TRẦN THÙY LINH 

Hè về Trên Những Cánh Hoa



(Ảnh: Trần Thùy Linh)

Tôi không thích mùa hè. Là người sinh ra vào mùa thu, tôi yêu không khí mát lạnh của những ngày đầu thu Hà nội, khi mà tháng chín ngấp nghé nơi ngưỡng cửa căn nhà có cái cầu thang gỗ cũ kỹ của bà ngọai; hay khi những cây bàng ở ngõ Trần Cao Vân, nơi tôi sinh ra, bắt đầu đổi màu lá, từ xanh sang vàng, rồi từ vàng sang đỏ, trông thật thích mắt. Chỉ cần nhắc tới từ „mùa hè“ là trong đầu tôi đã ong ong đầy tiếng ve kêu và màu hoa phượng chói chang đến nhức cả mắt. Hè làm cho người ta nóng nực, bức bối, cộng với những khói bụi, chen chúc, tình trạng chung của bất kỳ đô thị nào tại Việt nam, dễ làm cho người ta cáu kỉnh và chỉ muốn chạy trốn. Những chuyến đi trốn nóng vào mùa hè thường là hướng ra biển, hay đi lên núi, tìm sự mát mẻ cho những tâm hồn vốn bị căng thẳng kinh niên, lại bị bó chặt trong những khối bê tông với sự mát mẻ giả tạo và guồng quay nhàm chán hàng ngày. Nếu có tới một “ bê tông “ khác, chẳng qua cũng là điều bất đắc dĩ, hoặc vì công việc bắt buộc phải đi. Điều này đúng, ít nhất là đối với tôi. Ấy vậy mà trong những ngày đầu tháng Năm này, tự nhiên thấy hè như dịu lại, khi bắt gặp những cành hoa tím đung đưa trong gió, xen trong màu đỏ rực rỡ của phượng vỹ trên những con đường Hà nội.

Bằng lăng - dẫu không nổi tiếng là lòai hoa tượng trưng cho mùa hè như hoa phượng đỏ - nhưng lại mang một ý nghĩa thật đặc biệt đối với riêng tôi. Thửo còn học cấp hai, biết bao nhiêu trò chơi nghịch ngợm của bọn con gái và con trai trong khu tập thể nhà tôi ở đã diễn ra dưới những gốc bằng lăng tím. Và những buổi chiều chạng vạng, đứng từ trên tầng tư căn hộ của gia đình, tôi đã thấy những cánh hoa ngày một sẫm lại, cho tới khi chìm hẳn vào màn đêm đang buông xuống. Ngày đó, tôi đã hiểu, thế nào là chiều tím. Để rồi khi đi xa, trong những đêm nhớ nhà ỏ nơi xứ tuyết, gần như quanh năm không thấy ánh mặt trời, bỗng thèm quá những ngày hè khói bụi và chói chang, thèm quá những cành hoa tím, dập dờn từng chùm, đung đưa trước gió, thèm quá những cô bé, cậu bé, cãi nhau chí chóe dưới hàng bằng lăng hoa tím….

Với tôi, bằng lăng luôn là lòai hoa của miền ký ức. Có lẽ nhiều người Hà nội sẽ đồng ý với tôi; dù cho ngày nay, giống cây xuất xứ từ Ấn Độ và được du nhập vào Việt nam khỏang thế kỷ 18 này, đã được trồng ở khắp nơi và mọc nhiều cả trong những cánh rừng già Tây nguyên. Ở châu Âu, tôi cũng đã từng gặp lại bằng lăng …trong chậu. Xứ lạnh, bằng lăng trồng trong công viên chỉ mọc thành bụi và tuy cùng họ, nhưng là lọai khác và hoa thì có màu tím nhạt, hồng nhạt, trắng và cả đỏ. Thi thoảng cũng có những cây thân gỗ đựơc trồng trong công viên. Những cây bằng lăng tím ngát trời Hà nội hôm nay là bằng lăng nước (Giant Crape-myrtle/ Lagerströmia). Càng nắng mạnh, hoa càng đẹp rực rỡ. Cây bằng lăng không chỉ đơn thuần cho bóng mát và hoa đẹp, mà những chiếc lá lúc nào cũng láng bóng của chúng còn là vį thuốc chữa bệnh tiểu đường và bệnh dạ dày.
Bằng lăng gây ấn tượng nhất với tôi ở những chùm hoa. Hoa bằng lăng trồng ở Hà nội rất khác so với hoa bằng lăng tím nhạt ở Huế, Đà lạt hay ở rừng, cả về màu sắc lẫn cấu trúc cánh hoa. Bằng lăng Hà nội là một loài hoa cực kỳ duyên dáng, nó mang một màu tím pha hồng sậm, đôi khi gần như cánh sen, một màu đặc biệt mà bằng lăng ở những nơi khác ít có. Trong một chùm nụ, hoa nở từ từ từng bông. Sáu cánh hoa mỏng tang trong suốt như chứa đựng biết bao sương gió và nắng trời, như những chiếc lông chim cánh tròn, ôm ấp lấy nhụy hoa có những chiếc lông vàng long lanh như lông mi trên đôi mắt. Bông bằng lăng mới nở bao giờ cũng có màu tím đậm nhất. Chỉ khi bông hoa thứ hai vừa hé mắt, thì cái màu tím ở bông hoa chị em của nó bắt đầu nhạt phai. Và cứ thế, hoa kề hoa, tím đậm bên tím nhạt, kết thành một chùm. Nhành hoa bằng lăng luôn là một tuyệt tác của họa sĩ - Mẹ thiên nhiên- với đủ các sắc độ của một màu tím dịu ngọt, đủ làm nao lòng người. Cái màu tím ánh hồng ấy làm bằng lăng Hà nội rực rỡ mà không phô trương, dịu dàng mà không nhạt nhòa, có dấu ấn riêng và có sức lôi cuốn lạ kỳ. Những chùm hoa như những giọt mực tím tuổi học trò, cũng là những đôi mắt tím, thiết tha treo mình trên những cành lá xanh mềm mại, đau đáu dõi theo bước chân người đi.

Truyền thuyết kể rằng hoa bằng lăng tím là hiện thân của nàng công chúa út, xinh đẹp nhất trong 12 công chúa, con của Ngọc Hoàng. Cây bằng lăng được một chàng thư sinh vốn yêu màu tím mang về chăm sóc và mang lòng thương yêu, nên công chúa xin vua cha cho được xuống cõi trần làm người, sánh duyên cùng chàng. Vua cha không đồng ý, và công chúa bé nhỏ mãi mãi ẩn mình trong những nhánh bằng lăng, nhờ những cánh hoa tím lặng lẽ, dịu dàng nói hộ tình yêu son sắt thủy chung. Có phải vì thế mà những cánh hoa mang dáng hình những giọt nước mắt ? Có phải vì thế mà từng cánh hoa luôn gợn sóng, chẳng thể nào láng mịn như những lòai hoa khác? Và có phải vì thế, mà màu hoa phai dần theo năm tháng? Như nàng công chúa héo hắt nhớ người thương ?
Một chùm hoa chở theo biết bao cung bậc của cảm xúc qua muôn vàn sắc tím....

Xưa nay, Hà nội chỉ nổi tiếng với mùa thu và hoa sữa. Chưa ai nói Hà nội là thành phố của hoa bằng lăng, như cách người ta hay so sánh: Hải phòng -thành phố hoa phượng đỏ hay Đà lạt - xứ hoa anh đào. Với tôi, thành phố quê hương những ngày đầu hè tháng Năm 2013, là một Hà nội- thành phố của Bằng lăng. Một Hà nội tím màu thương nhớ.

....Ngày ấy, chợt thấy phố Hà nội dài theo những cành hoa tím miên man....

....Ngày ấy, chợt thấy lòng bình yên trong một tình yêu mang tên gọi Bằng lăng tím...

....Như người vừa tỉnh giấc, chợt thấy mình yêu một mùa....

Hè về trên những cánh hoa.

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh