TRẦN THÙY LINH


Người Đi tìm Mùi Của Phố

 

Anh nhắm nghiền mắt khi máy bay vừa chạm bánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Và cứ ngồi như vậy, mặc cho xung quanh hết lao xao tới lặng như tờ, cho tới khi cô tiếp viên đến bên, khẽ chạm vào vai vì tưởng anh ngủ quên. Khoác ba lô lên vai anh bước ra cửa máy bay. Không có cầu ống, cái nóng đập thẳng ngay vào mặt. Một lần nữa, anh nhắm mắt lại. Trong tích tắc, mùi của nắng gió Sài gòn, cái mùi nồng nồng oi oi, từng đục ngầu bao giấc mơ của anh nơi xứ người, bủa vây xung quanh, khiến mọi tế bào thần kinh của anh dường như tê liệt, chỉduy nhất khứu giác còn hoạt động. Hít một hơi thật sâu, anh mở mắt, bước từng bước xuống bậc thang, chậm rãi đi vào bức màn oi nồng, như đang quay về ký ức.

Mười lăm năm, không phải là quá dài so với một đời người. Nhưng mười lăm năm là quá đủ để biến một cậu trai hơn hai mươi tuổi ngày nào thành một người đàn ông chững chạc trưởng thành. Trong suốt thời gian đó, thực ra anh cũng vài ba lần về quê hương. Nhưng lần nào cũng vội vàng, vội tới nỗi không thể tới những nơi thường tới, không thể nhớ những người xưa thường nhớ. Vội tới nỗi đánh rơi luôn nỗi nhớ lúc nào không hay. Những kỷ niệm dúi vội vào đâu đó trong bộn bề hiện tại. Và đương nhiên thôi, làm gì còn phân biệt nổi mùi của phố, của nhà, mùi của người nay và mùi của ngày xưa. Những lần trở về ấy luôn là những lần ngụp lặn trong một bình chân không khổng lồ, đầy màu sắc mà không mùi vị.

Nhưng lần này thì khác. Anh đã về nhà. Mười lăm năm ra đi để rồi kết thúc với một quyết định trở về. Mười lăm năm hoá ra lại là quá dài đối với những đổi thay của một thành phố. Anh ngỡ ngàng nhận ra thương xá Tax chỉ còn lại hình thù, nhiều tòa nhà cổ biến mất, trong đó có cả toà chung cư kiểu Pháp nơi anh đã trải qua tuổi ấu thơ đầy biến động. Bao phủ lên trung tâm thành phố là mùi xi măng, bê tông, mùi của sắt và kim loại. Nồng và hăng, mùi đậm đặc dưới ánh lửa hàn. Mùi của công trường hoà vào mùi của nắng không hiểu sao lại làm anh nhớ tới thằng bạn tuổi thơ, tóc hoe vàng lởm chởm, cũng có cái mùi y chang. Cái mùi ấy cũng làm anh nhớ lại khu bến cảng chứa container ở quận 4 ngày xưa, nhớ những trò quậy phá tuổi học trò khi trèo rào vào những công trường xây dựng hay cảng Ba Son. Mùi của ngày hôm nay bỗng tràn vào lồng ngực anh, nghẹn cứng. Lấn át và phủ đầy lên mọi cảm xúc của người đàn ông trung niên hôm nay là mùi vị của Sài gòn những ngày thơ bé. Là những trưa giang nắng và những chiều tắm mưa dưới vòm me trên đường Nguyễn Du, hay ở công viên Chi Lăng đối diện nhà. Vẫn nguyên vẹn cái mùi đăng đắng của mặt nhựa đường sau cái nắng chiều chói chang, ngùn ngụt bốc lên, đón nhận và hoà tan vào hương mưa tinh khiết, khi những hạt nước to tròn xối xả thả bong bóng trên mặt đường. Anh cũng đã từng ngửa mặt và nhắm mắt như bây giờ, những mong “cảm”được tận cùng mùi vị khi đất trời hoà hợp. Những lúc như thế anh thấy người nhẹ bỗng, như thể bay lượn được mãi trong “bầu trời’ đầy hương thơm ấy. Những hồi ức cũng đưa anh về với những chiều Sài gòn tháng mười hai mát dịu. Con đường đi học về tràn ngập mùi khoai lang nướng, chuối nướng, chuối chiên, thơm ngào ngạt. Tiếng cười con gái áo dài trắng, đầy mùi vô tư. Mới đó mà đã xưa lắc lơ như từthưở nào. Kể từ khi đi xa, hình như anh đã không còn biết nhắm mắt nữa. Lúc nào cũng phải tỉnh táo, luôn luôn phải giữ cho mình một cái đầu lạnh, vận dụng mọi giác quan, nhưng lại ít dùng khứu giác. Có phải khoa học đã chứng minh rằng, màu sắc hình thành qua phổ sóng điện từ của ánh sáng; âm thanh được đo bằng tần số; miêu tả vị giác cũng có nhiều khái niệm như: đắng, cay, ngọt, bùi, mặn, nhạt…. Nhưng còn khứu giác? Khái niệm nào để “đo” ngoài “hôi, thối, thơm”? Và mùi thì quan trọng gì với một nơi chốn?

Những cảm nhận đầu tiên về mùi của Sài gòn ngày trở lại, luôn trở đi trở lại trong anh, khiến anh phải bận tâm vào những ngày sau đó. Anh trở nên nhạy cảm hơn, hay nhắm mắt hơn. Anh có cảm giác rằng, hình như trước kia mình chưa từng biết ngửi. Hay nói đúng hơn là, đã đánh mất khả năng nhận biết mùi. Anh cũng nhận thấy, hầu hết những người xung quanh cũng chưa từng biết “ngửi”một cách đúng nghĩa. Anh tìm đọc mọi tài liệu liên quanvà ngỡ ngàng nhận ra rằng, đa số người không hề biết:mùi không chỉ tác động trực tiếp lên cơ thể, mà còn ảnh hưởng tới những quyết định và hành động của con người, do sự tác động của nó lên những tế bào thần kinh trong não bộ. Những phân tử của mùi đi qua mũi vào phổi và từ đó đi vào máu, lan toả ra toàn bộ cơ thể. Có thể tin được không, khi nói “mùi” thật quan trọng với cuộc đời con người? Khi con người ngưng thở - đồng nghĩa với việc khứu giác ngừng hoạt động – người ta sẽ chết. Anh chỉ biết rằng, mỗi ngày người ta hít thở tới 23.000 lần, và trong những lần ấy, bao nhiêu mùi và hương từ xung quanh đã đi vào cơ thể người? Chúng nằm đâu đó trong tiềm thức, - và đáng buồn thay - , người ta hững hờ, người ta cho qua; chỉ khoảng 20% được sử dụng mà thôi. Mà nếu không có ý thức, thì ngay cả 20% ấy sẽ vĩnh viễn nằm sâu trong ký ức.
Anh chợt lý giải được, tại sao anh mua chiếc TV Samsung hôm ấy, dù nó chưa hẳn là loại tối ưu nhất trong các lựa chọn. Rõ ràng là có một thứ mùi gì đó không định nghĩa được khi anh tới gần nó. Một cái gì đó gần như là quen thuộc, không thể định nghĩa, cứ lửng lơtrong không khí. Mãi sau này, anh mới phát hiện ra rằng,nó có mùi giống chiếc Ti vi cũ thời thơ ấu của anh. Ti vi mà cũng có mùi ư? Anh tin chắc như vậy. Cũng như anh luôn tin rằng, mùi của một đồ vật, một căn phòng, nhất là của một nơi chốn, có thể “nói” lên rất nhiều,mang lại cho con người rất nhiều hồi tưởng về cuộc đời họ, cũng như “kể” được rất nhiều về bản thân chúng. Cũng giống như mùi mưa, mùi nắng, mùi bụi, mùi gió, mùi sông, mùi cỏ cây, mùi của đồ ăn, mùi của cà phê quán cóc, mùi áo quần của người đi đường…, tất cả làm thành một thứ mùi mang tên quê hương, thành một thương hiệu gắn bó tự thân trong cuộc đời mỗi người. Dễ gì quên, dù không phải lúc nào cũng nhớ.

Vậy thì, Sài gòn có mùi gì? Có nhiều ngày anh lang thang trên những con đường, quận nhất, quận ba, quận tám, quận năm, Phú Nhuận, Tân Bình… Anh đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Có gì trong không khí nơi đây? Mùi gì đã nằm sâu trong tiềm thức của anh? Liệu có phải nó đã ảnh hưởng lên quyết định quay trở về của anh không? Anh đi tìm một bức chân dung của phố, không phải qua hình khối, màu sắc, âm thanh, hay tiếng động. Một chân dung không thấy mặt, mà vẫn đầy ắp phố, một chân dung mùi Sài gòn. Như đi đi tìm chân dung của chính mình.

Trong không khí và lồng ngực anh luôn tràn đầy một mùi hương sương ban mai, - trong lành, tinh khiết -, khi theo chân những người đàn bà đi chợ sớm hay thả bộ buổi sáng trong công viên Nhà thờ Đức Bà. Một mùi xưa cũ vẫn bốc lên rất rõ trong Toà nhà Bưu điện thành phố, trên bậc cầu thang các chung cư cũ, trong những cửa tiệm, quán cà phê trong đó, dù chúng hầu như đã được đổi mới hoàn toàn. Mùi tươi mới của rau quả, mùi tanh của tôm cá, mùi hoi hoi của thịt sống, mùi chua của măng, đậu hủ, mùi khét của đồ nướng…đậm đặc ngay trên đường phố, cho anh biết gần đó có một khu chợ hoặc vô số các nhà hàng. Đường Lê Thánh Tôn làm nơi mangmùi của biển, toả ra từ các tiệm bán đồ ăn Nhật. Trong khi những con đường Chợ Lớn lại đậm đặc mùi dầu chiên của các loại bánh, hay vịt quay, heo quay, phá lấu. Những con đường mới ven sông bên quận 2, quận 7, toát ra một mùi pha trộn của nhà cửa mới xây và mùi sông nước. Mùi trong những con hẻm quận 4 cũng thay đổi nhiều, nhưng thay đổi lớn nhất vẫn là mùi của kênh rạch Sài gòn. Những kênh nước đen ít hôi hơn xưa, dù vẫn chưa hết hẳn. Gió mang theo hơi nước ấm áp từ sông Sài gòn trải mùi phù sa trên những dòng kênh đang dần hồi sinh. Trong những toà cao ốc, anh nghe mùi của kính, của sơn, của thép, gợi lại những năm tháng hối hả nơi xứ người, giờ đã thành kỷ niệm. Mùi dầu thơm, mỹ phẩm, mùi dầu gội toát ra từ những mái tóc dài, ngắn của những cô nhân viên văn phòng trong thang máy lại khiến anh nhớ về mái tóc dài thơm hương xả hương chanh của mẹ, và cả những mối tình đã qua….

Càng đi thì anh càng biết rằng, thành phố sinh ra anh là một nơi kỳ lạ. Nếu ai tìm một chân dung phố - chân dung mùi của phố - nguyên chất, đồng nhất, hay tìm một từ duy nhất để định nghĩa về nó, chắc chắn người đó sẽ thất vọng. Đơn giản vì mùi của thành phố này cũng đa sắc, đa dạng và đa vị như chính nơi sinh ra và nuôi dưỡng nó. Một nơi mà phố có rất nhiều chân dung. Một tập hợp của thật nhiều hương ngày xưa và mùi ngày nay, làm nên một chân dung về mùi, không thể lẫn của Sài gòn.

Câu trả lời cho quyết định trở về của anh có lẽ không cần lời giải đáp. Chỉ biết rằng, anh đã về, đã ở Sài gòn. 

Mười lăm năm. Ra đi là để trở về .





  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh