VINH HỒ


Giới Thiệu Tác Phẩm "TẠP VĂN"
Của Văn Thi Sĩ THÁI QUỐC MƯU

 
Văn, Thi sĩ Thái Quốc Mưu là một cây bút tài hoa viết đủ thể loại từ truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, bút ký, biên khảo, nhận định phê bình văn học, đến tản mạn, tạp bút, phiếm, thơ phú, cổ nhạc… Thể loại nào cũng tỏ ra xuất sắc. 
 
Năm 1995, tôi bắt đầu đọc Tạp chí Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt của Thái Quốc Mưu (phát hành tại Atlanta, Georgia) mà ông là Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút - viết thường xuyên đủ thể loại trên tạp chí của mình.
 
Năm 2006, tôi có duyên tri ngộ gặp ông lần đầu tại đêm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và Florida tại nhà hàng Việt Nam Town, Orlando. Rồi sau đó, đêm 26/5/2007, tôi gặp ông một lần nữa tại Đêm Ra Mắt thi tập Tình Viễn Xứ của thi sĩ Phan Long cũng tại nhà hàng trên. 
 
Ông vui vẻ lịch thiệp, tốt tướng, nhân hậu, dù đường xa vạn dậm vẫn lái xe đến chung vui với anh em bạn bè cả 2 lần. Với tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng, ông nói chuyện có duyên, thích đùa, thích tếu, thích kể chuyện tiếu lâm, chuyện vui, sốt sắng trong việc giúp nạn nhân bão lụt.
 
Nhà văn/ Nhà thơ Thái Quốc Mưu khởi viết từ năm 1962, khi ra hải ngoại nổi tiếng là một cây bút tài hoa, có trên chục tác phẩm thơ văn, được biết đến nhiều nhất là tập văn-thơ “Gió Quyên Hương Đồng”, tập truyện dài “Phía Sau Cuộc Đời”, tập “Thơ Đường Luật Thái Quốc Mưu”, tập “Thơ Từ Tuyệt Thái Quốc Mưu”.
 
Ông là một cây bút lão luyện, thành công trong văn xuôi, đặc sắc trong thơ nhất là thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú và Tứ Tuyệt; ngoài tính trữ tình, lãng mạn, ướt át; còn đậm nét trào phúng, khôi hài, hài hước ý nhị, luôn bộc trực, ưa nói thẳng, nói thật, nói toạt móng heo; dám chỉ trích phê bình những thói hư tật xấu của thế thái nhân tình, kể cả những điều cấm kỵ nhất... nên văn thơ của ông sống động, lôi cuốn, hấp dẫn, khi đọc cứ cười thầm, đọc hoài không chán.
 
Thơ văn Thái Quốc Mưu có phong cách riêng, can đảm táo bạo sẵn sàng phê phán những sai trái xấu ác; dám phơi bày những mặt trái của xã hội, kể cả các nhân vật trong lịch sử, văn hoá…
 
Một cây bút giỏi chữ Hán, có kiến thức uyên thâm, đọc nhiều, sống nhiều, đi nhiều. Trong lãnh vực biên khảo tỏ ra sắc bén, mà cuốn "Tạp Văn" in năm 2019 là một tác phẩm tiêu biểu, chín muồi trong suy tư, trong nhận định và trong phong cách của ông.
 
Khi đọc cuốn Tạp Văn, tôi có cảm tưởng như mình đang xem phim hiệp sĩ khí phách hiên ngang, bước ra trừ gian diệt bạo, đứng thẳng giữa trời đất, như cây trúc trước phong ba, dám nói những điều mà 600 năm qua, tôi chưa từng nghe/thấy ai nói.
 
TẠP VĂN:
 
Sách quý, dày 410 trang bìa cứng, giấy vàng mỡ gà. Đầu sách là ảnh và tiểu sử tác giả, tiếp theo là "Những câu viết được ái mộ" dài 8 trang lời hay ý đẹp. Tôi thích 7 câu xin trích nguyên văn:
 
- Người tốt sẽ cho bạn hạnh phúc, người xấu cho bạn kinh nghiệm.
 
- Thứ nào không mua được bằng tiền thứ đó vô giá.
 
- Lời thật khó lọt tai nhưng lại là chân lý. 
 
- Chặng đường ngàn dặm ta không thể đi hết, nếu ta không khởi đầu bằng bước chân thứ nhất. 
- Khi lòng độ lượng, bao dung, tha thứ mở rộng thì dẫu là gỗ đá cũng sanh hoa.
 
- Khi ai nhận xét về bạn. Đúng! Cám ơn! Sai! Nên xét lại mình.
 
- Ông cha thuở trước an bờ cõi
Con cháu bây giờ chớ lãng quên
 
Nội dung cuốn "Tạp Văn" gồm có:
 
- 8 bài biên khảo của Thái Quốc Mưu.
 
- 2 bài phê bình của Thái Quốc Mưu.
 
- 8 bài tản mạn của Thái Quốc Mưu.
 
- 5 bài bút ký của Thái Quốc Mưu.
 
- 1 bài phiếm của Thái Quốc Mưu. 
 
- 1 bài Nhớ của Thái Quốc Mưu. 
 
- 1 bài Thương tiếc của Thái Quốc Mưu. 
 
- 5 bài phê bình của 4 nhà phê bình nhận định về văn/thơ của Thái Quốc Mưu là: Châu Thạch (2 bài), Diệu Tần, Diệp Kiếm Anh, Lê Liên.
 
Đọc 400 trang sách, tôi nhận thấy tác giả thông thái, uyên bác, có óc phân tích nhận định phê bình ngay thẳng, chính xác; giàu lòng vị tha nhân ái, có bản tánh trung trực, coi trọng tình nghĩa, liêm sỉ, danh dự và sự thật.
 
Vì trang viết có hạn, không thể nào nhận xét toàn cuốn sách, mà chỉ ghi lại vài cảm nhận về hai bài biên khảo giá trị in ở đầu sách:
 
1. BIÊN KHẢO VỀ NHÂN VẬT TÀO THÁO:
 
- Tác giả Thái Quốc Mưu (TQM) phê bình rát da như sau:
"Trong Bách Khoa Toàn Thư viết: “Tào Tháo vốn xuất thân trong gia đình bình thường, không có tiếng tăm…” Người viết về Tào Tháo trong bộ Bách Khoa Tòan Thư, không tra cứu kỹ, viết câu trên đây hoàn toàn sai sự thật!"
 
Rồi ông cho ý kiến: 
 
"Thực tế theo Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Tào Tháo vốn dòng dõi Tào Tham, Tướng Quốc của nhà Hán."
 
Tác giả TQM cho biết rằng Binh Pháp Ngô Tôn Tử do Tôn Vũ soạn năm 512 TCN, đời Xuân Thu, còn Binh Pháp Tôn Tử của TÔN TẪN được gọi là Binh Pháp TỀ TÔN TỬ. Bộ Binh Pháp của Ngô Tôn Tử ngoài Tào Tháo, còn có nhiều học gỉa khác chú giải, nhưng bản chú giải của Tào Tháo là hay nhất, có giá trị nhất. 
 
Tác giả TQM viết:
 
"Như vậy cho ta thấy kiến thức văn học và binh pháp của Tào Tháo hơn hẳn những học giả, sứ quân, lãnh chúa, chư hầu cùng thời. Hiện nay, cả thế giới sử dụng, dịch thuật đều căn cứ vào bộ Binh Thư Tôn Tử của Tôn Vũ, qua sự chú giải của Tào Tháo." 
 
Tác giả TQM cũng cho biết:
 
"Tào Tháo còn viết bộ “Binh Thư Tào Mạnh Đức” nhưng đã thất truyền." 
 
"Ngoài tài năng chính trị, quân sự tột đỉnh, Tào Tháo còn có tài biên khảo, chú giải xuất sắc và là nhà thơ nổi tiếng trong "Thập Nhất Tài Danh" thời Văn Học Kiến An."
 
TQM còn viết:
 
"Trên lãnh vực văn chương, ba cha con ông được người đương thời gọi là Tam Tào."
 
Tác giả TQM sơ lược ý nghĩa nội dung 5 bài thơ của Tào Tháo là: Độ Quan San- Vượt Quan San, Đối Tửu, Cảo Lý Hành, Giới Lộ Hành, Thu Hồ Hành, rồi đưa ra kết luận:
 
"Qua các bài thơ trên của Tào Tháo đủ minh chứng cho các thế hệ sau biết ông vốn là người nặng tình với đất nước, dân tộc. Ông phản đối bọn vua tôi trong triều đình chỉ biết hưởng lạc thú lúc thanh bình, khi đất nước hỗn loạn thì thu mình vào trôn ốc. Vua chúa thì bất tài, u minh, bọn quan lại thì hèn nhát, tham ô, trục lợi, co đầu rút cổ với giặc, đàn áp dân lành. Quan chức địa phương tha hồ bốc lột người dân."
 
Và sau khi trích dẫn 2 nhận xét về thơ Tào Tháo của Thi hào Lý Bạch và Học giả Nguyễn Hiến Lê, tác giả TháiQuốc Mưu đưa ra kết luận rất thuyết phục:
 
"Tào Tháo là một nhà chánh trị hết lòng lo cho dân cho đất nước, và là một nhà thơ lớn trong thiên hạ. Nhưng, ông bị La Quán Trung vì tình hoài Hán đã uốn cong ngòi bút mà bôi bác, bóp méo cuộc đời ông, để rồi từ một người hết lòng vì dân, vì đất nước trở thành kẻ gian hùng, phản nghịch."
 
Tác giả TQM viết:
 
"Học giả Dịch Quân Tả, người Trung Quốc, cho rằng: “Ông (Tào Tháo) là người có tài cao, hùng khí. Đời ông là một cuộc chiến đấu trường kỳ, nên văn chương của ông cũng từ đó mà ra. Những bài hay nhất như Khổ Hàn Hành, cũng là tác phẩm viết trong hòan cảnh chiến đấu. Bài Đoản Ca Hành, sáng tác ngay trong đêm xảy ra trận Xích Bích.”
 
"Còn trong Dị Đồng Tạp Ngữ, viết: “Tào Tháo tài giỏi hơn người, khó ai có thể hại, tinh thông sử sách, lại giỏi về binh pháp”
 
Tác giả Thái Quốc Mưu nhận xét:
 
"Tào Tháo tỏ ra là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất. Tào Tháo điều binh khiển tướng khiến kẻ địch phải kiêng dè, run sợ. Trong văn học ông là người xuất chúng. Tào Tháo chính là người văn võ song tòan."
 
Tác giả TQM phê bình La Quán Trung, tác giả Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa (thời nhà Minh, Trung Hoa cách nay khoảng 600 năm) sát ván như sau:
 
"Họ La (Quán Trung) vốn dòng quý tộc thời Hán, có lẽ tổ tiên ông chịu nhiều ân sủng của Hán trào, nên khi viết bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung dựa vào bộ chánh sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ rồi hư cấu, thêm thắt vào truyện. Đa số người đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa không biết điều đó, họ thường dựa vào bộ tiểu thuyết ấy mà đánh giá các nhân vật lịch sử một cách máy móc, sai lầm."
 
"La Quán Trung biểu lộ rõ rệt tinh thần hoài Hán diệt Tào, viết không trung thực về Tào Tháo, biến Tào Tháo trở thành kẻ vô liêm sỉ, phản nghịch, gian hùng, nham hiểm,… Do ảnh hưởng của bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, nên dân gian, coi Tháo như là một tay gian hùng."
 
"Thực tế, Tào Tháo là người có kiến thức uyên bác và là một nhà chánh trị lỗi lạc, giàu lòng nhân ái, nhà quân sự đại tài, nhà biên soạn, chú giải bộ Tôn Tử Binh Pháp (của Tôn Vũ) toàn bích và là nhà thơ tuyệt vời."
 
"La Quán Trung, kẻ cầm bút không có lương tri, chẳng công tâm, thay đen đổi trắng, lộng giả thành chân... với mục đích bất lương, làm sai lệch lịch sử... đã dẫn đạo, chỉ đường sai trái, biến người có công trong lịch sử, có tài văn thơ trở thành kẻ có tội... với mục đích điều khiển, đầu độc tư duy cho hậu thế, khiến cho kẻ đời sau nghĩ sai lầm về nhân vật lịch sử... thật đáng hổ thẹn vô cùng."
 
"Trong một xã hội mà kẻ viết lách ngu quá nhiều thì những người cầm bút chân chính, dám phê phán, nói thẳng những điều sai trái, vạch rõ những sai lầm của, băng đảng,... chắc chắn sẽ bị những kẻ cùng thời vì lợi lộc cá nhân, lợi lộc băng nhóm, đoàn thể vì cái bả hư danh cấu kết nhau chống đối, phản công, nhục mạ... Nhưng, vì ngu dốt, khiếp nhược chẳng kẻ nào dám công khai phản đối. Chúng dối dạt người đương thời nhưng làm sao dối gạt được hậu thế? Còn hậu thế chẳng dung thứ bất cứ kẻ nào ngu dốt mà muốn là cha thiên hạ."
 
"Đường đời luôn có hai mặt, nẻo chính, đường tà luôn đi song song bên nhau, không thể gặp nhau ở cuối đường. Không vì thế mà những người có tâm hồn trong sáng, có tinh thần vì xã hội, vì đại nghĩa lại chùn chân, lùi bước hay sao? Tất nhiên họ vẫn đứng thẳng, hiên ngang tiến lên vì nhiệm vụ cao cả của mình."
 
"La Quán Trung tác giả bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, là một trong những kẻ ấy, không đáng để ta tôn trọng chút nào!"
 
Tuyệt vời cây bút Thái Quốc Mưu! Đọc tới đâu tôi phấn chấn tới đó, ông viết ngay thẳng, có lý, đem lại sự công bình cho danh nhân Tào Tháo. 
 
2. BIÊN KHẢO VỀ NHÂN VẬT QUAN CÔNG:
 
Quan công, tức Quan Vũ, tự Quan Vân Trường, hiệu Trường Sinh – một nhân vật có thật, được hư cấu, bịa đặt nhiếu nhất trong bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. 
 
Tác giả TQM viết:
 
"Do lòng hoài Hán, La Quán Trung khi viết bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, đã bịa ra nhiều chuyện phi lý, và gian dối nhằm tâng bốc nhân vật Quan Công với chủ đích bóp méo lịch sử để tôn sùng nhà Hán."
 
"Đa số, người Việt chúng ta chỉ biết và thần tượng hóa nhân vật Quan công qua ngòi bút phù phép của La Quán Trung. Nên, có nhiều chuyện hoàn toàn hư cấu nhưng người đọc bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa cả tin và nghĩ đó là sự thật."
 
Theo tác giả Thái Quốc Mưu, Quan công vốn sinh ra trong một gia đình bần hàn, phải đi bán đậu hủ, ngày ngày gánh hai thùng gỗ, một đầu có bếp than để hâm nóng tàu hủ, đầu kia để chén bát và nước rửa, để mưu sinh, không được đi học văn lẫn võ, nhưng La Quán Trung đã thần tượng hoá Quan Vân Trường như là “một nhân vật văn võ song toàn”. 
 
Tác giả Thái Quốc Mưu viết:
 
"Về bản chất, Quan công được La Quán Trung mô tả là người trung liệt, tiết tháo, vũ dũng, hào hiệp, ghét kẻ ác, thường bênh vực người yếu." 
 
Và ông nhận xét rất thẳng thừng như sau: 
 
"Nhưng theo nhận xét của tôi (viết bài này) Quan công chỉ là kẻ võ biền, hữu dõng vô mưu, kiêu căng, ngạo mạn, bất tài, thủ đoạn vặt, anh hùng rơm, bội tín, hẹp hòi, ích kỷ, thất học, lộng ngôn, hồ đồ, hám danh, ganh tị, đố kỵ, du côn, ngang tàng, hống hách... lại còn là kẻ bất tuân quân lệnh, Thông thường, đó là bản chất, là chứng bệnh trầm kha của những kẻ bần cùng, ngu dốt... gặp thời."
 
Sau đó Tác giả Thái Quốc Mưu đã dành 18 trang để chứng minh:
 
NHỮNG CÁI YẾU CỦA QUAN CÔNG:
 
- Mưu lược kém cỏi, bản chất thấp hèn.
 
- Bản chất thấp hèn, chấp nhận làm điều hạ tiện.
 
- Phản chúa, phản bạn, vong thề.
 
- Háo thắng, bỏ đại nghĩa, ham hố, tranh giành địều nhỏ nhặt.
 
- Là kẻ lộng ngôn.
 
Riêng về cây Thanh Long đao của Quan Công, tác giả Thái Quốc Mưu đã luận bàn rất thú vị: 
 
“La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đã mô tả rất buồn cười: Quan Công tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao nặng 82 cân/49kg cỡi ngựa xích thố. Và ông cho rằng đao nặng tới 49 kg thì chỉ có vác vai chớ làm sao "vung cây đao" lên được?
 
Tác giả Thái Quốc Mưu còn chỉ ra cái sai thứ hai, là từ thời Tam Quốc (190-280) trở về trước, chỉ có 5 loại bảo đao: Thiết đao, Cương Đao, Nhu Cương Đao, Thanh Cương Đao, Bảo Đao, chưa có Thanh Long Yển Nguyệt Đao, đến đời Tống (960-1279) Thanh Long Yển Nguyệt mới xuất hiện lần đầu. Trong sách Vũ Kinh Tổng Yếu thời Tống có tranh vẽ mô tả loại bảo đao nầy. 
 
Trong các thư tịch lịch sử Trung Quốc, thời Tam Quốc không có nhân vật nào sử dụng vũ khí có tên gọi Thanh Long Yển Nguyệt Đao
.
Tác giả Thái Quốc Mưu viết rất chí lý: 
 
"Điều mà La Quán Trung cố tạo ra hình ảnh một Quan công “Thập Toàn, Thập Mỹ, Văn Võ Toàn Tài” là một hình ảnh không bao giờ có. Nhưng nó tác động cho nhân gian dựng nên một thần tượng và thánh hóa Quan công trở thành Võ Thánh Quan Vân Trường – Một danh dự cho một kẻ mà ngày nay sử sách Trung Hoa không tìm ra một điều gì để có thể trọng vọng."
 
Và, "Một kẻ như Quan công có xứng đáng để hậu thế tôn sùng, tôn thờ không? Thế mà, không thiếu những kẻ trong giống nòi Việt tôn thờ tên giặc Hán ấy."
 
"Chúng ta cùng nhìn vào các bàn thờ trong các đền chùa, ở tư gia của dân tộc ta, trước nay đốt đuốc đi tìm không được một bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương, hay các vị anh hùng dân tộc. Trong khi ảnh, tượng Quan Công, Tôn Ngộ Không thì tràn ngập như lủ lụt. Tại sao? Chỉ vì tinh thần vọng ngoại, "Bụt nhà không thiêng".
 
Tác giả TQM thổ lộ tâm huyết của mình: 
"Tôi viết, vạch ra những yếu kém của Quan công không nhằm để “tố khổ” ông ta. Mục đích chính bài viết này là cảnh tỉnh những người cùng mang dòng máu dân tộc Việt Nam hãy tỉnh ngộ, hãy xóa bỏ đầu óc vọng ngoại, để cùng hướng về những vị anh hùng của dân tộc, của quê hương, của tổ quốc mình."
 
"Những ai đã từng đặt bàn, thờ Quan công, nên xét lại việc làm của mình đúng hay sai?"
 
Tóm lại, nhờ kiến thức uyên bác, phân tích nhận định có khoa học, tác giả Thái Quốc Mưu đã cho thấy những cái sai, và những cường điệu trong bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung thời nhà Thanh thật hợp lý và đầy sức thuyết phục.
 
Theo tôi, đây là 2 bài biên khảo điển hình mà tôi rất yêu thích và cho là sáng giá nhất trong cuốn Tạp Văn.
 
Qua đó tác giả gởi một thông điệp thầm kín là hãy tôn trọng sự thật, không bẻ cong ngòi bút với bất cứ lý do nào, biết thương yêu, giữ gìn nhân phẩm, đạo đức, trung nghĩa, không làm điều xấu ác đi ngược lại lương tâm của mình. 
 
Thi/Văn sĩ Thái Quốc Mưu quả là một người cầm bút tài hoa, thông thái, ngay thẳng, có lương tri và liêm sỉ. 
 
VINH HỒ
Orlando, Oct, 6, 2020.

  Trở lại chuyên mục của : Vinh Hồ