TRẦN THÙY LINH
 

Câu Chuyện Thứ Ba:
Người Đàn Bà Vẽ Với Tâm Hồn Trẻ Thơ

Vào những năm cuối thập niên 90, khi ý nghĩ quay trở lại với hội hoạ mới còn manh nha trong tôi, thì chị đã là một tên tuổi. Tôi dõi theo chị cũng từ ngày đó. Cuộc đời đẩy đưa, phải tới cách đây gần chục năm tôi mới có dịp bày tranh chung với chị. Và sau đó là liên tục những triển lãm chung, trong và ngoài nước, những chuyến đi sáng tác về miền núi, vùng biển, đã đưa chúng tôi lại gần nhau hơn. Với tôi, chị luôn là một người chị lớn đúng nghĩa, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Tôi ngưỡng mộ những tác phẩm sơn mài trừu tượng của chị, thích tư duy mỹ thuật của chị. Cũng như bao người vẽ khác, tác phẩm hội hoạ đúng nghĩa nào cũng đều mang dấu ấn cá nhân đậm nét. Những cá tính, những biến cố, từng giai đoạn của cuộc đời, những vấn đề của đất nước, xã hội, hình ảnh của thiên nhiên v.v… đều đi vào tranh một cách rất tự nhiên qua phong cách và bút pháp riêng của mỗi người. Một giai đoạn rất dài, những bức tranh sơn mài trừu tượng với bút pháp phóng khoáng của chị đã làm mưa làm gió trên thị trường tranh Việt. Có lẽ chị là một trong số ít những nữ hoạ sĩ Việt vẽ tranh sơn mài trừu tượng. Những tác phẩm của chị nhiều màu sắc, tạo hình hiện đại với nhiều không gian, đậm tính triết lý và vượt ra ngoài quan niệm về kỹ thuật cũng như màu sắc của sơn mài truyền thống, vì thế cũng đón nhận nhiều ý kiến khác biệt. Chị không quan tâm; với chị, đi tới cùng điều mình muốn mới là tối thượng. Tranh của chị vẫn được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước săn đón, và tôi thì luôn phấp phỏng một mối lo mơ hồ cho chị.

Cách đây hơn ba năm, một biến cố đã xảy ra và chị không thể vẽ sơn mài hay sơn dầu được nữa. Tôi vẫn luôn cho rằng, trên đời này, việc gì xảy ra cũng đều có lý do của nó. Acrylic đã chọn chị, và chị chọn cho mình một bút pháp hoàn toàn khác, giã từ tư duy trừu tượng, quay trở về với phong cách hiện thực trên con đường khám phá bản thân. Chị vẫn hay nói vui: Mình là người đi ngược, từ trừu tượng tới hiện thực. Tôi thì không nghĩ thế. Chị quay trở về với bản ngã của mình thì đúng hơn. Chị cũng như bao nhiêu người vẽ khác, đã luôn đi tìm chính mình, và đã thấy mình trong chất liệu mới ấy. Acrylic là một chất liệu khá dễ tính so với các chất liệu khác của hội hoạ, nhưng cũng chính vì thế, thật khó để tạo sự khác biệt. Chị vẽ acrylic thuần, không thêm phụ gia, không kết hợp với các chất liệu khác. Chị muốn khám phá khả năng vừa làm màu trong, vừa tạo chiều sâu chỉ bằng chất của acrylic, và chị thành công. Bởi sự trong trẻo, chất hồn nhiên trẻ thơ tràn đầy trong tranh, mà sự phóng khoáng xưa kia lại vẫn vẹn nguyên. Bởi qua tranh chị, tôi nhận ra một Việt Nam đẹp tới nao lòng, rất chung mà vẫn rất riêng. Nhìn tranh chị, tôi thấy lòng mình mềm lại, muộn phiền bay hết theo những áng mây và cơn gió kia. Những bức tranh không chỉ mang lại cho tôi cảm xúc bồng bềnh của trời mây, gió núi, mà còn cho tôi một tình yêu của một đứa bé. Tôi nhớ tới những lần cùng nhau đi sáng tác. Giữa mây trời đỉnh Tây Côn lĩnh, tôi thì hét, còn chị thì hát. Giữa nhà thờ đổ hoang tàn trong ngôi làng cổ ở Huế, chị múa, còn tôi thì đứng lặng câm. Chưa bao giờ tôi ngừng khâm phục tâm hồn thơ trẻ của người đàn bà vẽ ấy, ngừơi đã đi qua tuổi trẻ từ lâu rồi. Những gì chị truyển tải vào bộ tranh Sapa lần này để bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Triển lãm G8, từ 24.2-02.03.2017), là một bài ca xanh tươi đầy sức sống của một tình yêu trong vắt đối với thiên nhiên Việt Nam.

Và như người thấy đáng kính của chúng tôi, hoạ sĩ lão làng Nguyễn Thị Tâm từng nói: Hãy quậy đi, hãy phá đi, để rồi sẽ chỉ còn lại sự giản đơn duy nhất của tâm hồn mình. Khó lắm để có thể đạt đựơc sự giản đơn như trẻ thơ trong những bức tranh. Với nữ hoạ sĩ Bùi Mai Hiên, cái tôi thơ trẻ của tâm hồn chị nằm trong hội họa của chị, bay bổng như mây, ạt ào như gió và tươi sáng như những tia nắng đầu tiên trên núi rừng Tây Bắc.

Linh Tran
 







  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh