TRẦN THÙY LINH
 

Phượt Thủ Trên Những Cung Đường Nghệ Thuật

Trong nhóm G8, Cường là hoạ sĩ trẻ nhất. Trẻ nên đầy đam mê, thích thử thách và vô cùng ngẫu hứng. Thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc làm thời trang, khi thiết kế nội thất, lúc thì chụp ảnh, khi lại phượt. Triển lãm tới thời cao điểm thì trốn mất, bạn bè không biết tìm ở đâu. Ngang tàng có thừa, mắng mỏ, ngọt nhạt cũng bằng không. Thấy cần thì Cường sẽ xuất hiện, và rõ ràng là mọi việc vẫn đâu vào đấy. Studio Đam mê ở ngoại ô TPHCM (rộng 500m2) mà Cường cho là “khiêm tốn”, là tháp ngà của chàng hoạ sĩ người Quảng Ngãi này. Tôi vốn là người cũng ham hố nhiều thứ có dính dáng tới nghệ thuật mà nhiều khi cũng “phát sốt” lên với những gì Cường đã và đang làm. Nhiều người chỉ biết Cường với danh nghĩa nhiếp ảnh gia có nghề với những bức ảnh phong cảnh đẹp ngất ngây, hay trong vai trò người thiết kế nội thất. Một số người khác lại bất ngờ khi biết rằng, chàng hoạ sĩ có vẻ ngoài bụi bặm ấy đã từng là giảng viên khoa thiết kế thời trang trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM và Đại học Tôn Đức Thắng. Ít người biết rằng chàng thạc sĩ mỹ thuật này còn là một đại phượt thủ cũng đầy đam mê như đam mê nghệ thuật. Cùng con xe hầm hố, Cường rong ruổi khắp núi non, đồng bằng, tưởng như cuộc đời chỉ toàn là những chuyến đi. Dù vậy, tranh của Cường vẫn đều đặn có mặt trong nhiều triển lãm nhóm trong nước, và gần đây nhất là tại Liên hoan Mỹ thuật quốc tế tại Hàn quốc vào năm 2015 và 2016.

Tôi biết tới Cường từ khi tên tuổi chàng hoạ sĩ trẻ này lan xa cùng 30 bức tranh chân dung Bác Hồ kết từ nút áo, được Cường tặng hết cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (TPHCM) vào năm 2008. Tranh nút áo của Cừơng khi ấy là một hiện tựơng và là sự kết hợp chất liệu đầu tiên dẫn tới niềm đam mê các chất liệu đương đại nơi Cừơng. Luôn luôn thử cái mới, đó là Cường. Cường nói với tôi: em thích thử thách, em thích những chất liệu đương đại và sự kết hợp hiện đại-truyền thống. 
Và tranh Cường bày lần này tại triển lãm G8 ( 24.2-02.03, BTMT Việt Nam, Hà nội) đã phản ánh đúng tư duy và phần nào cuộc sống đầy ắp ý tưởng của Cường: tranh sơn khắc, tranh sơn mài kết hợp digital art, tranh acrylic….

Không hẹn mà nên, các gương mặt Nam trong G8 đều chọn Tính Nữ để khai thác. Nhưng người Nữ trong tranh của Cường thật khác. Họ là những người nữ ở thế hệ của Cường: hiện đại, tự tin, đầy đam mê nhưng cũng đầy trăn trở, chật chội trong những giới hạn vô hình. Thế giới mà Cường tạo ra là một thế giới giữa thật và ảo, giữa cái đẹp hữu hình và vô hình. Xem tranh của Cường, đôi khi ta thấy hoang mang về sự bất biến của những giá trị. Nhưng, làm gì có giá trị nào là bất biến ? Nhất là với những người trẻ tuổi như Cường. Với Đỗ Đình Cường-Hoạ sĩ, lại càng không. Ở một bức tranh khác, dường như Cường vẽ chính mình và thế hệ của mình trên con đường đi tìm bản ngã giữa mê cung của cuộc đời, giữa đầy rẫy những bất ổn, sự quay cuồng đương thời và sự cám dỗ của thế giới xung quanh. Câu hỏi mà Cường đặt ra trong những bức tranh cũng là câu hỏi mà ai khi trẻ hay đang đi trên con đường nghệ thuật cũng đặt ra cho mình, phải đặt ra cho mình. 
Hãy cứ đi, cứ hỏi, cứ lạc lối, cứ vấp ngã và cứ sai lầm, tôi muốn nói với Cường như vậy. Đi hết thời tuổi trẻ trong sáng tạo và sẽ tìm thấy mình đâu đó trên muôn vàn cung đường nghệ thuật. Tìm thấy mình giữa " hai bờ giấy", như trong một tứ thơ cổ xưa. Cháy hết mình với đam mê và đi tới tận cùng điều mình muốn là điều ai cũng mong ước, nhưng có lẽ không có nhiều người làm được.

Nhưng, Cường là một trong số ít ấy.
 





 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh