TRẦN THÙY LINH

Chuyện Thứ Năm: 

Duyên Tiền Định Cho Một Phong Cách

Nếu bạn hỏi bác gúc gồ tiếng Anh về tranh cắt vải, e rằng kết quả sẽ làm bạn thất vọng, vì những gì giới thiệu trên mạng khác xa mọi hình dung của bạn về thể loại tranh cắt vải nghệ thuật. Nhưng nếu bạn hỏi bằng tiếng Việt, sẽ có hàng trăm ngàn câu trả lời gắn với cái tên Trần Thanh Thục với những tính từ mạnh như : độc đáo, duy nhất… hay danh từ: phù thuỷ, thậm chí Bà đồng nát. Tôi luôn cảm thấy phẫn nộ khi nghe có ai gọi chị là bà đồng nát, dù nghề gì trong xã hội cũng là đáng quý. Nhưng tôi cũng thấy là quá, khi có báo gọi chị là người duy nhất làm tranh cắt vải tại Việt Nam. Thực ra, ở Việt Nam hiện có vài ba hoạ sĩ sáng tác bằng chất liệu này, nhưng Trần Thanh Thục đã là một tên tuổi lớn của tranh vải với một phong cách riêng và là một trong những người tiên phong sử dụng chất liệu này tại Việt Nam. Nói như vậy có lẽ chính xác hơn.

Những gì là thách thức lớn nhất với chị khi làm tranh với chất liệu này?

Những ngày đầu khi đưa chất liệu vải đến với công chúng. Mình mong những tác phẩm của mình được công chúng công nhận. Được đứng cùng các tác phẩm hội họa mang tính nghệ thuật tạo hình và ít đi tính mỹ nghệ vốn rất gần với thể loại tranh ghép
Còn hiện tại, khi chất liệu vải đã được biết đến, một lần nữa lại đứng trước thử thách sao cho các tác phẩm đa dạng về đề tài, mới lạ trong cách thể hiện và họa phẩm luôn là áp lực rất lớn với chất liệu của tôi.

Bao nhiêu năm chỉ một chất liệu đó, có khi nào chị chán chất liệu này không ?

Với chất liệu vải đến bây giờ mình vẫn cảm thấy như mới bắt đầu khám phá. Thế giới vải hoa thật đa sắc đầy kỳ bí. Mỗi mảnh vải khi ra thị trường đã qua tay một nhà thiết kế có thể gọi là tài ba. Mỗi mẫu vải đều chứa tính mỹ thuật rất cao. Được dùng các các tác phẩm của họ cho những bức tranh của mình kà một may mắn. Nó phong phú và có sức lôi cuốn kỳ lạ với tôi

Chị có nghĩ là dùng vải làm chất liệu là tự đưa mình vào thế khó không?

Sau hơn ba chục năm vẽ tranh bằng vải. Mỗi bức tranh khi nhìn lại tôi vẫn bất ngờ về hiệu quả của từng tầng mầu, từng tầng hình được tạo ra bằng những lớp vải. Dường như có ai đó đưa ta đi dạy cho ta cách chồng xếp những lớp hoa văn. Đường vẫn thênh thang rộng mở để chứa thật nhiều đam mê, thật nhiều những điều kỳ diệu từ những họa tiết vải thân thương

Đường vẫn thênh thang rộng mở. Đúng thế, xem tranh của Trần Thanh Thục, tôi luôn có cảm giác lạ quen lẫn lộn. Quen vì những mô típ chị dùng, những đề tài làm chị xúc cảm, những phong cảnh dung dị mà không kém phần trữ tình. Lạ vì cách tạo hình bằng vải của chị, vì trò chơi ánh sáng qua nhiều lớp vải trong tranh chị. Thú thực là tôi không bao giờ có đủ kiên nhẫn để bới ra từng hoạ tiết thích hợp cho những bức tranh -không phải bao giờ cũng có phác thảo-, từ đống vài ngồn ngộn mà chị đã sưu tập, tìm kiếm trong suốt ba mươi năm trời làm tranh cắt vải. Là người thích chơi với ánh sáng và dùng màu sắc tạo không gian trong tranh sơn dầu, tôi quá hiểu những khó khăn của chị và càng thêm ngưỡng mộ khi chị làm những điều đó một cách thành công bằng những tấm vải. Có những bức tranh, đặc biệt là loạt tranh Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ của chị mang tới cho người xem một không khí hoài niệm rất sâu mà các chất liệu khác chưa chắc đã có thể truyển tải hết được. Những hoạ tiết từ miếng vải thổ cẩm bỗng hoá thành một vùng núi màu chàm trùng trùng điệp điệp, những miếng voantrong suốt bỗng hoá thành một tia sáng nhiều sắc độ, bừng lên từ sâu thằm đại ngàn. Màu xanh, màu tím, màu vàng… hoà quyện với nhau trong một tổng thể không thể tin được là hình thành từ những miếng vải có sẵn hoạ tiết vốn được dùng cho mục đích khác. Chị có kỹ thuật của riêng chị, những bức tranh ấy là sự tìm tòi và nghiên cứu suốt bao nhiêu năm trời. Cách làm tranh của chị cũng giống như người vẽ trừu tượng hay chơi nhạc Jazz, chất ngẫu hứng luôn tràn đầy. Đôi khi có những hình dung trong đầu, nhưng những hoạ tiết, màu sắc của miếng vải tình cờ lọt vào tay, rơi vào tầm mắt lại dẫn chị đi theo một hướng hoàn toàn khác. Xem chị làm việc, nghe chị say sưa nói về việc chọn vải và kỹ thuật làm tranh, tôi mới hiểu sự đam mê chất liệu vải trong chị lớn tới chừng nào. Và tôi càng rõ hơn một điều : Trong nhóm G8 của chúng tôi, - giống như lụa chọn HS Lâm Thanh, hay Sơn mài chọn hoạ sĩ Trần Quang Hải-, vải đã chọn Trần Thanh Thục. Giống như trong cuộc đời, mỗi người đều có một sứ mệnh để mang. Sứ mệnh và cũng là mối duyên tiền định của chị là sáng tạo ra những bức tranh vải làm đẹp cho đời.

Những bức tranh vải đang chất đầy trong căn phòng nhỏ. Và ngày 24.2 này, công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng những “ đứa con” ấy, niềm đam mê không bao giờ cạn của Hoạ sĩ Trần Thanh Thục tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà nội. G8 chào đón các bạn !







  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh