TRẦN THÙY LINH


Ngày 8/3

Ngày 8 tháng 3. Cái ngày mà phụ nữ Việt nam được tôn vinh hết mực, với những lời có cánh, với hoa, với quà và những lời kêu gọi cho nữ quyền “ đến hẹn lại lên”, vang trên những diễn đàn. Bình đẳng giới, bình đẳng giữa xã hội, có lẽ là những khái niệm vô cùng xa lạ với những phụ nữ nông thôn. Dẹp qua sự khác biệt vùng miền, giữa thành phố và nông thôn mà thời nào cũng có, lại thấy rằng những gì gọi là bình đẳng mới chỉ là sự hô hào, hoặc thực hiện ở bề nổi. Người ta dùng những so sánh trong công việc và vị thế xã hội giữa nam và nữ để chứng minh cho sự bình đẳng ngày nay. Này nhé: có rất nhiều phụ nữ giữ trọng trách cao, có rất nhiều nữ doanh nhân thành đạt giàu có, nhiều nữ khoa học gia thành công, nữ sinh viên ưu tú v.v và v.v. Hay người ta cũng hay lấy phạm trù bếp núc, gia đình ra để so sánh: Phụ nữ ngày nay được giải phóng rất nhiều rồi và đàn ông cũng ý thức hơn trong việc tôn trọng và giúp đỡ phụ nữ trong nhiều việc, không chỉ việc nhà.
Nhưng sao không có nhiều đề cập tới sự bình đẳng trong nhận thức/ ý thức hệ giữa nam và nữ nói riêng và giữa xã hội Việt Nam nói chung?
Những vấn đề trừu tượng thuộc về tư duy đó chính là cơ nguyên của sự bất bình đẳng mà ta luôn muốn xóa bỏ. Sự thông cảm với những lỡ lầm mà một người phụ nữ mắc phải – bất kể vô tình hay cố ý – vẫn luôn đi kèm với những quan điểm khắt khe, thừa phán xét qui chụp, mà thiếu bao dung, để dành cho người phụ nữ một sự “ giải thoát” thực sự. Đó là còn chưa đề cập tới những ứng xử thô bạo đủ mọi hình thức mà phụ nữ là đối tượng. Nói một cách khác, người phụ nữ, trong vòng vây của xã hội, thoát khỏi hiện trạng này thì lại sa vào hiện trạng khác, mà đôi khi thật khó lòng phân biệt cái nào xấu hơn cái nào.
Có biết bao thí dụ không thể kể hết trong cuộc sống hàng ngày quanh ta. Cái nhìn ngày nay dù đã nhiều cởi mở hơn với những cô gái mà xưa kia sẽ bị “ gọt đầu bôi vôi”, nhưng tôi cũng đã chứng kiến không biết bao thái độ, lời nói, hành động của cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ, bàn luận về họ đầy phán xét và ác cảm. Nhiều người vẫn tự cho mình quyền can thiệp vào cuộc đời người khác, trong khi vẫn rao giảng về bình quyền và bình đẳng mỗi ngày 8 tháng 3.
Ở không ít trường hợp, thái độ - tạm gọi là hận thù một cách vô lối - ấy đã làm cho cả cuộc đời của họ điêu đứng, đẩy họ vào những chọn lựa xấu. Là phụ nữ, chúng tôi vẫn thấy mình đang sống trong một xã hội nam quyền, bình đẳng hay giải phóng dưới góc độ ý thức hệ có lẽ vẫn ở thì tương lai tiếp diễn.
Người đàn ông khi làm một điều gì đó sai hay lệch chuẩn, luôn nhận được sự cảm thông: “ Đàn ông mà” hay “Vụng thế / Ong bướm thế/ Đơn giản thế/ Hung hãn thế …mới là đàn ông”. Lấy cái khác biệt về bản chất giới để biện minh cho những lệch chuẩn – trong rất nhiều trường hợp có cả lệch chuẩn về đạo đức – có là “chuẩn” không ? Rốt cục thì phụ nữ luôn là người có lỗi.
Có bầu trước khi cưới – gái hư. Tan vỡ gia đình – không biết giữ chồng. Mâu thuẫn gia đình – vợ không biết điều/con dâu lăng loàn. Không có con trai – không biết đẻ. Con hư – tại mẹ v.v và v.v. Những quan điểm như thế vẫn đang hiện hữu ngày ngày trong cuộc sống quanh ta, đang bào mòn những thân phận phụ nữ cả thành thị lẫn nông thôn.
Ngay cả trên những phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày, chúng ta vẫn nghe: Dù là phụ nữ, nhưng cô ấy/chị ấy vẫn đạt được cái này, làm được cái kia… "Dù là phụ nữ". Cụm từ ấy đã hiển thị cho hết tất cả những thí dụ nêu ở trên. Có thể gọi những tư duy như vậy là “bạo hành tinh thần” được không? Một cuộc bạo hành âm thầm, khoác một vỏ bọc đạo đức tinh vi và chỉn chu, núp trong số đông, đứng trong bóng tối, mà đôi khi chính những người phụ nữ, vì không nhận thức được, cũng tham gia. Giới nào thì cũng có người nọ người kia, và xã hội thì muôn hình vạn trạng, ai cũng hiểu điều đó. Chỉ thấy rất không ổn, khi người phụ nữ luôn luôn là “giới thấp hơn” trong nhận thức của số đông.
Gánh nặng làm người hoàn hảo luôn đè nặng lên vai người phụ nữ Việt. Là phụ nữ, bạn không thể là người xấu. Không được xấu! Những khiếm khuyết về hình thức, về tâm hồn, tri thức, nhận thức v.v… ở phái mạnh (có phải vì họ mạnh ?) vẫn luôn được xã hội chấp nhận dễ dàng. Nhưng ở phái yếu (hay là vì họ yếu hơn ? ) sẽ là những lỗi lầm khủng khiếp.
Nói tóm lại, đã chót sinh ra làm phụ nữ Việt, hãy làm siêu nhân. Mà đã là siêu nhân, cần gì giải phóng ? Sao phải xoắn lên thế?

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh