TRẦN THÙY LINH


Nam Định
Những Ngôi Nhà Của Chúa
 
Ngày...
Chuyến đi về vùng phía đông nam châu thổ sông Hồng lần này quả thật có quá nhiều bất ngờ. Những con đường biển hoàn toàn khác những gì được nghe, đọc hay hình dung, trong đó Nam định là một trong những bất ngờ dễ chịu nhất. Trước kia Nam Định chưa bao giờ nằm trong danh sách những điểm đến ưa thích của tôi, dù trong thập niên 90 đã rất nhiều lần tôi dừng chân nơi đây. Khi ấy, dẫn những đoàn khách Đức chủ yếu ghé đền Trần chùa Tháp, rồi mau chóng tiếp tục hành trình về Ninh Bình hoặc ngược lên Hoà Bình, Nam Định nhạt nhoà trong bản đồ du lịch ngày ấy và cả bây giờ.
Chuyến phà đêm ngang sông Hồng từ Thái Bình qua Nam Định là một trải nghiệm đặc biệt ( sau mới biết đó là phà Cồn Nhất, sẽ viết sau trong một topic riêng). Chỉ biết rằng ấn tượng ban đầu là sự chỉn chu của những thị trấn nhỏ đã nghe danh mà giờ mới được đặt chân tới: Xuân Trường, Quất Lâm, Ngô Đồng... Chúng tôi chọn dừng chân tại Yên Định, một thị trấn nhỏ thuộc huyện Hải Hậu. Homestay là 3 ngôi nhà gỗ, kiểu ba gian hai chái đặc trưng Bắc bộ nằm giữa một vườn cây cảnh - cổ thụ. Có nhiều loại cây lần đầu tận mắt thấy như cây vam, cây dùng dành, cây kỳ đà leo có trái lúc lửu như trái bưởi trên cao....
Con phố ngắn nằm giữa trung tâm thị trấn có nhiều nhà cổ mái ngói nâu trầm kiểu nông thôn xưa, xen lẫn vài ngôi nhà kiến trúc thuộc địa hai tầng quét vôi vàng. Một dòng sông nước trong vắt uốn lượn từ phố, xuyên qua làng, chảy qua đồng, ra biển. Hai bên bờ luôn là thạch thảo tím và xuyến chi trắng nở rộ. Những nếp nhà một hoặc hai tầng dưới những bóng cây xanh mát. Đường sạch như lau như ly, hầu như nhà nào cũng có vài chậu cây để trước cửa, không kể khoảnh vườn xanh mát phía sau mỗi ngôi nhà. Có cái gì đó gợi cho tôi nhớ về những thị trấn nhỏ Âu châu tôi từng qua. Một cái gì đó êm đềm, bình yên, đang lặng cùng tôi sánh bước.
Hải Hậu là xứ đạo. Nơi đây nhà thờ nhiều vô kể, mỗi nhà thờ một kiểu, đẹp theo cách của riêng mình. Tôi chọn thăm bốn nhà thờ mà theo tôi là đặc trưng nhất : Hưng Nghĩa, Phạm Pháo, Quần Phương và nhà thờ đổ Hải Lý.
Dậy từ 4 giờ sáng, những mong có được những shot hình long lanh buổi bình minh về ngôi nhà thờ đổ mang tên “ Nhà thờ trái tim” đã đi vào phim ảnh và nổi như cồn trên mạng. Nào ngờ nhà thờ đổ trên bờ biển ấy là một nỗi thất vọng tràn trề. Không có đường tiếp cận, vì xung quanh nhà thờ được rào kín bởi hàng lưới mắt cáo cao ngất, dây chằng, cột đỡ chi chít xung quanh. Cũng có thể hiểu được vì trước nguy cơ xâm lấn của biển, phần phế tích còn lại của nhà thờ và tháp chuông có thể đổ bất cứ lúc nào. Nhưng điều không thể hiểu được là hàng chục loại hàng quán xây cất tạm bợ, nhếch nhác bao kín lấy nhà thờ. Không có cách gì chụp hình mà thóat khỏi những hàng quán ấy. Với tôi, nhà thờ đổ Hải lý là một ví dụ điển hình của việc tận thu di tích và quản lý di sản quá yếu kém, một kiểu “ăn xổi ở thì”, hậu quả di sản hay tài nguyên thiên nhiên tan tành là nhãn tiền. Nhưng thôi, đó sẽ là một đề tài khác mà tôi sẽ viết trong một bài riêng cùng những thí dụ tương tự tôi đã thấy qua những chuyến đi gần đây.
Hưng Nghĩa là một nhà thờ thường được ví như “lâu đài băng giá”. Kiến trúc Gotic mang cho nhà thờ có tuổi đời trăm năm, -mới được tu bổ lại gần đây - môt vẻ đẹp khá lạ tại vùng thôn quê Việt Nam. Tháng 8 năm 2001, sau 10 năm chuẩn bị kinh phí và vật liệu xây dựng ( tự đóng gạch, nung vôi, đóng ngói bê tông...), Cha chánh xứ Hưng Nghĩa là Giuse Phạm Khắc Thẩm tổ chức Thánh Lễ hạ giải ngôi nhà thờ cũ và xây dựng Nhà thờ hiện nay với chiều dài 76m, chiều rộng 24m, cao 23m, tháp chuông rộng 34m cao 57m.
Nhà thờ Phạm Pháo là một trong số ít nhà thờ cổ có nội thất làm bằng gỗ lim được bảo quản gần như nguyên vẹn với lối kiến trúc độc đáo. Nơi đây thuộc Quần Anh (Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định), là một trong 3 nơi truyền Đạo đầu tiên tại Việt Nam. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng vào năm 1670. Nhà thờ hiện nay được xây dựng từ năm 1895 tới 1905. Kiến trúc Nhà thờ Phạm pháo là sự pha trộn kiến trúc nhà thờ châu Âu và văn hoá bản địa rất rõ nét. Nội thất gỗ lim, toà thờ sơn son thếp vàng. Tháp Gotic mang nhiều hoạ tiết hoa búp Á đông. Trên hai cây tháp có hai quả chuông được đúc từ Pháp, lắp đặt vào năm 1920. Nghe nói rằng nhờ tỷ lệ vàng và đồng khác nhau nên tiếng chuông nhà thờ Phạm pháo du dương trầm bổng khác hẳn với tiếng chuông của 12 nhà thờ khác quanh vùng, khiến người nghe phân biệt được ngay.
Nhưng ấn tượng nhất với tôi lại là nhà thờ Quần Phương, được xây dựng từ 1928, hoàn thành 1941. Vẫn là màu vôi vàng thần thánh, là sự pha trộn tuyệt vời giữa Âu và Á, những tháp chuông, mái vòm kiểu Baroc, những lối vào và Fassade kiểu Romanic... hiếm gặp tại nhà thờ ở các nơi khác trên đất Việt. Đặc biệt là những bức tranh mosaic kính trên cao mang lại cho nhà thờ này vẻ đẹp vô cùng khác biệt.
Không thể đi hết hay viết hết, vì Nam Định có quá nhiều nhà thờ thuộc các giáo xứ khác nhau. Càng đi, càng thấy hiểu biết của mình về quê hương đất nước mình quá hạn hẹp. Càng thấy cần phải đi nhiều hơn nữa.
Và Nam định - không chỉ có nhà thờ....

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh