VINH HỒ

 Chương 4.  NINH HÒA SÔNG NGÒI

(Trích: QUÊ HƯƠNG NINH HÒA sắp xuất bản)

 
 
Bản đồ huyện Ninh Hòa, trích từ NET.
 Vì dãy Trường Sơn ăn ra tận biển, nên sông ngòi xứ Ninh (Ninh Hòa) đa số là những con sông nhỏ hay suối, sau đây chúng tôi xin giới thiệu theo thứ tự từ Bắc vào Nam như sau:
 
   1. SÔNG DINH:
Trầm mặc, lững lờ mang ước mơ
Hàng tre đan võng ru ơ hờ…
Đông đến giật mình sông thức giấc
Lồng lên cuồn cuộn chảy tràn bờ.
 
    Mang chữ Dinh, ngoài Sông Dinh ở Ninh Hòa, còn có:
   -Sông Dinh ở Quảng Bình
   -Sông Dinh ở Ninh Thuận
   -sông Dinh La Gi Bình Thuận  
   -Sông Dinh ở Bà Rịa.
 
   Sông Dinh ở Ninh Hòa bắt nguồn từ các vùng rừng núi: Vọng Phu (cao 2051m thuộc biên giới Khánh Hòa-Đắc Lắc) và Đa Đa (cao 1709m, thuộc biên giới Khánh Hòa-Phú Yên), sông Dinh dài độ 51km chảy ra cửa Hà Liên, vịnh Nha Phu.
    
      Chèo ghe sông Cái
      Ngó mãi Phước Lâm
      Vì đâu định mệnh oái oăm  
      Thương nhau loan phụng sắt cầm lìa xa.  
 
   Sông Dinh tức sông Cái, trong sách vở cũ có tên là sông Vĩnh An, đến đời Nhà Nguyễn đổi là sông Vĩnh Phú. Sách "Đại Nam Nhất Thống Chí" ghi Sông Vĩnh Phú ở cách huyện Tân Định chừng 2 dặm về phía bắc, trước gọi là sông Vĩnh An, có bốn nguồn…”. Vì chảy qua Thị trấn Ninh Hòa nên cũng có tên là sông Ninh Hòa.
 
      Sông Dinh nước chảy lững l
      Cắm sào trên bến đợi chờ người thương
      Mồi cơm câu bóng vô thường
      Lục bình hoa tím cũng vương tơ hồng.
 
   Cách nay trên 350 năm, tỉnh Khánh Hòa xưa có tên là dinh Thái Khang, cơ quan cai trị đóng tại địa phận Thị trấn Ninh Hòa ngày nay, bên bờ Bắc Sông Dinh, vì sông chảy ngang qua Dinh quan Trấn Thủ nên dân chúng gọi là sông Dinh.
 
Khởi từ Núi Vọng Phu
Băng qua cầu Dục Mỹ
Ngang qua Dinh Trấn Thủ
Chảy về Vịnh Nha Phu.
 
   Tại Ninh Hòa có 4 địa danh mang chữ Dinh, ngoài Sông Dinh còn có:
   -Cầu Dinh:  Theo sách ĐNNTC, Cầu Dinh có tên là Cầu Chợ Dinh: “ở chỗ giáp giới 2 huyện Quảng Phước và Tân Định, tục danh Cầu Chợ Dinh”. Phía bắc cầu thuộc thôn Vĩnh An, sau đổi tên là thôn Vĩnh Phú, huyện Quảng Phước; phía nam cầu thuộc thôn Mỹ Thạnh sau đổi là thôn Mỹ Hiệp, huyện Tân Định. Ban đầu là cầu gỗ, năm Thìn (1904) bị bão lụt cuốn trôi, dấu tích còn lại là các trụ gỗ trơ trọi, có một thời gian qua lại bằng đò nên gọi là Bến đò Dinh. Thời Pháp thuộc xây lại bằng xi-măng cốt thép. Sang thời VNCH thay mới bằng bê-tông cao ráo còn sử dụng đến nay.
 
   -Chợ Dinh: Chợ Dinh có tên là Chợ Dinh Bình Khang. Sách PBTL của Lê Quý Đôn ghi “chợ Dinh Bình Khang tiền thuế 166 quan 2 tiền”. Và cũng có tên là là Chợ Mỹ Thịnh ở huyện Tân Định xưa (Mỹ Thịnh sau đổi thành Mỹ Hiệp, hiện nay là Chợ Cũ).
Sách ĐNNTC (QSQTN) trang 130 ghi: “Chợ Mỹ Thịnh ở huỳện Tân Định, tục gọi chợ Dinh, vì hồi đầu bản triều ba dinh Trấn Thủ, Cai Bạ và Kí Lục đóng ở đây, nên gọi thế.”
    
      Mai về Núi Vọng, Sông Dinh
      Hỏi thăm bốn chữ nghĩa tình sắt son.
 
   Sách ĐNNTC (đời Duy Tân) ghi: “ở xã Mỹ Hiệp huyện Tân Định, xe thuyền tụ tập, buôn bán phồn thịnh, thành nơi đô hội thứ nhất trong tỉnh hạt.” Thời vua Duy Tân (ở ngôi từ 1907-1916) cách nay gần 100 năm, chợ Dinh có xe cộ, ghe thuyền tụ tập buôn bán phồn thịnh nhất trong tỉnh Khánh Hà xưa.
Hiện đã mở thêm Chợ Mới nằm cạnh Chợ Cũ, cả hai vẫn gọi chung là Chợ Dinh.
   -Gò Dinh: nằm tại làng Phú Văn xã Ninh Trung, cách sông Lốt không xa.
 Sông Dinh có nhiều phụ lưu:
   -Sông Cái:
    
      Xuôi dòng sông Cái
      Về lại Sông Dinh
      Những mong tình được găp tình
      Nào ngờ trắc trở duyên mình dở dang.
 
   Sông Cái dài độ 43km, bắt nguồn từ Núi Vọng Phu, chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam băng qua địa phận các xã Ninh Tây, Ninh Sim, qua cầu Dục Mỹ, qua địa phận các xã Ninh Xuân, Ninh Bình, Ninh Phụng, qua cầu Bến Gành, rồi nhập vào sông Dinh tại Họng Ngã Ba (ở cuối làng Điềm Tịnh giáp ranh làng Vĩnh Phú).
         
        Chảy từ núi Vọng Phu xa
        Sông Dinh sông Cái chỉ là một thôi
        Sông Dinh thẳng một dòng trôi
        Sông Cái uốn khúc giữ lời sắt son
        Đêm Thu núi Vọng Phu buồn
        Gởi về sông cũ nửa h
ồn trăng xưa.
 
   Tại Cây số 5 thuộc xã Ninh Xuân có đập đúc Cây Số Năm, còn gọi là đập Bảy Xã cung cấp nước cho 7 xã: Ninh Xuân, Ninh Phụng, Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Hưng, Ninh Lộc, Ninh Hà. Vào mùa lụt dòng nước sông Cái chở phù sa đỏ ngầu chảy cuồn cuộn. Trên thượng nguồn có Thác Bay, hồ Ea Krong Rou, hồ B. Ma Đùng, hồ Suối Sim, suối Nước Nóng Dục Mỹ.
 
      Chim  qua Hòn Lách chim sà
      Chàng qua Sông Cái vào nhà Ninh Tây
      Mời chàng một miếng trầu cay
      Trầu têm cánh phượng đặt khay ngô đồng
      Thuốc ngon quấn sợi chỉ hồng
      Dù xa xôi chớ quên lòng thiếp đây.
 
   -Thác Bay và Hồ Ea Krong Rou: thuộc xã Ninh Tây có hình dạng giống như hình một thân cây khô chỉa ra nhiều nhánh nhóc, chỗ dài nhất độ 2.5miles, chỗ rộng nhất độ 0.8mile, cách biên giới Khánh Hòa-Đắc Lắc độ 1mile, cách đường QL 21 gần 4miles. Năm 2005 hoàn tất Nhà máy Thủy điện Ea Krong Rou thuộc thôn Buôn Đun, xã Ninh Tây cách Quốc lộ 21 khoảng 8km, cách Nha Trang khoảng 60km. Nhà máy Thủy điện đặt tại chân thác. Cụm công trình đầu mối được xây dựng tại đỉnh thác thuộc nhánh suối Ea Krông Rou. Hồ chứa nước và tuyến năng lượng thuộc địa phận xã Ninh Tây.
 
Nhìn lên núi Vọng Phu xa
Sáng ngời một dãi lụa là đẹp tươi
Thác Bay uốn lượn giữa trời
Nghìn năm còn hát những lời yêu thương.

 
   Từ Thị trấn Ninh Hòa nhìn lên hòn Vọng Phu có một vệt trắng dài như ngón tay vắt lên triền núi, đó là Thác Bay.
Theo nhà thơ Điềm Ca, muốn lên Thác Bay, từ Ngã Ba Bùng Binh đi Dục Mỹ đến cây số 19 (trên Quốc lộ 21) rẽ phải vào con đường đất mới khai phá, xe hơi sẽ đưa du khách vào tận chân thác. Thác Bay nằm trên dãy núi thuộc hệ thống núi Vọng Phu ở độ cao trên 500m đổ nước xuống trắng xóa như một dãi lụa. Dưới chân thác, hồ Ea Krong Rou xinh đẹp, rộng và sâu, dòng thác từ trên cao đổ xuống hồ dội vào vách núi vang lên những tiếng boong boong dư âm kéo dài nghe tựa hồ như những tiếng chuông chùa từ đâu vọng lại.
   Hiện nay Thác Bay được khởi công xây dựng thành một Trung tâm Du lịch của tỉnh Khánh Hòa, gọi là Khu Du Lịch Thác Bay và Hồ Ea Krong Rou.
  
  Ngọc Tuyền ai đặt giữa trời Tây
  Xinh đẹp tuyệt vời tên Thác Bay
  Nhạc khúc rừng xanh vừa lắng tiếng
  Trăm nàng Tiên nữ trút xiêm y
.
 
   Tại địa phận xã Ninh Xuân có Suối Trầu, còn gọi là suối Đá Cùng dài độ 12km phát nguyên từ núi Tà Lang (365m) chảy vào sông Cái bằng 2 nhánh. Trên suối Trầu có đập đúc Suối Trầu và Lòng hồ Suối Trầu.
 
  -Lòng hồ Suối Trầu: thuộc xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa. Hình dạng hơi giống hình 1 chiếc lá mép răng cưa dài độ 1.8miles, chỗ rộng nhất độ 0.7mile, cách Cầu Đỏ chừng 1.5km, cách sông Cái độ 800m, cách QL 21 độ 1km.
Từ Thị trấn Ninh Hòa theo Quốc lộ 21 qua khỏi đèo Cạnh chừng 500m, bên trái có một con đường đất băng qua Cầu Đỏ dẫn du khách đến các địa danh nổi tiếng nước độc rừng thiêng đi dễ khó về như Lỗ Gáo, Bến Khế, Hòn Dù, nhưng chỉ đi chừng 500m, du khách rẽ trái, tiếp tục đi chừng 1km, khi băng qua khỏi những rẫy dưa, thuốc lá, bắp, mì… Lòng Hồ Suối Trầu hiện ra trước mặt, nước xanh biếc, gió thổi lồng lộng, bốn bề rừng núi điệp trùng.
   Nhờ đập Suối Trầu ngăn nước nên Lòng Hồ Suối Trầu rộng, chứa một trữ lượng nước khá lớn cung cấp cho các xã Ninh Quang, Ninh Hưng, Ninh Lộc... Dù không có núi cao bao bọc như Lòng Hồ Đá Bàn, nhưng nhờ gần Quốc lộ 21, gần huyện lỵ Ninh Hòa (cách độ 14km) nên rất thuận tiện cho du khách đến thăm, bơi thuyền, câu cá, bẩy heo rừng... và hít thở không khí trong lành. Giữa Lòng Hồ nổi lên những cây đại thụ chết đứng trơ cành in trên nền trời xanh đẹp như một bức tranh, chấm phá bằng những cánh cò trắng toát đậu hàng giờ không bay như thể đang suy tư về những cảnh đời biển dâu dời đổi:
 
Cây khiu khẳng đứng giữa dòng đời
Im ắng hằng bao thế kỷ rồi
Có một cánh cò từ quá khứ
Bay về đậu mãi giữa mù khơi.

 
   -Có một nhánh bắt nguồn từ biên giới của 3 huyện: M'Drak, Khánh Bình và Ninh Tây, dài độ 13miles chảy vào hữu ngạn Sông Cái ở phía dưới Cầu Dục Mỹ, cách Cầu Dục Mỹ độ 200m.
   -Có 3 nhánh bắt nguồn từ Núi Vọng Phu chảy vào Hồ Suối Sim thuộc xã Ninh Sim dài độ 0.8mile, rộng độ 0.5mile. Từ hồ có một nhánh sông ngoằn nghoèo chảy vào tả ngạn sông Cái dài độ 3miles tại phía trên Cầu đỏ, cách Cầu Đỏ gần 1mile. Hồ Suối Sim cách QL 21 độ 2.3miles, cách Tỉnh lộ 6 độ 1.5miles.
 
Cá thu Đông Hải, dầu rái Ninh Sim
Trái xay Dục Mỹ, trái thị Phú Diêm
Đời anh di chuyển liên miên
Mùa Hè đi điệu, biển yên đi hòn.
 
   -Sông Đục:
 
      Ngó lên Núi Lớn, Hòn Bà
      Ngó xuống Sông Đá thấy ba anh đang bừa
      Ba anh có vợ hay chưa?
      Nếu chưa có vợ chúng em đưa miếng trầu.
 
   Sông Đục hay sông Cây Sao, sông Đồng Hương, sông Tân Lâm, sông Đá dài độ 30km, bắt nguồn từ núi Vọng Phu (biên giới Khánh Hòa- Đắc Lắc) chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam qua các xã: Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Trung, Ninh Thân, Ninh Phụng rồi nhập vào sông Dinh tại Họng Ngã Ba. Sau 1975, sông Đục được cải dòng cho nhập vào sông Cái.
Mặc dù nhỏ bé vẫn là sông
Êm ả trôi qua những cánh đồng
Sương khói đôi bờ tre lãng đãng
Mơ màng về tận Ngã Ba Sông.
 
   Sông Đục băng qua cầu Cây Sao, cầu Ké, đập Điềm Tịnh, cầu Sông Đục. Sông Đục băng qua cánh đồng Ninh Thân, Ninh Phụng, nước ruộng tháo ra sông làm cho dòng nước đục quanh năm, nên sông có tên là sông Đục:
 
Đầu nguồn: sông Đá, Tân Lâm
Cuối nguồn: sông Đục em nằm bên thôn
Tháng Giêng đồng lúa xanh rờn
Vì em chịu đục nên đồng lúa xanh.

 
      -Sông Lốt:
     
      Chèo ghe sông Lốt
      Nhìn suốt Phú Gia
      Bởi vì cha mẹ nói ra
      Ông tơ chẳng buộc duyên ta lỡ làng. 
 
 
   Sông Lốt hay sông Đá Bàn dài độ 37km, bắt nguồn từ biên giới Khánh Hòa-Phú Yên, chảy qua vùng rừng núi Đá Bàn, đổ vào Lòng Hồ Đá Bàn, đoạn sông này tên là sông Đá Bàn dài độ 14km. Đoạn kế tiếp tên là sông Lốt dài độ 23km, từ Lòng hồ Đá Bàn chảy qua địa phận các xã Ninh An, Ninh Trung, Ninh Đông, Ninh Phụng, rồi nhập vào sông Dinh tại Họng Ngã Ba.
      
      Len lỏi từ vùng rừng núi xa
      Dòng sông còn nặng nợ phù sa
      Chảy vô Hồ Đá Bàn thơ mộng
      Chảy xuống vực sâu thác vỡ òa.
 
   Có 3 nhánh phát nguyên từ 3 nơi thuộc dãy núi Đa Đa biên giới Khánh Hòa-Phú Yên, nhập lại thành sông Đá Bàn chảy qua địa phận xã Ninh Sơn theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, rồi chia làm 2 nhánh đổ vào Lòng Hồ Đá Bàn.
 
   -LÒNG HỒ ĐÁ BÀN:

Sông Đá Bàn, nguồn: trích từ NET.
 
   Lòng Hồ Đá Bàn thuộc xã Ninh Sơn, huyện Ninh Hòa, chung quanh là những khu rừng nguyên sinh. Vào đầu thập niên 80, trên thượng nguồn sông Lốt có tên là sông Đá Bàn được ngăn lại bằng đập đúc xây đá chẻ gọi là đập Đá Bàn. Phía trên đập hồ nước mênh mông như biển gọi là Lòng Hồ Đá Bàn, có hình dạng hơi giống chiếc lá mép răng cưa chỗ dài nhất độ 2.5miles, chỗ rộng nhất độ 1.8miles.
   Từ Lòng Hồ Đá Bàn dòng sông mang tên sông Lốt chảy qua 4 xã Ninh An, Ninh Trung, Ninh Đông, Ninh Phụng về Họng Ngã Ba tại cuối làng Điềm Tịnh nơi tập trung của 3 nhánh sông Cái, Đục và Lốt, từ đó sông mang tên là sông Dinh.      
   Từ Lòng Hồ Đá Bàn, sông Lốt theo hướng Bắc-Nam chảy về Họng Ngã Ba. Có 1 nhánh rất dài bắt nguồn từ biên giới 3 tỉnh Khánh Hòa-Đắc Lắc-Phú Yên chảy qua các xã Ninh Thượng, Ninh Sơn theo hướng Tây Bắc-Đông Nam rồi nhập vào hữu ngạn sông Lốt tại địa đầu xã Ninh An.  
   Từ Ngã Ba Bùng Binh Thị trấn Ninh Hòa theo Quốc lộ 1 đi ra Lạc An độ 7.5miles, rẽ trái vào đường tỉnh lộ 7 rải nhựa đi độ  8miles men theo dòng sông Lốt đến hồ Đá Bàn. Trước khi tới nơi, một đoạn đường rừng dài độ 2km ngoằn ngoèo bò giữa một bên là núi cao, một bên là sông Lốt sâu như đáy vực sẽ làm du khách không ngớt lo lắng. Đứng trên bờ đập bê tông thấy mặt hồ như lòng chảo giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Có những địa danh như Đồi Yên Ngựa, Gộp Đá Đen, Gộp Ông Hiệu, hang Bệnh Xá... Chiếc xuồng cao tốc hơn nửa giờ đưa khách lên thượng nguồn có những bãi cát trắng phau, có những tảng đá to mặt phẳng như mặt bàn, có thể ngồi trên đó 20 người. Không phải một hòn mà cả một bãi đá nên có tên là Đá Bàn. Nơi đây mát lạnh được che bởi cây lá dày đặc, ánh nắng mặt trời khó thể lọt qua. Tiếng chim kêu, vượn hú, khướu hót, thác reo… tạo nên khúc nhạc rộn ràng. Cá Chép, cá Chình, cá Lóc, cá Mè, cá Trắm Đen, cá Trắm Cỏ, Tôm, Cua, Ốc, nhiều nhất là cá Trắng, cá Lòng Tong. Khi lên đến thác 1 của suối Cái, phong cảnh càng thơ mộng.
Đến Lòng Hồ Đá Bàn những chiều mùa Hạ dạo thuyền gió mát lồng lộng, sóng vỗ bập bềnh, có những con cá lốc tinh nghịch nhảy vọt lên mặt nước như muốn chào mừng khách du. Hai bên bờ hồ, núi cao dựng đứng chồng chất như trường thành, xa xa những dãy núi tím thẩm tiếp nối chạy dài rồi mờ dần sau làn sương. Chiều xuống, nhường lại khoảng trời nước mênh mông cho vầng trăng, trăng hiển hiện sáng lung linh như muốn làm cho núi rừng bớt phần u tịch, và gió, gió cũng thổi nhẹ nhàng để khách du dễ dàng trải lòng mình ra giữa đêm trăng huyền ảo. Giữa đêm khuya nơi núi rừng hoang dã mặt hồ sáng long lanh như muốn chia xẻ bao niềm hạnh phúc chan chứa trong lòng của kẻ đang yêu:
 
Nửa đêm thuyền ngủ giữa Lòng Hồ
Gió thổi thuyền trôi chẳng bến bờ
Theo nguyệt, thuyền rơi vào huyễn ảo
Em ơi tất cả đã thành thơ!

(Đêm trăng chèo thuyền trên Lòng Hồ Đá Bàn, Vinh Hồ)
 
   Và cũng sẳn sàng cảm thông với bao tâm hồn sầu khổ cô đơn:
 
Chiều nay mây xám bạt ngàn
Gió lùa rét buốt vỡ tan mộng đời
Mưa tràn thung lũng mù khơi
Nhạt nhòa rừng núi - lệ trời hay tôi?

(Buổi Chiều Từ Giã Thung Lũng Đá Bàn, Trần Phượng Hoàng)

   Trong ba sông, sông Lốt trong trẻo nhất, nhưng vào mùa mưa, dòng nước đục ngầu hung dữ chảy cuồn cuộn, kéo theo nhiều bọt bèo gỗ mục, hợp cùng sông Cái, sông Đục gây lũ lụt trong các tháng Tám, Chín, Mười ÂL.
     
      Chảy từ biên giới Phú Yên
      Chảy qua hồ Đá Bàn trên thượng nguồn
      Tháng Mười dòng nước điên cuồng
      Quang Đông, Vĩnh Phú con đường thành sông.
 
   Trên thượng nguồn Sông Lốt tại vùng Hòa Sơn, thuộc xã Ninh An có bến Miễu, bến Cây Sung, thác Kênh Kênh, thác Dao, thác Cùi Chỏ:
     
      Sáng đứng trên giồng Cô Bốn ngóng
      Chiều ngồi dưới thác Kênh Kênh trông
      Sông Dinh, sông Lốt tên sông ấy
      Ai đặt chi hai để nặng lòng?
 
   Tại xã Ninh Trung có bến Cây Gạo, tại thôn Phú Văn có Cầu Phú Văn hay cầu Chín Nại, tại Phú Bình có xe nước Ông Tổng Sáu, bến Năm Lý hay bến Sau Chùa, tại Điềm Tịnh có bến Năm Son, bến Năm Xanh, bến Ông Tạ, bến Mù U, bến Bà Đa.
 
      Chờ em trên bến Mù U
      Bên kia cồn cát ai ru con buồn?
      Hàng tre lả ngọn chiều buông
      Tàu qua cầu sắt thêm thương nhớ người.
 
   Bến Mù U: những thập niên 1950 thật thâm u hoang vắng, phía Quang Đông tre và sanh rập rạp, phía Điềm Tịnh 1 bãi cát dài, dòng nước chảy trong vắt nhìn thấy đáy, không phải như bây giờ mặt sông tù hãm rong rêu, còn bãi cát thì đã ban thành ruộng.
 
      Bến Mù U bóng thâm u
      Rễ sanh thòng xuống ma đu quỷ ngồi
      Dòng sông cuồng nộ tháng mười
      Bọt bèo lớp lớp nổi trôi giữa dòng.
 
   Bến Bà Đa: có 1 cây sung đứng nghiêng nghiêng, trái đeo lủ khủ. Từ khi bến Mù U nước sâu lút đầu không lội qua được, bến Bà Đa thay thế. Dân chúng làng Điềm Tịnh đi chợ Dinh băng qua bến này. Vào mùa nước lũ, có cô Năm Miên đưa đò. Sau 1975 quay về quê cũ vẫn còn đó cô lái đò xưa. Từ Bến Bà Đa nhìn thấy Họng Ngã Ba, nên người ta sợ lỡ hỏng chân nước trôi xuống đó thì coi như tiêu đời. Trên bờ sông, ngôi mộ neo đơn của Ông Thầy Giáo qua sông chết đuối ngày nào càng làm cho Bến B à  Đa thêm ảm đạm mỗi khi chiều xuống khiến dân chúng lạnh cẳng ít người dám lội qua sông 1 mình. Lại có tin đồn đãi bến này có ma da kéo cẳng lôi xuống Họng Ngã Ba.
     
      Bến Bà Đa có ma da
      Qua sông bóng xế chiều tà không nên.
 
   Họng Ngã Ba: ở cuối làng Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, sâu và rộng, bên kia là nghĩa địa chùa Kỳ, Mỹ Hiệp, quanh năm thanh vắng, ai qua cũng khó tránh khỏi cảm giác sờ sợ. Sâu bao nhiêu không rõ, nhưng cư dân Điềm Tịnh bao đời chưa có ai dám cút xuống tận đáy. Đây là vương quốc của cây sanh rậm rạp hoang dã, gốc rễ sù sì treo lòng thòng chằng chịt tăng thêm vẻ huyền bí cho Họng Ngã Ba nơi 3 con sông không hẹn mà gặp nhau tại 1 điểm.
 
      Họng Ngã Ba sâu mấy sào?
      Nước xoáy lòng chảo ba đào cuồng phong
      Ba sông hợp lại một dòng
      Qua cầu gió mát, qua đồng lúa xanh.
 
   Đó là trước 1975, bây giờ chỉ còn là Họng Ngã Hai của sông Cái và sông Lốt, vì con sông Đục đã được cải dòng cho nhập vào sông Cái.
   Từ Họng Ngã Ba, sông mang tên sông Dinh tiếp tục chảy qua Cầu Sắt, Cầu Dinh, Thị trấn Ninh Hòa, Cầu Mới Cải lộ tuyến, cầu Chợ Nhỏ Ninh Phú-Ninh Giang, chảy qua địa phận các xã Ninh Giang, Ninh Phú rồi ra cửa Hà Liên, vịnh Nha Phu; đoạn này dài độ 8km, có bến Bà Lép, bến Ông Đùm, lỗ lở Nhà Thờ. Đập Chị Trừ mới xây cách cầu Dinh 300m về phía hạ lưu nối Vĩnh Phú và Xóm Rượu cấp nước cho xã Ninh Đa, Ninh Hiệp. Đập Lá Ông Tư gần Cầu Mới Cải lộ tuyến giữa Ninh Giang, Ninh Đa và Thị trấn Ninh Hòa. Đập đúc Ninh Giang cấp nước cho xã Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Phú. Đập Bờ Trang thuộc làng Bằng Phước xã Ninh Phú. Tại cửa Hà Liên thuộc xã Ninh Hà, sông Dinh mở rộng, chỗ rộng nhất tới 600m.
 
 Sông Dinh nước chảy lờ đờ
Trông chồng tin nhạn mịt mờ non tây.
 
   Trên đoạn đường dài 2.5miles trước khi đổ ra biển, Sông Dinh lại có thêm 4 nhánh nữa nhập vào:
   -Một nhánh từ Xã Ninh An chảy qua địa phận xã Ninh Phú theo hướng Bắc-Nam rồi chạy dọc sát chân núi Hòn Hèo trước khi đổ vào tả ngạn Sông Dinh, nhánh này dài độ 4.5miles.
   -Một nhánh từ Hồ Tiên Du chảy qua Ninh Phú rồi chia làm 2 nhánh nhỏ, 1 nhánh nhỏ nhập vào tả ngạn Sông Dinh tại cửa Hà Liên, 1 nhánh nhỏ khác chảy ngược về phía núi Hòn Hèo đổ ra Vịnh Nha Phu cách Cửa Hà Liên độ 1mile.
 
Bắt nguồn từ đỉnh Ba Non
Qua hồ qua trảng qua truông qua ghềnh
Thác Dao, Cùi Chỏ, Kênh Kênh
Chảy qua Giồng Cốc, về bên Cung Hòa
Thạch Sơn, Quảng Thiện, Phú Gia
Xuống Mù U, Họng Ngã Ba nhập bầy
Sông Dinh tên gọi từ đây
Đẹp như ngọc thủy tháng ngày nhẹ trôi
Nghĩa sông gắn bó đời đời
Tình sông êm ả như lời mẹ ru.

 
   Hồ Tiên Du: nằm trên dãy núi Hòn Hèo giữa 2 xã Ninh Phú và Ninh Phước có hình dạng hơi giống Châu Mỹ, bề dài độ 2miles, chỗ rộng nhất độ 0.5mile.
   -Một nhánh từ Ninh Giang nhập vào phía hữu ngạn Sông Dinh.
   -Một nhánh từ Hòn Bà (cao 1,356m) có gần 20 chi lưu lớn nhỏ đổ vào (thuộc khu vực xã Ninh Tân) khi qua khỏi đường TL8, nhánh này chảy theo hướng Tây–Đông băng qua khu vực xã Ninh Hưng, khi đến đường xe lửa thuộc Ninh Hưng và Ninh Quang lại chuyển hướng Tây Bắc–Đông Nam, khi đến địa phận xã Ninh Hà lại chuyển hướng Tây-Đông rồi chia làm hai nhánh cùng đổ vào hữu ngạn Sông Dinh.
Từ đập Hồ Suối Trầu có 1 con mương lớn chảy qua Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Hưng, Ninh Hà rồi nhập vào nhánh trên trước khi băng qua đường xe lửa.
 
Nhà bậu ở tận Ninh Hà
Muốn vô Tân Tế phải qua nhịp cầu
Trước nhà trồng một cây cau
Mà sao chẳng thấy dây trầu leo lên
Lâu rồi qua có ước nguyền
Ông tơ bà nguyệt kết duyên cau trầu.
 
   Tóm lại, sông Dinh tuy nhỏ, nhưng có đến 7 phụ lưu bắt nguồn từ: Hòn Hèo, Hòn Bà, Hòn Vọng Phu, hòn Đa Đa - 4 dãy núi lớn và dài như trường thành bao quanh huyện Ninh Hòa nên vào mùa mưa, tứ phương đổ nước về thoát không kịp gây lũ lụt triền miên. Tại cửa sông Dinh rộng độ 600m, phù sa màu mỡ bồi đắp cả 1 vùng rộng lớn bề dài độ 2miles, bề rộng độ 1.5miles là xứ sở của con ốc làm mắm suốt (xúc) ăn với sứa, đậu phọng rang, rau tía tô, bánh tráng nướng, món ăn đặc sản có  một không hai của xứ Ninh.
 
Bắp mỡ Ban Thuộc
Mắm suốt Hà Liên
Dừa xiêm Vạn Thiện
Sứa biển Đông Hà
Đời em sương gió xông pha
Sáng lên Chợ Mới, chiều tà Ch Dinh.
 
   Sông Dinh chảy qua Thị Trấn Ninh Hòa là trái tim của huyện nên đã trở thành một hình ảnh êm đềm mát ngọt trong lòng người Ninh Hòa, đôi khi cũng là nỗi niềm tâm sự của khách tình si:
 
Sông Dinh có ba ngọn nguồn
Tìm em lội suối băng truông dãi dầu
Tìm em chẳng thấy em đâu?
Dưới sông nước chảy, trên cầu xe qua
Tìm em ngày tháng phôi pha
Trăng xưa bến cũ sương sa lạnh lùng.

 
   Trong bài "Sông Dinh Qua Thơ Ca" đăng trên www.ninh-hòa.com, tác giả Dương Tấn Long viết:
"Tính đến cuối năm 2003, tôi đã có trong tay hơn 70 bài thơ, văn, biên khảo nói về sông Dinh, một số lượng đáng nể! Chưa chắc gì những con sông lớn khác trên đất nước Việt Nam có số bài thơ, văn nhắc đến nhiều như vậy."
   Và đến thời điểm viết bài này, số tác phẩm và tác giả nặng lòng với sông Dinh còn tăng lên nữa, Người đầu tiên nhắc đến sông Dinh như những lời tình tự nồng nàn, tưởng không ai khác hơn Hình Phước Liên, nhạc sĩ đất Ninh Hòa:
 
Bình thường bình thường thôi, như dòng sông Dinh trôi...
Nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà
Thì trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ
Như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô

(Ơi Con Sông Dinh, nhạc của Hình Phước Liên)
 
   Trong thập niên 80, lúc còn ở quê nhà, cứ mỗi sáng thức dậy, tôi lại nghe nhạc phẩm ấy phát ra từ cái loa công cộng treo nơi đầu đường: 
"…Nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà thì trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ..."
Ôi chao! Nghèo tiền nghèo bạc, nghèo từ ái nghĩa nhân… giờ lại nghèo thêm nỗi nhớ? Lời nhạc đan quyện cùng những cung bậc chơi vơi đã chấm dứt, nhưng hình ảnh "con sông phơi bãi cát hoang cằn khô" vẫn còn đó với bao ấn tượng bồi hồi... Đã bao năm qua, dòng sông Dinh vẫn chảy trôi lặng lờ trong cõi miền vô thức sầu muộn, để rồi hôm nay một cái nhìn mới của một nữ tác giả mới đương độ tuổi trăng tròn, từ vùng đất Tự Do bên kia nửa vòng trái đất vang lên... Trong tôi, con sông Dinh đột nhiên chuyển mình đầy nữ tính và sáng tạo. Bãi cát hoang cằn khô biến mất nhường chỗ cho sắc màu dịu dàng, lung linh, diễm ảo của tuổi trẻ, ước mơ, hy vọng và đổi mới:
 
Bèo sông Dinh trông đẹp lắm
Tím xanh nụ vàng nhè nhẹ trôi...

(Bèo sông Dinh, thơ Nguyễn Phương Linh)
 
   Ơi Con Sông Dinh! Tiếng gọi thầm người yêu dấu… Nay được Phan Đông Thức lặp lại như một điệp khúc tình muôn thở:
     
       Đến Mỹ Hiệp em tên gọi sông Dinh
      Ngoan ngoãn chậm nguồn bên bờ Vĩnh Phú
      Em là gương soi bao làn tóc rũ
      Tà áo trinh nguyên nhịp bước qua cầu.

      (Giòng Sông Tình Tự, thơ Phan Đông Thức)
 
   Thời tiền chiến, Nam Trân đến Huế làm thơ ca ngợi sông Hương:
 
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo.

 
   Chiếc thuyền nan, hàng phượng vĩ và cô gái Kim Luông yểu điệu chèo... đã làm cho dòng sông Hương thêm xinh đẹp trữ tình! Nay Phạm Tín An Ninh đến Ninh Hòa làm thơ ca ngợi sông Dinh:
 
Con sông Dinh chảy qua cầu Sắt
Mùa Hè Ninh Hòa nắng mờ con mắt
Tôi đứng nhìn em đội nón qua cầu.

(Gởi cô học trò bên sông Dinh thuở ấy, thơ Phạm Tín An Ninh)
 
   Ánh nắng Hè và cô nữ sinh ngây thơ mặc áo dài trắng, đội nón trắng qua cầu... đã tô điểm cho dòng sông Dinh thêm êm đềm thơ mộng. Và ở nơi phương trời xa có một người cũng vừa phân vân tự hỏi:
 
Sông Dinh, sông Lốt tên sông ấy
Ai đặt chi hai để nặng lòng?
                      (thơ Vinh Hồ)
 
   2. SÔNG CẦU LM:
   Tên chữ là Ngọc Sơn, dài độ 16km, phát nguyên từ Hòn Bà (cao 1,356m), trước khi ra Vịnh Nha Phu, sông chia làm hai nhánh chảy ra 2 cửa khác nhau mà Hòn Vung nằm ở giữa. Hai cửa này cách nhau độ nửa mile, và cách cửa Hà Liên sông Dinh độ 0.8mile. Sông Cầu Lắm có 2 phụ lưu:
   -Sông Chợ: chảy qua Đồng Lau, Tân Hưng , Phước Mỹ, Phụng Cang.
   -Suối Bàu Su: chảy qua Trường Lộc, Thuận Mỹ rồi nhập vào nhánh trên ở Thạnh Mỹ.
   Trên thượng nguồn, sông Cầu Lắm có Suối Cát và Suối Đá Xẻ. Suối Đá Xẻ nằm trong địa phận xã Ninh Lộc, có Trường Bơi và Hồ Đá Xẻ là 2 thắng cảnh. Trên Suối Cát nằm ở địa phận xã Ninh Hưng có Ao Bà Thiên Y A Na, phong cảnh thật là kỳ mỹ.
 
      Sông Cầu Lm chảy ngập ngừng
      Chảy về Trường Lộc, Tân Hưng mây mù
      Chảy về cuối vịnh Nha Phu
      Tìm em chỉ thấy trăng Thu giữa dòng.

 
   3. SÔNG GĂNG:
   Bắt nguồn từ Vạn Khê chảy ra cửa Tân Thủy.
 
Lên đèo Rọ Tượng sương giăng
Bên kia Tân Thủy, Sông Găng xanh dòng
Thương em từ thuở ẵm bồng
Đến khi khôn lớn phượng hồng có đôi.

 
   4. SUỐI BA HỒ:

Suối Ba Hồ (nguồn: từ NET)
 
   Suối Ba Hồ dài trên 9km, phát nguyên từ núi Hòn Son (cao 660m) chảy xuống thôn Phú Hữu, đổ ra vịnh Nha Phu. Trên thượng nguồn có 2 nhánh: 1 nhánh dài độ 1.5miles, 1 nhánh nhỏ hơn bên tả ngạn dài độ 1mile hợp nhau tại một ngã ba chảy xuống. Phía dưới ngã ba này là Hồ Ba, rồi tới Hồ Nhì và Hồ Nhất: thắng cảnh của xứ Ninh, hiện là Trung Tâm Du Lịch Ba Hồ.
   Từ  Ninh Hòa qua đèo Rọ Tượng đến thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa) có con đường rẽ phải đi khoảng 4km đến điểm đậu xe, bắt đầu hành trình khám phá cảnh đẹp Ba Hồ, địa điểm du lịch sinh thái gồm lội suối, leo núi, đi rừng. Từ Hồ Nhất lên Hồ Nhì xa khoảng 1km. Từ Hồ Nhì lên Hồ Ba xa khoảng 300m đá dựng cheo leo. Phía dưới Hồ Nhất độ 1km có xây đập chứa nước, chỗ rộng nhất trên 300m. Khu vực Hồ Nhất có hệ thống cầu gỗ chạy dọc bờ hay băng qua suối để khách du đi dạo ngắm cảnh.
      
      Ba Hồ nước nhược non bồng
      Ai lên mà chẳng nghe lòng ngất ngây?
      Ba Hồ nắng đẹp như rây
      Trên: cây đá dựng, dưới: mây khói lồng.

 
   5. NHÌN CHUNG:
   Sông ngòi xứ Ninh hầu hết đều ngắn, hẹp và cạn. Mùa nắng nhiều đoạn sông phơi những bãi cát hoang cằn khô. Nhưng vào mùa mưa, chỉ cần 3 ngày mưa núi là có lụt, nước ngập trắng đồng, tuy nhiên chỉ sau một hai ngày là nước giựt để lại bùn non, có chỗ ngập tới mắt cá tăng độ màu mỡ cho ruộng vườn. Xứ Ninh năm nào cũng có lụt. Lụt nhỏ thì vô tới cửa ngõ. Lụt lớn thì ngập nhà ngập cửa khổ sở trăm bề.

   Trận lụt năm Giáp Thìn (1904), năm Mậu Ngọ (1918), năm Giáp Tý (1924), năm Giáp Thìn (1964) vẫn còn in đậm trong ký ức của người dân xứ  Ninh với bao thiệt hại to lớn về vật chất, nhân mạng:
 
Nghĩ về năm Ngọ mà kinh
Nắng hạn mấy tháng thình lình lụt to
Nghĩ qua năm Tý mà buồn
Tháng Chín bão lụt ruộng vườn tan hoang
Nhà rường cho chí nhà ngang
Giựt rui, trốc nóc, cả làng sạch trơn.

 
   Chính vì thế mà người xứ Ninh quanh năm sống trong âu lo chồng chất:
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời im bể lặng mới yên t
ấm lòng. (ca dao)
 
   Những câu tục ngữ ca dao sau đây có tác dụng nhắc nhở, chia xẻ hay cũng chính là nỗi ám ảnh:
 
Vẫy trút thì mưa
Nhả bừa thì nắng

 
Hòn Hèo đội mũ,
Mây phủ Đá Bia
Cóc nhái kêu lia,

Trời mưa như đổ
 
Tháng Bảy nhìn ra,
Tháng Ba nhìn vào
 
   Người xứ Ninh phải gánh chịu bao cảnh tai trời ách nước, trời hành cơn lụt mỗi năm, bất kể ngày Xuân hay tháng Hạ:
       
        Tháng Giêng trời chẳng thương người khổ
        Áo rách giơ lưng đứng giữa đồng.

 
   Dù có áo rách giơ lưng đứng giữa đồng hay chén cơm ăn chan bằng nước mắt, người dân quê tôi vẫn không bao giờ thôi nhớ thương dòng sông quê hương, nơi có tình làng nghĩa xóm và con người luôn sống gắn bó với con trâu đồng ruộng.
       
        Cả đời chôn chặt với dòng sông
        Yêu mến con trâu, quý ruộng đồng.

 
    VINH HỒ
   (Orlando, tháng 9/2004)
 
  Trở lại chuyên mục của : Vinh Hồ