TRẦN THÙY LINH
 

Hồi Sinh Từ Đống Tro Tàn


 

Đó là một bức họa được vẽ như trong cơn mộng du. Trong loạt tranh bán trừu tượng được vẽ năm 2010, tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc của mình khi đặt những nét cọ đầu tiên trên mặt bố và những nhát bay cuối cùng khi hoàn tất. Bức tranh thoạt đầu được đặt tên là Phoenix và dự kiến sẽ mang triển lãm cùng với những bức khác vẽ trong cùng thời gian đó. Nhưng rồi cuối cùng tôi đã đặt tên bức tranh là The dance/ Vũ điệu, và không mang đi triển lãm nào hết.

Thần thoại Ai Cập kể rằng Phoenix- Phượng hoàng là một loài chim thần thánh và linh thiêng. Việc chúng có thực sự tồn tại hay không, cho đến giờ vẫn là đề tài tranh cãi của biết bao nhà nghiên cứu. Người Ai cập cho rằng, chúng là một loài chim giống cò hay diệc, được họ gọi là chim Benu, một trong các biểu tượng thần thánh, thờ phụng tại Heliopolis gắn liền với Thần Mặt trời trong thần thoại Ai Cập. Truyền thuyết phương đông thì cho rằng Phượng hoàng( Phụng hoàng) là tên kép của một giống chim được thần thánh hóa, thuộc bộ tứ linh : Long, Lân, Qui, Phụng, trong đó con Phụng là con đực và con Hoàng là con mái. Trong những ngôi lều trên những sa mạc Ả rập xa xôi, hay ở Ai Cập, xứ sở của Kim tự tháp và những triều đại Pharaon huyền bí, cho tới nay vẫn lưu truyền huyền thoại về một loài chim thần thánh, sinh ra từ ngọn lửa rực cháy và có một vòng đời bất tử. Chuyện kể rằng cứ sau 1461 năm phiêu bạt, Phượng hoàng lại trở về quê hương Heliopolis mang theo điểm báo về một thời đại mới. Theo một truyền thuyết khác thì chim Phượng đã sống 972 kiếp người và cứ 500 hay 1000 năm một lần, nó lại trở về Heliopolis để hồi sinh.

Chim Phượng mang một bộ lông đỏ rực như ánh lửa và một cái đầu như được dát bằng những tia nắng mặt trời. Khi tới ngày kết thúc cuộc sống, Phượng hoàng bay về vùng sa mạc Ả Rập, tìm một cây cọ lớn nhất, cao nhất, và làm tổ suốt đêm. Những cọng quế, các cành lá thơm và nhựa của cây Myrre làm nên nơi trú ẩn cuối cùng của nó. Khi bình minh bắt đầu rải những tia nắng đầu tiên trên sa mạc, thì việc làm tổ cũng kết thúc và Phượng hoàng bắt đầu cất tiếng hát, những âm thanh da diết gọi Thần Mặt trời, những bài ca bất diệt thu hút thứ ánh sáng chói chang nhất trên vũ trụ, làm nên một vùng lửa rực sáng trên sa mạc mênh mông. Cả chiếc tổ và Chim Lửa bùng cháy ! Trong hương của quế, trong mùi thơm của thảo mộc quê hương, và trong đau đớn khôn cùng của ngọn lửa thiêu đốt, Phượng hoàng giã từ sự sống....

Nhưng cái chết luôn mang theo một khởi đầu mới. Sau ba ngày, từ đống tro tàn, một phượng hoàng mới ra đời. Rực rỡ, mạnh mẽ và không thể đánh bại. Phượng hoàng là biểu tượng của ngọn lửa, của sự hồi sinh và sự bất tử.

Ngày đó, cách đây năm năm, có một con Phượng hoàng hồi sinh trong tôi. Có một ngọn lửa của thần mặt trời vẫy gọi và thiêu cháy tâm can tôi; để một ngày và một đêm qua đi, và bức họa được hoàn thành. Tôi đã gần như ngất xỉu, kiệt sức, để có được một “Vũ điệu” Phượng hoàng dưới trăng. Trong đam mê, chim Lửa nhảy múa. Soi mình trên mặt nước lần cuối, để được tung cánh trên trời cao. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, chim Lửa về với thiên nhiên và cất cao tiếng hát. Tiếng hát giã từ những buồn đau, sóng gió, tiếng hát giã biệt Mặt trăng và gọi Thần Mặt trời.

Tôi luôn tin rằng sự hồi sanh và bất tử đã tiềm tàng ít nhiều trong bản chất mỗi con người. Câu hỏi chỉ là: họ có ý thức được điều đó và có đủ can đảm để lao vào lửa rồi đứng lên từ tro tàn như con phượng hoàng không? Những thứ vật chất lấp lánh như trăng, như nước, luôn cuốn hút họ, đưa họ vào những vũ điệu đam mê. Là những thứ mà họ nghĩ là có, thực ra lại là không. Những thứ tiềm tàng trong con người họ, là những thứ họ nghĩ là không, thực ra lại là có. Sắc sắc không không là thế.

Dẫu biết rằng, lửa Mặt trời rồi cũng sẽ thiêu đốt mọi thứ thành tro bụi, nhưng mấy ai có được hạnh phúc chết dưới ánh lửa Mặt trời như Phượng hoàng của tôi? Và mấy ai có được sự can đảm như Chim Lửa của tôi?

Để được hồi sinh. Từ đống tro tàn.

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh