TRẦN THÙY LINH

 

Sài Gòn - Miền Yêu Thương

1.
Tại sao người ta luôn phải xách ba lô lên và đi ? Có trăm ngàn lý do để ra lên đường. Cụ thể hay mơ hồ, tiền nhiều hay tiền ít, đi dài hay đi ngắn, phấn khích hay chán chừơng; cái gì là điều để ta có một quyết định lên đừơng? Mong được đổi gió, đi thăm người thân, tìm vùng đất mới, tìm một niềm vui, quên đi quá khứ, vùi chôn bức bối, xoá tan nhọc nhằn....Chẳng thể nào đếm hết đựơc lý do loài ngừơi luôn ra đi như một định mệnh như vậy. Có ai ra đi để chỉ để nhớ về không? Ai đi để quên và ai đi để nhớ? Ai đi để tìm lại mình ngày nào đánh rơi?

Có một ngày, lẽ ra phải ở trong mùa đông thì lại thấy mình trong mùa hè ở vùng nam bán cầu. Ngửa mặt đón những tia nắng chói chang đầu tiên rọi xuống trái đất trong ngày đầu tiên của một năm mới, bỗng cồn cào nhớ. Một nỗi nhớ kỳ lạ mang màu trắng, xanh, đỏ, vàng, đen, xen kẽ. Màu vun vút trôi trên bầu trời cao xanh thẫm xứ người. Màu những ngôi nhà chật hẹp, lô xô ngang dọc không một trật tự. Màu của người xe cuồng nộ trong vòng quay tít mù của cuộc đời. Màu của hiện thực phố và màu của tưởng tượng ngừơi. Nếu không kịp trấn tĩnh, sẽ lập tức bị cuốn phăng theo dòng chuyển động không ngừng nghỉ ấy. Ít nhất thì cũng lửng lơ trên mặt đất trong một trạng thái không trọng lượng. Trong cái hỗn loạn của màu sắc và không gian như vậy, bỗng thấy le lói một mảng nhỏ xíu bình yên mang tên nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy cứ lớn dần lên, ngày càng nhiều màu sắc, ngày càng chồng chất không gian. Nỗi nhớ bỗng hóa thành gương mặt, hoá phố, hóa sông, hóa thành một cái kén khổng lồ. Cho ngừơi co ro nằm im trong đó, cố gắng để không đánh mất mình trong cái sự khổng lồ ấy. Có còn mình không mà giữ ? Có tìm lại được mình không mà giữ? Trạng thái co ro là thực hay hư? Thốt nhiên bừng tỉnh và chợt nhận ra lý do đã thôi thúc mình ra đi. Phố như rõ hơn và người như rõ hơn. Thấy le lói mình trong phố, trong người, mặc cho những mảng màu như từng khối ghép lại của một bánh xe, vẫn không ngừng quay trên bầu trời xa lạ. 
Ta đang ở đâu? Bên trong hay bên ngoài ?

2.
Bao năm tháng đã đi qua trên những con đường, con hẻm, dòng sông và những con kênh ấy. Người sinh ra, lớn lên, ở lại để không bao giờ đi, hay ra đi rồi lại để trở về; cũng có nhiều khi người không về nữa. Ngừơi- thành- phố chẳng mấy khi thắc mắc về điều đó. Ngừơi-thành-phố cứ sống, cứ làm, cứ ăn, cứ nhậu, cứ yêu. Vậy thôi. Cũng như, người-thành-phố chẳng mấy khi thắc mắc rằng, sao có nhiều người mới tới đây đến vậy. Ngừơi-mới hay thắc mắc, chứ ngừơi-thành-phố thì không. Người tới thì phố nhận. Vậy thôi. Ai có phận đó, chung nhau bầu trời phố, há chẳng thêm vui? Đất ngày một hẹp đi, phố ngày một nhỏ lại, nhưng người-thành-phố vẫn dang tay đón nhận. Người-mới dần thành người cũ, rồi cũng thành người-thành-phố như những người cũ hơn. Và dòng ngừơi mới hơn vẫn cứ ùn ùn đổ về, như một sự đương nhiên. Phố nhận hết: vàng, đỏ, xanh, đen, trắng. Thêm màu, thêm vui. Khác màu, thêm đa dạng. Người-mới dần rồi cũng đi đứng, ăn ở, nói năng, giống như ngừời-cũ. Người cũ thấy người-mới cũng ngồ ngộ, hay hay, và rồi cũng quen dần mới-cũ. Phố và người, lớn lên mỗi ngày. Chưa bao giờ phố thấy phiền lòng về gánh nặng sắc màu khác biệt ấy. Phố nơi đây không giống phố nơi khác. Là phố cho-phố nhận. Và người-cũ, người-mới hay người-mới-hơn ở đây cũng không giống những người nơi khác.

Nhưng, người-thành-phố cũng hay nói: “Coi vậy mà không phải vậy!” Người-thành-phố không gánh trên lưng sứ mạng phải đổi đời bằng mọi giá như người-đến-phố. Ngừời-đến-phố mang theo bao mơ ứơc, mang theo bao hăm hở, gánh theo bao kỳ vọng không chỉ của riêng mình mà đôi khi của cả gia đình, dòng họ. Kiểu gì thì cũng là tâm thái của ngừơi tới vùng đất lạ. Như người xách ba lô lên và đi trong một chuyến đi mà đích đến là điều đầu tiên đạt được trong cuộc hành trình, còn điều cam go nhất lại chính là : tiếp tục ra sao trong cái đích ấy. Mong khám phá, mong khẳng định, mong đẹp, mong giàu, mong thành công, mong nổi tiếng…, hàng triệu triệu mong ước ấy đã làm phố tưng bừng hơn, nhộn nhịp hơn, khoác cho phố cái áo năng động và đầy màu sắc. Người-thành-phố thường nhìn bao dung. Người-thành-phố mang tâm thái của người "rành sáu câu rồi ta ơi". Người-thành-phố tưng tửng làm, tưng tửng chơi và tưng tửng sống, cái gì cũng nhẹ như lông hồng. Ai nhận xét gì mặc ai. Makeno đi, tới bến đi, chuyện nhỏ mà. Nhưng, lại “Coi vậy mà không phải vậy”! Có bữa đi trên đường nghe kêu í ới sau lưng. Hóa ra là cái balô trên lưng quên chưa kéo khoá. Người phố nhắc xong, cười xoà rồi mất hút. Cái nón rơi trên đường thì y như rằng sẽ có người sau lượm giúp. Kệ cho ai nói rằng phố bất an, phố rình mò và cướp giật nhiều lắm, Người-thành-phố vẫn sống theo kiểu của mình. Còn người lạ, kêu vẫn cứ kêu.

3.
Sau những ngày đi xa trở về, lần nào cũng ngỡ ngàng trước muôn màu mặt phố, không khi nào giống nhau. Con người ta vốn hay coi thường những gì mình đang có. Chê phố mình và mơ phố người. Càng đi nhiều lại càng nghiệm ra rằng, những chyến đi không hẳn chỉ cho mình biết những điều mới mẻ về một thế giới hiện hữu bên ngoài, những điều mà mình chưa nghe, chưa biết. Những chuyến đi cho người cái nhìn sâu vào bên trong, hiểu rõ hơn về những gì mình đang có. Như chuyện người-mới, người-cũ, như chuyện phố cho-phố nhận hôm nay. Trong áng bụi mờ trần gian ngừơi khoác lên cho phố, lại thấy rõ hơn bao giờ hết, hồn xưa khí cũ trong từng viên gạch, trong từng bóng nắng trên ô cửa sổ và những bậc thang. Lại rưng rưng trước những không gian đẫm hồn người-thành-phố trong những con hẻm yên tĩnh đến không ngờ, giữa những mới-cũ đan xen. Vẫn ngạc nhiên quá, về cái sự cho và nhận nơi ngừơi thành phố. Xách ba lô xa phố vài ngày thôi, đã thấy bao xô bồ của phố bỗng lùi về quá khứ. Xách ba lô xa người vài tháng thôi, đã thấy vòng xoáy kia chìm dần và mình dừơng như được nâng lên, bằng những sắc màu hôm nay và cả tổ kén hôm nào. Phố vẫn dài vô tận với những người luôn mang theo hồn phố. Cũng như không gì thay thế được tình người mà phố luôn mang.

Lấy lại cảm giác được đi bằng chính đôi chân của mình qua những chuyến đi. Hiểu được về phố cho-phố nhận nhờ những lần xa phố, xa người. Bôn ba năm châu bốn biển mãi, để rồi chợt nhận ra rằng, nơi mình NHẬN nhiều nhất, nơi CHO mình nhiều nhất, chính là nơi mà từ đó mình đã ra đi.

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh