VĨNH THÔNG


Vì Ta Cần Có Nhau
Truyện ngắn
 
Trong bọn chúng tôi, Như là đứa bản lĩnh nhứt. Hay nói đúng hơn nó là đứa vô tổ chức, xề xòa, cẩu thả, và bất cần đời. Con Như - đứa nào chỉ nhắc đến tên nó thôi thì cả bọn cũng đủ phải ớn lạnh rồi!
Chúng tôi - gọi là một “bọn” cho to tát, chứ kỳ thực chỉ có ba đứa: Như, Diệp, My. Diệp có vóc người cao lớn hơn cả, nước da bánh mật mềm mại, tóc cột đuôi gã rất ư là con gái. Diệp có giọng nói nhỏ nhẹ và luôn mỉm cười, cứ như là nụ cười được “lập trình” sẵn ở trên môi. Tôi ở tầm vừa vừa, tóc thả xõa ngang vai, da trắng, cũng có thể gọi là xinh (nếu ai nghĩ thế). Tôi hay trầm tư và không cười nhiều như Diệp, thường chỉ nhếch mép nhẹ. Cái nhếch mép đầy cao ngạo. Như thường hay nói cái nhếch mép của tôi có thể làm người ta phải “điêu đứng”. Tôi không biết có thật thế không, chỉ cảm thấy không có gì vui cần thiết để cười nhiều.
Con Như là đứa nhỏ nhứt nhóm, vừa thấp lại vừa ốm, cứ thoăn thoắt như con sóc. Vậy mà nó lại được chúng tôi nể như “đại ca” của cả nhóm. Như là người quyết đoán, thường thì mọi kế hoạch, mọi dự định của cả nhóm đều được Như sắp xếp gọn gàng, nhanh chóng. Lắm khi chúng tôi bị những đứa con trai chọc ghẹo, nó còn sẵn sàng gây cãi, thậm chí là đánh trả cho những đứa đó “bài học nhớ đời”.
Chiếc áo sơ mi xình xoàng, cái quần kaki bóng, mái tóc tém xéo, ăn nói dứt khoát… không giống gì với vẻ một cô gái dịu dàng. Mà thật vậy, nó không hề dịu dàng. Trái lại còn rất ngang tàng. Vẫn thường chửi thề, hút thuốc, hay hăm he đánh chúng tôi nếu không “phục tùng” theo nó. Nó hay bày ra những trò chơi rùng rợn, mạnh bạo theo kiểu của những đứa con trai.
Cách ăn uống của Như chẳng hề tỏ vẻ gì là nhã nhặn, nết na. Nó nhai ngộm ngoạm thức ăn, phình cái miệng ra thật rộng, vừa nhai vừa phát ra tiếng. Ăn xong, con Như thọt ngón tay vào miệng, dùng móng để lấy những thức ăn bám ở kẽ răng, vô cùng mất lịch sự và làm người ta cảm thấy kinh tởm. Tướng đi của nó cũng làm chúng tôi rất khó chịu. Diệp vẫn thường nói: “Con gái con lứa gì mà đi đứng như bay, không để ý để tứ gì hết!”. Như trả lời một câu gọn hơ làm chúng tôi phải té ngửa: “Ý kiến ý cò hoài, tao dộng vô mặt tụi bây bây giờ!”. Rồi, bó tay!
Có thể nói, con Như là một thứ ám ảnh khó diễn tả của chúng tôi.
Vậy mà, Như cũng lại rất yếu mềm…
Vẫn thấy nó khóc. Nó đã ôm ghì lấy tôi và Diệp mà nức nở. Những cái xiết tay thật chặt, những câu nói nghe thật buồn. Và, những giọt nước mắt! Giọt nước mắt nhẹ hều à, phủi một cái là tan sạch trơn. Vậy mà, cũng đủ đè nặng lên ký túc xá nhỏ của ba đứa. Vậy mà, cũng đủ để làm tôi đau quá chừng! Hiếm khi đứa bản lĩnh như Như lại khóc như vậy. Hỏi thì nó không trả lời, chúng tôi đành ngồi dỗ cho nó nín. Nhưng càng nói nó lại càng khóc dữ. Vậy là thôi, cả hai ngồi im nhìn nó khóc.
Tự dưng thèm được dang trọn vòng tay ra ôm lấy Như. Thèm được mái tóc ngắn của nó tựa vào vai mình. Tôi nghe nhói tận tim. Không biết vì cớ gì.
Tôi không rõ Diệp có suy nghĩ gì không nhưng tôi thì luôn thắc mắc về điều ấy. Tại sao con Như lại khóc? Trong ba đứa thì nó là con nhà khá giả nhứt, không khó khăn về chuyện “tài chính”. Cách sống của nó lại khá tự do, thoải mái, không cần phải gò bó, khép kín bản thân mình. Nó cũng là đứa đi chơi nhiều nhứt trong bọn, hay chọc ghẹo cho chúng tôi cười, hay rủ chúng tôi đi lang thang nhiều góc phố mà nó “khám phá” được.
Lang thang là sở trường của nó. Tôi cũng có phần thích cái thú lang thang nầy. Đi quanh các dãy phố, nhìn người ta dọn hàng, chào mời, bán buôn cũng rất thú vị. Diệp thì không thích với trò nầy, chỉ vì chê nhàm chán và… mỏi chân. Thường thì tôi và Như đi, thỉnh thoảng vẫn có Diệp cùng theo, dầu than mỏi nhưng cô bé vẫn lót tót đi theo vì nằm một mình ở ký túc xá thì thà mỏi chân còn vui hơn.
Nhiều lúc đi rong, tôi đặt ra câu hỏi ngớ ngẩn:
“Thành phố nầy có con đường tuyệt thế à?”.
Con Như nhìn tôi, cười khì:
“Mầy tối ngày chỉ chui vào đống sách vở, không biết gì đến bên ngoài”.
Cũng phải, đã bao lần đi ngang nhưng vẫn không để ý những điều bình dị thế nầy. Nghe đầm ấm. Nghe dịu dàng. Nghe những con đường như đang thở và con người như làm theo một nhịp điệu nào đó của bản nhạc. Không phải mới phát hiện ra con đường nầy, mà đúng hơn là tôi mới phát hiện được những điều bình dị mà tự thân nó đã vốn có từ lâu. Chỉ có tôi là vô tâm không thấy, ít chịu để mắt lại, ít chịu cảm nhận cuộc sống một cách lạc quan như Như.
Tôi lại phát hiện ra thêm một điều nữa là Như rất chịu khó quan sát cuộc sống xung quanh. Càng cảm thấy khâm phục nó. Nó không ủ rũ như chúng tôi. Nó theo đuổi cuộc sống, tự tìm cho mình những điều bình yên trong những thứ bề bộn. Có thể nói trước mặt chúng tôi là một con nhỏ vốn vô tư, luôn hạnh phúc, vậy thì nó khóc vì cái gì?
Chơi thân với nhau từ năm mười lăm, mười sáu tuổi, ba đứa con gái có những mơ mộng riêng, có những cá tính riêng, không ai chịu ai nhưng lại rất thân thiết với nhau. Chúng tôi chia sẻ cho nhau hầu như tất cả mọi chuyện. Khi túng tiền thường hay tụm lại với nhau bàn kế hoạch chi tiêu. Khi một trong ba đứa giận dỗi với gia đình hoặc có anh chàng nào theo đuổi, thì cả bọn lại bàn tán và tìm cách “ứng phó”.
Mà nghĩ lại, từ trước giờ hình như tôi chưa từng nghe Như nói về những người theo đuổi nó. Có hay không? Hay là nó có nói mà tôi không nhớ? Mờ nhạt quá! Hình như câu chuyện về những chàng trai theo đuổi Như chưa từng được lưu giữ trong mớ ký ức mà tôi góp nhặt được. Mà cũng phải, con gái như nó… Trời! Thằng nào chịu “cua” chắc cũng là chuyện lạ. Tôi thì thỉnh thoảng vẫn có nhắc về chuyện những chàng trai theo đuổi mình trước mặt tụi nó, nhưng chủ yếu là do Diệp gợi chuyện chứ tôi không tự kể và cũng ít hào hứng khi nói về chuyện đó. Hình như bản thân tội cũng không thích các chàng trai ấy cho lắm! Chỉ có Diệp, luôn luôn nói nhiều, luôn luôn kể và bàn tán về những anh chàng quen được trong trường. Tiếp sau những lời kể của Diệp là một tràng dài những câu phê bình của con Như. “Chèn ơi! Thằng cha đó hả? Cù lần thí mồ!”.
 
* * *
 
Hai mươi ba Tết, con Như mang chai rượu tây về. Tôi không quen uống loại xa xỉ nầy nên cũng chẳng thèm để ý hiệu rượu. Mà quan tâm làm gì, chắc có lẽ là mắc lắm, chỉ có người tiêu xài xa xỉ như con Như mới uống loại rượu nầy. Nó khui chai rượu, nổ cái đùng như pháo. Tôi và Diệp giựt mình, còn nó thì ngồi cười sặc sụa. “Chèn ơi! Hai lúa quá!”. Như chê hai đứa “hai lúa” nhưng lại chêm vào tiếng “chèn ơi” nghe có vẻ như còn đậm mùi “hai lúa” hơn cả chúng tôi.
Thì vậy, Như trước giờ vốn là đứa có phong cách, có cá tính, không vì chạy theo trào lưu mà bỏ đi những cái nó thích. Tỉ dụ như ngoài đường ai cũng ăn mặc theo mốt, còn nó thì không cần thiết đến thời trang, không cần thiết quan tâm những ánh mắt ngại ngùng hay những lời bàn tán của thiên hạ.  Miễn là nó thích, nó sẽ ăn mặc theo ý riêng mình, chẳng thèm quan tâm xung quanh. Tiếng “Chèn ơi” cũng vậy, chưa bao giờ Như bỏ. Có lần chúng tôi hỏi, nó nói với vẻ buồn buồn: “Má tao hay nói vậy. Tao nhớ má tao!”. Rồi khóc thút thít. Chúng tôi cũng không hỏi gì thêm. Có hỏi, nó cũng chẳng trả lời. Nó là đứa bất cần sự quan tâm của mọi người đến mình.
Rót rượu vào ly của từng đứa, nó hỏi:
“Tụi bây có bao giờ sống thật với bản thân mình chưa?”.
Diệp nhanh miệng:
“Thì có là dĩ nhiên rồi. Có ai không sống thật với bản thân mình đâu”.
Như đưa đôi mắt tròn xoe xoay thật nhanh về phía Diệp, liếc một cái, rồi cười khì:
“Mầy nói bậy. Sống thật với bản thân mình là phải tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì. Dám nói, dám làm, dám đi và… dám yêu - nếu mình thích. Tụi bây có làm được không?”.
Không hiểu sao đến khi nói “dám yêu” nó lại chần chừ.
Tôi và Diệp ngớ người ra, im lặng…
Đúng là tôi và Diệp sống quá bó buộc. Diệp vẫn thường chê cách sống của Như là vô tổ chức. Nhưng nghĩ lại tôi cảm thấy tôi và Diệp cũng rất muốn được “vô tổ chức” như Như, muốn được nói và làm những gì mình thích, muốn tự do đi nhiều nơi… Nhưng mà chúng tôi lại không làm được. Vì cái gì? Vì lề lối, vì định kiến xã hội, vì hình tượng của hai cô sinh viên…? Cuộc sống đã bó buộc chúng tôi quá nhiều. Chúng tôi chưa thực sự tự do. Chúng tôi chưa tự làm chủ lấy mình.
Chúng tôi nhận ra mình còn quá yếu ớt so với Như.
Chai rượu vơi dần, con Như nói đây là buổi tiệc chia tay, Như sẽ ở lại, không về quê ăn Tết với chúng tôi. “Sao vậy?”, tôi ngơ ngác hỏi. Nó nhìn tôi, cười… Rồi, nó lại sắp khóc. Không ai nói gì với nhau nữa. Im lặng trùm kín cái phòng nhỏ nầy.
 
* * *
 
Như nói: “Tối nay người ta đưa ông Táo về trời, tao cũng tiễn mầy về trời” rồi cười ha hả. Tôi lườm nó, tát yêu vào má nó, nó lại tiếp tục cười ngất. Đường phố tất bật, xôn xao, tôi và Như lại thích nhìn ngắm cái xôn cao ấy, thích xem người ta ăn Tết thế nào. Con đường mà chúng tôi đang lang thang như rộng và dài bất tận, đi không biết mỏi chân, không biết chán. “Cứ đi rồi sẽ đến”, Như thường bảo thế. Có lẽ tôi và Diệp đã quá xem thường Như, nó trưởng thành hơn chúng tôi nhiều, nó nhìn cuộc đời rộng và sâu hơn chúng tôi.
“Khuya rồi, về thôi. Đi hoài lỡ có thằng nào đến chọc thì sao?”.
“Mầy giỡn? Có hiệp sĩ của mầy ở đây mà ai dám đụng đến”.
Tôi chỉ chọc nó thôi, vì biết rằng tôi luôn bình an nếu đi chung với Như. Nó luôn bảo vệ tôi, từ bé. Chưa bao giờ tôi có cảm giác bất an khi bên Như, trái lại còn cảm thấy tự tin. Có sợi dây nào đo gắn chặt hai đứa chúng tôi, ấm cúng và bình yên quá chừng! Tôi và Như hiểu nhau và luôn chia sẻ cùng nhau, hiểu nhau đến độ có lúc hai đứa ngồi cả tiếng đồng hồ với hai ly cà phê mà không nói một lời, chỉ nhìn nhau, nhìn thôi cũng đủ chia sẻ với nhau, cũng đủ làm ta vơi đi bớt gánh nặng rồi. Nhưng Như vẫn luôn là đứa có nhiều tâm sự, và nhiều bí ẩn. Dường như nó muốn chia sẻ, nhưng lại không biết thế nào.
Như choàng tay sang ôm lấy eo tôi. Cũng không gì là lạ, chúng tôi vẫn thường ôm nhau như thế, thậm chí còn hôn lên má nhau. Nhưng tôi có cảm giác cái ôm đêm nay không giống như thường ngày.
“My!”.
“Gì?”.
“Mầy biết tại sao tao không về quê không?”.
“Không. Sao vậy?”.
“Ba mẹ tao… Tao không thể nhìn mặt ba mẹ tao”.
Tôi giựt mình. Sao lại có chuyện nầy? Ba mẹ Như vốn rất thương nó mà, họ giận nó từ khi nào, sao không nghe nó kể? Tôi ấp úng:
“Mà… tại sao?”.
“Như hỏi My nhé! My có nghe nói về tình yêu giữa hai người con gái chưa?”.
Tôi bất ngờ trước câu hỏi nầy của nó. Vừa bất ngờ vì nó thay đổi cách xưng hô, tự dưng lại không “mày - tao” nữa. Vừa bất ngờ với chuyện đồng tính nữ. Trước giờ tôi có nghe chuyện nầy, nhưng chưa bao giờ tìm hiểu kỹ, cũng ít khi nghe bạn bè bàn tán hay nhắc đến.
“Ờ… tao có nghe. Rồi sao?”.
“My nghĩ gì về họ?”.
“Thì… chắc cũng… bình thường thôi. Có gì không?”.
“My!”.
Nó kêu tên rồi ôm hai vai tôi xoay sang nó. Chỉ đến khi mắt tôi nhìn thẳng vào nó, tôi mới thấy đôi mắt tròn xoe của nó đỏ hoe, ngấn nước. Nó khẽ nói, thật chậm rãi, thật nhỏ nhẹ, từng tiếng một, dịu dàng, đầy ưu tư, không giống như cách nói thường ngày:
“Như - là - les[1]”.
Sững sờ! Đỗ vỡ!
“My biết không, từ nhỏ Như đã rất khao khát được làm một… thằng con trai, Như thèm được sự mạnh mẽ, ngang tàng… Như muốn ăn mặc, hành xử, nói năng như con trai, muốn được đứng ra che chở cho người mình yêu thương…”.
Giọng Như đứt quãng, thỉnh thoảng lại dừng lại, ngập ngừng. Rồi nói tiếp:
“Như không hề có cảm giác gì với… bọn con trai, trái lại lạicó cảm giác rung động với những đứa con gái… Ba má Như đã… đuổi Như đi, bảo đừng về nhà nữa, họ không có đứa con biến thái như Như. Như…”.
Không thể nói nữa. Như khóc. Dựa vào vai tôi mà khóc ngon lành như tôi đã từng muốn. Nhìn Như, sao thấy cô bé ấy mỏng manh quá. Đôi mắt đó… tự dưng tôi cảm thấy có cái gì đó làm tôi đau, đau lắm, đau từ phía trong lồng ngực của mình. Như ơi, My xin lỗi Như. Bấy lâu nay là bạn nhưng My không biết điều nầy, My chưa từng để ý quan tâm đến Như. Như đừng trách My nhe. Đúng rồi, khi chông chênh, ta phải cần điểm tựa. Tôi siết vòng tay ôm lấy Như, cái ôm chặt và ấm. Hơi ấm của Như cũng lan sang cơ thể tôi, dịu dàng, thân thương.
Tôi đã quá vô tâm. Tôi đã không để ý rằng người con gái ấy từng cười, từng hát, từng kể những câu chuyện khôi hài, từng chọc ghẹo tôi, từng dắt tôi đi rong ruổi… cốt chỉ là để tôi vui. Tôi đã không nhận ra rằng khi nói cái nhếch mép của tôi có thể làm người khác điêu đứng là chính người con gái ấy đã từng hạnh phúc, từng nhớ nhung cái cười ấy biết chừng nào! Tôi không nhận ra rằng người con gái ấy đã làm tất cả để đem lại cảm giác bình an và ấm áp cho tôi. Tôi không nhận ra rằng… tôi đã quá vô tâm!
Ôm Như trong lòng, tôi nghe đâu đâu những câu hỏi của Như - và của chính mình - văng vẳng bên tai mình. Dám nói, dám làm, dám đi và dám yêu, tôi có làm được không? Vì cái gì mà tôi không thể tự do, không thể khao khát? Tại sao tôi không thể sống thật với bản thân mình? Rốt cuộc, tôi là ai? Rất cần cái hôn ấm áp của Như. Rất muốn kề vai bên vai Như. Rất muốn dựa mái tóc ngắn của Như vào ngực mình… Muốn quên hết tất cả!
Tại sao? Và tại sao? Tại sao ta không thể gỡ bỏ những vách ngăn không rõ hình hài để đến cùng nhau. Tôi yêu Như phải không? Tôi cần có Như phải không? Tôi có đủ can đảm để dang cánh tay yếu mềm hết sức con gái để ôm Như không? Tôi chỉ biết chắc một điều, có lẽ chúng tôi không thể thiếu nhau.
Vì ta cần có nhau trong đời.
Và ta yêu nhau.
“Cùng về ăn Tết với My, nhé Như!”.
Bên đường, có nhà nào đó đang mở nhạc xuân: “Và chúng ta lại đón Giao Thừa. Phút giây lặng lẽ mong chờ, lắng nghe mùa xuân về. Để biết ta còn mãi trong đời. Phút mong chờ ấy tuyệt vời, chứa chan niềm tin yêu…”[2].
Một cái Tết nữa sắp. Tuổi 20 của chúng tôi sắp trôi qua. Vẫn hồn nhiên, ngây thơ, vẫn hay nhỏng nhẽo. Vẫn là những đứa khờ khạo. Vẫn rất sợ sự cô đơn…
Hành trình còn xa ở phía trước. Tất cả chỉ mới là bắt đầu. Ơi! Tuổi 20 của chúng ta!
 
Châu Phú, 16/1/2012
VĨNH THÔNG
 
____________________________
[1] Les: viết tắt của Lesbian - đồng tính nữ
[2] Lời bài hát “Lắng nghe mùa xuân về” của nhạc sĩ Dương Thụ


  Trở lại chuyên mục của : Vĩnh Thông