TRẦN THÙY LINH

 

 Chuyện Thứ Bảy:
HS Trần Quang Hải
Người Lữ Hành Đơn Độc Hạnh Phúc

Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày khai mạc triển lãm G8, tôi ghé xưởng hoạ của anh tại nhà ở Sóc Sơn. Phía sau khu vực trưng bày tranh là nơi anh làm việc, bề bộn như bất kỳ xưởng hoạ nào khác, nhưng đầy cuốn hút, khiến tôi quên biến mất việc mình bị dị ứng với sơn ta. 5 bức tranh đang trong giai đoạn hoàn tất. Nhưng năm nay trời chẳng chiều lòng người vẽ sơn mài, thời tiết cứ trêu ngươi, cứ hanh khô dài dài, khiến những lớp sơn bắt hanh, không thể khô. Mà cũng chẳng thấy “em” chất liệu nào đỏng đảnh, khó lường như sơn mài. Muốn khô thì phải ủ ẩm. Mà nếu độ ẩm thấp thì em cứ lình xình, õng ẹo mãi. Muốn thấy hình vẽ thì lại phải mài mới thấy. Vì độ bóng của tranh chìm trong những lớp cốt màu, nên phải mài thì bức tranh mới có độ sâu thẳm. Sự thành công của tranh còn phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn mài và đánh bóng sau cùng, đương nhiên tất cả là thủ công. Mà không chỉ có thể, tranh sơn mài còn đòi hỏi biết bao yêu cầu khác về kỹ thuật, về vóc, và đặc biệt là chất lượng sơn. Sơn dùng trong tranh HS Trần Quang Hải là sơn ta, anh mua sơn sống ở Phú Thọ rồi về tự đánh thành sơn chín để vẽ.

Một chất liệu khó như vậy, sẽ luôn cuốn hút những người thích nghiên cứu khám phá và yêu thách thức. Họa sĩ Trần Quang Hải là một người như vậy. Tranh sơn mài của anh có một ngôn ngữ rất riêng, lôi cuốn tôi từ cách đây vài năm khi anh bày tranh trong một triển lãm nhóm Ngũ sắc tại Galery Tự do, TPHCM. Tôi đã bị độ sâu thăm thẳm của sơn mài và thế giới Nữ của anh cuốn hút ngay lập tức, và đã viết ngay một bài về tranh của anh, dù khi đó chúng tôi không hề quen nhau. Tôi còn cố tình không tìm gặp anh, để những cảm nhận của mình được độc lập. Bố cục chặt chẽ và nhuần nhuyễn trong xử lý chất liệu dường như là đương nhiên đối với một người xuất thân là nhà khoa học như anh. Mạnh về tiết tấu và nhịp điệu, mà vẫn bay bổng về tạo hình đến độ “thoát xác”, cũng là đương nhiên với một người có nền tảng mỹ thuật vững chắc như anh. Nhưng kết nối được những thế mạnh ấy trong những bức tranh, để tất cả những điều ấy cùng cất lên một giai điệu vừa sâu lắng vừa uyển chuyển đầy sang trọng, không hề là chuyện đương nhiên. Đó chính là ngôn ngữ hội hoạ của anh. Không giống ai và không bao giờ lặp lai. Dường như, mỗi bức tranh, mỗi loạt tranh trong từng giai đoạn sáng tác, đều là những khám phá mới mẻ của một hoạ sĩ-nhà khoa học, người rất biết mình muốn gì trên con đường mà anh gọi là của “ người lữ hành đơn độc” nhưng hạnh phúc – con đường khám phá bản thân.

Nếu nói về đề tài thì có lẽ Trần Quang Hải lại là người cực đoan đầy dễ thương, nhất là đối với phụ nữ. Vì anh chỉ vẽ đàn bà. Nếu như bạn đọc tinh ý sẽ thấy sự khác biệt trong những bài viết của tôi về các gương mặt nam của G8, dù họ đều chọn vẻ đẹp nữ tính để tôn vinh. Với người nữ của HS Lâm Thanh, tôi dùng từ “thiếu nữ”. Trong tranh của HS Thái Vĩnh Thành và HS Đỗ Đình Cường, có các “cô gái”. Từ “đàn bà”, tôi dành riêng cho những người nữ của thế giới trong tranh Trần Quang Hải. Những người đàn bà không thể đàn bà hơn, quyến rũ đến không thể quyến rũ hơn. Có vài bức tranh trong loạt tranh bày tại triển lãm G8 lần này khiến cho tôi thậm chí liên tưởng tới nàng Medusa, người đàn bà phù thuỷ trong thần thoại Hy lạp có mái tóc là những con rắn, có sắc đẹp ma mị và đôi mắt khiến tất cả đàn ông nhìn vào đều hoá đá. Medusa không bao giờ làm hại phụ nữ, cũng như Trần Quang Hải luôn tôn thờ đàn bà. Với anh đàn bà là cái rốn của vụ trụ, là một hành tinh lớn mà tất cả các hành tinh khác phải xoay quanh. Ngôn ngữ tạo hình trong tranh anh được tạo nên từ ý tưởng đó. Những đường cong mềm mại đầy nhịp điệu kề bên những nhát cắt mạnh bạo hay những đường thẳng chắc chắn tạo dựng không gian. Vỏ trứng, vỏ sò điệp được anh xử lý đầy tinh tế, nên người Nữ trong tranh anh nude mà không nude, trừu tượng đó mà cũng hiện thực đó, phồn thực ngồn ngộn mà đầy duyên dáng. Son then, vàng bạc, được nhấn nhá ở những vị trí đắt giá, những mảng sơn dày mỏng khác nhau, những chỗ mài nhiều, nơi mài ít, sự tinh tế và những tính toán chặt chẽ trong bố cục tổng thể khiến cho tranh của anh “nói” được rất nhiều về thế giới đàn bà và cả nội tâm, những khát khao hay đam mê cháy bỏng của họ.

Xem tranh của Trần Quang Hải, tôi luôn có cảm giác như đang nghe bản Sonata Ánh trăng của Bethoven. Sự ảo diệu tràn đầy trong những tiết điệu và nhịp điệu không theo lối thông thường. Một sự ảo diệu giữa trầm lắng và cuốn hút, giữa nhanh và chậm, giữa cái sâu thăm thẳm và vẻ đẹp lồ lộ, tôn vinh vẻ đẹp tính Nữ. Vẻ đẹp đích thực của ngôn ngữ sơn mài, mang tên Trần Quang Hải.
 







  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh