VIÊN HƯỚNG
Ba Tôi
Ba Tôi
Chiếc xuồng được buộc vào cây cầu ván chòng chành sóng nước bởi những thuyền máy ngược xuôi trên dòng sông giữa trưa ngày nắng hạ, một đứa bé trai 7 tuổi sõng soài nằm chờ… chết. Bệnh của bé tới hồi nguy kịch vì các bác sĩ ở Vĩnh Long đã chối từ chữa trị, tôi nhớ thật rõ gương mặt tái mét của mẹ khi ba kéo mẹ vào trong:
– Em, đứa nhỏ này sắp chết, anh tận lực thử xem.
– Các bác sĩ đã chê tức là không còn phương cứu, thiên hạ không hiểu, coi chừng họ sẽ đồn là anh nhúng tay vào nên nó mới chết.
Trán ba hằn gân xanh.
– Nếu có gì, mình sẽ bỏ nơi này, dọn về Vĩnh Long.
Người mẹ khóc tức tưởi bên ngoài, vừa năn nỉ vừa vái lạy ba tôi. Đứa con trai ấy thở hồng hộc, cổ như bị ai bóp nghẹt.
Dân quê tôi trong những vùng sâu nghèo quá, sáng nào họ cũng đứng đợi thành hàng khai bệnh để ba tôi hỗn hợp những viên thuốc cho họ đủ uống một ngày. Shop vừa mở cửa 7 giờ sáng, tôi vội vã mua điểm tâm cho ba kẻo bệnh nhân đổ xô vào, nhưng chưa có hôm nào ba dùng trước 10 giờ.
Đứa nhỏ được ba tôi chích và cho uống thuốc xong, bà mẹ đặt nó nằm dài ở góc khuất phía sau tủ thuốc. Mới 8 tuổi nhưng tôi đã hiểu an nguy gia đình tôi đang nằm trong tay cậu bé này, tôi đứng đấy quan sát nó tỉ mỉ không rời, thời gian ngưng đọng vì sự nơm nớp âu lo quá sức chịu đựng của tôi. Chẳng phải chỉ một mình ba gánh đời lên vai trên bước đường kham nhẫn, mà còn có mẹ và con chia sẻ thời khắc vần vũ này trong kiếp nhân sinh. Gần 3 tiếng đồng hồ sau, đứa nhỏ cựa mình ngồi bật dậy. Ba tôi mừng đến độ la to:
– Đứa nhỏ đã chịu thuốc rồi! Nó không chết!
Tôi quay đi giấu che dòng lệ. Còn niềm vui nào lớn hơn không hỡi thế gian tràn đầy chông gai bệnh tật! Bà mẹ đầm đìa nước mắt nói với ba:
– Thầy tám! Từ nay tôi sẽ đổi tên cho đứa trẻ này là thằng Cho vì thầy đã cho nó sống lại.
Ba mỉm cười:
– Chị phải nói là chính nó đã Cho tôi niềm vui đấy chứ!
Tình trạng này xảy ra mấy lần tương tự, nên ba tôi có những đứa trẻ bị… thay tên như thằng Cho, thằng Lượm, thằng Xin…
Khi tiếp xúc với dân quê thời ấy tôi mới biết tâm hồn họ rất chân chất thật thà. Bao chiếc đòn gánh oằn cong trên tấm thân đầm đìa mồ hôi chảy giọt, những chiếc bóng ngã nghiêng đổ dài theo từng bước liêu xiêu trong tiếng rao lảnh lót mỗi trưa về. Nhưng có lần tôi choáng váng khi một người đàn bà rung cửa sắt rầm rầm lúc shop đóng cửa ăn cơm (12.30 pm – 2 pm). Vì sợ bệnh nhân cần cấp cứu nên tôi vội chạy ra xem. Người đàn bà dẫn theo đứa con trai, bà ta trao cho tôi chai nhỏ mắt:
– Tui muốn lấy tiền lại vì thuốc này hổng hay.
– Thưa, cô mở ra xài rồi không lấy tiền lại được ạ. Vả lại, tự ý cô mua chứ không phải do con giới thiệu.
Đứa con kề bên kéo tay bà, mếu máo:
– Má ơi, mình về đi! Vậy là hổng có tiền mua tập vở cho con học rồi.
Tôi lặng người chết sững! Vội vã trao bà một số tiền nhưng tôi không nhận lại chai thuốc. Bà nhìn tôi bằng đôi mắt ướt.
Tôi quay vào trong để tiếp tục chén cơm đang bỏ dở, nghe đời phôi pha theo từng nhịp tim tha thiết, thương mình thương người trong niềm đau thật đậm, nhưng tôi giật mình! Ba đứng kia! Ba đã chứng kiến mọi hoạt cảnh diễn ra rồi! Ba im lặng và bật cười, nhưng ba ơi! Sao nụ cười ba lại nghẹn ngào nước mắt!
Sát bên mặt shop thuốc tây của ba mẹ tôi là thuốc bắc. Họ xây căn phòng bào chế tán thuốc thành bột trên mảnh đất sau nhà tôi, tiếng máy chạy xình xịch từng hồi từ sáng đến chiều. Bạn bè ghé nhà chơi với tôi thường bàn tán thắc mắc nên tôi hỏi ba:
– Ba không cất nhà cho hết đất, để họ lấn đất mình như vậy tức là hậu vận của mình bị chận, sao ba chấp nhận được?
Ba cười, vì ba biết có ai đó kêu tôi hỏi, chứ chẳng bao giờ tôi để ý đến điều này.
– Phòng chế thuốc đó là phương tiện duy nhất nuôi sống đại gia đình của họ, ba đã vào nhà họ xem kỹ rồi. Vả lại, mình chưa cần thiết nối dài căn nhà này ra.
Lại thêm một gia đình nữa cất nhà lấn trên miếng đất trống sân sau. Không còn cách nào kiếm sống, người chồng xin đi tòng quân nhập ngũ. Ba nói vài năm sau ba sẽ lấy đất lại để khuếch trương căn nhà trọn vẹn khi anh em chúng tôi trưởng thành.
Kể từ năm 1969, quê tôi bắt đầu nhuốm màu tang tóc bởi chiến tranh hai bên sôi nổi. Để gây tiếng vang, những trái mìn định hướng được âm thầm đặt trong giỏ đi chợ cố tình bỏ quên nơi chỗ đông người vào buổi sáng.
Một chiều, chị em chúng tôi lên sân thượng ngắm những cánh diều soãi đuôi phất phơ giữa nền trời mênh mông thoát tục. Đang thả hồn theo họa phẩm lượn lờ trên kia bao la mây xanh tĩnh lặng, chúng tôi cao hứng trèo lên đỉnh nóc nhà nhìn xuống đám trẻ thơ đang vẫy vùng bơi lội trong dòng sông nắng dát vàng, một sắc màu huyền thoại khi hoàng hôn buông xuống lung linh. Chợt em tôi lòm còm bò đi nhặt vật gì bùi nhùi trơ vơ trên mái ngói.
– Chị ơi! Có miếng thịt dính máu trên nóc nhà mình.
Cách đây 2 bữa, người lính ở sau nhà tôi đang đi trên cầu sắt, chợt mìn định hướng nổ bung, xác ông văng tứ tung lên các nóc nhà phố chợ. Em tôi đưa miếng thịt máu cho ba xem. Ba quay mặt đi tái nhợt. Dù chẳng trao đổi với ba lời nào nhưng tôi biết từ nay, thân nhân còn lại của người chết sẽ được trú ngụ vô thời hạn trên mảnh đất sau nhà, vì người lính bộ binh đã gởi thịt xương của ông trên mái ngói nhà tôi trong một ngày bước qua chiếc cầu sắt nối đôi bờ bởi dòng sông Cái Tàu Hạ chảy ngang. Ôi! Một miếng thịt máu bầm đen đã thay anh ta tạo nơi chốn bình yên cho mẹ già cùng vợ con ở lại.
Năm 75 thời cuộc đổi dời, người người xôn xao bỡ ngỡ, đối diện với bao bệnh tật cùng số phận lắt lay, nhìn nét bàng hoàng sợ hãi của dân quê, ba tôi hay xót xa trăn trở hàng giờ khi mấy bà mẹ héo hon than thở:
– Làng xã mình không đủ thuốc cung cấp cho dân nghèo, khổ quá thầy tám ơi!
Hoặc:
– Ông tám! Tụi tôi đau khổ lắm! Bệnh mà không có thuốc uống.
Buổi tối, tôi nghe ba bàn với mẹ:
– Em à, mình hiến tặng tất cả thuốc men cho làng xã bây giờ, nha em! Anh chịu không nổi khi nghe mấy người trong vùng sâu ra khóc lóc. Vã lại, thuốc men dù để đó mấy năm nữa cũng sẽ quá date thôi.
Mẹ luôn chìu ý ba dù ba đã xả buông thuốc men cho căn nhà chúng tôi trở thành trống trơn như lòng ba trống rỗng. Ba đã thản nhiên chuyển vật chất cho thế gian vô thường đang thịnh suy gập ghềnh nghiệt ngã. Từ thiên cổ, những trùng vây luôn quyện ngổn ngang dẫn ta đi vào viễn mộng u minh để làm kẻ vong thân. Trong khoảnh khắc nào ba đã âm thầm mở cửa đất trời cùng hòa trái tim thanh khiết cảm thông trọn vẹn vào bài ca yêu thương đồng loại. Từ đó, mỗi chiều ba tản bộ vô miệt vườn ngồi thiền dưới hàng cây cổ thụ trong tiếng chim ríu rít gọi đàn, đến khi mặt trời trốn vào hư không liêu tịch, cho đồng nội chỉ còn những tiếng hạc cô thân rời rã gọi đêm, ba mới lặng lẽ trở về. Còn mẹ vẫn niệm Phật và chép Kinh cho bè bạn.
Căn nhà cất trên sân sau của chúng tôi, có người lính đã tan xác ngày xưa, họ không hoàn trả đất lại cho ba mà bán cho người khác để có tiền rồi dời đi kinh tế mới. Bạn bè đến cho ba hay nhưng ba làm lơ như nghe bao chuyện đời thường.
Anh em chúng tôi vượt biên định cư ở Mỹ và Úc. Ba bán căn nhà cho con trai của người bạn, họ dùng làm nơi buôn tạp hóa, rồi ba mẹ dọn về quê ngoại Vĩnh Long chờ tôi bảo lãnh. Cậu này là một trong những học sinh được ba đưa vào lớp 6. Lúc trước, ba góp phần gầy dựng trường Trung Học Đức Tôn, nên mỗi năm trong kỳ thi đệ thất, ba được phép đưa một học sinh vào trường cho dù cậu bé ấy đã thi rớt.
Năm sau, cậu này trao vàng cho ba để lấy luôn mảnh đất còn lại phía sau nhà, nhưng ba từ chối vì không bằng lòng chạm đến những người đã yên thân sống lâu năm trên đó, dù cậu ta nói cứ để cậu tự lo giấy tờ với chính quyền, ba không cần động đến móng tay. Tôi rất vui khi nghe quyết định của ba như vậy.
Tôi đã bàng hoàng khi mở vali của ba ra xem. Rời Vietnam sang Úc, ba chỉ mang theo có mấy bộ áo quần, quyển Kim Cang cùng Pháp Bảo Đàn Kinh. Mẹ cũng rất đơn sơ với những chiếc áo bà ba và áo dài để mặc khi lễ hội. Mỗi ngày ba đều thiền trong phòng ngủ hay trước bàn thờ Phật. Có lần vừa mới xuất thiền ba nói với tôi:
– Một lát nữa thằng Dược sẽ tới nhà mình. Trong lúc thiền, ba thấy nó đang lái xe đến.
Khoảng 15 phút sau, chồng tôi bước ra sunroom tay cầm 1/2 trái bầu to.
– Anh Dược mới tới cho bầu nè em. Ảnh xin phép nghỉ bệnh ở nhà hôm nay.
Ba cười:
– Khi ba chết, ba sẽ theo phù hộ con cái, nhất là bây, vì bây khờ khạo nhất trong đám anh em.
– Con không bằng lòng! Ba không lo tu giác ngộ mà còn đòi theo lo cho con.
– Nhờ điêu linh, nhờ vô thường nên người ta mới chịu tu. Di Đà là tự tánh, tịnh độ là bổn tâm thì nơi nào cũng là cõi Phật.
Ba không nói với bây nữa, ba cũng không về cõi trời, nhưng ba sẽ cho bây biết khi chết rồi ba đi đâu.
Thình lình ba nói:
– Chiều hôm qua, trong lúc thiền, ba thấy bây khóc ngất trong nhà tắm. Bây vặn nước ào ào để đàn áp tiếng nấc nghẹn, bây có chuyện gì buồn vậy?
Ngạc nhiên đến độ ngây người! Sao ba thấy sự thật trong lúc ba đang thiền trong phòng ngủ mà! Nhưng tôi lấp liếm chẳng trả lời, chỉ lặng lẽ tiếp tục cười.
Mặt ba càng lúc càng xanh xao, khi nội soi bị loét bao tử nên phải nhập viện làm cuộc phẫu thuật. Thời gian này, ban đêm ba không yên giấc vì ba chiêm bao thấy bạn bè hoặc thân nhân đã chết từ lâu hiện lên trò chuyện. Ba cứ muốn về nhà, nên mới mổ xong vài ngày, ba cố gắng ngồi dậy bước đi trong tình trạng sức khỏe đang hồi kiệt quệ, ba bị té và bao tử lại tét đường may. Biết ba không thể chịu đựng nổi giải phẫu lần thứ nhì, hội đồng bác sĩ quyết định cho ba nằm chờ chết. Cơn lốc tang thương trùm phủ đời tôi đi theo thân xác cha già đang nằm yên nơi đó.
Con cuộn mình trên dốc đỉnh chênh vênh
Đau vết chém tử sinh nào nghiệt ngã
Cha nằm kia bờ quạnh hiu tơi tả
Gói hành trang quên, nhớ, trả cho đời!
Nửa đêm, điện thoại bệnh viện reo vang, báo tin ba đã ra đi lúc 2 giờ 15 sáng, chồng tôi liền ngồi bật dậy. Những ngày đầu năm, thiên hạ đang mừng tết Ất Dậu mà dòng sông đời ba đã cạn khô mạch máu. Gió trần gian đã rạch nát tim tôi thành huyết lệ. Không dung thông được mâu thuẫn nội tâm, tôi phải dùng định hữu vi đè nén nỗi đau khổ tột cùng đang hoành hành nhấn chìm tôi trong đáy vực, để lòng tôi được bình yên ngồi trước bàn Phật niệm hồng danh Đức Bổn Sư. Lúc ấy tôi chưa đủ trí tuệ để hiểu đau khổ chỉ là ảo tưởng của bản ngã vô minh ái dục.
Cha ra đi giữa xuân nào hội tết
Đời tàn phai làm chết cả ngôn từ.
Mẹ trầm mình dưới đáy bể ưu tư!
Con đứng đó nghe đau nhừ vết tích!
Sang tuần lễ thứ nhì kể từ ngày ba mất, cô em dâu trên Sydney phone cho tôi, tối qua cô đã chiêm bao thấy ba đứng một bên nghe vợ chồng tôi nói chuyện với nét mặt rất hiền. Cô thuật lại những lời đối đáp giữa chúng tôi với nhau thật chính xác.
Mới 7 giờ sáng, cô bạn thân Phụng Thương phone:
– Chị P, hồi tối em chiêm bao thấy ba chị. Mặt ba đẹp lắm chị ơi! Ba kêu em sáng nay xuống đưa tiễn ba đi. Em không hiểu ba chị nói gì? Em òa lên khóc, ba chị nói có gì đâu mà khóc, vội vã ba bỏ đi liền.
Phụng Thương sửng sốt và hờn dỗi khi biết ba mất mà tôi không cho hay. Tôi giải thích:
– Có lần chị đã hỏi em rằng nếu ngày nào ba chị chết, em có khóc không? Em đã trả lời là khóc nên chị không cho em hay. Hôm nay chị trai Tăng cho ba ở chùa Hoa Nghiêm.
Phụng Thương vội vàng xuống chùa cùng chúng tôi hoàn tất lễ trai Tăng. Khuya đó, đang an giấc, tôi nghe văng vẳng bên tai:
– P ơi! Ba bị lọt vào tử cung của một người đàn bà rồi! Ba không muốn tái sanh nữa!
Tôi ngồi bật dậy, thì ra ba đã tái sanh ở cõi Peta trong 5 tuần lễ, bây giờ mới trở lại kiếp người.
Bao năm nay con lo chạy theo lý tưởng, hình bóng cao siêu vẽ vời chỉ là trạng thái khác của ngã mạn mà thôi. Con cũng như ba, những cơn thiền định xuất thần trong trạng thái trơ lỳ, dù giữa khuya mà con vẫn thấy vũ trụ sáng trưng, tự thấy mình sừng sững hiện diện bất động như quả núi vĩnh hằng, và ba cũng đã thấy nhiều chuyện không ngờ như thấy anh Dược đang lái xe đến nhà mình, thấy con bí mật thầm khóc một mình ….. nhưng đấy là mình vẫn còn lần khân trong tam giới luân hồi. Vì rời thiền định, ba vẫn còn sân khi gặp chuyện bất như ý.
Ba ơi, chỉ có sự tỉnh thức trong lành ổn định ngay thực tại hiện tiền mới cho mình biết thế nào là lẽ sống đích thật của kiếp người. Hiến dâng, ban tặng hay nhận vào là cả một bài học vĩ đại về vô ngã vị tha mà ai cũng phải học trong vô số dặm đời.
Tất cả rồi cũng qua đi hơn mười lăm năm, nước mắt con cũng đã rơi theo quá khứ tan tác chia lìa! Ba ơi! Thời gian đã cuốn trôi miên viễn ảo mộng tuổi trẻ xa xôi để trả về con nét hồn nhiên thuần khiết của mỗi giây phút tinh khôi trầm tĩnh, biết thắp ngọn đuốc trí tuệ soi lại chính mình ngay trong hiện tại đang là khi đối diện cùng mẹ Pháp diệu dụng thân thương. Ba không đi vào giấc cô miên sầu tủi của bể dâu nhấp nhô hợp tan tròn khuyết, ba chỉ rũ sạch trần duyên của kiếp này thôi. Ba không bỏ lại một quán trọ trần gian yêu dấu, nơi đã giúp mình nhờ ngoại giới để thấy rõ nội tâm qua từng bài học tối thượng cuộc đời, mà nguồn năng lượng này chỉ chuyển sang hình thức mới, tiếp tục bài học thể nhập đại đồng trong những kiếp tái sinh, để biết thưởng thức tất cả vẻ đẹp của vô thường là nhịp thở muôn đời trong sự sống, và tự tánh của ta vốn dung thông cùng vạn pháp nên đến đi chỉ là hài hòa một nụ cười trí tuệ từ bi, là mạch nguồn tự do thong dong đích thực đã sẵn có trong trời đất tự bao giờ.