VINH HỒ

Chùa Thiên Bửu Thượng và Các Di Tích

Biên Khảo

 

Ảnh chùa Thiên Bửu Thượng trước khi xây mới (1997). *Bài viết dưới đây lấy tư liệu từ ngôi chùa cũ trong bức ảnh trên (VH).
 
 Chùa Thiên Bửu Thượng (TBT): tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Lốt, đầu làng Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, do Đại lão Hòa thượng Tế Hiển, hiệu Bửu Dương khai sơn.
Không còn tự phổ ghi chép năm khai sơn, nhưng Thi sĩ Quách Tấn trong sách Xứ Trầm Hương căn cứ vào Đại Hồng Chung chùa Thanh Lương, thôn Nhĩ Sự, xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa ghi Hòa thượng Bửu Dương chứng minh đúc chuông vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) nên đã phỏng đoán Chùa Thiên Bửu (TB Thượng và TB Hạ) được tạo lập vào thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) thuộc hàng những ngôi chùa cổ nhất tại tỉnh Khánh Hòa.
Tổ Bửu Dương là đệ tử của Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán. Thiền sư Liễu Quán người Phú Yên, thuộc đời 35 Lâm Tế Chánh Tông, xuất gia năm 6 tuổi, quy y Hòa thượng Tế Viên và nhiều Thiền sư người Trung Hoa khác. Năm 1708, Ngài khai sơn chùa Thiên Thai Thiền Tôn ở Huế và khai sáng Chi phái Thiền Liễu Quán VN với dòng kệ truyền thừa:
                 Thiệt tế đại đạo,
                 Tánh hải thanh trừng,
                 Tâm nguyên quảng nhuận (…)
                       
 Theo báo Giác Ngộ, Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán có nhiều đệ tử mang chữ Tế như: Tế Nhơn Hữu Bùi, Tế Ân Lưu Quang, Tế Hiệp Hải Điền, Tế Dương Bửu Hiến, Tế Mẫn Tổ Huấn, Tế Hiển Bửu Dương...
  
Thiền sư Tế Hiển Bửu Dương: có lẽ quy y Tổ Liễu Quán tại chùa Thiên Thai Thiền Tôn, Huế nên khi vào Ninh Hòa lập chùa, Ngài lấy chữ Thiên để đặt tên cho 2 ngôi chùa của mình là Thiên Bửu Tự (Thiên Bửu Thượng và Thiên Bửu Hạ). Ngài còn đứng ra trùng hưng chùa Phổ Hóa, thôn Bình Thành, huyện Ninh Hòa và chứng minh đúc chuông chùa Thanh Lương thôn Nhĩ Sự.
   Không có tài liệu ghi chép tiểu sử, nhưng qua Long Vị của Ngài còn thờ tại chùa Phổ Hóa ghi ngài là "Đại Lão Hòa Thượng" chúng ta biết tuổi thọ Ngài rất cao phải từ 80 tuổi trở lên. Qua 2 ngôi chùa cổ kính có tầm vóc do Ngài tạo lập, qua ngôi cổ tháp 7 tầng long chầu lân phục của Ngài được kiến trúc kỳ công, chúng ta có thể biết Ngài là một vị Thiền sư đạo cao đức trọng được lưu dân mến mộ. Ngài là người đầu tiên truyền bá Chi phái Thiền Liễu Quán tại Ninh Hòa, vì thế Chùa Thiên Bửu được gọi là Tổ đình Chi phái Thiền Liễu Quán Ninh Hòa, gọi tắt là Tổ Đình Thiên Bửu.  Những công đức mà Ngài đã xả thân vì đạo, vì đời, vì lưu dân, vì Phong trào Nam Tiến thời bấy giờ thật quá lớn lao!

Truyền thừa:
 Chùa Thiên Bửu Thượng hay Tổ đình Thiên Bửu đã trải qua nhiều đời Trụ Trì, trong đó có nhiều vị Trụ Trì tài đức như:
   -Tổ Tế Hiển Bửu Dương: thời Vua Lê Cảnh Hưng.
   -Hòa thượng Đại Trì Phước Khánh: thời Vua Gia Long.
   -Hòa thượng Liễu Bửu Huệ Thân: thời Vua Minh Mạng (được cấp Giới đao Độ điệp).
   -Đại đức Đạo Phước Thiên Tôn: thời Vua Tự Đức.
   -Hòa thượng Thanh Chánh Phước Tường: thời Pháp thuộc (có trên 30 đệ tử tài danh, trong đó có Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn năm 1963). Ngài viên tịch năm 1932, nhằm ngày 28/7 ÂL.
   -Hòa thượng Trừng Tương Nhơn Sanh: tổ chức Đại Giới Đàn tại TBT năm 1934.
   -Đại đức Nguyên Hoa Thiện Tường: xây mới chùa TBT năm 1997.
 
 Sắc Tứ Thiên Bửu Tự (?):  
Theo nhiều vị bô lão trong làng cùng một ý kiến với Thượng tọa Bảo Hiển, Trụ trì chùa Bảo Hoa, thôn Thanh Mỹ, huyện Ninh Hòa; Thượng tọa nói rằng hồi còn trẻ, khoảng năm 1932-1936 Thượng tọa tu học tại Thiên Bửu Thượng với Bổn sư là Hòa thượng Nhơn Sanh, Ngài có đọc tấm biển gỗ treo trước hiên chùa đề hàng chữ Hán: "Sắc Tứ Thiên Bửu Tự". Trong 9 năm kháng Pháp, năm 1947 chùa Thiên Bửu Thượng bị Tây đốt, có lẽ tấm biển đó đã bị cháy, nên ngày nay hậu thế không biết Chùa Thiên Bửu Thượng đã được Triều Đình ban Sắc Tứ (?).
 
  Di tích:
   Chùa Thiên Bửu Thượng hiện còn các di tích sau:  
   -14 pho tượng Phật trong đó có 4 pho tượng bằng đồng.
   -1 quả Đại Hồng Chung đúc năm 1928, cao 0,67m, quai chuông hình lưỡng long tranh châu cao 0,35m và 1 chuông để bàn đúc năm 1968.
   -3 bức tranh cổ treo tại bàn thờ khổ lớn.
   -3 Sắc Thần do các Vua Nhà Nguyễn cấp mà làng đã nhờ chùa cất giữ.
   -1 Trống Bát Nhã cao 0,8m.
 
   -Câu đối:
   -Tại cổng Tam Quan:
   Giữa: "Thiên Bửu Tự"
  
Trái: "Thiên nhơn cung kính tôn phước huệ duyên dung khai giác lộ"
  
Phải: "Bửu địa trang nghiêm Phật độ nhơn duyên mật khải từ môn"
   -Tại cổng phụ b ên phải: "Bồ Đề Viện""Đáo thử Thiền môn yếu dĩ từ bi khởi niệm"
   - Tại cổng phụ bên trái: "Bát Nhã Môn""Đăng thử giác địa duy trì hỉ xả duy tâm"
   -Tại Miếu Cô Hồn: "Phụng vì Chiến sĩ trận vong"
   -Tại hàng cột thềm Chánh Điện:
   "Điềm lãng phất khai kim thế giới
   Tịnh trần lộ xuất ngọc lâu đài"

   "Thiền viện trùng tu chơn củng cố
   Tôn phong chấn chỉnh thắng trang nghiêm"

   -Tại cửa chính Chánh Điện:
   "Thiên đạo hoằng khai Thiên cá tu hành thiên cá phước
   Bửu vân quảng nhuận thất trùng lan thuẩn thất trùng lai"

   Bức hoành đắp chữ: "Thiên bửu Tự"
  
Bên trái bức hoành: "Sơn Môn Chánh Tịnh"
  
Bên phải bức hoành: "Tổ Ấn Trùng Quang"
   - Tại Bàn Thờ bên phải Chánh Điện:
   "Tiên Võ Vũ duy thần Đại Hán Thiên cổ
   Hậu Văn Tôn duy thánh Sơn Tây nhứt nhơn"

   - Tại Bàn thờ bên trái Chánh Điện:
   "Thiên đạo giáo ư Tây Thiên đệ hằng tử thất
   Truyền pháp âm ư Đông Á chi diệp nhị tam"

   -Tại Bàn Tổ Nhà Tây:
   Giữa: "Tam Bảo Từ Tôn"
   Phải: "Nhuận pháp vũ ư tây càn noãn hoa kết sái"
  
Trái: "Bố từ vân du Đông chấn bối diệp thành văn"
   -
Tại Long Đình: "Nghiêm Nhã Lâm"
   Trái: "Thần trắc hưởng du khắc thành"
   Phải: "Phật năng giác ư chúng trí"
   Những câu đối bằng chữ Hán trên đã được Ông Lê Khải thường gọi là Ông Xã Bốn Khải ở làng Nghi Phụng, xã Ninh Phụng phiên âm ra Tiếng Việt.
 
   -Ban Múa Lục Cúng đầu tiên:

Ảnh Ban Múa Lục Cúng đầu tiên tại chùa TBT đếm từ trái:

-Người thứ bảy mặc áo cà sa: Hòa thượng Nhơn Sanh.
-Người thứ chín: Ông Xã Vạn Hữu.
-Người thứ mười: Ông Cửu Ba.
(Ảnh chụp năm 1934 trong buổi ra mắt Ban Múa Lục Cúng tại Đại Giới Đàn chùa Thiên Bửu Thượng hiện còn treo tại nhà Tây, Chùa Thiên Bửu Thượng.)

Khoảng năm 1932, Chùa TBT có một Ban Múa Lục Cúng do Ông Xã Vạn Hữu sáng lập, tổ chức, điều khiển. Ban Múa Lục Cúng gồm 4 cặp vũ công, nhưng khi múa chỉ có 3 cặp. Các vũ công tuổi từ 12 đến 16, ăn mặc đẹp như những cô Tiên trong tuồng hát bội, đầu đội mão lưỡng long, mình mặc áo choàng có những tua dài kết từ thắt lưng thả thòng xuống đầu gối, được chắp vá bằng nhiều miếng vải vụn đủ màu sắc, hai tay cầm hai lồng đèn dán hình hoa sen, bên trong thắp sáng bằng đèn cầy, vừa múa vừa hát theo tiếng trống tiếng đàn nhịp nhàng uyển chuyển. Bài hát phối hợp với các điệu múa và những động tác hấp dẫn. Khi thì hai Lục Hoa nắm hai tay làm kiệu cho một Lục Hoa ngồi, lúc thì một Lục Hoa đòng đòng một Lục Hoa trên vai, có lúc hai Lục Hoa đứng trụ bộ bằng chân trước (hai đầu gối của hai Lục Hoa cụng nhau) dùng bắp vế làm ngựa, chân sau hạ thấp xuống, một Lục Hoa khác nhảy lên đứng trên hai bắp vế đó (gọi là đứng trên ngựa) vừa múa đèn vừa hát, trong khi các Lục Hoa còn lại quỳ kính cẩn, hay chạy vòng tròn chung quanh cũng vừa múa đèn vừa hát. Xin trích một đoạn bài hát sau đây:   
-Bớ lục hoa tiên nữ !
-Dạ!
-Tu chỉnh nghiêm trang
Sửa soạn đăng chúc huy hoàng
Nghe Thánh thượng lệnh ban lai đáo

-Dạ! Dạ!
Chúng con đồng hiệp lực
Nay vâng lịnh nhà vàng
Lục hoa đà đăng chúc huy hoàng
Nghe Thánh Thượng lệnh ban lai đáo

-Dạ! Dạ!
Đường đường chính tại

 Hề hiến kim liên
 Chiếu diệu hào quang
 Hề thấu cửu thiên
 Phước đẳng hà sa
 Hề vô số Phật
Ứ ư ứ ự
          Âm đàm phổ hữu
 Hề phối lương duyên
 Đức cập phổ thiên
 Hề vi thiện đạo
Ứ ư ứ ự
          ……..
 Ban Múa Lục Cúng ra mắt trong kỳ tổ chức Đại Giới Đàn năm 1934 tại chùa TBT. Sau đó đi lưu diễn tại các chùa ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Ba Ngòi, Phan Rang, v.v… Hai cô Đặng thị Nhân, Hồ thị Muôn là hai vũ công xuất sắc trong Ban Múa. Cô Hồ thị Muôn là Cô ruột của tôi, Cô tuổi Kỷ Mùi (1919), khi ra mắt Ban Múa năm 1934 cô được 15 tuổi, tánh tình thùy mị nết na được Ông Xã Vạn Hữu thương mến, nên những năm sau Ông đã đi hỏi cưới cho con trai của Ông.
 
-Vài hàng về Ông Xã Vạn Hữu:
Ông tên thật là Võ Phương, tên thường gọi là Ông Xã Vạn Hữu (có một thời làm Xã trưởng Vạn Hữu) sinh năm 1890, quê làng Vạn Hữu, xã Ninh Quang, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Ông giỏi chữ Nho, giỏi võ Bình Định, kép hát bội (nhiều con cháu cũng theo nghiệp hát bội), soạn giả nhiều tuồng hát bội, sáng lập Ban Múa Lục Cúng chùa Thiên Bửu Thượng, soạn lời ca kiêm đạo diễn Múa Lục Cúng.
 Ông quy y Hòa thượng Phước Tường tại chùa TBT với pháp hiệu Nhơn Trực, húy Như Chất, tự Tâm Phát. Sau Ông xuất gia. Trụ trì chùa Linh Phong, Nha Trang (trên ngọn đồi có 100 tăng cấp cạnh QL1), khai sơn chùa Từ Vân, Nha Trang.
 Tết Kỷ Hợi 1959, tôi cùng Hồ Thoàng, Võ Năm (cháu nội của Ông cũng là con bà Cô ruột của tôi và Thoàng) từ Ninh Hòa đi xe lửa vào Nha Trang tìm đến “ngôi chùa 100 tăng cấp” thăm và chúc Tết Ông, thấy Ông tu khổ hạnh, sống quá đạm bạc, khi ấy Ông đã là Hòa thượng. Năm 1994, Ông viên tịch, thọ 104 tuổi, Bảo Tháp được xây trong khuông viên chùa Từ Vân.
 Ông là sui gia của ông Nội tôi, có cháu chắt khá đông hiện sinh sống tại làng Vạn Hữu. Mùa Xuân năm 1995, Võ Năm dẫn tôi vào thăm chùa Từ Vân, viếng Bảo Tháp Ông.
 Sống hơn một thế kỷ, hoạt động, xả thân vì đạo vì đời, vì nghệ thuật hát bội và múa lục cúng mà bốn chữ trìu mến thân thương “Ông Xã Vạn Hữu” đã đi vào lòng người dân Điềm Tịnh nói riêng và xứ Ninh nói chung. Sau 70  năm nhìn lại cách ăn mặc xinh đẹp của các vũ công tuổi niên thiếu hai tay cầm lồng đèn hoa sen vừa múa vừa hát theo điệu vũ và lời ca Lục Cúng Hoa Đăng tức Múa Lục Cúng do Ông sáng tác có giá trị nghệ thuật tuyệt vời đáng khâm phục!
 
   Ban Múa Lục Cúng thứ hai:
 Thầy Tịnh Chiếu, quê Hiền Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thuộc dòng kệ Chúc Thánh về trụ trì chùa TBT từ năm 1954 đến năm 1960. Năm 1957, Thầy Tịnh Chiếu được sự phụ tá giúp đỡ nhiệt tình của Cô Đặng Thị Nhân, thường gọi là Cô Năm Đào, một vũ công hàng đầu của Ban Múa Lục Cúng đầu tiên thời Ông Xã Vạn Hữu, Ban Múa Lục Cúng thứ hai được thành lập tại chùa TBT gồm có 4 cặp đều là người làng Điềm Tịnh:
 -Cặp 1: Cô Thu (16 tuổi) & Cô Niển (15 tuổi).
 -Cặp 2: Cô Uống (15 tuổi) & Cô Trợ (14 tuổi). 
 -Cặp 3: Cô Hò (15 tuổi) & Cô Máy (14 tuổi).
 -Cặp 4: Cô Xèo (13 tuổi) Cô Xìa (12 tuổi).
  Riêng Cô Trịt em gái anh Ba Nhương được giao phụ trách trang điểm.
 Toàn Ban đi lưu diễn nhiều nơi trong tỉnh Khánh Hòa
 đã được tán thưởng nhiệt liệt.
 
   Múa Lục Cúng:
   Múa Lục Cúng là điệu ca múa cổ truyền VN (phổ biến tại Cung đình nhà Nguyễn, Huế, xuất hiện tại Tổ đình Thiên Bửu, Ninh Hòa năm 1934) đã được rút tỉa tinh hoa từ những nền nghệ thuật ca múa Chàm, Khmer, Trung Hoa. Về ăn mặc ảnh hưởng sân khấu hát bội, kể cả những tiếng ứ ự trong khi hát, hay các pha trụ bộ có tính chất võ thuật. Điệu hát khoan thai trầm bổng được phụ họa bởi tiếng trống cơm, tiếng đàn cò, đàn bầu… khi khoan khi nhặt cộng với dáng điệu chập chờn của Lục Hoa Tiên Nữ bên 12 chếc lồng đèn sáng lung linh huyền ảo làm nhớ hình ảnh các Tiên nữ Chàm múa hát trong các ngày tế lễ Thần Linh. Ngoài ra, âm hưởng này còn thấy trong nhạc lễ của người Khmèr theo đạo Phật, có một giàn nhạc cổ điển do các chùa thành lập để dùng trong các ngày lễ Phật, trong đó, trống vỗ Sompho, trống cái Skothom được dùng để phụ họa cho bài ca điệu múa; nền âm nhạc đi đôi với vũ điệu đã duy trì tại đất Miên suốt 10 thế kỷ.
   Tóm lại, vũ điệu Múa Lục Cúng hay Lục Cúng Hoa Đăng là một Nghệ thuật Ca múa Dân tộc Cổ truyền VN rất đặc sắc, mà Tổ đình Thiên Bửu là nơi đầu tiên trong huyện đã thành lập được hai Ban Múa đi trình diễn nhiều nơi trong tỉnh.
-Cây Me Đại Thụ Chùa Thiên Bửu Thượng: đứng trước sân chùa, gần cổng Tam Quan, gốc sù sù to bằng 5 người ôm không xuể, đo được 28m, cao khoảng 30m, tuổi thọ ước khoảng trên 500 năm. Khi thành lập chùa thì cây me đã có rồi.

Cây me đại thụ chùa Thiên Bửu Thượng.
 
 -Khu Mả Tháp chùa Thiên Bửu Thượng: nằm bên cây gạo đại thụ mà tuổi thọ ước khoảng trên 300, cạnh con đường liên xã Ninh Phụng- Ninh Trung, cách Thiên Bửu Thượng 100m về phía Đông, gồm 7 ngôi bảo tháp. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu 3 ngôi tháp đặc biệt nhất:
 -Cổ Tháp Bửu Dương: 7 tầng, là một ngôi tháp cổ nhất và đẹp nhất trong Khu Mã Tháp. Hằng năm cứ đến ngày 20-2 ÂL Phật tử các nơi về chùa dự Lễ Giỗ Tổ và viếng Tháp. Hiện bia Tháp không còn đọc được nhưng căn cứ vào chuông chùa Thanh Lương thôn Nhĩ Sự đề năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) Hòa thượng Bửu Dương chứng minh đúc chuông, căn cứ vào cây đòn dông chùa Phổ Hóa thôn Bình Thành ghi năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747) Hòa thượng Bửu Dương trùng tu chùa Phổ Hóa, và căn cứ vào Long Vị Tổ Bửu Dương thờ tại Chùa Phổ Hóa ghi Bửu Dương là Đại Lão Hòa Thượng, chúng ta có thể đoán biết được Tổ Bửu Dương viên tịch trong khoảng thời gian 1763-1787. Từ đó biết được Cổ Tháp Bửu Dương xây dựng trong khoảng thời gian 1766- 1790 thuộc đời vua Lê Cảnh Hưng (1740 -1786) và nhà Tây Sơn (1788-1802).

Cổ Tháp Bửu Dương (ảnh Trầm Lệ Ý).
 
   Trước đây, chúng tôi có đến khảo sát Lăng Bà Vú tại Thị trấn Ninh Hòa xây vào thời Gia Long năm 1803 để so sánh với Tháp Bửu Dương xây vào thời Tây Sơn (1788-1802) hay thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) nhận thấy Lăng Bà Vú xây sau nên còn mới hơn, lành lặn hơn, trong khi Tháp Bửu Dương thì quá rêu phong cũ kỷ và bị lở lói rất nhiều. Riêng đường nét chạm trổ điêu khắc giữa 2 di tích cũng khác nhau rõ rệt, ở Lăng Bà Vú phong cách thiên về tổng quát và mạnh, trong lúc ở Tháp Bửu Dương phong cách thiên về chi tiết và mềm mại hơn. Từ đó chúng tôi tin Tháp Bửu Dương được xây dựng thời Vua Lê Cảnh Hưng hay thời Tây Sơn là hợp lý. Một di tích cổ nhất tại xứ Ninh còn tồn tại.    
 

Ðàn Nguyệt trên Cổ Tháp Bửu Dương

Cổ Tháp Bửu Dương hình bát giác 7 tầng cao 3,6m, đứng trên bệ 8 cạnh.   Chung quanh Tháp có xây bức thành hình vuông dày 0,6m, cao 0,8m, dài 7,35m mỗi cạnh. Tại 4 góc thành có 4 cây trụ cao 1,5m đắp hình hoa sen trên đầu trụ. Tại 2 bên cửa Tháp có xây 2 cây trụ lớn chạm nổi hình 2 con rồng chầu có vảy.
Tại mặt thành phải có khắc 1 câu thơ chữ Hán:
   "--- mẫn văn pháp văn kinh" mất 2 chữ. Bích họa vẽ hình mai tước và rồng chầu nét lớn.
Tại mặt thành trái có khắc 1 câu thơ chữ Hán:
   "Lại thứu lãnh --- linh ---": mất 3 chữ . Bích họa vẽ hình trúc, rồng chầu nét lớn.
Nằm phủ phục trước cửa tháp là 2 tượng lân dài 1,2m, cao 0,8m, dày 0,55m.
Giữa 2 con lân có một án phong vuông. Vào khỏi cửa tháp, sân bái đường có bày hương án. Bia Tháp chiếm một mặt của tầng dưới cùng dài 1,06m, cao 1,83m khắc chữ Hán nhưng không còn đọc được. Bệ tháp 8 cạnh, mỗi cạnh dài 2m cao 0,3m. Các tầng trên nhỏ thon dần. Trên đỉnh là đài sen và bầu rượu cao 0,92m.
 

Ðôi Chim Hạc trên Cổ Tháp Bửu Dương.

 
Thân tháp có 56 mặt là 56 bức bích họa chạm trổ công phu những hình mai lan cúc trúc, long lân quy phụng, hạc tùng trúc tước, hoa sen, bầu rượu, đàn nguyệt, lư hương, trái châu và các chữ Phạn được bài trí cân đối hợp lý. Thí dụ: mặt trên của bia chạm hình lư hương. Hai bên trái châu chạm hình lưỡng long. Còn tại cửa Tháp chạm hình 4 rồng chầu và 2 lân phục.
 

Đôi Kỳ Lân trên Cổ Tháp Bửu Dương.

 

   Vật liệu kiến trúc là vôi cát và hồ dính.
Thơ đối đã bị mất nhiều chữ, nên cư sĩ Đường Văn, hiện là Trưởng Ban Trị Sự Chùa Huệ Thành Hội Quán, Ninh Hòa, đã bỏ công tra cứu tìm chữ hợp lý để ráp lại thành câu và dịch ra quốc ngữ. Xin chân thành cám ơn Cư sĩ Đường Văn và xin mạn phép ghi lại để quý vị độc giả tham cứu:
 Những chữ in hoa sau đây được Ô.Đường Văn tìm ra và thêm vào:
   -Tại cửa Tháp:
   XU YẾT mẫn văn pháp văn kinh
   Lại thứu lãnh HIỂN linh HIỂN HIỆN

  
Dịch:
   Thúc giục cổ vũ nghe pháp nghe kinh
   Dựa núi cao thấy hiển linh hiển hiện

 -Tại bia Tháp:
   Chánh quả tại LIÊN hoa thượng PHẨM.
   Duyên thành Ư BẢO tháp TRUNG SANH.
 

  Dịch:
   Chánh quả trên thượng phẩm hoa sen.
   Duyên thành nở giữa lòng bảo tháp.


   -Bên phải Tháp:
   Kiến sắc phi ư KHÔNG
   Văn thinh bất thị THIỆT
   Sắc thinh NGÃ MẠC TƯỞNG
   Thân đáo LIÊN HOA ĐÀI

  
Dịch:
   Thấy sắc chẳng phải không
   Nghe tiếng không là thật
   Sắc tiếng ta đừng nghĩ
   Thân đến liên hoa đài.

 
Cổ Tháp Bửu Dương là một di tích cổ nhất tại huyện Ninh Hòa, có nghệ thuật kiến trúc và chạm trổ hết sức tinh tế mềm mại và tuyệt vời của tiền nhân còn lưu tại xứ Ninh trên 200 năm lịch sử.
Cổ Tháp bị thời gian xói mòn, hiện có 1 vết nứt khá lớn ngang thân có nguy cơ sụp đổ.
 

Rồng Chầu trên Cổ Tháp Bửu Dương

 
   Cổ Tháp Huệ Thân:
 Hòa thượng Liễu Bửu Huệ Thân đời 37 Lâm Tế Chánh Tông, trụ trì Thiên Bửu Tự, tên thật là Lê Văn Tự quê làng Toàn Thạnh, thuộc tổng Trung, huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, tức làng Mỹ Hiệp, Thị trấn Ninh Hòa hiện nay. Hòa thượng Liễu Bửu là một bực đa văn lỗi lạc được vua Minh Mạng mời ra Kinh Đô dự Thủy Lục Đạo Tràng cầu siêu Chiến sĩ Trận vong tổ chức vào tiết Trung Nguyên năm Minh  Mạng thứ 16 (1835) và trúng tuyển kỳ thi khảo hoạch của Bộ Lễ, được cấp Giới Đao Độ Điêp, hiện còn lưu giữ tại chùa Thiên Bửu Hạ.
 Không rõ tiểu sử, nhưng qua Độ Điệp ghi năm 1835, chúng ta biết Hòa Thượng sống vào thời vua Minh Mạng (1820-1840), thuộc Thế kỷ 19.
 Cổ Tháp Huệ Thân có lẽ được xây dựng vào hậu bán thế kỷ 19, cách nay khoảng trên 100 năm.
 Tháp 3 tầng hình tứ giác cao 3,2m. Tầng đáy có cạnh dài 1,45m cao 0,8m, tầng giữa có cạnh dài 1,24m, cao 0,75m, và tầng trên có cạnh dài 1m, cao 0,6m, trên cùng là tòa sen và bầu rượu.
  Bia khắc bằng chữ Hán, còn đọc được:
   "Tự Lâm Tế Chánh Tông, tam thập thất thế húy Liễu---" bị mất một chữ Bửu.
  Vật liệu xây dựng là vôi cát và hồ dính.
   Hiện Cổ Tháp bị xuống cấp nặng nề.
 
Bảo Tháp Phước Tường
Hòa thượng Thanh Chánh hiệu Phước Tường sinh năm 1867, viên tịch năm 1932, đời 41 Lâm Tế Chánh Tông, trụ trì chùa Thiên Bửu Thượng từ năm 1916 đến năm 1932. Ngài là một vị danh tăng tài đức đã mang lại thời kỳ thạnh mậu cho chùa. Ngài có trên 30 đệ tử đi hoằng hóa khắp nơi từ Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, đến Đà Lạt, Sài Gòn. Năm 1925 ngài trùng tu chùa, năm 1927 đúc đại hồng chung chùa đến nay vẫn còn sử dụng.
 

Bảo Tháp Phước Tường Chùa Thiên Bửu Thượng, xa hơn là cây gạo và ngôi đình Điềm Tịnh.

 Tháp Phước Tường 5 tầng gần Cổ Tháp Bửu Dương, là ngôi tháp to và cao nhất trong Khu Mả Tháp. Tháp cao 4,2m, hình lục giác. Tầng dưới cùng có cạnh dài 1,86m, cao 0,92m, tầng trên cùng có cạnh dài 1m, cao 0,4m. Riêng tòa sen bầu rượu nằm trên đỉnh cao 1,5m. Chung quanh tháp có xây bức thành hình chữ nhật cao 0,8m. Thành phía sau có hình vòng cung cao 1,2m .

 Tháp kiến trúc sắc sảo, trông hùng dũng được tạo lập vào năm 1932.
 
Thơ văn viết về chùa và tháp:
-Ông Phạm Xuân Đài, thường gọi là Ông Cửu Ba, một nhà Nho mộ đạo Phật quê làng Điềm Tịnh, nhân dịp Hòa Thượng Nhơn Sanh trụ trì tổ chức đại trùng tu chùa Thiên Bửu Thượng năm 1936, Ông đã lấy 2 chữ Điềm Tịnh sáng tác hai câu đối khắc trên cột thềm Chánh Điện như: sau:
                       
Ðiềm
lãng phất khai kim thế giới
Tịnh trần lộ xuất ngọc lâu đài.
        
Phạm Xuân Ðài (Ông Cửu Ba)

Vinh Hồ tạm dịch:

Ðiềm lành khai mở kim thế giới
Tịnh tâm lộ hiện ngọc lâu đài.

           

Vịnh Chùa Thiên Bửu

Lưng trời xanh tán lá me ra
Tháp trổ rêu hoa nét tự già
Sứ trắng nghiêng mình bên cổng phụ
Ðào hồng tỏa bóng góc sân qua
Aâm vang tiếng mõ rung miền tục
Ngân vọng hồi chuông động giấc gà
Thiên Bửu xiển dương nguồn đạo pháp
Lòng thanh tịnh vút chạm trời xa.
Ðiềm Ca


 Tháp Bửu Dương

Nắng tắt nhìn lên tháp Bửu Dương
Xa xa ngọn núi lẫn mù sương
Cành me nhẹ nhẹ đưa theo gió
Bông gọa hăng hăng rụng cách đường
Lân phục ngoài thành đeo đạc ngửng
Rồng chầu trước cửa hóa mây nương
Ðâu đây từng tiếng chuông chùa vọng
Xao động trăng đồng quyện khói hương.
  Ðiềm Ca

Chùa Thiên Bửu

Ba trăm năm trầm mặc phương Ðông
Tháp cổ, me già ôm mái cong
Lối gạch trăm hương nhòa xứ đạo
Chày kình một tiếng động tầng không
Dòng sông trong trẻo mây in bóng
Tán gạo tơ non ráng tụ đồng
Khách đã đi rồi chùa tĩnh lặng
Me vàng lả tả rớt bên song.
Vinh Hồ



Bên Tháp Bửu Dương

Chiều xuống ngồi bên tháp Bửu Dương
Bâng khuâng hoa điệp nở ven đường
Long chầu lân phục văn kinh pháp
Hạc nội mai vàng lẫn khói sương
Cây gạo bao năm rồi trút lá
Dòng sông một thoáng hiện vô thường
Về đâu trong vạn trùng sinh tử?
Cát vữa âm thầm đêm nhả hương.

 Vinh Hồ


Kết luận:

Nhắc Huế, du khách nhớ sông Hương, núi Ngự, Lăng Tự Ðức, cửa Ngọ Môn, chùa Thiên Mụ, Tháp Phước Duyên, v.v... Nhắc Ninh Hòa người ta cũng không quên sông Dinh, núi Vọng Phu, Lăng Bà Vú, Hòn Khói, Chùa Thiên Bửu, Tháp Bửu Dương, v.v...
 Chùa Thiên Bửu trên 300 năm lịch sử vào hàng những ngôi chùa cổ nhất tại tỉnh Khánh Hoà và các di tích trong đó Cổ Tháp Bửu Dương cổ kính quý hiếm có giá trị về lịch sử và kiến trúc tuyệt vời được xây dựng từ thời Trịnh - Nguyễn, cách nay khoảng trên 200 năm, cổ nhất tại huyện Ninh Hòa.   
Năm1989, dân làng Ðiềm Tịnh “gồng mình” đứng ra trùng tu Ngôi Cổ Tự đã bị dột nát và cũng đã “mạnh dạn” tổ chức ngày Giỗ Tổ Bửu Dương vô cùng trọng thể sau 14 năm thầm lặng.
Dân làng áo khăn chỉnh tề về chùa từ sáng sớm, ai nấy đều hân hoan. Các Tăng Ni Phật tử từ khắp nơi trong huyện, tỉnh, kể cả Ðà Lạt, Sài Gòn về dự có tới 600 người. Hàng trăm xe gắn máy, hàng chục xe khách đậu chật cả khuôn viên chùa, tràn lên tới Khu Mả Tháp làm các cụ già rơi lệ bởi từ ngày đổi đời, hôm nay là lần đầu tiên được thấy.
Cảm động nhất là Lễ Viếng Tháp Bửu Dương! Ðoàn hành hương gồm cả chục vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức đi đầu mặc áo cà sa vàng, có hương hoa, cờ lọng, chiêng trống trang nghiêm, theo sau hàng trăm nam nữ Phật tử xếp thành 2 hàng nối đuôi nhau hướng về Cổ Tháp. Khi đến Tháp, từng người chắp tay khấn vái, dâng hương, đặt hoa lên bệ Tháp, rồi đi một vòng quanh Tháp... Tất cả đồng niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật” râm ran vang động cả một vùng u tịch khói hương nghi ngút...
 Dù cuộc đời có đổi thay, tình đời có vọng động, nhưng Chùa xưa, Tháp cũ vẫn còn đó, ấp ủ tình quê tình nước, là cội nguồn thâm sâu, là y uyên tịch tịnh trong tâm tưởng của những kẻ tha hương phiêu bạt muốn quay về:
    
 Chùa xưa ấp ủ tình dân tộc
 Tháp cũ u hoài cuộc bể dâu
 Ly khách dừng chân trên bến vắng
 Về đâu? tóc bạc trắng giang đầu!


   VINH HỒ
   (Orlando, Tháng 10/2004)
   *Bài này đã đăng trên www.ninh-hoa.com tháng 11/2004, ở link: http://ninh-hoa.com/Dia_Ly-XuNinh-ThangCanhvaDiTich-6.htm
   Nay xin trích đăng lại trên đặc san, có điều chỉnh; bổ sung Tiểu sử Ông Xã Vạn Hữu, thêm phần thơ văn và kết luận.

   Tài liệu tham khảo:
   - Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn.
   - Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.
   - Sài Gòn 300 Năm Cũ của Nguyên Hương Nguyễn Cúc.
   - Báo Giác Ngộ (nhiều số).
  Trở lại chuyên mục của : Vinh Hồ