Mai Tượng Trưng Cho Người Quân Tử
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một cành mai.
Tầm thanh trong vắt tiễn chè mai
(Thơ Nguyễn Trãi)
Về quê sống đời bần hàn giữ tròn khí tiết, hỏi trên đời có mấy ai làm được? Hay cứ khăng khăng khư khư tham quyền cố vị bám chặt lấy ảo vọng hư danh như con thiêu thân bám lấy ánh đèn sân khấu cuộc đời? Bậc ẩn sĩ, đạo sĩ, hiểu được đạo trời, từng trải tình đời đen bạc lắm ê chề bất trắc trong cái vòng danh lợi, trong cái bả vinh hoa phú quý đầy hang hùm nọc rắn ớn lạnh tới tận xương tuỷ, càng cảm thấy cuộc sống thanh bần nơi thôn dã đẹp đẽ thanh khiết an bình biết chừng nào:
Song có hoa mai trì có nguyệt
Án còn phiến sách triện còn hương
(Thơ Nguyễn Trãi)
"Trà mai phiến sách" cuộc sống đời thường của bậc đạo sĩ tao nhã khoáng đạt vô cùng:
Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu
(Thơ Nguyễn Trãi)
Đẹp thay cuộc sống hoà hợp hoà đồng với thiên nhiên:
Quét trúc, bước qua lòng suối
Thưởng mai, về đạp bóng trăng
(Thơ Nguyễn Trãi)
Cũng nhờ thái độ dứt khoát, rút chân ra khỏi quan trường, về với thiên nhiên, xa vòng danh lợi, sống đời ẩn sĩ, mà hậu thế có trên 300 bài thơ bất hủ trong Ức Trai thi tập và Quốc Âm thi tập.
3. Đại thi hào Nguyễn Du có một thời hàn vi chìm nổi đói khổ lận đận, đã ái mộ hoa mai đến mức xem mai là bạn tri âm tri kỷ trong hai câu lục bát tuyệt bút dạt dào tình cảm:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người thân.
(Thơ Nguyễn Du)
Trong "Đoạn Trường Tân Thanh" Kiều là tiểu thư con nhà trung lưu đài các kín cổng cao tường "thông minh vốn sẵn tính trời, pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm" thuộc hàng tuyệt thế giai nhân mang một vẻ đẹp tuyệt trần "làn thu thủy nét xuân sơn" "hoa ghen, liễu hờn” là bậc "quốc sắc thiên hương” "sắc sảo mặn mà" so bề tài sắc "mười phân vẹn mười". Thế nhưng người đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" này lại được tác giả Nguyễn Du đem so sánh với hoa mai, "mai cốt cách" tượng trưng tài sắc vẹn toàn của nàng Kiều:
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
(Kiều)
4. Mai được so sánh với tuyệt thế giai nhân, mai có bản tính dũng cảm, kiêu hùng của người quân tử ôm mộng "thế thiên hành đạo" "kinh bang tế thế", đã khiến cho thi hào Cao Bá Quát- người từng đứng lên chống lại triều đình hủ lậu, từng chế nhạo "câu thơ thi xã" của ông hoàng bà chúa, suốt đời ngang tàng không biết sợ ai, phải cúi đầu bái lạy trước hoa Mai qua 2 câu thơ tuyệt bút:
Mười hạ giao du tìm cổ kiếm
Một đời chỉ cúi lạy mai hoa.
(Thơ Cao Bá Quát, Vinh Hồ dịch)
5. Quả thật hiền nhân quân tử quảng đại, tiết tháo, chính trực giống như "tùng, trúc, mai" nơi sơn lâm cùng cốc bất cầu danh lợi. Bình thường người ta say mê hoa thơm cỏ lạ với trăm hồng nghìn tía, nhưng khi thu tàn đông đến thì tất cả đều lụi tàn chỉ còn trúc tùng mai “trơ gan cùng tuế nguyệt“. Người quân tử, bậc đại trượng phu không a dua nịnh bợ chạy theo thời thế tiền tài danh vọng phù phiếm, không cúi đầu khom lưng trước cái ác cái xấu, cũng không vì sự dụ dỗ quyến rũ của tà đạo hư danh ảo vọng mà bán rẻ nhân cách danh dự lương tâm của con người, nhưng lẫm liệt hiên ngang như "tùng trúc mai" sừng sững đứng giữa trời đất ngạo tuyết nghênh sương, lịch sử cần những "tùng trúc mai" đó để đạo làm người được thiên thu sáng tỏ.
Cả 4 thi hào trong thi ca cổ điển VN đều ái mộ khâm phục hoa mai. Mai hội đủ những phẩm chất cao quý của người quân tử. Mai tượng trưng cho người quân tử, nên thi hào Cao Bá Quát đã viết:
"Một đời chỉ cúi lạy mai hoa."
Orlando, Dec 23, 2019