TRẦN THÙY LINH


Tản Mạn Cho Người

1. Ngày 8.3, tôi hay nghĩ về những người phụ nữ; nhất là về những người hầu như không bao giờ biết 8.3 là ngày gì, những người phụ nữ vô danh tôi hay gặp trên con đường phiêu bạt của mình. Họ sống lặng lẽ, dồn hết cuộc đời mình cho gia đình như chuyện đương nhiên, theo nếp nghĩ ngàn đời của người Việt. Tự nhiên thấy có gì đó xót xa cho phận nữ nhi nơi miền sơn cước, vùng lúa chiêm nước mặn, hay sâu trong bưng biền hoang vu cỏ dại. Những gương mặt già trước tuổi, những nếp nhăn hằn sâu, đôi bàn tay gầy guộc hay gân guốc, tất cả những xấu xí ấy lại gây ấn tượng mạnh nhất nơi tôi. Cho dù sống trong hoàn cảnh nào, ở họ đều toát lên một sự hồn nhiên, vô tư lự như cỏ, như cây, khiến tôi luôn ngưỡng mộ, đôi khi pha chút thèm muốn. Đích đến của cuộc đời là gì, nếu như không được sống thật, sống đúng và sống vui với chính con người mình ? So sánh có thể là khiên cưỡng, nhưng dường như phụ nữ thành thị đã khoác lên mình quá nhiều lớp áo, quá nhiều vỏ bọc. Quá hoàn hảo, để rồi mắc kẹt trong hào quang của một thế giới danh tiếng, vật chất, nhiều lời tụng ca, mà thiếu đi sự cảm thông tận đáy lòng. Tất nhiên không phải phụ nữ nào cũng vậy. Và cũng không phải phụ nữ nông thôn nào cũng vô tư sống đựơc như nhiền ngừơi tôi đã gặp,Nhưng dường như, không có nhiều phụ nữ dành thời gian để suy nghĩ về chính mình, cho mình; nói gì tới việc dám đối mặt với những vấn đề đang chất chồng xung quanh thân phận mình. Xét về những áp lực và tư duy giữa phụ nữ nông thôn và thành thị, nhiều khi thấy thực sự băn khoăn, không biết thế nào là hay, là dở. Nhưng, không vậy, đâu còn là cuộc sống, phải không ? Chuyện gì thì rồi cũng sẽ qua và nam hay nữ thì mỗi ngừơi cũng chỉ có một đời để sống. Vậy nên, quyết định là hoàn toàn cá nhân, và không ai nói hay hơn ai được. 


2. Buổi chiều lang thang trên đèo Mimosa Đà Lạt, không có gì đặc biệt, mà làm tôi nhớ mãi. Nhớ cái ráng chiều làm con đường mòn nổi bật lên trên nền núi rừng màu xanh lam, lâu lâu lại lóe lên một tia nắng muộn. Bóng một phụ nữ nón lá, khăn quàng, khẩu trang kín mít thấp thoáng sau vạt cỏ dại. Thấy tôi đeo máy ảnh, chị chỉ tay ra hiệu về phía những ruộng atiso đang trổ bông. Và chiều hôm ấy, tôi có dịp trò chuyện với cả gia đình chị. Hóa ra người phụ nữ (có khi còn ít tuổi hơn tôi) đã là bà nội của một bé gái xinh xắn. Hai vợ chồng người con trai mau miệng kể cho tôi nghe đủ chuyện xoay quanh ruộng atiso của gia đình. Tôi chụp hình bé gái ngây thơ trong trẻo, người mẹ trẻ có gương mặt sáng, và người bà nội gương mặt xạm đen có nụ cười hồn hậu. Tôi chụp những bông atiso ngược nắng -những mặt trời bé con, có những cái cánh cứng cỏi luôn xòe rộn, vươn lên từ đất đỏ, những bông atiso già chuyển dần sang tím, đằm thắm, mượt mà. Buổi chiều xanh lam ấy cứ theo tôi mãi không thôi.
 

3. Tôi lại nhớ tới những bức tranh mình đã vẽ về phận ngừơi. Những phụ nữ đứng trong đầm sen, những phụ nữ giữa cỏ cây hoa lá... Có bức tranh mang màu đêm xanh thẳm và thấp thoáng bóng gái quê ngơ ngác. Thấp thoáng đèn, thấp thoáng phố, thấp thoáng đời, thấp thoáng đam mê. Và đâu đó là vị đắng sóng sánh trong giọt cà phê ở nơi có phố và có sông. Có triệu triệu phận người li ti trong một tổ kiến khổng lồ. Có một rừng nhà thấp nhà cao trong nhằng nhịt phố, trong lung bùng hẻm, và muôn vàn âm sắc. Bỗng thấy chơi vơi, bỗng thấy như:

“Rót đêm non nửa môi cười,
Một mời xa vắng 
Một người một ta….” 
( Thơ Nguyễn Đăng Khoa)

8.3 - Cho ai??






 
  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh