TRẦN THÙY LINH
 

Cây Lúa Và Vài Điều Ít Biết



(Ảnh: Trần Thùy Linh)

Lúa và những cánh đồng lúa từ lâu đã quá quen thuộc và gắn bó với người Việt. Dù bạn có sinh ra ở phố, vùng biển hay nơi non cao, bức tranh quê hương Việt Nam trong mỗi người không bao giờ có thể thiếu những cánh đồng lúa đầy màu sắc. Nhưng, dù thân thuộc tới đâu, vẫn có rất nhiều điều không phải ai cũng biết về lúa.

Từ cách đây khoảng 13.500 tới 9.000 năm đã có sự tồn tại của cây lúa. Kết luận này được các nhà khoa học trên thế giới đưa ra sau nhiều công trình nghiên cứu dựa trên các vết tích khảo cổ học tìm thấy tại thung lũng của dòng Tử giang, Trung quốc. Việc phân tích các di chỉ khảo cổ tại Trung quốc và Ấn độ cũng cho kết luận rằng, dòng lúa ngày nay thực chất bắt nguồn từ hai dòng lúa mang tên Indica và Japonica. Về thời gian loài lúa hoang được thuần hoá thành cây lương thực thì vẫn còn nhiều tranh cãi, nhiều tài liệu nói rằng, việc đó xảy ra cách đây khoảng 3.900 năm, nhưng cũng có nhiều nhà khoa học cho rằng chúng được trồng từ cách đây 7.000 năm.

Cây lúa “nhà”, như chúng ta thấy trên các cánh đồng ngày nay, có tên La tinh là ORZY SATIVA, thuộc họ cỏ. Trên toàn thế giới hiện chỉ có khoảng 100 quốc gia trồng lúa với khoảng 8.000 giống lúa. Ước tính có một nửa dân số thế giới sử dụng gạo như lương thực chính. 90% số gạo sản xuất trên thế giới được sử dụng tại châu Á. Mỗi người châu Á sử dụng hết 150kg gạo trong một năm, con số này ở Mỹ là 11kg và ở Đức là 5kg. Việt nam hiện có hơn 600 giống lúa, dài và ngắn ngày. Rất nhiều giống lúa mới đã được các nhà khoa học thuộc Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long lai tạo thành công, trong đó có giống ngắn ngày nhất là khoảng 65-70 ngày. Bên cạnh đó cũng có nhiều loại lúa mới như lúa đỏ có hương thơm lá dứa hay lúa có khả năng diệt cỏ.

Lúa có mùi thơm là do cấu trúc gien của chúng. Nhưng không phải loại gạo nào cũng có mùi thơm. Các nhà khoa học về gien lúa của Thái Lan, đã phát hiện ra một đột biến gien tạo nên mùi thơm của gạo hương lài. Đột biến này xảy ra ở một trong các gien làm cho lúa có mùi thơm. Trong tổng số 50.000 gien của gạo hương lài, có 8 đặc tính di truyền không hoạt động và họ đã biến đổi thành công gạo thường của Nhật thành gạo thơm. Kỹ thuật trên cũng có thể được áp dụng để cải biến các loại cây trồng khác, trong đó có lúa mỳ, ngô và đậu tương.

Một kg lúa nước, cần phải có 3.000-5.000 lít nước. Nước có tác dụng ngăn ngừa cỏ dại và côn trùng có hại, giúp cho cây lúa phát triển được tốt hơn. Bản thân cây lúa sống và sinh trưởng tốt trong môi trường nước ấy là nhờ bộ rễ của nó đã phát triển một hệ thống thông khí để thích ứng với môi trường sống qua hàng ngàn năm tồn tại. Từ một loài cây cỏ, trên thực tế lúa đã trở thành môt loại thuỷ sinh. Cây lúa có độ cao khoảng 80-120 cm, một nhành lúa có khoảng 10-20 nhánh, và mỗi nhánh có thể mang tới 200 hạt thóc.

LÚA HOM-GIỐNG LÚA CỔ BẮC BỘ

Ăn cơm hom
Nằm giường hòm
Đắp chiếu Hới

Loài lúa hom xưa đựơc trồng chủ yếu ở Thái Bình, Nam Định, nay không còn được trồng đại trà, gặp lại ở Hà giang 2016, Loại lúa có râu này nhìn giống lúa ma ở vùng đồng bằng sông Cửu long. Cơm từ lúa hom ăn rất ngọt và dòn, gạo có mùi thơm đặc biệt. Vò một nắm lúa hom trong tay sẽ nhận ngay ra mùi thơm như mùi lúa nếp.
Giường hòm chỉ có ở những tỉnh phía Bắc vào khoảng những năm 60. Hai đầu giừơng có thành, một đầu cao, một đầu thấp. Thời đó nông thôn Bắc Bộ chỉ có giường tre và phản ( bộ ván ngựa- tiếng nam) để nằm, nên một cái giường mô đéc như vậy là ước mơ của người nông dân.
Chiếu Hới - Hới là tên một làng quê ở Thái Bình, chuyên trồng cói, và dệt nên những chiếc chiếu mộc, vừa bền vừa đẹp. Chiếu Hới dày gấp đôi chiếu bình thường, đông ấm, hè mát. Cụm từ "đắp chiếu" là xuất phát từ thói quen dùng chiếu để đắp trong mùa đông của người nông dân.

Câu vè dân gian trên thể hiện niềm mơ ước về những điều tốt đẹp nhất mà người dân quê Bắc Bộ luôn mong ước!

Album này là tập hợp những cánh đồng lúa trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Không chỉ là loài cây lương thực gắn bó nhất với cuộc đời mỗi người Việt, những cánh đồng lúa và hạt thóc Việt đã và vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho hội hoạ, nhiếp ảnh và văn chương.
 



  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh