VINH HỒ

 
 
Cọp Về Làng
 
 
Làng tôi cách xa thị trấn Ninh Hòa khoảng một cây số đường chim bay, nhưng nếu chèo ghe từ Họng Ngã Ba (ở cuối làng) xuôi dòng sông Dinh chừng 700 mét là cập bến cầu Dinh. Dân làng thường đi đường thủy vào mùa nước lủ để đưa gạo, bắp, bầu bí, rau đậu… lên chợ Dinh bán và mua về cá thịt, mắm muối, nhang đèn…
 
Cách nay trên 350 năm, tỉnh Khánh Hòa là đất của Chiêm Thành phần nhiều còn hoang dã, đã được quan Cai cơ Hùng Lộc (một vị dũng tướng văn võ song toàn của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần) đem quân vượt Đèo Cả đánh chiếm đặt tên là dinh Thái Khang, tên đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa. Ngài là vị tiền hiền đầu tiên, được tiếp nối bởi nhiều vị hậu hiền từng đổ mồ hôi (kể cả xương máu) để khai sơn phá thạch, lập làng khẩn ấp, góp phần điểm tô vùng đất này đẹp như một dãi lụa xanh ngát một màu mà từ Khánh Hòa vô đến mũi Cà Mau ít có vùng đất nào hội đủ bốn yếu tố "biển núi sông rừng" như vậy. Là dân Khánh Hòa, đi đâu tôi cũng hãnh diện về quê hương xinh đẹp của mình.
 
Xứ Ninh quê tôi có hàng trăm ngôi đình để thờ những vị Thần đã được Vua ban sắc, và hàng trăm ngôi miếu để thờ Tiền hiền khai khẩn Hậu hiền khai khẩn, được xây cạnh đình làng. Mỗi năm có hai lần Xuân Kỳ, Thu Tế được tổ chức long trọng để cúng Thần và tưởng nhớ công ơn của những người đã khai sinh ra vùng đất thiêng này. Quả là một vùng đất thiêng, một “địa linh nhân kiệt”, một “xứ trầm hương”, nơi có khói trầm hương bay tỏa, có long chầu lân phục, có hàng tá địa danh mang tên kỳ bí: Hòn Bà, Tháp Bà, Miếu Bà, Lăng Bà, Hòn Ông, Hòn Vọng Phu...
 
Nếu khách du từ Sài Gòn đến Nha Trang đi thêm 10 km nữa sẽ nhìn thấy bên kia đèo Rù Rì chạy dài đến đèo Cả là non nước xứ Vạn-xứ Ninh (phủ Thái Khang xưa): người hiền hòa, cảnh thơ mộng.
Phủ Thái Khang xưa gồm 2 huyện Quảng Phước, Tân Định (tức Vạn Ninh, Ninh Hoà này nay) theo phong thuỷ là 1 đại địa cuộc phú quý, bởi có "thanh long hí thuỷ" có nghĩa là rồng xanh giỡn nước đc tạo nên bởi 2 bán đảo ăn ra biển: Hòn Gốm Xứ Vạn cái đầu rồng nằm tại Đầm Môn-Hòn Lớn; Hòn Hèo Ninh Hoà cái đuôi rồng nằm ở Hòn Khói-Ninh Vân. Mình rồng là dãy núi trùng điệp từ Ba Non Vạn Ninh đến Vọng Phu-Hòn Lớn Ninh Hoà. Con rồng xanh uốn lượn giỡn nước đó đã tạo ra những cảnh đẹp như chốn bồng lai mà hiếm có nơi nào có đc. Trời đã ban tặng cho xứ Vạn xứ Ninh 1 món quà vô giá, cho nên chúng ta phải biết trân quý gìn giữ.
 
Từ thị trấn Ninh Hòa nhìn lên hướng Tây, núi Vọng Phu hiện ra sừng sững, ẩn chứa một thiên tình sử từng làm say mê biết bao tâm hồn. Đi về hướng Đông 12 km, Dốc Lết một vùng biển xanh lơ như ngọc bích, chính biển Nha Trang lừng danh cũng phải giở nón chào thua bãi cát mịn màng trắng tinh như đường cát số một này. Và nếu đi thêm chừng 40 cây số nữa về hướng Bắc thì du khách sẽ đồng ý với vua Minh Mạng về việc đã chọn biển Đại Lãnh để khắc vào một trong chín đỉnh trưng bày tại Đại Nội Huế, một bãi biển nằm dưới chân đèo Cả, dựa lưng vào bức trường thành vĩ đại xuất phát từ núi Ba Non hùng vĩ chạy dài ra tận biển.
 
Làng tôi tên Điềm Tịnh, hậu thân của Điềm An, nằm gần những ngôi làng có tên xinh đẹp như: Mỹ Hiệp, Vĩnh Phú, Quang Đông, Phú Nghĩa, Phú Lễ, Bình Thái, Bình Thành, Xuân Hòa, Đại Cát, Vĩnh Phước, Chấp Lễ, Đại Tập, Đại Mỹ, Phước Lâm... tất cả đều nằm dọc theo hai bên bờ sông Dinh và 3 nhánh: sông Cái, sông Lốt, sông Đục, góp phần tạo nên phong cảnh xứ Ninh hữu tình:
 
Ba hòn bao bọc giữ quê Ninh
Ba nhánh xuôi về một sông Dinh.
Dòng Lốt ngợi ca bao chiến tích
Vọng Phu ghi tạc một thiên tình.
Đá Bàn, Đập Đúc hồ xanh biếc
Động Cát, Ninh Diêm muối trắng tinh.
Thiên Bửu, Ba Hồ bày mọi vẻ
Sáng ngời dung hạnh gái quê Ninh.
(Ninh Hòa, thơ Vinh Hồ)
 
Các địa danh có mang những chữ “tịnh, an, hòa, bình, nghĩa, phú...” nói lên niềm mơ ước của tiền nhân muốn mưu cầu một cuộc sống an bình, no đủ, giàu có. Nhưng đó chỉ là ước mơ chưa một lần hiện thực của làng tôi.
 
Làng tôi nghèo nhất trong vùng, bởi nằm ở cuối nước. Nước đập muốn về làng phải băng qua nhiều làng xã mà “Thượng điền tắt thủy hạ điền khan”. Hạn thì làng tôi hạn trước, lụt thì làng tôi cũng lụt trước. Nằm giữa hai con sông, mùa mưa nước lủ thoát không kịp, chảy tràn ngập nhà ngập cửa, cuốn đi bao nhiêu tài sản của dân làng đã cực khổ chắt chiu dành dụm bao ngày mới có được. Cho nên khi cúng tế, dân làng rất cẩn trọng khi chọn những vị Chánh tế, Phó tế, Bồi tế, phải là những vị lão ông đạo cao đức trọng, đủ vợ đủ chồng, gia đạo thuận hòa, con cháu phát đạt… để thay mặt dân làng đứng cúng tế, dâng lên Thánh Thần những lời cầu xin cho xóm làng được bình an no đủ… Nhưng rồi khổ vẫn hoàn khổ, đói vẫn hoàn đói. Nếu không trộm cắp hoành hành thì cũng khói lửa triền miên, thiên tai, dịch họa. Đã vậy lại còn thêm cái nạn “mang lạc nát làng” hay “hổ lạc nát làng” sẵn sàng mang đến cho dân làng những chuyện không may.
 
Đồn rằng cọp có tai rất thính, nên dân làng chẳng ai dám đụng đến dù chỉ một lời chửi trộm chửi lén, hay nói tỏi nói hành. Ngay cả cái tên cọp cũng phải kiêng cử. Cọp là hổ, là hùm, loài động vật họ nhà mèo ăn thịt sống, lông màu vàng có vằn đen, đuôi dài trông giống như con rắn mái gầm, móng vuốt sắc như dao, một con vật đi bằng bốn chân, nhưng người ta sợ hãi đến nỗi đã tôn cọp ngang với thần linh, gọi cọp bằng những cái tên đầy tôn kính như: “Ông Ba Mươi, Ông Bị, Ông Chằn, Ông Kẹ, Ông Thầy, Sơn Quân, Chúa Sơn Lâm…”. Trong 12 con giáp, người ta gọi con chuột, con trâu, con mèo, con rồng… nhưng không dám gọi con cọp, con hổ. Nếu phải gọi đích danh thì người ta thêm chữ ông ở phía trước: “ông Cọp, ông Hổ” để tỏ lòng tôn kính. Cọp được thần thánh hóa, được thờ cúng, đuợc thể hiện bằng những hình tượng nghệ thuật đầy yếu tố tâm linh. Qua các tranh vẽ, cọp hiện thân như một vị Thần, như một biểu tượng văn hóa tâm linh.
 
Dân làng có tục lệ cúng “Sơn Lâm Chúa Tướng Lý Nhĩ Tôn Thần” vào chiều ba mươi Tết và mùng bốn Tết. Chiều ba mươi Tết nhà nào cũng bày lễ vật ra sân để cúng ông Hổ chung với lễ cúng Tất Niên. Lễ vật gồm chè, xôi, que, hột, tợ, thêm một con gà trống luộc nguyên con hai chân tréo ngược ra sau lưng, có cả một xấp giấy hồng đơn in hình ông Cọp trông dữ dằn… Chủ gia thành tâm cầu xin Sơn Lâm Chúa Tướng thương tình đi nơi khác làm ăn, đừng lén phén về làng gây tai họa. Còn ngày Mồng Bốn Tết (Nguyên Đán) sau khi cúng đốt giấy tiễn đưa ông bà, cúng Ông Hổ xong, thường dán trước cửa nhà tờ giấy hồng điều in hình cọp màu đen với lòng tin là Ông Ba Mươi sẽ trấn giữ nơi cửa, không cho tà ma đột nhập vào nhà hại người. Tranh thờ Ngũ Hổ gồm: Hắc hổ, Bạch hổ, Xích hổ, Hoàng hổ, Thanh hổ, tượng trưng cho năm vị Thần Tướng ngự trị tại năm phương. Người ta lập miễu (tức miếu nhỏ) thờ cọp ở những nơi cọp ưa ra bắt người, gọi là “Miễu Ông Cọp”, cọp được tôn là “Sơn Quân Chi Thần”.
Chỉ bao nhiêu ấy thôi, cũng đủ thấy đời sống của ông cha ta thời trước đã khổ sở như thế nào? Khổ vật chất, khổ tinh thần, khổ thể xác, khổ tâm linh. Dù cọp có bắt trâu, bắt bò, hay bắt cả người, thì người ta cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng. Không dám phản kháng, bày tỏ, không dám nói ra những nỗi bất bình, uất ức của mình.
Thế nhưng cọp có thương người bao giờ!
Đêm đêm cọp vẫn mò về làng. Cọp về từ những dãy núi xa: núi Ổ Gà, núi Đeo, núi Hoà Sơn, giồng Cốc… Cọp về để ẵm trâu bò heo gà... và cả người nữa… Ban đêm cửa đóng then cài kín mít, người nhà có muốn đi tiểu cũng không dám mở cửa bước ra ngoài. Nghe nói cọp kiên nhẫn ngồi rình dưới mái hiên hay sau xó bếp cả tiếng đồng hồ, nước miếng đổ xuống đất cả vũng mới chịu bỏ đi. Tại chuồng trâu, chủ nhà bố trí một hai con trâu đực dũng cảm nằm tại cổng sẵn sang ứng chiến, thế nhưng sáng ra vẫn thấy mất trâu. Họ đồn cọp có món võ phi thân đại tài. Chuồng trâu rào kiên cố bằng những gốc tre chôn sâu vót nhọn đầu, cao tới 2 mét, nhưng từ ngoài chuồng, cọp có thể phóng bay vào bên trong dễ dàng, làm cho bầy trâu kinh hoảng phá chuồng chạy tán loạn ra ngoài. Cọp nạp theo bắt một con ăn hoặc tha đi.
 
Chiều 30 tháng Chạp ÂL năm 1945 cả làng đang thành tâm bày lễ vật ra sân cúng Tất Niên để rước ông bà về ăn Tết với con cháu, thì ông Kẹ không biết xâm nhập về làng từ lúc nào, ẩn mình trong đám tranh kế bên cây mít nghệ có cả trăm tuổi thọ ở phía sau vườn nhà ông Nội tôi. Giữa sân, ông Nội tôi kê một cái bàn dài chưng đầy lễ vật, dưới đất một chiếc chiếu hoa cũng chưng đầy lễ vật. Ông Nội tôi áo dài đen, khăn đóng đen, đứng thế nghiêm, hai tay cầm ba cây nhang đưa lên ngang trán, lâm râm khấn vái… Bà Nội tôi và những người thân trong nhà, cũng khăn áo chỉnh tề ra quỳ hai bên. Tất cả mọi người đang tỏ lòng thành kính thì có ba tiếng kêu lớn (như phèng la) ngân dài vang dậy cả một vùng, nghe rùng rợn như tiếng sư tử rống trong sa mạc:
- À uôm… À uôm… À uôm…
Chỉ có ông Nội tôi là còn bình tĩnh để cất lên lời báo động:
- Chúa... Sơn Lâm, Chúa... Sơn Lâm về... làng. Tất cả hãy mau mau vào nhà... đóng... đóng cửa lại!
Còn lại, ai cũng bò lê bò càng. Cái tăng cấp ba bậc, lúc bình thường chỉ cần ba bước là bước lên thềm, nhưng bây giờ cứ bước lên bước xuống cả bao nhiêu lần mà không lên được. Mặt ai cũng tái lét như gà cắt tiết. Miệng cà lăm cà lắp…
 
Sau khi đóng cửa đâu đó xong xuôi, Ông Nội tôi chạy xuống đồn (địa điểm tại nhà Ông Năm Tương bây giờ) báo cho lính đồn biết. Trưởng đồn cho một tiểu đội súng ống đàng hoàng, chia làm hai mủi tiến lên bao vây đám tranh và bắn hạ Ông Ba Mươi, kéo xác ra để nằm dài bên đường cho dân làng xem. Thân mình cọp dài độ 2m50, không kể cái đuôi dài gần 1 mét, nặng gần 200kg.
Có lẽ cọp bị giết vào chiều ba mươi Tết, nên cọp có tên là Ông Ba Mươi chăng?
Tuy cọp đã chết, nhưng người ta vẫn cứ xầm xì với nhau lòng đầy hoang mang lo lắng:
-Hổ lạc nát làng, còn hơn cả mang lạc nát làng.
Mang là con hoẳng, thú rừng thuộc nhóm nhai lại, lông màu vàng-đỏ như lông bò, nhỏ hơn con nai rất nhiều, mặt luôn dớn dác. Mang lạc rủi ro thế nào thì tôi không biết. Chứ cọp lạc thì có xui xẻo như thế này.
Chỉ mấy tháng sau ngày cọp chết, lính lê dương Pháp (lính đánh thuê người nước ngoài đa số từ châu Phi như Ma-Rốc… trong quân đội viễn chinh Pháp) từ mặt trận Ban Mê Thuột theo hướng Quốc lộ 21 tràn về Ninh Hòa đông như kiến. Chúng mở cuộc hành quân càn quét từ thị trấn Ninh Hòa đánh thốc lên vùng mật khu Đá Bàn của Việt Minh. Trên đường tiến quân, chúng băng qua làng tôi. Hầu hết dân làng gồng gánh bỏ chạy gọi là “đi tản cư”, khổ cực nhất là đàn bà có con nhỏ hay bụng mang dạ chửa.
Còn lại một số ít dân làng, không chạy kịp, nằm tại nhà, phó mặc cho định mệnh, đa số là đàn bà con gái, chẳng khác gì những miếng mồi ngon treo trước miệng cọp. Bọn lính lê dương rạch mặt, đói khát tình dục, tha hồ hãm hiếp chẳng chút tiếc thương! Chú Lô to con nhất làng đã được má chú thụ thai trong hoàn cảnh bi thương này, nhưng vẫn được ba chú chăm sóc thương yêu như con ruột.
Bọn giặc Tây trước khi đi khỏi làng, còn nhẫn tâm phóng lửa đốt cả chục mái tranh. Ngôi chánh điện chùa Thiên Bửu cũng cùng chung số phận. Tấm bảng “Sắc Tứ Thiên Bửu Tự” được Vua ban cho ngôi chùa cổ nhất nhì trong vùng (có cây me gốc to bằng năm người ôm không xuể) treo trước chánh điện cũng bị cháy rụi.
 
Lớn lên, nghe kể chuyện “hổ lạc nát làng”, tôi thấy thương làng tôi quá! Tôi nhớ thuộc lòng những câu đồng dao mà dân làng ai cũng thuộc nhưng chẳng biết ai là tác giả:
 
Điềm Tịnh, Điềm Tịnh cùi,
Ăn mắm mút giòi đội nón mo cau.
Trời mưa trời gió đùng đùng
Cha con xách thùng đi lượm cứt trâu.
Cứt trâu về đổ lổ bầu
Mong trâu mau lớn, mong bầu ra sai.
 
Tôi cũng nghe câu:
- “Cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận”.
 
Tại Cam Ranh, Diên Khánh, Vĩnh Xương cọp nhiều không? Chứ xứ Vạn- xứ Ninh thì cọp nhiều lắm! Cọp từng bắt người tại Đèo Rọ Tượng, Đèo Bánh Ít, Đèo Cạnh, Dốc Đá Trắng, Hòn Hèo, đèo Cổ Mã, đèo Cả, và nhiều nơi khác. Cho nên nếu nói đến cọp Khánh Hoà thì phải nói đến cọp xứ Vạn- xứ Ninh vùng đất từ Đèo Rù Rì ra đến Đèo Cả mà ngày xưa có tên là phủ Thái Khang, rồi về sau là phủ Bình Khang, phủ Bình Hoà, phủ Ninh Hòa - một vùng núi non trùng điệp, cũng là cái mái nhà của xứ Trầm Hương.
Và nếu nói đến Ninh Hòa thì phải nói đến núi Ổ Gà, có lẽ xưa kia là nơi có nhiều cọp nhất Ninh Hòa nên dân gian có câu tục ngữ:
-“Cọp Ổ Gà, ma Đồng Cháy”.
Vinh Hồ
 

  Trở lại chuyên mục của : Vinh Hồ