TRẦN THÙY LINH
 

Chuyện Thứ Sáu: Thái Vĩnh Thành - Một cá tính

Tốt nghiệp cao đẳng nhạc hoạ trung ương, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, HS Thái Vĩnh Thành đã có 30 năm cầm cọ, dù anh cũng đã bôn ba khắp nơi, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc mưu sinh, nhưng vẫn trụ lại được cùng nghề. Thành là một trong những gương mặt chủ chốt sáng lập ra G8. Những cuộc bàn thảo, trao đổi về nghề của giới quẹt sĩ như Thành thường gọi, hay diễn ra bên bàn nhậu hoặc ly cà phê. Trong một buổi tụ tập như thế, Thành đưa ra ý tưởng cùng bày tranh, và G8 với 4 gương mặt hoạ sĩ TPHCM và hoạ sĩ Hà nội đã hình thành. Tất nhiên, để có thể bày tranh cùng nhau, điều quan trọng nhất là mỗi gương mặt nhất định phải có cá tính riêng, không lẫn lộn, nhưng lại phải có nhiều điểm tương đồng để mạch tranh cũng như mạch tư duy nghệ thuật không bị đứt đoạn. Đó là điều G8 luôn hướng tới và mong muốn dành cho công chúng qua một cuộc triển lãm chung. Và Thái Vĩnh Thành, rõ ràng là một cá tính không thể lẫn lộn.

Chúng tôi quen nhau từ ngày Thành là hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM. Một cách rất tự nhiên, chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau về nghề nghiệp, cởi mở, bỗ bã, như đã quen từ lâu lắm rồi. Trước đó, Thành đã rất nhiều lần bày tranh ở trong và ngoài nước; những bức tranh sơn dầu và acrylic phong cảnh, hoa và thiếu nữ với bút pháp ấn tượng và bán trừu tượng của Thành cũng có mặt trong nhiều bộ sưu tập cá nhân, dù Thành luôn nói, tranh của anh không dễ cảm và cũng không dễ bán. Từ vài năm trở lại đây, tranh của Thành ngày một sâu hơn với những mảng miếng và cách xử lý bề mặt xù xì rất đặc trưng mà Thành kiên trì theo đuổi. Sự dày công nghiên cứu các chất phụ gia, cộng thêm kinh nghiệm và kiến thức mỹ thuật vững chắc đã giúp Thành có một hướng đi riêng, một kỹ thuật thể hiện mới những đề tài quen thuộc, đem lại những xúc cảm khác lạ cho người xem.

Triển lãm của G8 lần này, không hẹn mà nên, hầu như các nam hoạ sĩ đều chọn đề tài tôn vinh vẻ đẹp Nữ tính. Những cô gái nude của Thành khác hoàn toàn với các tiên nữ ngọc ngà như lụa của Lâm Thanh, lại càng không giống những người đàn bà đầy quyến rũ của Trần Quang Hải hay vẻ nữ tính bức bối trong tranh của Đỗ Đình Cường. Xem tranh của Thành nên xem kỹ. Đó là những bức tranh không phải kiểu đập ngay vào mắt người xem. Loạt tranh thiếu nữ và sen lần này của Thành cho tôi cảm giác khoẻ khoắn, rất tích cực. Thành vẫn sử dụng màu nền tối để tạo chiều sâu và phủ nhiều lớp màu sáng hơn bằng bay để tạo nên mache và hòa sắc. Chính kỹ thuật ấy đã định hình một phong cách, một gương mặt cá tính mang tên Thái Vĩnh Thành. Những cô gái của Thành nude mà như không nude, truyền thống đó mà cũng hiện đại đó, nhưng nhất định không bao giờ gợi dục. Tạo hình với những đường cong như ẩn, như hiện dưới chất acrylic dày, xù xì mà vẫn đủ độ nuột. Những nhấn nhá của màu, của ánh sáng, của những nhát cọ, nhát bay mạnh và nam tính trên tạo hình cơ thể đầy nữ tính, cả trên những đoá hoa, những mảng “buông” đầy tính toán trong bố cục… đã mang lại cho những cô gái của Thành, tranh của Thành một sắc vị rất riêng.

Tôi và Thành đều cùng một quan điểm: Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật khi được công chúng tiếp nhận. Những bức tranh là những đứa con tinh thần của hoạ sĩ, nhưng chúng chỉ thực sự sống khi rời xửơng vẽ, được công chúng đón nhận và từ đó, bắt đầu cuộc đời riêng. Những cô gái mạnh mẽ và cá tính trong tranh của Thành cũng vậy. Họ sẽ bước vào đời và kể những câu chuyện của riêng mình.

Bắt đầu từ 16g30, ngày Thứ sáu, 24.2.2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà nội.
 







  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh