TRẦN THÙY LINH


Từ Thiện Mùa Trung Thu
Tản mạn


Mỗi năm vào mùa Tết Trung Thu, những hoạt động thiện nguyện diễn ra khắp nơi trên cả nước. Không chỉ các cơ quan đoàn thể, mà còn rất nhiều các tổ chức cá nhân, những nhóm bạn đều có những hành động thiết thực, trích quỹ hay kêu gọi quyên góp tặng quà hoặc tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em nghèo, nhất là trẻ em ở các vùng sâu vùng xa. Dù cho không phải ai cũng có thể tham gia vào những hoạt động thiện nguyện, nhưng nhìn chung, người Việt ở đâu và vào vào thời nào cũng sống theo tinh thần “ lá lành đùm lá rách” như vậy. Bao mùa Trung thu đã qua, và ta cũng đã luôn làm hết sức mình có thể để mong mang lại một niềm vui nhỏ nhoi cho những cảnh đời kém may mắn hơn mình. Nhưng dường như vẫn còn điều gì đó thật khó nói, thành sự lấn cấn khi ta làm từ thiện.

Còn nhớ mùa Trung thu 2012, chúng tôi đi phát quà cho trẻ em và những gia đình nghèo huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đi bằng xe máy và bằng ghe, tới những cù lao rợp bóng cây ăn trái. Chiều dần buông, khi chúng tôi đi sâu vào trong ấp. Ngôi nhà của ba chị em mà người trẻ nhất cũng đã hơn 50 tuổi, không lợp bằng lá, mà bằng giấy báo. Nắng chiều rơi rớt, xuyên qua những lỗ lá trên mái dọi xuống chiếc giường tre op ẹp. Căn nhà của ba người đàn bà cô độc chợt như sáng lên khi bắt gặp một nhánh trầu bà, tuơi non, mơn mởn, trên cái cửa sổ „báo“ nhỏ xíu ngăn giữa hai phòng. Trước thềm một căn nhá là lụp xụp khác, hai ông bà già ngồi nghe cải lương và uống trà. Họ nói rằng, con cái cũng nghèo và đã ở riêng, có mảnh vườn hai ông bà nương nhau sống qua ngày, sáng sáng trồng rau, nuôi gà, có gì ăn nấy, chiều nghe cải lương, tối đi ngủ sớm. Những bao gạo và chút tiền chúng tôi quyên góp để biếu họ liệu sẽ đủ cho cuộc sống trong bao lâu ? Niềm vui thoát khỏi mối lo cơm áo gạo tiền có kéo dài tới mùa Trung Thu sau không? Hay cái nghèo vẫn sẽ như cái bóng, đeo bám mãi theo số phận của họ?

Những em bé nghèo khó nơi miền quê ấy cũng đã có một Trung thu thật ấn tượng (có khi còn hơn nhiều trẻ em thành phố khác). Các em được dự tiệc, được rước đèn, chơi trò chơi, được nhận quà, được ăn một loại bánh mà các em chưa từng thấy trên đời mang tên gọi Bánh Trung Thu. Và đêm rằm năm ấy hẳn sẽ là đề tài trong câu chuyện của các em và cả xã trong một thời gian dài. Thế rồi, mọi chuyện sẽ quay lại từ đầu. Hẳn rằng từ đây các em sẽ phấp phỏng mỗi độ Trung thu về, không biết năm nay sẽ có gì và liệu hương vị ngọt ngào của bánh Trung Thu có trở lại hay không? Những câu hỏi ấy sẽ mãi là những câu hỏi, vì sẽ không ai trả lời các em được. Chúng tôi lại đang bận rộn trong một mùa Trung thu mới, tới một vùng đất mới để giúp những người nghèo khác, gieo niềm hy vọng và niềm vui nơi những em bé khác. Hương vị của bánh Trung Thu sẽ mãi ra đi từ đêm Rằm năm ấy. Có bao giờ ta băn khoăn rằng, ta mang tới cho các em niềm vui vào mùa Trung thu này, cũng đồng thời là những mong chờ, và rất có thể, là nỗi thất vọng trong những mùa sau. Khi ta một đi không trở lại nữa.

Đôi khi tôi tự hỏi: Ta đang làm gì vậy? Thế giới bao la và sức người có hạn, liệu chúng ta đã giúp họ đúng cách chưa ? Những đồng tiền ta khó nhọc kiếm ra và sẵn lòng san sẻ với người khác, nhằm mục đích gì? Tôi biết có nhiều người cúng chùa hay giúp đỡ người nghèo chỉ để lương tâm mình được yên ổn. Cũng có những người làm từ thiện với tiêu chí: “để có phước” hay “ để phước đức cho con”. Vậy mới hiểu ra rằng, giúp người thật khó. Làm từ thiện là một hành động xuất phát từ nhiều thứ, đòi hỏi nhiều thứ, hơn là chỉ dựa trên lòng trắc ẩn và có khả năng về mặt tài chính. Từ thiện đòi hỏi sự quan tâm thực sự. Tôi có một người bạn chỉ là công nhân viên nhà nước, chi không có nhiểu tiền. Những lần tôi kêu gọi quyên góp cho trẻ em nghèo mùa Trung Thu, chị chỉ có thể đóng góp được hai cái bánh. Nhưng Trung thu năm nào chị cũng ghé một mái ấm nuôi trẻ mồ côi, và kể chuyện về sự tích chị Hằng, chú Cuội cho các em nghe. Dựa trên mối quan hệ công việc của mình, chị kết nối được rất nhiều nhà hảo tâm để những mái ấm nơi chị tới dần dần đã đủ khả năng tự mình tổ chức các đêm Rằm cho các em. Trung thu không chỉ là một sự kiện một lần nữa. Trung thu đã trở thành kỷ niệm tuôi thơ của những em nhỏ không gia đình nhờ có chị. Còn chị, vẫn chỉ giản dị cười với tôi : Chị chỉ đóng góp được hai cái bánh thôi nhe em.

Đọc trên một tờ báo hôm nay về số phận của hai em bé sống bên lề đường quận 7, TPHCM có đoạn “ Ghé lại với các em một đêm mưa, một trưa nắng, vài phút cười đùa rồi đi, lòng khách qua đường trĩu nặng”. Bạn sẽ làm gì? Tặng cho các em một ít quà, chiếc bánh Trung Thu, biếu cha các em một ít tiền ? Và rổi lương tâm của bạn sẽ được an ủi? Hay bạn sẽ hỏi han thật kỹ về hoàn cảnh, và nhấc điện thoại lên, đôn đáo tìm chỗ can thiệp để cha con họ không phải sống lề đường nữa? Hay bạn sẽ dùng quan hệ của mình giúp người cha kia có một công việc có thu nhập tốt hơn để có một phòng trọ đàng hoàng cho hai cô bé ? Tôi cho rằng, để làm từ thiện đúng nghĩa, sự quan tâm thực sự của bạn quan trọng hơn nhiều so với số tiền bạn cho. Sự quan tâm ấy đòi hỏi bạn phải suy nghĩ và kiên trì đi tìm giải pháp. Giúp người là giúp họ cái cần câu và cả phương pháp câu, như một người bạn tôi nói. Và cách chúng ta làm từ thiện tốt nhất là vạch ra một con đường để họ tự giúp mình. Từ thiện luôn là một sự cố gắng, đòi hỏi tính kiên định của cả người cho lẫn người nhận. Một sự cố gắng không có điểm dừng.


  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh