TRẦN THÙY LINH


VOLGA DU KÝ

NHỮNG NGÔI NHÀ GỖ TRONG RỪNG

Từ giã hồ Onega với đích đến là hồ Ladoga, tàu lướt trên con sông Svir nối hai hồ lớn nhất nhì châu Âu. Dọc theo sông có rất nhiều ngôi làng nhỏ với những mái nhà gỗ đặc trưng của Nga. Nếu như không đọc trước, thật khó lòng hình dung là dòng sông này đã chứng kiến biết bao cuộc giao tranh đẫm máu trong lịch sử nước Nga. Những cuộc chiến triền miên với ngừoi Thuỵ Điển, Ba lan, người Lithuan và sau đó là người Đức từ 1941-1944 đã vùi bao xương máu xuống lòng đất và lòng sông. Bao làng mạc hai bên bờ sông đã bị xoá sổ. Giờ đây, tôi ngồi trên bong tàu lộng gió, ngang qua những ngôi làng bình yên, những ngôi nhà gỗ đơn sơ bên hàng cây Tử đinh hương hoa tím có những đứa trẻ chơi bóng trên bãi cỏ, những phụ nữ chít khăn giơ tay vẫy khi tàu đi ngang...., khung cảnh ấy với ai đó có thể là nghèo nàn và chẳng mấy hấp dẫn, nhưng với tôi là sự yên bình chậm rãi mà dân phố chẳng mấy khi có được. Sự yên bình đến trong từng con sóng, tràn ngập trong bầu khí quyển nơi dòng sông xanh.

Điểm dừng tiếp theo trong hành trình của chúng tôi là một ngôi làng từng là nơi thông thương của những tàu buôn, nơi có lò rèn và các xưởng đóng tàu dưới thời Pi-e Đại đế. Chiến tranh đã hoá tất cả thành tro bụi, năm 1996 một doanh nhân người Nga đã đầu tư và biến Madrogui thành một ngôi làng Nga đặc trưng. Những ngôi nhà cũ được đưa tới, những ngôi nhà mới theo phong cách kiến trúc nhà ở Nga truyền thống đươc dựng lên. Dù chỉ là “ làng du lịch” nhưng tôi cho rằng, mô hình này khá thành công, khi những gì thuộc về Nga, làm nên chất Nga được coi trọng và gìn giữ, trong đó thiên nhiên đỏng vai trò không nhỏ. Không hề giống với những “ ngôi làng” ở đâu đó được dựng lên mà chỉ thấy tiền được coi trọng và thiên nhiên bị tàn phá không thương tiếc. Không hề giống với ở đâu đó khi “ của thật” bị coi là “ nghèo” và thay bằng những “của giả”vô hồn. Tại Madrogui, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc nhà ở của người Nga, mà còn có thể tìm hiểu về những nghề thủ công truyền thống của Nga : đúc đồng, làm thuỷ tinh, chế tác trang sức, làm búp bê vải, vẽ Matrioshka v.vvv. Trong làng còn có một bảo tàng Vodka với 2.800 loại Vodka từ khắp nước Nga, một ngôi nhà trưng bày các loại trà, một cối xay gió bên bờ hồ và vô số những lối đi nhỏ dẫn vào rừng. Nhưng hấp dẫn nhất với tôi chỉ có hai thứ: những ngôi nhà gỗ, “Izba”, và những khu vừơn.

Izba là tên gọi của kiểu nhà hai mái, hai tầng, có tầng áp mái truyền thống của Nga từ hàng ngàn năm nay. Những ngôi nhà gỗ mang lại sự ấm áp và khô ráo trong điều kiện khí hậu lạnh giá khắc nghiệt của mùa đông nước Nga. Izba không chỉ là nhà mà còn thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Những ngôi nhà cổ được mang về Mandrogui đều có kiến trúc chạm khắc rất đẹp trên các rui mè trên mái, các khung cửa sổ và lan can. Nhìn bề ngoài một ngôi nhà gỗ như vậy có thể biết chủ nhà giàu hay nghèo, thông qua các chi tiết chạm trổ trên gỗ. Trên nóc một số ngôi nhà còn thấy có con gà hoặc ngựa gỗ, người Nga tin rằng hai con vật này sẽ mang lại may mắn cho gia chủ. Trên cửa sổ, mái và ban công của một vài ngôi nhà, tôi phát hiện ra vài chi tiết của phong cách kiến trúc Art Nouveau (Tân nghệ thuật, một trường phái của thế kỷ thứ 19-đầu 20). Sự pha trộn giữa những đường cong, hình chạm hoa lá tỉ mỉ, những hình xoắn của phong cách trang trí này kết hợp cùng cấu trúc nhà gỗ truyền thống Nga với nhiều đường thẳng đối xứng, đã làm cho những ngôi nhà ấy mang một vẻ quyến rũ đặc biệt, cũng đặc biệt hợp với khu vườn không rào chắn có những bụi mẫu đơn đang tưng bừng khoe sắc.

Đi qua một khu vườn nhỏ có nhũng bụi hoa hồng cánh đơn thơm ngát, tôi bước vào phòng khách của một ngôi nhà gỗ. Trong kiến trúc nội thất nhà ở kiểu cổ của Nga, người ta rất trọng hướng. Quan trọng nhất là khu vực đặt các Icone tranh Chúa, tương tự như nơi đặt bàn thờ của người Việt, thường là ở hướng Đông, đối diện lò sưởi, cũng là nơi được chiếu sáng tốt nhất căn phòng, nhờ hai cửa sổ đặt trên hai bức tường vuông góc bên cạnh. Những bức tranh Chúa được bố trí như vậy để cho người bước chân vào nhà có thể thấy ngay. Trên những bức tường gỗ người ta treo những bức tranh thảm, hoa khô, búp bê vải hoặc những đồ trang trí thủ công khác. Nhìn vào những bức tranh thảm cũng có thể đánh giá mức độ giàu nghèo của từng gia đình. Chính giữa căn phòng là bộ bàn ăn với ghế băng. Người đàn ông chủ gia đình sẽ chiếm vị trí trung tâm và lần lượt sẽ là các thành viên gia đình theo thứ tự già trẻ. Lò sưởi giữ một vị trí hết sức quan trọng trong ngôi nhà Nga. Hình như ở xứ Âu châu giá lạnh, nơi nào cũng vậy. Từ “Izba” cũng bắt nguồn từ tiếng Nga cổ “Iztopit” và có nghĩa là “sưởi ấm”. Tôi nhớ tới những cuốn sách đầy hấp dẫn từng đọc ngày nhỏ, những câu chuyện cổ tích và truyện “ Không gia đình” của Hetor Malot, không khí ấm cúng bên lò sưởi trong những cuốn sách ấy đã vẽ lên một thế giới thật đầm ấm, đầy hấp dẫn với tôi. Mọi sự kiện thường ngày cũng như quan trọng nhất trong đời người nông dân Nga đều diễn ra bên lò sưởi bằng đá, nơi đồng thời là gian bếp của gia đình. Người Nga tin rằng trong lò sửởi có vị thần lửa và thần thổ địa, vì thế bàn thờ Chúa (những icone) bố trí đối diện lò sưởi để giữ sự cân bằng cho ngôi nhà. Ngọn lửa luôn được gìn giữ trong lò sưởi, ngay cả khi ngủ than cũng phải âm ỉ cháy. Than trong lò sưởi không bao giờ được đem cho nhà khác, vì như thế tài lộc cũng sẽ đội nón ra đi. Trong đức tin nơi đồng quê nước Nga có cái gì đó sao giống nơi bếp rơm bếp rạ người Việt xưa đến thế. Có lẽ tôi là người quá tham lam, khi vừa muốn ngồi xuống bên lò sưởi ấm cúng kia để hít hà mùi thơm của mứt dâu rừng trên chiếc bánh Pan cake nóng hổi, lại vừa tơ tưởng đến mùi cơm mới và cá kho thơm lừng trong khói rơm rạ két lẹt của chái bếp quê Việt.

Bên khung cửa sổ, một người đàn bà đang ngồi kéo sợi và đối diện bà, trong góc tối của căn nhà là một chiếc bàn gỗ nhỏ, sáng bừng lên nhờ sắc hoa dại và những chiếc bình bằng đồng nằm ngổn ngang, có vẻ như ai đó đang dở tay cắm hoa để trang trí cho căn nhà thì có việc, phải vội vã ra đi. Giá mà có thời gian, tôi sẽ vẽ một bức tĩnh vật trong khung cảnh ấy, một đề tài quá quen thuộc trong những bức tranh cổ điển của các danh hoạ khi xưa, mà phải tới hôm nay, tôi mới thật sự cảm “chất” Nga và thấm được cái “thần” trong chúng. Thật tiếc khi biết rằng, cuộc sống làng mạc ở Nga ngày nay cũng đã không thể chống chọi nổi với làn sóng đô thị hoá như ở bao quốc gia khác. Bê tông, gạch ngói và kim loại đã thay thế những kiến trúc gỗ xưa, những lò sưởi cũng chẳng còn nữa trong những ngôi nhà nông thôn mới ấy. Và người ta cũng bỏ làng mạc ra đi, không khác gì muôn nơi. Lại là một câu hỏi luôn đau đáu trở về : Phát triển - nhưng với giá nào ?

Rời khỏi ngôi nhà và tách khỏi dòng du khách đi xem các bảo tàng và xưởng sản xuất thủ công truyền thống trong làng, tôi đi theo con đường dọc bờ sông vào rừng. Hai người đàn ông đang ngồi uống bia trong một khu vườn có cái chong chóng con chuột gỗ quay tít theo gió. Những khu vườn đang bước vào kỳ rộ hoa. Thơm nhất là hoa hồng. Nhũng bông hồng cánh đơn, giống hoa hồng leo hay thấy tại Đà Lạt, màu hồng thắm, lớn như cái tô, toả hương thơm ngạt ngào. Mẫu đơn màu đỏ rất lạ và nhiều nhất là những bụi mẫu đơn hồng và cam, hầu như vườn nào cũng có. Tôi dừng chân rất lâu trong một vườn rau, thấy đủ các loại gia vị quen thuộc của bếp Âu: ngò Tây ( Parsley),hương thảo (Rosemary), bạc hà ( Peppermint), xạ hương ( Thyme) , húng Tây (ba sil), xô thơm ( Saga), kinh giới dại ( Oregano) và cả thìa là. Rất ngạc nhiên khi thấy người Nga dùng thìa là khá thường xuyên trong những món ăn tôi được thưởng thức trên tàu. Không chỉ có rau, hoa ở khắp nơi trong những khu vườn trước và sau các ngôi nhà gỗ. Những bông chi lanh xanh nhẹ như bầu trời buổi sớm mai, những bông chuông tím thanh thoát vươn mình trên hoa cỏ trắng, những bụi Đậu vuông(Ninebark) hoa trắng cánh tròn tua tủa nhuỵ và những bụi Cầu tuyết (Snowball) trắng muốt như tên gọi, không thể kể hết tên những loài hoa tôi đã chụp say sưa tại ngôi làng nhỏ này.

Bên bờ sông là một cối xay gió cổ. Cối xay gió gỗ đã từng là vật không thể thiếu trong các ngôi làng Nga ở những thế kỷ trước. Không ai biết chính xác cối xay gió xuất hiện tại Nga từ khi nào. Thông tin tôi biết được cũng chỉ là những phỏng đoán rằng, vài khoảng cuối thế kỷ thứ 17, Sa hoàng Pi-e đã sang Hà lan, mang về mô hình chiếc cối xay gió dầu tiên cho nứơc Nga. Thật thú vị khi biết, ngoài ứng dụng chủ yếu để xay bột, những chiếc cối xay gió này còn đựơc dùng để cưa gỗ và làm nhiều việc khác. Hôm nay ở Madrogui, cối xay gió cổ im lìm đứng bên sông ngắm nhìn những hậu duệ của Sa Hoàng đùa chơi trong làn nước trong vắt dứơi bầu trời xanh.

Giã từ khu rừng bạch dương đầy hoa cỏ ba lá trắng vào buổi chiều, tôi nuối tiếc khi không kịp thăm hết những ngôi nhà mới, nơi bán rất nhiều sản phẩm thủ công lưu niệm các loại từ gỗ bạch dương, đá tự nhiên, gốm sứ, da và nhiều thứ nữa. “Kỷ vật”của tôi về một ngôi làng kiểu Nga ở Mandrogui là những phút giây ngập tràn hương gỗ, hương hoa, là tiếng đàn Balalaika và giọng hát trầm ấm của người đàn ông dưới bóng bạch dương buổi trưa hè. Những gì của hôm nay sẽ là ký ức của ngày mai. Một ký ức của riêng tôi về miền đồng quê nước Nga “giàu có” bên trong và có thể còn “nghèo” trong mắt ai đó. Tất cả đều là sự thật, là nghịch lý trong nhất quán mà nhiều nơi có, không riêng gì ở nước Nga. Nên tôi vẫn đang tự hỏi mình : cảm giác ban đầu khi đặt chân tới Moscow đã là không mấy ấn tượng. Vậy tại sao tôi “phải” viết về nước Nga nhiều đến thế ????
 

HỒ LỚN NHẤT CHÂU ÂU VÀ HÒN ĐẢO THÁNH

Hòn đảo cuối cùng trên hành trình theo sông Volga là Valaam, là nơi thánh Andrew đã tạo ra những vách núi và làm phép cứu dân làng khỏi những thế lực hắc ám. Vì thế nơi đây còn mang tên là Vịnh Thánh. Truyền thuyết thì là vậy, còn theo tài liệu tôi đọc được trước chuyến đi thì biết rằng, Valaam theo tiếng Phần lan nghĩa là “Núi cao”. Phần bắc quần đảo Valaam đã từng thuộc Phần lan và gồm 660 đảo nằm trên hồ lớn nhất Âu châu, Ladoga. Không biết nơi được gọi là “ Hòn ngọc vùng Bắc Nga” và “ Báu vật của Hồ Ladoga” này có những gì, nhưng nhìn khung cảnh thơ mộng ven hồ, những tháp chuông ẩn hiện sau những cánh rừng rậm, đã thấy hứa hẹn một ngày đầy thích thú rồi.

Tàu cập bến bên nhà thờ nhỏ được cho là cổ xưa nhất nằm bên bờ hồ. Ngay lập tức tôi đã bị một màu tím đầy mê hoặc cuốn đi. Bên hàng rào gỗ là một rặng tử đinh hương ( Lilac) đang rung rinh trong nắng. Mùa tử đinh hương đã qua cả tháng rồi, vậy mà ở đây, những bông hoa tím mới bắt đầu nở và còn rất nhiều nụ. Như bao người bạn cùng trang lứa từng du học nơi trời Âu, tử đinh hương đối với tôi không chỉ là tín hiệu khi xuân về. Mỗi lần nhìn thấy loài hoa ấy lại thấy mình chìm đắm trong những cảm xúc quá đỗi ngọt ngào của tuổi thanh xuân. Bao kỷ niệm lại ùa về cùng câu chuyện cổ tích về Nữ thần Hoa trú ngụ trong bụi Tử đinh hương của H.Ch. Andersen, cùng giai điệu của lời ca “ Khi những bông Tử đinh hương trắng lại nở hoa, anh sẽ tặng cho em bài tình ca...” và bộ phim từ những năm 50 của thế kỷ trước “ Khi tử đinh hương trắng nở hoa”. Tôi tin rằng, ai đã gặp loài hoa ấy sẽ không thể nào quên được hương thơm của nó. Không ngào ngạt đầy hoang dại như lavender, không nồng nàn kiêu sa như hương hoa hồng hay mẫu đơn, tử đinh hương có mùi thơm dịu dàng rất khó định nghĩa. Mùi hương ấy đi vào từng tế bào khứu giác, thấm sâu vào cơ thể, làm dậy lên một sự phấn chấn dịu ngọt đến kỳ lạ. Lời chào của Valaam dành cho lữ khách hôm nay mang màu tím ngọt ngào của một mùa xuân đến muộn.

Bạn ngừơi Nga dẫn đường giục “ Đi thôi, trong rừng còn nhiều hoa lắm, đi bộ 6 km nhé, đi được không?” Ôi, muỗi ! Argentina với những ngày leo núi trung bình 8-10km với ba lô ống kính nặng trĩu trên vai đã tôi luyện đôi chân tôi rồi nhé, bạn ơi. Đường rừng ở Nga, dù có lên lên, xuống xuống cũng chỉ là muỗi. Mà đúng là muỗi nhiều thật. Khi chúng tôi bắt đầu rời nhà thờ nhỏ bên bờ hồ Ladoga để tiến sâu vào rừng thì muỗi và côn trùng bay theo rào rào trên đầu. Bạn dẫn đường cười cười, nói “ăn thua gì, có cả nguyên một đảo muỗi ( Moskito island) bên cạnh kìa, thăm không ?” Giá mà biết trước tôi đã mang theo thuốc xịt rồi. Ai ngờ đâu rừng thông mùa hè lại nhiều muỗi đến thế chứ. Rời đường chính chúng tôi vào một đường mòn xuyên rừng, ngang qua vài nhà nguyện cổ và những hồ nước nhỏ. Bên cây cầu cũ những hàng tử đinh hương trắng muốt non tơ hé chờ. Nói là lạc vào khu rừng cổ tích cũng không ngoai chút nào.

Toàn đảo với chiều dài 9,5km, rộng 6km, được bao phủ bởi rừng thông, nghe nói đất để trồng thông đã được các tu sĩ vận chuyền tới đảo bằng xà lan khi những tu viện đầu tiên được xây dựng tại đây. Ven đường là những cây du non xanh mướt nhưng toàn cụt ngọn. Bạn dẫn đường nói, cây du non là món ăn khoái khẩu của loài hươu trên đảo. Và nghe nói trong rừng này còn có cáo tuyết, chồn ngũ sắc và rắn, nhưng động vật duy nhất tôi thấy trên đừơng lại chỉ là những con sóc, thỏ rừng và những con chim. Valaam là nơi trú ngụ của khoảng 200 loài chim rừng. Ở độ cao 60m so với mặt hồ, cảnh sắc trên đảo quả là đặc biệt. Khác với Kihzi, những đồng cỏ ở đây bị chia cắt bởi những khu rừng thông. Nhưng cũng giống ở Kihzi, hoa dại ở khắp nơi, tím, vàng, trắng, hồng....Những sắc hoa điểm tô cho khu rừng, hồ nước, lay động theo từng bước chân và đưa tôi đi từ chốn bồng lai này sang chốn tiên cảnh khác.

Vào thế kỷ 19, các tu sĩ đã xây một hệ thống kênh đào bên trong Vịnh Thánh để tàu bè có thể di chuyển sang các đảo mà không phải đi ra lòng hồ nhiều sóng. Hơn 100 km kênh ấy đã tạo ra những con đường kết nối , thông thương giữa các hòn đảo và cả một cảnh quan tuyệt mỹ. Bên bờ hồ nước trong vắt là rừng thông soi bóng. Những bụi cỏ cao xen lẫn những lá súng bồng bềnh trên mặt nước, tôi không thể hiểu sao loài hoa ấy lại có mặt tại đây, nhìn bông hoa cánh tròn vàng cũng thật khác loài hoa súng nhiệt đới quen thuộc. Tôi gặp lại biết bao “người quen” lâu ngày không gặp : cúc dại đủ màu, cải gió ( Alyssum), mao lương đồng cỏ ( Alpine buttercup), cỏ anh thái vàng ( Loose strife)... Chưa ở đâu tôi thấy những bông hoa cỏ ba lá trắng và hồng đẹp đến thế, và những Ngôi sao Bethlehm (Ornithogalium) lại trắng đến thế. Bồ công anh xoe tròn thật to lẫn trong đám cúc vàng và cỏ rậm. Trên nền hồ nứơc trong vắt và rừng thông xanh đậm, những màu sắc ấy như rực rỡ hơn, mùa hè nước Nga như rực rỡ hơn.

Như trong mọi chuyến đi của tôi, hoa không bao giờ vắng bóng. Khu rừng thông trên hòn đảo xa xôi ở nước Nga đã làm trái tim tôi như tan chảy khi thấy những bông Linh lan. Loài hoa chuông trắng muốt ấy cùng với bông cỏ lau mềm mại từng một thời là những mẫu thêu yêu thích của tôi. Nhưng bông hoa “ ly của thung lũng” ấy (lily of the valley) cùng bông hoa chuông tuyết ( Snow drops), hoa păng xê (viola), hoa nghệ tây (crocus) là những bông hoa báo hiệu xuân về sau những tháng ngày đông tuyết trắng. Gặp lại trong một sáng mùa hè nước Nga, những bông hoa đưa tôi trở lại những tháng ngày mùa xuân lang thang đi tìm bông hoa tuyết năm nào. Những cái chuông trắng treo trên thân cỏ xanh mềm non tơ đã lấy đi bao cảm xúc của tôi thời tuổi trẻ, giờ đang bên tôi, long lanh như mắt ai dõi theo từng bước đi. Lùi lại phía sau đoàn người, tôi ngồi xuống một lúc rất lâu bên những đoá linh lan nở muộn. Hoa chờ tôi hay chờ ai? Chuyến đi này có biết bao điều lạ, nhưng những cảm xúc trồi sụt về vùng đất mới cũng không lạ bằng việc tử đinh hương và linh lan vẫn bừng nở khi mùa xuân đã qua từ lâu. Bừng nở trong tím dịu dàng và trắng non tơ cho tôi đựơc gặp. Cho tôi một mùa xuân muộn màng mà tràn đầy yêu thương.

Buổi chiều, chúng tôi lên tàu nhỏ tới thăm một hòn đảo khác cũng thuộc quần đảo Valaam nơi có tu viện cùng tên cổ nhất nước Nga. Ladoga là hồ lớn nhất châu Âu với diện tích gần 18.000 km2 ( chưa tính diện tích đảo), độ sâu trung bình là 51m, ở phần Tây bắc hồ có nơi sâu tới 230m. Ngoài quần đảo Valaam còn có Kilpola và Konevets, đều nằm ở bắc hồ. Tàu đi ngang qua rất nhiều đảo lớn nhỏ và thật không ngạc nhiên khi biết nơi đây là điểm hành hương ưa thích nhất của tín đồ Chính thống giáo Nga. Không phải chỉ vì nơi đây có tu viện Valaam mà trên các đảo ở đây còn có rất nhiều nhà thờ, nhà nguyện, tháp chuông, vinh danh Đức chúa, Đức mẹ, Các vị Thánh...với kiến trúc tuyệt đẹp giữa rừng hoặc trên núi đá. Lịch sử viết rằng tu viện đầu tiên tại Valaam đựơc hai nhà truyền giáo Sergius and Herman lập nên, khi hòn đảo còn chưa được “rửa tội”, đó là khi nào, không ai biết, sử sách cũng chỉ ghi lại những phỏng đoán và những truyền thuyết về quần đảo đá này. Tương truyền rằng hai vị đã dựng lên cây Thập tự đá đầu tiên trên đảo vào khoảng thế kỷ thứ nhất và xây nên Tu viện từ đá cẩm thạch của đảo (sau này đá cẩm thạch từ đảo Valaam cũng được dùng để xây Hermitage tại St. Petersburg). Tu viện Valaam bị bỏ hoang vào khoảng thế kỷ thứ 17, tu sửa và hoạt động lại từ thế kỷ thứ 18. Vào thời Xô viết, khi rất nhiều nhà thờ và tu viện bị phá huỷ thì nơi này được sử dụng làm kho chứa lương thực và phải tới 1989 các tu sĩ mới quay trở về, tu viện và các nhà thờ trên quần đảo này mới hoạt động trở lại. Các tu sĩ trên quần đảo Valaam chủ yếu thuộc dòng khổ tu, chỉ ăn chay và uống nước lọc. Có nhiều nơi trong tu viện du khách không được phép vào và hoàn toàn không được chụp ảnh.

Ngày cuối cùng trên hành trình sông Volga của tôi đã qua đi thật nhanh chóng. Valaam trở thành một ký ức thật đẹp trong tôi với những tháp chuông bí ẩn, giai điệu acapella trầm bổng như tiếng chuông vọng về từ quá khứ, rừng thông xanh ngắt và những loài hoa xuân nở giữa mùa hè. Nước Nga qua dòng Volga đối với tôi vừa gần gũi vừa xa lạ, vừa hấp dẫn vừa u hoài. Tôi chấp nhận những điều ấy, như chấp nhận tất cả những gì một chuyến viễn xứ đã và có thể mang lại. Tôi thấy mình, -lại một lần nữa-, tới gần hơn với thiên nhiên và học được thật nhiều từ thiên nhiên, từ lịch sử và văn hoá của một dân tộc lớn. Đi một chuyến giống như sống thêm một đoạn đời - rất khác. Thật may mắn khi ta còn có thể đi và còn cảm nhận được cuộc đời như vậy.



 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh