TRẦN THÙY LINH

 

Theo Dấu Chân  DARWIN
( Trích ARGENTINA - Nhật ký lữ hành )

 

Ngày tôi còn nhỏ, nhà chẳng có gì ngoài sách. Nhờ sách, tôi đã biết rằng ở nơi cực nam của trái đất có những miền băng giá vượt ngoài mọi trí tưởng tượng của một đứa trẻ, có những con chim cánh cụt, loài cá voi, cá heo, sư tử biển và vô vàn những động vật mà người ở miền nhiệt đới chẳng thể biết mặt biết tên. Dẫu sau này, khi lớn lên, biết rằng thuyết tiến hoá của Darwin bị xem xét lại và các nhà khoa học không thể thống nhất trong một quan điểm nào, nhưng với tôi, hành trình trong những cuốn sách ấy đã mở ra một chân trời mới, khơi lên mọi giấc mơ mà một đứa trẻ có thể có và kích thích khát khao tìm hiểu thế giới một cách ghê gớm.

Nhưng, ngay cả trong những giấc mơ ngày ấy, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày mình đặt chân tới đó, đựơc đi một đoạn trên hành trình mà con tàu HMS Beagle dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Robert Fritzroy đã đưa nhà bác học trẻ tuổi Darwin đi. Năm 1833, con tàu ấy đã đưa ông đến vùng eo biển có thành phố Ushuai nằm bên bờ bắc. Và hôm nay tàu chúng tôi cũng nhổ neo đi vào vùng kênh biển mang tên con tàu của Darwin - Beagle Chanel.

Kênh Beagle dài khoảng 240km và khá hẹp (chỗ rộng nhất khoảng 5km), là một trong ba hải trình nối liền Đại Tây dương với Thái Bình Dương. Con kênh này tách chuỗi đảo phía Bắc của Tiera del Fuego thuộc Argentina ra khỏi những đảo phía Nam thuộc Chile, tại một trong những vùng biển quan trọng nhất của lục địa Nam Mỹ. Tàu chúng tôi rời bến hướng về phía tây nam nơi có những hòn đảo mang những cái tên đầy lạ lẫm: Alicia, Bridges Island, Les Eclaireurs….Khi quyết định đến đây vào mùa thu tôi đã biết mình sẽ bỏ lỡ một thứ rất quan trọng của vùng này: Những con chim cánh cụt. Biết làm sao được, cuộc đời luôn luôn là những lựa chọn và quyết định mà. Biết hài lòng với những quyết định của mình và không “than thân trách phận” cũng là một thái độ cần thiết không chỉ trong cuộc sống nói chung mà cả trong những chuyến đi nói riêng. Có cái gì đó rất dễ thương trong giọng của Parmela, khi cô nói:” Mùa này thì Penguins đi trú đông rồi, chúng sẽ trở về nhà khi hè tới”. Thế là tôi lại có lý do để quay lại, mà có khi đi tới Nam cực luôn, để xem những chú Penguins lắc lư người trên băng và ấp trứng như thế nào.

Nghĩ vậy, nên tôi cảm thấy mình vẫn đang tận hưởng từng phút giây trong cái giá lạnh-không-dễ-gì-mua-được của vùng biển xứ cực nam trái đất. Ấy là nói cho văn hoa vậy thôi, chứ nào có ra được bong tàu, khi những cơn gió sẵn sàng thổi tung người, cho bay tới tận Chile luôn. Từ cửa sổ của khoang tàu có thể thấy những rặng núi băng vây quanh kênh Beagle. Những con ó biển, mòng biển thả sức bay lượn, càng lúc càng nhiều khi tàu tiến sâu vào vùng biển phẳng lặng. Trên những hòn đảo ngoài kia, có thế giới nào đang đón chờ? Cảm xúc thật khó phân định khi biết rằng, cách đây hàng thế kỷ, con tàu Beagle cũng đã từng đi trên hải trình hôm nay. Chàng trai trẻ Darwin của ngày ấy cũng đã trải qua những giây phút hồi hộp, háo hức như chúng tôi của ngày hôm nay trước một chân trời mới lạ.

Cuối cùng thì Alicia Island – Đảo sư tử biển đã hiện ra trước mắt. Lúc này thì mặc cho gió làm tay tê cứng, tai và mũi lạnh cóng, những chú sư tử biển vẫn là ưu tiên số một. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy sư tử biển ở cự ly gần tới vậy. Những chú sư tử biển Nam Mỹ hay còn gọi là Sư tử biển Patagonia, sư tử biển phương nam (để phân biệt với Sư tử biển California hay Galapagos) là loài duy nhất của giống Otaria, như Parmela giải thích. Trước khi đi, tôi cũng đã xem nhiều clip và ảnh loài sư tử biển, nhưng khi thấy chúng to lớn dềnh dàng ngoài kia, trên hòn đảo đá, nằm chồng chất lên nhau, thì cảm xúc lại khác hẳn. Màu nâu đất, màu cam, màu kem, màu sô cô la đen bóng… hình như không có sắc nào của tông nâu mà chúng không có. Những chóp lông ở mũi khiến chúng nhìn rất hiền và ngộ nghĩnh. Những con sư tử biển thuộc loài đa thê. Mùa giao phối của chúng diễn ra từ tháng 8 tới tháng 12 để từ tháng 12 tới tháng 2 thì sư tử biển con chào đời. Sư tử biển Nam Mỹ có thể dài tới hơn 2m (con đực) và hơn 1.5m ( con cái), phân biệt đực và cái nhờ phần lông dày hơn tạo thành nếp gấp như cái bờm sư tử quanh cổ con đực. Có lý, nếu không thì ai gọi chúng là sư tử biển làm gì?

Tôi rất thích thú khi được biết, những thổ dân Yamana xưa kia đã dùng mỡ sư tử biển như một thứ dầu để bôi lên da nhằm tăng khả năng chống chọi với khí hậu khắc nghiệt miền cực nam thế giới. Người ta phỏng đoán rằng đó có thể là nguyên nhân khiến nhiệt độ cơ thể của người Yamana cao hơn 1 độ so với người ngày nay. Trước mắt tôi, đàn sư tử biển dễ đến hàng trăm con nằm la liệt trên những phiến đá phủ rêu xanh, bên những con hải âu, cốc đá (cormorans), vịt biển… chẳng cần đếm xỉa đến đám người và chiếc tàu đang chạy lòng vòng xung quanh. Lâu lâu lại nghe vài tiếng gầm vang lên như sấm. Đó là tiếng chúng gọi bầy. Một con đực có vẻ như vừa hoàn tất vòng kiếm cá dưới biển (hay chỉ là đi tắm cho mát?). Sau khi bơi như cá heo trong nước, nó di chuyển bằng bốn chân, cũng là bốn cái vây xoè ra như những cái bơi chèo, leo từng bước qua từng tảng đá về phía “Harem” của nó. Có vẻ như nơi ấy nó đã đánh dấu lãnh thổ và sẵn sàng bảo vệ hàng chục “bà vợ” cùng đàn con khỏi những kẻ không mời mà tới. Phía cuối đảo, nguyên một bầy mẹ ngồi ngỏng cổ nhìn trời; bầy con thì liên tục ngó ngang ngó dọc, lâu lâu mấy con sư tử biển con lại lấy chân sau gãi mũi khiến tôi không nhịn được cười. Bộ sưu tập ảnh “Thú hoang gãi mũi” của tôi trải dài từ Á châu, Úc châu sang Phi châu, với đủ các loài chim, loài thú đang trong những động tác “ khó đỡ”, giờ đã được bổ sung thêm những tấm hình “gãi mũi” đặc sắc của loài sư tử biển Nam Mỹ.

Chúng tôi đi qua đảo Les Eclaireurs nơi có ngọn hải đăng từng là biểu tượng của nơi tận cùng thế giới, Đảo Los Pajaros (đảo chim) và nhiều đảo nhỏ khác. Đảo nào cũng có hàng trăm con chim biển đủ loài trú ngụ và bay lượn trên bầu trời. Nhiều nhất là những con cốc đá (Cormorans) hai màu đen trắng. Parmela nói các loài chim cốc phân biệt với nhau qua màu lông ở thân, đầu và cả màu mắt và màu chân như chân vịt của chúng. Nhìn thoáng qua thì những con cốc này khá giống với chim cánh cụt vì bụng và cổ chúng màu trắng và chúng cũng đứng hai chân trên những tảng đá trên biển. Đẹp nhất là cốc mắt lục, có cặp mắt xanh biếc của biển cả. Vào mùa xuân là mùa sinh sản, hàng nghìn con cốc đá bay từ khắp nơi về vùng duyên hải Patagonia của Argentina và Chile làm tổ và đẻ trứng tạo ra một cảnh tượng không gì sánh nổi dọc theo các bãi biển.

Hệ sinh thái biển ở Argentina được đánh giá là một trong những hệ sinh thái biển trù phú và có năng lực sinh sản lớn nhất hành tinh. Chính phủ Argentina cũng có nhiều nỗ lực cùng các Hiệp hội bảo tồn đời sống hoang dã trong nước và quốc tế nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển, trời và đời sống hoang dã của động vật tại Patagonia. Tại tỉnh Chubut thuộc Patagonia, người ta đã lập một khu bảo tồn chim Cánh cụt Nam Mỹ (Magellanic Penguins) gồm hơn 600km2 diện tích ven biển và những đảo lân cận trong khoảng 160km bờ biển. Đây là nơi làm tổ và sinh sản cho ¼ triệu con chim cánh cụt, chiếm khoảng 25% tổng số chim cánh cụt hiện có tại Patagonia. Tại Tierra del Fuego cũng có những trung tâm bảo tồn đời sống hoang dã tương tự. Cũng giống như ở khu bảo tồn động vật hoang dã Serengeti, Tanzania, cuộc sống của những đàn thú trong rừng, trên trời hay dưới biển, dẫu không thể không biến động theo năm tháng nhưng vẫn tuân theo qui luật của thiên nhiên, của Tạo hoá khi được gìn giữ, được tôn trọng. Giữ gìn môi trường sinh sống của thú, cũng chính là giữ gìn môi trường sinh sống cho Người. Vậy mà không phải ở đâu con người cũng ý thức được điều đó. Nhiều khi những tiếng lanh canh của tiền đã át đi những tiếng kêu cứu của các loài thú hoang.

Tháp tùng chúng tôi trong suốt hành trình trên kênh Beagle, là những đàn chim. Những dãy núi băng khi mờ mờ gần như biến mất dưới làn sương mù và mưa, khi lại hiện lên rõ hơn bao giờ hết dưới nắng mặt trời. Sóng đánh sau đuôi tàu tạo ra những chuyển động nước theo những đường cong khả ái trong một khung cảnh khó quên. Tôi quên hết gió lạnh, mưa bay, đứng ở bong sau của tàu mà ngờ như mình đang được chắp cánh cùng đàn chim kia. Những núi băng lùi dần lại phía xa, như mọi băng giá của cuộc đời cũng đang lùi lại phía sau, ngày một xa. Để cánh chim được chắp cánh bay cao hơn, xa hơn. Bay về phía mặt trời. Hành trình du thuyền của chúng tôi trên kênh Beagle mỗi lúc một trở nên thú vị hơn.

 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh