Tưởng Niệm Đệ Nhất Danh Ca Thái Thanh
Tại Phòng Trà Queen Bee Nghe Thái Thanh Hát Nửa Hồn Thương Đau...
Ảnh Thái Thanh, đầu thập niên 70, trên NET
"Tiếng hát vượt thời gian" Thái Thanh đã ra đi để lại niềm thương tiếc vô hạn cho bao người! Để tưởng niệm, tôi xin kể một kỷ niệm cách nay gần nửa thế kỷ tại Queen Bee nghe Thái Thanh hát Nửa Hồn Thương Đau... Chính giọng hát, lời ca và nghệ thuật trình diễn thượng thặng của Cô đã làm cho tôi một thanh niên 23 tuổi say mê, ngưỡng mộ cho đến bây giờ.
1. Cuối năm 1971, từ đơn vị tác chiến, tôi đi phép về Sài Gòn thăm anh chị hai Ngô Cao và bạn học cũ, sinh viên Nguyễn Vân ở đường Lê Văn Duyệt, tối hôm đó tôi và Vân có mặt tại phòng trà ca nhạc Queen Bee, Sài Gòn.
Nói về phòng trà ca nhạc tại Sài thành thời ấy, tưởng cũng nên nói thêm đôi dòng.
Năm 1954, nhiều ca nhạc sĩ Miền Bắc di cư vào Sài Gòn khiến nền tân nhạc Miền Nam càng thêm khởi sắc. Thị trường âm nhạc sôi nổi. Các phòng trà nở rộ. Đến phòng trà là một thú vui, cũng là một nét văn hóa của Sài thành hoa lệ.
Qua bao thăng trầm bởi thời cuộc đến đầu thập niên 70, Sài Gòn có 5 phòng trà nổi tiếng lừng lẫy đó là: Queen Bee, Tự Do, Ritz, Maxim's, Đêm Màu Hồng.
Đêm Màu Hồng với giọng ca chủ lực Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long. Queen Bee, Tự Do, Maxim's với các giọng ca Lệ Thu, Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Thuý... Ritz có ban nhạc The Dreams, ca sĩ Julie Quang, chủ phòng trà Jo Marcel cũng là ca sĩ. Các phòng trà nói trên dập dìu khách mộ điệu. Những năm trước đó có Quán Văn nơi sinh viên hâm mộ Khánh Ly, Trịnh Công Sơn.
Thời kỳ rực rỡ của nền tân nhạc lúc bấy giờ riêng bên nữ danh ca gồm có: Thái Thanh, Khánh Ngọc, Bạch Yến, Ngọc Cẩm, Hà Thanh, Lệ Thu, Thanh Thuý, Minh Hiếu, Phương Dung, Hoàng Oanh, Khánh Ly, Lê Uyên, Thanh Tuyền, Giao Linh, Kim Anh, Kim Loan, Trang Mỹ Dung, Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Duy Quang, Mai Lệ Huyền, Carol Kim, Julie Quang, Hương Lan, Connie Kim, v.v... Trong tất cả các giọng hát, Thái Thanh vẫn được xem là "cánh chim đầu đàn", là “Tiếng Hát Vượt Thời Gian” là "Đệ Nhất Danh Ca" danh tiếng lừng lẫy tại Sài thành và khắp nước.
Queen Bee là phòng trà ca nhạc có lối kiến trúc đẹp mắt, ấm cúng, nằm trên đại lộ Nguyễn Huệ ngay giữa trung tâm Hòn Ngọc Viễn Đông, hàng đêm thu hút 1 số lượng lớn khách yêu nhạc - hâm mộ các ca sĩ hàng đầu, các show quốc tế mới lạ, các danh hài quái kiệt tại Thủ đô...
Queen Bee nằm trên lầu hai của khu Thương xá Eden, vào lúc 7 giờ tối thảm đỏ được trải ra, bàn ghế được phủ khăn trắng, sân khấu được trang hoàng để chào đón khách yêu nhạc. Tại đây, ngoài các giọng ca hàng đầu như Thái Thanh, Khánh Ly, Thanh Thúy, Evis Phương, còn có các ca sĩ Xuân Sơn, Bạch Lan Hương, Phương Hồng Hạnh, Mỹ Thể, Carol Kim, Ban tam ca The Cat's Trio, v.v... Chơi thường trực là "Đệ nhất ban nhạc" Shotguns sống động vốn là một ban nhạc trẻ từng chơi trong các Club Mỹ, Ngọc Chánh, Trưởng ban sử dụng Organ, người có công chuyển hướng toàn ban chơi nhạc Mỹ sang nhạc Việt. Ban nhạc có Nguyễn Ánh 9 đánh đàn piano, Hoàng Liêm lead guitar, Duy Kiêm bass guitar, Lưu Bình trống...
Nhạc sĩ Ngọc Chánh nổi tiếng với các nhạc phẩm Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Bao Giờ Biết Tương Tư, Tuổi Biết Buồn (viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy), ông được đánh giá cao trong vai trò Trưởng Ban nhạc Shotguns cùng hãng băng đĩa Shotguns, có công lăng xê nhiều bài hát và ca nhạc sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn. Đầu năm 1971, Khánh Ly rời Queen Bee để khai trương phòng trà vũ trường Tự Do, nhạc sĩ Ngọc Chánh nhận thầu lại Queen Bee, đồng thời thuyết phục được ca sĩ Thanh Thúy trở lại sau 5 năm theo chồng vắng bóng.
2. Khi chúng tôi đến nơi, thì phòng trà Queen's Bee đã đông khách. Ở Vũng Tàu, tôi có lần đến phòng trà Trúc Giang, nhưng tại Queen Bee, Sài Gòn là lần đầu tiên, thật thích thú trước vẻ hào nhoáng, sang trọng, thanh lịch của nó. Hai chúng tôi kêu Bia 33 lai rai với đậu phọng rang cùng tôm khô củ kiệu, trong khi nhiều khách VN và ngoại quốc ngồi gần uống rượu mạnh Whisky, Remy Martin...
Chúng tôi no nê, mãn nhãn thưởng thức toàn bộ các tiết mục của chương trình văn nghệ. Yêu thích tài nghệ cùng sự trẻ trung của Ban tam ca The Cat’s Trio do “ba con mèo” Uyên Ly, Minh Xuân, Kim Anh mặc áo đầm đồng phục màu vàng trình diễn, ấn tượng nhất là màn cùng đá chân thật cao được khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Giọng hát khàn khàn liêu trai với thân hình to cao, dáng đứng lom khom của ca sĩ Carol Kim. Giọng hát đầy nội lực cùng cách ăn mặc rất Tây của Elvis Phương. Ca sĩ giọng bán trầm Mỹ Thể man dại với thân hình nóng bỏng, v. v...
Nhưng mê hồn nhất vẫn là tiết mục của "tiếng hát vượt thời gian" Thái Thanh qua nhạc phẩm Nửa Hồn Thương Đau. Sau nhạc phẩm này thể theo lời yêu cầu của khán giả, Cô hát thêm 2 bản nữa: Tình Ca, và Dòng Sông Xanh.
Chỉ nghe Thái Thanh hát trên đài phát thanh thôi chưa đủ, mà phải tận "mắt thấy tai nghe" Cô trình diễn trên sân khấu thì mới cảm nhận được hết tài nghệ tuyệt đỉnh, thượng thừa của Cô. Khi Cô bước ra sân khấu, khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Dưới ánh đèn màu, Cô cao sang, lộng lẫy, quý phái, kiêu sa như một bà Hoàng, dù đã 37 cái xuân xanh nhưng trông vẫn trẻ đẹp tươi tắn như thường. Nhìn mái tóc ngắn tân thời cùng chiếc áo dài tơ lụa màu hoàng yến may kiểu "Nhật Bình" toát ra vẻ đẹp quyền quý, làm tôi nhớ đến 6 câu thơ tuyệt bút của thi sĩ Nguyên Sa:
"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh"
Cô cúi đầu chào khán giả rất điệu nghệ, nụ cười duyên dáng điểm 1 nốt ruồi lãng mạn, đôi mắt to đen long lanh huyền ảo. Khi Cô hát hết bài, khán giả vỗ tay hô bis bis bis.
Cô hát bài nào tôi cũng mê mẩn như bị thôi miên. Giọng hát cao vút tận trời xanh, cách phát âm sang chuẩn rất Hà Nội, cách nhả chữ luyến láy rất Thái Thanh, cách trình diễn hết sức điêu luyện. Cháy hết mình, nhập vai siêu đẳng, cử chỉ tự nhiên. Cô diễn tả toàn thân, từ dáng đứng dáng đi, đến nét mặt, ánh mắt, làn môi, mái tóc, kể cả 10 ngón tay, thật xuất thần!
Vào lính, tôi có học "nghệ thuật nói trước công chúng" do Linh mục Nguyễn Văn Vàng dạy nên càng cảm phục Cô, không biết Cô có qua trường lớp gì không mà trình diễn thiện nghệ như vậy? Cách thể hiện bài hát của Cô không chỉ thuần tuý là 1 ca sĩ mà còn là 1 diễn viên nữa.
Một sự khác biệt lớn trước mắt tôi. Từ đó đến nay, tôi vẫn chưa thấy 1 nữ ca sĩ nào có thể làm được như vậy. Một tài năng lỗi lạc do thiên phú, do huyết thống di truyền, do kiên trì bền bĩ tập luyện từ nhỏ, do sinh ra tại vùng đất ngàn năm văn vật, hay do chung quanh Cô toàn là những tên tuổi lớn trong nền Văn học, Nghệ thuật và Điện ảnh?
3. Cảm nhận khi nghe nhạc tại phòng trà Queen Bee:
-Bản "Nửa Hồn Thương Đau":
Là nhạc phim trong bộ phim "Chân Trời Tím" do NS Phạm Đình Chương sáng tác dựa theo ý thơ Thanh Tâm Tuyền, chỉ soạn trong 1 tuần mà trở thành tuyệt phẩm vượt thời gian:
"Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang chết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối, xót thương suốt đời..."
Có lẽ vì thương, hiểu và cảm thông nỗi niềm tâm sự quá đau thương của anh ruột mình đã gởi gắm trong đó, cho nên Cô hát bằng tất cả cảm xúc tràn dâng, những nốt vút cao, những kỷ thuật nhấn nhá luyến láy, những cái vuốt tóc, những khoảnh khắc nhắm mắt, những hạt lệ long lanh, những bàn tay giơ lên, những cánh tay buông thỏng tuyệt vọng... cùng với chất giọng thiên phú điêu luyện truyền cảm mê ly đầy thê lương da diết ảo não... đã làm cho tôi muốn đứt từng đoạn ruột.
Ai có thể hát được như vậy?
-Bản "Tình Ca" của Phạm Duy:
Khi sáng tác, tác giả kết hợp dân ca Bắc Bộ với âm hưởng Opera, trở thành tuyệt phẩm được đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về quê hương.
Khi Thái Thanh cất tiếng thì cả không gian hoàn toàn lắng động, tan chảy:
"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi ..."
Những nốt vút cao: "Tiếng nước tôi..." hay "Nước ơi..." nghe thót cả ruột, nổi cả da gà.
Ai có thể hát được như vậy?
-Bản "Dòng Sông Xanh":
Do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt từ 1 nhạc phẩm của Johann Strauss II:
"Một dòng xanh xanh
Một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc
Một dòng sầu mấy kiếp..."
Khi Cô cất tiếng đầy mê hoặc, trong như pha lê, thánh thót như tiếng sáo diều thì phòng trà im phăng phắc... Chính giai điệu này đã làm nên tên tuổi Thái Thanh với danh hiệu "Nữ hoàng nhạc Waltz".
Tất cả những nét lộng lẫy, tuyệt vời, điệu nghệ nằm trong những nốt cao vút, cùng những sự ngân nga, nhấn nhá, luyến láy thần tình, âm sắc phảng phất từ chèo, ca trù, quan họ dân ca Bắc Bộ trộn lẫn Opera Tây phương.
Dòng Sông Xanh chứa đựng đầy đủ cung bậc cảm xúc trong giọng hát Thái Thanh, khi trầm lắng suy tư, khi cao vút hân hoan, khi nhấn nhá hạnh phúc.
Ai có thể hát được như vậy?
4. Đệ Nhất Danh Ca" Thái Thanh xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, thân sinh nổi tiếng với nhiều ngón đàn, thân mẫu có biệt tài ca hát ngâm thơ.
Chung quanh Cô toàn là người xuất chúng. Dòng máu âm nhạc tuôn chảy trong tim, thuở bé đã cùng chị gái biểu diễn tại quán phở Thăng Long do gia đình mở.
Suốt một đời ca hát, trải dài qua 3 miền đất nước, và hải ngoại. Được cha mẹ đặt cho 1 cái tên quá đẹp Phạm Thị Băng Thanh (Băng Thanh Ngọc Khiết: nghĩa là trong như giá, sạch như ngọc. Ý nói phẩm hạnh cao khiết).
Sở hữu một sắc đẹp sắc nước hương trời. Có giọng ca nữ cao, có cách phát âm sang chuẩn, có lối nhấn nhá luyến láy độc đáo, có nghệ thuật trình diễn thiện nghệ, và đã chọn lọc những nhạc phẩm có giá trị văn chương nghệ thuật cao.
Tất cả đã làm nên một tên tuổi lớn, một "tiếng hát vượt thời gian" có một không hai trong nền tân nhạc VN suốt 70 năm qua (1950-2020).
Để kết thúc bài này, tôi xin mượn lời của 3 danh nhân đương thời đã viết về Cô như sau:
-Vì em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.
(Nhà thơ Hoàng Trúc Ly)
-"Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút là một hơi thở của bình minh..." (Nhà văn Mai Thảo)
-"Một giọng hát diễm tuyệt." (Nhạc sĩ Phạm Duy)
Orlando, Mar 21, 2020.