như hơi thở: "Cà phê nhen, Hai?". Chưa uống, mà nghe cái ấm áp như đang lan tới từng tế bào. Trên cao, mà thấy như được ôm trọn trong vòng tay ai. Thấy lòng dịu lại và thấy nhớ. Nhớ những ký ức, nhớ hiện tại và nhớ tương lai. Ở đâu kỳ vậy cà? Sao nơi tới "để quên", lại chất chứa nhớ?

 

Chỉ có thể là Sài gòn.
 

Có một ngày, khi đang ở giữa muôn vàn sắc màu của mùa thu và lá vàng xào xạc rơi trên tóc trên vai, tự nhiên cũng thấy da diết nhớ. Lang thang trên mạng và phát hiện quá nhiều người giống mình. Chị ở Canada đau đáu về con hẻm cũ, mái nhà xưa. Anh ở Pháp nhớ thời con nít tắm mưa dưới những vòm me trên đường. Em mong lại được một lần lê la cơm tấm, cà phê quán cóc vỉa hè..... Nhiều, nhiều lắm, những nỗi nhớ của người từ bốn phương. Bỗng thấy như được vỗ về trong vòng tay chị, trên bờ vai anh và trong cái nắm tay em nồng ấm. Bỗng thấy như tan ra trong những chiều giông gió phố hóa sông. Bỗng thấy mình giống một giọt sương lung linh, đậu trên cây sao cây dầu rồi nhẹ nhàng tan biến giữa trời chói chang nắng. Giữa cái trong trẻo mát lạnh của mùa thu, sao bỗng thèm gì đâu, cái bụi bặm của phố, cái xô bồ của hẻm,cái ngược ngạo của người và cái thất thường của hai mùa mưa nắng. Ở nơi này, bỗng đau đáu về nơi ấy trong một nỗi nhớ khó gọi tên. Bỗng thấy Sài gòn giống như Mẹ.
 

Có một ngày trong vòng tay mẹ, bỗng đâu thấy nhớ người dưng.


  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh