TRẦN THÙY LINH


 PATAGONIA 


HỒ ARGENTINO 
 
Chiều hôm ấy, xe chạy vào vùng đồng cỏ mênh mông. Để tới được “ Miền cổ tích” - theo lời anh lái xe nói, chúng tôi sẽ chạy trên những con đường mòn của vùng đồi cỏ dọc theo hồ Argentino, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Argentina, thuộc vùng Pantagonia, có diện tích 1.415km2, độ sâu từ 300-1000m. Argentino cũng là hồ lớn thứ 3 ở Nam Mỹ. Đây cũng là “cửa ngõ” dẫn tới những dòng sông băng nổi tiếng thuộc Công viên Sông băng quốc gia (Los Glaciares Nationalpark).
 
Bầu trời chiều mùa thu Nam Mỹ đỏng đảnh và lạnh. Để tới được đây chúng tôi đã phải vượt qua con đường nhỏ đầy ổ gà và bùn, ngoằn nghèo, lầy lội, lúc thì dốc gần như dựng đứng, lúc lại như lao thẳng xuống vùng hồ kia. Chiếc xe hai cầu chuyên dụng kiểu xe Jeep nảy tưng tưng như món đồ chơi bằng nhựa, đơn độc lăn bánh như một con bọ cứng đầu lao tới vùng cỏ núi hun hút không có điểm dừng. Sau cả giờ đầy lạ lẫm như thế, giờ tôi đã ở đây, một điểm “Look-out” thuộc công viên sông băng quốc gia nổi tiếng. Rời xa con đừơng, tôi men theo sườn núi và dừng lại trên một mỏm đá cheo leo. Bầu trời không vàng, không xanh, mà sao vẫn thấy đủ sắc xanh sắc vàng. Mặt trời không hiện diện mà vẫn thấy những tia nắng luẩn quất đâu đây. Và gió. Gió đến rùng mình. Gió miền Nam trái đất như một con rắn ẩm ướt, len lén chui vào những lớp áo dày. Cái lạnh thấm từ từ, nhưng sự lạnh lẽo của cơn gió thì đi thẳng vào từng tế bào.
 
Cái rùng mình không phải vì lạnh. Chỉ là tôi không thể tin được rằng lại có lần thứ hai có cảm nhận như vậy, nhất là lại ở nơi xa lạ này, nhất là trong chuyến đi đầy phấn khích này. Làn gió như con rắn của quá khứ len lỏi dằng dai. Trước mặt tôi là không gian rộng mở, là vùng hồ Lago Argentino mênh mông, là đồng cỏ hun hút. Bỗng nhiên trào lên mong ước được lao mình xuống dứoi kia. Bay và chao mình như cánh chim lẻ loi giữa những mênh mông và hun hút. Bay và chỉ bay. Để đựơc tựa vào mênh mông.
 
Chân run bần bật, tôi cố gắng giữ cho mình đứng thẳng. Níu vào chiếc máy ảnh nặng trĩu trên cổ, tôi cố gắng chống chọi với quá khứ đang gào thét trong câm lặng :”nhảy đi, bay đi, giải thoát !“. Cơn đau đột ngột kéo tới, quặn thắt từ bao tử và trào lên lồng ngực, lên cuống họng, bỏng rát. Tôi lảo đảo, ngồi thụp xuống, bám lấy bụi cây dưới chân. Một mùi hương kỳ lạ lan nhanh trong không khí, ngập tràn khí quản, xua đi cái bỏng rát và nhấn chìm tôi trong dịu dàng. Bàn tay ẩm ứớt vì dầu cây Paramela, loài cây bụi của vùng đồng cỏ Patagonia thường được dùng làm thuốc, đặc biệt nhiều dầu và có mùi thơm đậm đặc hơn bạc hà.
 
Ở vào giây phút ấy, -khi đựơc hương bạc hà đưa trở lại hiện tại-, tôi chợt nhận ra rằng, quá khứ chưa bao giờ trôi qua. Thời gian làm dịu đi nhiều thứ, thời gian chữa lành nhiều vết thương. Nhưng vẫn có những nỗi đau như con quái vật, lâu lâu lại trở về khuấy đảo, ngay cả ở nơi quá đỗi bình yên và đẹp đẽ như ở vùng hồ này. Những chuyến đi liên miên giúp tôi quên đi điều đó, nhưng cũng luôn cho thấy rằng: Điểm tựa của tôi phải là chính mình, nếu không phải là mênh mông kia. Vẫn là nhảy, vẫn là bay, nhưng theo cách hoàn toàn khác.
Chặng đường tiếp theo chính xác là như thế. Tôi đã bay trong miền cổ tích...

Ở MIỀN CỔ TÍCH - MOUNT FRIAS
Trước chuyến đi, tôi cũng đã tìm hiểu về từng điểm đến, nhưng phải nói rằng, Argentina nói chung, và Patagonia nói riêng, đã gây cho tôi quá nhiều bất ngờ. Ngày trôi nhanh khủng khiếp với lượng hình ảnh và thông tin khổng lồ, tất nhiên cảm xúc cũng là không thể tả nổi luôn. Tất cả diễn ra như một giấc mơ, mà đôi khi tôi cứ phải tự níu lấy mình để trấn tĩnh. Breathtaking - đúng là nghẹt thở với những gì mà thiên nhiên Patagonia đang bày ra trước mắt, hơn cả những bộ phim trung thực nhất tôi từng xem trên Natgeo.
 
Tên gọi Patagonia bắt nguồn từ “patagon“, từ mà nhà thám hiểm Magellan đã dùng vào năm 1520 khi gặp những thổ dân cao lớn tại đây. Patagonia Desert & Steppe - Sa mạc và Thảo nguyên Patagonia, là vùng sa mạc lớn nhất Argentina, và lớn thứ 8 trên thế giới. Được hình thành từ khoảng 14 triệu năm trước, vùng Patagonia gồm bình nguyên, đồi núi, thung lũng, sa mạc, đồng cỏ, hẻm núi, cánh đồng băng, với tổng diện tích hơn 1 triệu km2, trải rộng cả hai quốc gia Argentina và Chile. Phần Patagonia trên lãnh thổ Argentina giáp với dãy Andes về phía Tây ( đây cũng là ranh giới chia đôi Patagonia và là biên giới giữa hai nước), phía đông giáp biển Atlantic. Nơi đây có tới 9 công viên quốc gia với rất nhiều kỳ quan độc nhất vô nhị. Đặc biệt nổi tiếng là ba dòng sông băng (Upsala, Onelli &Perito Moreno Glacier), những vùng hồ trên núi và rừng dẻ gai (Lenga) tuyệt đẹp thuộc khu bảo tồn Parque Nacional Los Glaciares ( Công viên quốc gia Sông băng).
 
Nhưng với tôi, khái niệm về một “Patagonia“ hầu như không liên quan gì tới những con số trên. Patagonia mang lại cho tôi cảm nhận về một vẻ đẹp cổ tích. Mới chỉ là ngày đầu tiên đã thấy mình lạc lối trong những sắc màu kỳ ảo. Tôi lại thấy mình quá may mắn khi vừa đựơc đắm mình trong rực rỡ bình minh hồng và hoàng hôn xanh bên vịnh Channel ở “Vùng đất của lửa” tại nơi tận cùng của lục địa Nam Mỹ, thì giờ đây lại được “bay” trong bao la thảo nguyên vàng và vùng rừng lá đỏ của miền đất huyền thoại. Những trang sách về cuộc thám hiểm vĩ đại của Magellan đang ở trước mắt, thật rõ ràng, thật sống động, trong màu cổ tích.
 
Nói về thảo nguyên hay sa mạc thì đúng là ở mỗi châu lục một khác, cũng là điều đương nhiên. Có lẽ cảm nhận đáng nói nhất khi bước đi trên đất Patagonia hôm nay là sự choáng ngợp. Choáng ngợp vì sự kỳ vỹ của bình nguyên và đồi núi. Choáng ngợp vì hương tinh dầu quá đặc biệt của những loại thảo mộc như Paramela ( một loại cây ra hoa vàng họ đậu), của cây Calafate và những loài cây bụi đặc trưng Patagonia. Màu vàng orche của những bụi cỏ roi ngựa ( Junellia) vào giữa thu, pha lẫn với màu xám xanh của những bụi Paramela và vô vàn loại không biết tên, làm cho vùng thảo nguyên nơi đây không giống bất kỳ nơi đâu. Đặc biệt là hình dáng của chúng. Những loại cỏ đa phần là cứng, mọc thành từng cụm tròn, san sát nhau xen lẫn đá, sỏi nhỏ và những bụi cây lá gai thô ráp - đặc trưng của loại cỏ cây sa mạc-, cứ thế hun hút tới tận chân trời. Chúng tôi gặp rất nhiều lạc đà không bướu ( Guanaco) đang kiếm ăn trên đường. Những con sóc đuôi dài, những con thỏ lớn chạy nhanh thoăn thoắt trên đồng cỏ, khiến tôi chẳng thể chụp nổi tấm hình. Bầu trời chiều thu không xanh, với những cơn gió lạnh từ biền thôi vào khiến đồng cỏ thêm màu huyền bí. Cả vùng đồng cỏ như bước ra từ bộ phim dã sử hay thám hiểm nào đó tôi từng xem. Trôi trong hoang sơ đến tận cùng như thế, đắm chìm trong hương hoang cỏ dại như thế, vẫn luôn là cảm giác thấy con ngừơi quá bé nhỏ trước thiên nhiên.
 
Nhưng, những rừng dẻ gai đang đổi màu lá mới thực sự là đỉnh cao của hôm nay. Cây dẻ gai (Lenga) có tên khoa học là Nothofagus pumilio là một trong ba loài Sồi Nam mỹ đặc trưng của vùng núi Andes và Patagonia, là những cây thay lá theo mùa, trong khi loại Sồi Magellan ( Guindo) mà tôi đã gặp trong những cánh rừng ở Tierra del Fiego lại là những cây thường xanh. Bên bờ hồ Roca và ở Vịnh Lapataia, Ushuaia một chiều giông gió, tôi đã đắm chìm trong sắc lá vàng dẻ gai và hoàng hôn hồng lộng lẫy trên đỉnh núi băng giá, những tưởng rằng không gì có thể hơn được thế. Nhưng không. Hôm nay chân bứơc trên những thân cây khô to lớn trắng xám giữa những bụi cỏ cháy và thảm lá đỏ, bỗng thấy như đang trong một khu rừng cổ tích. Miền hoang hoải của tôi hôm nay có đủ mọi cung bậc của cảm xúc mang màu đỏ, rung rinh trên nền trời thu xám. Cơ lẽ ở nơi vùng “Rừng tận cùng thế giới” như người ta thường nói này, mùa thu để lại dấu ấn đặc sắc nhất trong các mùa thu ở mọi châu lục. Không thể tả hết những tông màu từ cam đỏ tới tím mà Thu để lại nơi đây. Những tàng lá bay trong gió như bức tranh cổ tích đang rung rinh, mời gọi. Nhắm mắt lại, cũng chỉ thấy màu đỏ. Im lặng, lắng nghe, cũng là những thanh âm của màu đỏ. Nghe như tiếng vọng từ ngàn xưa của những thổ dân Tehuelche trong tiếng xào xạc lá hôm nay.
 
Có một mùa Thu Nam bán cầu đang theo tôi trên từng chặng của hành trình, đưa tôi từ chốn thần tiên nọ tới miền cổ tích nay. Mọi từ ngữ có lẽ đều là không đủ để diễn tả vẻ đẹp thiên đường ấy. Và dù cho rõ ràng là khung cảnh cứ hư hư thực thực như vậy trên từng cung đường, vậy mà chưa ở đâu mà tôi lại có thể lắng nghe được mình sâu đến thế.
 
Chiếc xe địa hình vẫn trồi lên sụt xuống trên con đường rừng đầy lỗ sâu hoắm, có lẽ rất ít xe qua lại. Cánh rừng nơi chúng tôi đi xuyên qua thuộc dãy núi Cerro Frias, có độ cao 1095m, nằm giữa thung lũng Anita, cũng là nơi có khu nghỉ Eolo tôi đã viết hôm trong nhật ký hôm trước. Thực ra dãy núi này gọi là đồi thì đúng hơn, vì so với rặng Torres del Paine, hay đỉnh Fritz Roy bao quanh thung lũng thì độ cao này chưa là gì. Nhưng dừng xe trên đỉnh và đứng giữa rừng Lenga lá đỏ mênh mông, bạn sẽ có cảm giác thật đặc biệt. Góc nhìn 360 độ, không chỉ cho thấy những đỉnh núi đã trở thành huyền thoại cùng chuyến thám hiểm của Magellan, mà còn thấy toàn bộ khung cảnh bao la của vùng hồ Argentino và thung lũng sông Centinela. Giá mà được ở đây lâu hơn nữa, để có thể dành hẳn một ngày đi trekk dọc theo con sông, xuyên qua những đồi lenga đỏ tím phía xa xa kia, hay đi xe đạp trong thung lũng ngang qua những trang trại nuôi bò, nuôi cừu đầy chất El gaucho hoang dã.
Tối mịt mới về tới khu trại bò ấm cúng mang tên Eolo. Và tôi biết rằng, ngày dù đã qua đi, nhưng miền cổ tích đỏ rực ấy sẽ mãi ở trong tâm trí tôi, không phai mờ.
 
Ngày mai, là chốn thiên đường nào đang chờ tôi?

THIÊN ĐƯỜNG BĂNG GIÁ
 
5g30 sáng, chúng tôi khởi hành. Bầu trời thu Nam bán cầu tối đen như mực, ấy vậy mà chỉ sau 45 phút, khi chúng tôi tới bến tàu, mặt trời đã nhô lên khỏi rặng núi bên hồ Argentino. Dãy đá nổi trên mặt hồ phản chiếu ánh sáng trong veo của buổi bình minh lấp lánh như vàng. Sẽ là một ngày tuyệt đẹp nữa, khi đích đến của chúng tôi hôm nay là những dòng sông băng.
 
Trên diện tích hơn 1 triệu km2 của Patagonia có tới hơn 300 dòng sông băng thuộc Công viên Sông Băng quốc gia Argentina ( Los Glaciares National Park) và Bernardo O‘ Higgins de Magallanes National Park của Chile. Riêng trong khu Công viên quốc gia này của Argentina đã có tới 7 dòng sông băng: Perito Moreno, Mayo, Spegazzini, Agassiz, Onelli, Ameghino và Upsala. Có rất nhiều tour để chiêm ngưỡng những dòng sông này như đi tàu, trekking, hiking, trựơt dây, đi bộ trên băng...Muốn thăm kỹ có lẽ phải ở đây ít nhất 1 tuần, nhưng thời gian luôn là thứ thiếu thốn nghiêm trọng trong những chuyến đi, nên chúng tôi chọn hành trình 2 ngày đi tàu, thăm 3 dòng sông băng Spegazzini, Upsala và Perito Moreno và một số đảo ở phía bắc.
 
Từ khoang cuối cùng của con tàu lớn, có thể chìm đắm trong khung cảnh bao la của mặt hồ xanh biếc với những rặng núi đang khoác màu áo Thu rực rỡ. Nhìn từ xa, những cánh rừng chỉ như những bụi cây, thảm rừng đỏ tía, xen lẫn những sừơn đồi cỏ màu vàng đất và những đỉnh núi phủ băng trắng xoá. Theo như lời người hướng dẫn của tàu thì mặt nước hồ Argentino có màu xanh đặc biệt là nhờ nước tan từ băng bên dìa của những dòng sông băng. Mặt nước xanh biển mang ánh xanh lá ( milky green hue) là đặc trưng ở mọi vùng hồ trên thế giới nơi có những cánh đồng băng, và Argentino cũng không là ngoại lệ. Những dòng sông băng đổ xuống hồ, mang theo một loại bụi “ bột đá” màu trắng đựơc hình thành trong quá trình bào mòn bề mặt núi khi chúng di chuyền. Số lựơng lớn bụi này hòa cùng nứơc băng tan chảy xuống và làm đổi sắc của nước hồ. Thiên nhiên thật diệu kỳ. Với những người luôn thích chơi cùng màu sắc như tôi thì Thiên nhiên quả là nguồn cảm hứng vô tận và là người thày tuyệt vời nhất. Tôi biết chắc rằng, cái sự chuyển sắc diệu kỳ từ lam sang lục đang diễn ra ngay trứơc mắt tôi kia, sẽ đi vào tiềm thức tôi, ở lại. Và một ngày nào đó, sẽ trồi lên trong tôi, qua tranh vẽ, tự nhiên như hơi thở. Còn bây giờ, thực sự chỉ muốn được đắm mình trong đó và tan ra trong cái hoà sắc kỳ ảo ấy.
 
Sông băng Spegazzini Glacier thuộc địa phận cả Argentina lẫn Chile. Nơi tàu chúng tôi có thể tiếp cận gần, là phần giữa của nhánh phía bắc hồ Argentino. Nhìn từ bản đồ trên cao thì hồ Argentino giống như một củ khoai lang khổng lồ có nhiều nhánh trên đầu, các nhánh ngăn cách nhau bằng những bán đảo lớn. Tàu chúng tôi đi vào một trong những nhánh phía Bắc có tên Brazo Norte để tới cánh đồng băng Spegazzini. Dù là một khu vực rộng lớn dài 66km và có đỉnh băng cao nhất bên phần Patagonia của Argentina (135m), nhưng phần giáp hồ lại chỉ là một phần nhỏ của cánh đồng băng này.
 
Nhưng với những người tới từ xứ nhiệt đới gió mùa như tôi, thì bầu trời xanh cao lồng lộng, sắc trắng ánh xanh đến ngỡ ngàng của băng, màu xanh lam-lục đặc biệt của nước, cũng đủ làm chúng tôi nghẹt thở. Ở cửa băng này, Spegazzini chỉ dài 17km, rộng 1,3km, chiều sâu tính từ chân khối băng dưới đáy biển là 150m, phận lộ trên mặt nước cao 50m. “Chưa là gì” bạn hướng dẫn vừa cười vừa nói. Nhưng để khởi động cho một ngày tuyệt đẹp thì cái “ chưa là gì” của bạn vẫn là điều tuyệt vời nhất với tôi, nhất là trong một sáng thu nắng vàng rực rỡ như thế này, vì ai cũng biết là khí hậu ở Patagonia vào mùa thu thất thường đến thế nào. Nếu như tôi chọn đi chuyến này vào mùa hè, thì làm sao có được những sắc màu huyền ảo như tôi đã và đang thấy ? Một lần nữa lại càng thấm thía câu “right time-right place “ là quan trọng như thế nào khi chọn điểm đến cho một hành trình.
 
Gió lồng lộng thổi trên những núi băng, gió lay động mặt nước hồ, mặc cái lạnh buốt da, mặc những ngón tay dần tê cóng ( nhiệt độ mùa thu của Patagonia ngày nắng vẫn là 4-6 độC), những tảng băng kỳ vỹ vẫn có sức hút không gì cưỡng nổi. Ngước lên cao, không chỉ thấy bầu trời, mà thấy cả một vùng băng trăng. Con người thật bé nhỏ trong khối trắng bao la ấy. Những tinh thể băng phản chiếu ánh sáng của mặt trời, lấp lánh như những khối kim cương khổng lồ. Ở nhiều hốc băng phát ra một thứ ánh sáng xanh lam huyền ảo. Từng tế bào rung theo nhịp của gió, theo lăn tăn của sóng, và lãng đãng trôi theo những tảng băng khi trắng khi xanh trên mặt nước. Từng tế bào cũng nhuốm màu lam, màu lục, màu kim cương, màu của rừng thu và của bầu trời cực nam trái đất. Muốn nổ tung.
 
Tôi đang ở đâu đây? Chốn thiên đường - Nirvana, Paradise, Vahala...- tất cả hôm nay đều mang tên THIÊN ĐƯỜNG BĂNG GIÁ.

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh