TRẦN THÙY LINH


Đón Tết Ở Rừng Trên Ban Công


Những ngày tháng ở nhà mùa giãn cách đã biến khu vườn trên ban công thành vạt rừng nhỏ. Có một nghịch lý rất lớn là những ngày ở nhà lại là những ngày ngừơi cảm thấy gần gũi cỏ cây hơn bao giờ hết. Mỗi sáng cho cây uống nước, người vui cùng từng chồi non mới nhú. Người trầm trồ khi thấy cây lớn nhanh như thổi, mới đó mà đã cao cả tấc. Người thuộc tính nết của từng loại cây, cùng reo vui khi cây hớn hở đón nắng đón gió, lo lắng khi thấy lá vàng, cành rơi. Người chiết cành, ươm từng chiếc lá, để rồi thấy không gì đẹp hơn, vui hơn khi những rễ trắng non tơ ngày một dài ra, cứng cáp. Vui khi cây đã sẵn sàng để bắt đầu một vòng đời trong sự yêu thương chăm sóc của người.
 
Khu rừng nhỏ trên ban công đã hình thành như thế. Một góc là sen đá đủ loại. - loài cây cực kỳ khó chăm, nhưng khi đã chăm được, sen đá sẽ lên đủ màu tuyệt đẹp, trổ những bông hoa như những ngôi sao xinh xắn để không phụ lòng người. Mỗi cái cây đã là một bông hoa nhỏ xíu mà chỉ khi cúi xuống thật sát, mới có thể thấy chúng đẹp nhường nào. Những cây cau đỏ, vàng, ngũ gia bì, trúc Nhật…đã gắn bó với người từ những ngày đầu về nơi ở, luôn rợp lá, xanh mứớt. Cây trên cao, cây dưới thấp, cây lá tròn xen lá dài, cây lửng lơ trên đầu. Không là rừng thì là gì ? Cây hoa giấy của mùa Tết trước, nay đã cao gấp đôi và trổ nhiều bông cách đây vài tháng. Ngừơi bàn tính với nhau rời ra nơi khác, mua cây khác về thay. Dường như cây “nghe” được những toan tính ấy nên lại liên tục trổ bông từ hôm đó. Những chùm hoa không còn dầy đặc sung mãn như trước, nhưng lại mang vẻ đẹp rất thanh thoát mềm mại. Tuần nào cũng vài chùm hồng, trắng…,đong đưa trong gió, làm mềm lan can kính. Và khiến người mềm lòng. Cây hoa giấy ở lại.
 
Mỗi mùa Tết về, ban công nhỏ lại thay hình đổi dạng. Mùa Tết năm trước, nơi này là một góc “ Vườn cổ tích” với nhiều loài hoa đủ sắc màu. Mùa Tết năm nay, chủ đề là “Rừng nhiệt đới” với LÁ là nhân vật chính, HOA chỉ điểm xuyết. Một vạt rừng nhỏ dần hình thành và phải 1-2 tuần nữa mới xong hẳn. Màu xanh của rừng, của lá như một lời cám ơn gửi tới Mẹ Thiên nhiên sau một năm đầy sóng gió vì dịch bệnh. Cám ơn Đời vẫn còn những mùa Tết - mùa Xuân, để Tâm được reo vui, để ngừơi được thả hồn cùng hoa lá và tạ ơn đất trời, dù chỉ là trên ban công hay trong những ngôi nhà bốn bề bê tông.
 
Mỗi tuần lại thêm một sắp đặt mới. Chùm dương xỉ có lá thật dài đủ làm mềm không gian. Vài ba chùm pháo, hai tuần trước là cành đào Nhật tân, tuần này là những nhánh đào Sakura và bình layon cùng violet Hà nội, những trái bưởi Diễn toả hương thơm ngát…., nhiêu đó cũng đủ làm nên góc Tết trong “ Rừng”. Nhiêu đó cũng đủ mang một Tết Hà nội về cho nơi lá sống, hoa cười.
 
Mỗi lần sắp đặt là mỗi lần vui. Chỗ này thêm hoa, chỗ kia thêm lá. Chỗ đó thêm bức phù điêu gỗ, thêm chân nến từ gốc cây kiểu “rừng rú”, chỗ nọ là nơi đặt con Hổ vàng - chào năm Nhâm Dần. Tạo ra một vạt rừng nho nhỏ, cho Hổ đỡ nhớ Rừng. Rồi sáng sáng ngồi bên chiếc bàn nhỏ giữa những lá cùng hoa, đốt lên một ngọn nến thơm mùi gỗ, mùi lá, tưởng như lại đang đựơc ngồi nghỉ chân trong những cánh rừng thu nơi Nam hay Bắc bán cầu năm nào. Chiều chiều ngả lưng trên chiếc thảm cói, ngửa mặt thấy lá, thấy Rừng, thấy trời xanh, mây trắng, thấy những đốm nắng nhảy trên những cây sen đá, nghe tiếng chim lóc chóc bên lan can “Rừng”.
 
Và cứ thế, người khoan thai đón Tết.
 
Đón Tết cũng như đón người thân. Trân trọng Tết, thì Tết sẽ mang Xuân tới, không chỉ trong Tâm mà còn trong từng góc nhà, góc phố. Tết không là ngày tháng, mà là cảm xúc trong mỗi người. Tết là hiện thực ta tặng cho ta. Là không gian trong nhà, là nơi ban công có vạt “rừng” nhỏ xíu. Tết là khoảnh khắc khi đi chợ hoa và mang Xuân về nhà. Là thời gian và công sức khi trang hoàng nhà cửa, tự tay tạo nên những “ Góc Tết”, những khoảng không gian thấm đẫm yêu thương mang hồn phách của mùa Xuân, của Thiên nhiên. Tết là nơi chốn cho mình tận hưởng từng giây đang sống.
 
Chỉ vậy thôi, Tết là một niềm vui. Đón Tết đi cùng người. Nhẹ như không

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh