VÕ CHÂN CỬU

Đọc “NHƯ NHỮNG GIỌT SƯƠNG”
& “Dì LUCIA”
Của MANG VIÊN LONG

 
Trong 2 năm 2012-2013, nhà văn Mang Viên Long xuất bản liên tiếp 2 tập “Tiểu luận và Tạp văn” mang tên “Như Những Giọt Sương”. Sách có nhãn NXB Hội Nhà Văn, mỗi tập dày đúng 448 trang, nội dung chia làm các phần: Đạo Phật và Tôi, Văn học nghệ thuật và Tôi, Đời Sống và Tôi.
Thị trường sách báo văn học nghệ thuật hôm nay ít được ngó ngàng, nhưng đây là những bộ sách đang được những người yêu quý văn chương đón nhận.
Mang Viên Long sinh năm 1944 tại huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Học xong bậc trung học ở Quy Nhơn vào giữa thập nên 1960, ông từng vào Sài Gòn ghi danh vào Đại học Luật nhưng sau đó lại trở ra Quy Nhơn theo học 2 năm tại trường quốc gia sư phạm, rồi đi dạy ở Tuy Hòa (Phú Yên), nhiệm sở lâu nhất là ở tại trường trung học Nguyễn Huệ. Tên tuổi và sự nghiệp văn chương trong buổi đầu của ông đều gắn liền với thị xã hiền hòa nhỏ bé bên bờ sông Đà Rằng này. Trước năm 1975, ở miền Nam, toàn bộ giáo sư đều bị động viên vào quân đội, sau đó được “biệt phái” về dạy học trở lại. Vì vậy sau biến cố lịch sử, Mang Viên Long phải đi “học tập cải tạo” đến năm 1978. Lúc này giáo viên dạy môn Văn và Anh văn là “không cần thiết” nên ông phải “hồi hương” về kiếm sống tại thị trấn Bình Định quê nhà. Những chuyện này ông đều kể lại khá “tóm tắt” bằng giọng văn hiền hậu, không oán trách trong tập sách. Cơ duyên đã khiến ông được nương tựa trong nhiều cửa chùa dọc dải đất miền Trung; sau đó, học được nghề làm chìa, sửa ổ khóa nên ông về mở một sạp nhỏ, hành nghề trên hè phố gần chợ chính ở thị trấn quê nhà. Đồ nghề anh thợ khóa vặn được nhiều ốc vít nhỏ, nên ông kiêm luôn nghề vặn kiếng đeo mắt, bơm gaz sửa quẹt.
Điều bất ngờ là với những chiếc chìa khóa làm thủ công, ông đã mở luôn được cái ổ khóa văn chương của phần sau cuộc đời. Sau 4 tập truyện, 1 tập tùy bút được các nhà xuất bản danh tiếng ở Sài Gòn xuất bản trước 1975, từ năm 2009 ông đã xuất bản được thêm 9 tập truyện ngắn. “Như Những Giọt Sương” là bộ tác phẩm thứ 15 của Mang Viên Long. Bản thảo tập thứ 3 của bộ tiểu luận-tạp văn này nghe đâu cũng đang được anh hoàn tất.
Huyện An Nhơn hôm nay đã mang tên là một thị xã của tỉnh Bình Định. Thực ra, trước khi Nguyễn Ánh chiến thắng nhà Tây Sơn, nơi đây chính là thủ phủ của đất Quy Nhơn; Thành Hoàng Đế của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc xây dựng trên nền đất của Thành Đồ Bàn cũ, nay thuộc địa giới của phường Đập Đá và xã Nhơn Hậu thuộc phía bờ Đông của dòng sông Côn, nối liền với vùng Tây Sơn hạ đạo, quê hương các vị anh hùng áo vải. Chúng tôi ngồi bên nhau suốt từ trưa đến chiều trong căn nhà của Nguyễn An Đình, tức nhà thơ Nguyễn Câu Mục của thời trước 1975. Con đường mới để quốc lộ 1 tránh trung tâm thị xã đã được mở qua đây. Tôi chưa muốn cùng anh vào ngay trung tâm thành cũ, vì biết sẽ không còn tìm lại được dấu vết của “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Nơi đây với tôi cũng chính là nguyên quán; thuở nhỏ tôi vẫn được cùng cha ngồi trên những chiếc xe ngựa từ thành Bình Định hoặc Đập Đá lọc cọc chạy về làng.
Tên gọi phân định thể loại sách chỉ mang một ý nghĩa chừng mực. Thay lời tựa cho sách, tác giả Ngọc Bút cho rằng bộ sách này là “Mang Viên Long và một chữ tình để lại…” Tôi với anh cùng có những kỷ niệm mà anh đã ghi trong bài “Một địa chỉ thân thiết: 38 Phạm Ngũ Lão Sài Gòn”, tòa soạn bán nguyệt san Văn trước 1975. Đáng nói hôm nay là những chiếc chìa khóa mà anh muốn giao cho các bạn trẻ muốn vào cõi văn thơ. Điều này rất khó nhưng quả là có ích ngay cả với những người ở lứa tuổi cao niên. Bởi lẽ, chưa có lúc nào thơ và những người làm thơ lại bị dè bỉu, chê bai như hiện nay, nhất là sau các vụ trao giải thưởng. Người đọc có thể tham khảo thêm bài viết khá sâu về chuyện này. Một người viết ký tên Phan Xuân Luật trên trang web Hội nhà văn TP.HCM ngày 22-10-2013 đã trích lời một cán bộ hưu trí, rằng: “… Bọn tui làm thơ có mong để trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam đâu. Xuất bản thơ cũng đâu có mong các nhà phê bình, các nhà thơ chuyên nghiệp đọc, viết bài, nhận xét. Vẫn biết thơ mình chỉ là những lời nôm na, làm thơ để giải bày, chia sẻ thôi mà. Vợ chồng con cái, anh em đọc thôi, có phổ biến rộng ra, bán ở nhà sách này, nhà sách nọ đâu. Ai nói vì tụi tôi làm thơ mà kéo chất lượng thơ Việt Nam xuống thì tội cho tụi tôi quá. Các nhà thơ chuyên nghiệp cứ làm thơ cho hay đi, đoạt giải quốc tế này nọ đi! Họ không vươn lên được tầm này nọ là do họ, sao đổ lỗi cho tụi tôi… Trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi thứ cứ xoay tít theo đồng tiền, vậy mà vẫn còn nhiều người làm thơ, thế là đáng mừng, sao phải lo lắng nhỉ ?”
Thế nào là một bài thơ hay? Từ năm 1995, Mang Viên Long đã tạp luận về chuyện này. Trước tiên, ông mời mọi người hỏi ngược lại: Thế nào là một bài thơ dở? Trả lời bằng cách dẫn lại những ý kiến đã được mọi người công nhận. Với Dương Quảng Hàm, là: “Tình ý không thể diễn tả được tự nhiên, lại nhiều khi các nhà thơ gia công gò các câu thơ, đọc lên rất kêu mà không có tình ý gì hay, thành ra thơ chỉ có xác mà không hồn” (Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển -1939). Còn Hoài Thanh & Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam thì lại cho rằng: “… Từ Homère đến Kinh Thi, đến Ca dao Việt Nam, thơ hay vẫn là sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa vui buồn với loài người, và nó sẽ kết bạn với loài người đến ngày tận thế… Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn… Đi sâu vào một hồn người, ta sẽ gặp hồn nòi giống, và đi sâu vào hồn nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người”.
Qua nhiều tìm hiểu xa gần, Mang Viên Long kết luận (một cách chắc chắn) rằng:“Một bài thơ gọi là “dở” hoặc “hay”, tùy thuộc vào một điều kiện tiên quyết là “con người”, và một điều kiện phụ thuộc là “ngoại cảnh” hay cuộc sống, xã hội, thời đại”…
Trong bài kế tiếp (cũng trong tập 1), ông lại “Thử tìm mẫu số chung cho Thơ”. Ông cho rằng “Thơ, dầu nhân danh trường phái nào đi nữa, cũng đều do “con người” viết ra cho “con người” đọc”. Do vậy, theo ông tổng hợp, mẫu số chung là: Cảm xúc - Trí tuệ - Nhân bản - Nghệ thuật. Có thể từ cái mẫu số chung này nên ông đã rất khó chịu trước việc một số người tự xưng là “nhà thơ hậu hiện đại” đã tung ra các tuyên ngôn phủ nhận cảm xúc, nghệ thuật trong thơ! Thơ “hậu hiện đại” hôm nay đưa ra các sự kiện như báo chí, bằng các từ ngữ tục tĩu, dơ dáy; đòi phủ nhận tất cả những thành tựu cũ. Nên ông đã cho in lại toàn bộ 3 bài “tranh luận” với một “nhà thơ hậu hiện đại” khi ông này tuyên bố sẽ đánh tan mặc cảm về chữ “l…”!
Trở lại với bộ sách, ngoài một ít tranh luận, làm rõ về văn chương, nghệ thuật, đa phần Mang Viên Long nhắc về những kỷ niệm, và cảm hứng về những dòng văn hay, câu thơ cảm xúc của bằng hữu. Quá khứ được tiếp nối qua nhiều người viết hôm nay. Nhờ ông mà tôi đọc được nhiều câu thơ hay của những cây bút chưa quen nhiều như Nguyễn Tấn On (Lâm Đồng) Nguyễn Như Tuấn (Bình Định), Trần Hoàng Vy (Tây Ninh)… Nhưng sau khi gấp tập sách, đọng lại sâu nhất vẫn là những đoạn văn Mang Viên Long viết về các vùng đất mà ông từng sống, đặc biệt là với “Tuy Hòa mùa Gió Nồm”:
…”Những buổi sớm chủ nhật, sau một đêm cặm cụi bên bàn viết, hay ngồi ở một quán cà phê lề đường số sáu, tôi dậy muộn hơn mọi ngày. Gió nồm thổi dạt dào qua khung cửa sổ lớn mở rộng khẽ đánh thức tôi… Tôi trở ra hiên sau đón gió như đón nhận lời chào thì thầm tự trời cao. Tôi kéo chiếc ghế dựa đặt dưới hàng tre, ngẩng nhìn từng cơ gió đi qua, mềm mại và kiên nhẫn, trên đầu những ngọn tre cao nổi lên giữa khoảng trời xanh ngắt…”
(…) “Dì Lucia”, tập truyện ngắn của Mang Viên Long, phát hành trong tháng 12-2013. Tác phẩm được tác giả gửi gắm nhiều tâm trạng. Mang Viên Long là cây bút quen thuộc, nhiều triển vọng trước năm 1975. Dì Lucia gồm 13 truyện ngắn được Mang Viên Long viết cả trước và sau mốc lịch sử đáng nhớ 1975. Dưới mỗi truyện đều có ghi ngày hoàn thành. Truyện “Những Mùa Trăng Có Nhau” đã đăng trên Tuổi Ngọc, tạp chí dành cho tuổi mới lớn ở Sài Gòn năm 1972; Dì Lucia đăng trên tạp chí Bách Khoa tháng 11-1973. Còn “Điều Bất Ngờ Đã Đến” được viết năm 1985; “Dọc Theo Một Dãy Phố” được sáng tác vào tháng 12-2012.
Người ta dễ nhận ra một Mang Viên Long trước sau như một trong cách hành văn, cách chọn và diễn tả nhân vật. Mang Viên Long khác với một Võ Phiến chi li khi diễn tả bên ngoài mà lắt léo khi suy diễn nội tâm của con người, sự việc. Anh cũng rất khác với Võ Hồng, vị thầy giáo đôn hậu, chi tiết nào cũng mang tình cảm hướng về cái đẹp. Đó là 2 nhà văn Miền Trung khá gần gũi, nên hình như anh thừa hưởng được sự tinh tế của cả hai vị. Anh không nói thẳng về nỗi đau mình phải chịu đựng sau ngày “mất dạy”; không oán trách cũng không than thở. Chỉ cho nó trôi đi như dòng đời. Nhưng nếu để ý, người ta nhìn thấy sự mất mát đâu đó làm trái tim tiếc nuối. Trong truyện ngắn “Chim Bay Về Đâu” viết năm 1985, nhân vật cô giáo Thương bị gia đình chồng buộc phải tự nguyện ly hôn vì lý do lý lịch, cho con đường thăng tiến của chồng được thênh thang. Đầu đuôi là hai anh trai của Thương “vượt biên”. Ai đã sống ở Miền Trung những năm sau ngày hòa bình mới cảm thông được sự dòm ngó, tác động đến “sinh mệnh chính trị” của những người thuộc gia đình có người vượt biên. Cô giáo Thương sau khi ký đơn ly dị, đã bồng con về sống với cha mẹ ruột. Nhưng mỗi tuần cô phải bồng con đến trình diện công an xã một lần! Cuối cùng nàng chọn cách lẳng lặng bỏ đi xứ khác ở. Bức thư để lại cho cha mẹ viết:
“Ngày 23 tháng 10 năm 1978
Kính thưa Ba Má
Con đã đắn đo, suy nghĩ kỹ rồi, con không thể sống ở nơi đây được nữa, con phải đi đến một nơi xa, thật xa, để kiếm một việc làm để nuôi con, để có thể giúp đỡ ba má, để khỏi phải chết mòn vì kỷ niệm.
Con có để lại chút ít tiền trong ngăn tủ, ba má hãy cứ lấy ra mà chi tiêu. Con sẽ xin làm bất cứ việc gì để sống, miễn sống xa nơi này. Con xin gửi cháu Hải ở lại với Ba Má. Rồi con sẽ trở về đón cháu khi đã có nơi ăn ở, việc làm ổn định.
……….”
Đoạn cuối, Mang Viên Long diễn tả cảnh người thiếu phụ một mình ra khỏi nhà:
“Buổi sớm mai thật tĩnh lặng. Thương thoáng ngước nhìn lên bầu trời, những cánh cò trắng đang chao đi, vỗ cánh lặng lẽ, không biết sẽ dừng nghỉ nơi đâu? Thương chợt dừng lại. nàng quay nhìn quê nhà một lần nữa. Làng xóm đang ngủ thiếp. Vạn vật im ắng, hoang sơ, như một thuở đất trời vừa mới được tạo dựng. Thương nghĩ thầm: trong cõi đất trời mênh mông lạnh buốt này, ta sẽ đi về đâu?”
Chắc có người đọc truyện này sẽ thốt lên rằng “nỗi khổ đau quá lớn mà tác giả hiền quá”! Thực ra, ở đoạn trước, tác giả đã cho người cha của Thương nói với vợ: “Bà tưởng tôi là gỗ đá hay sao? Nhưng bà phải hiểu rằng, trên cõi đời này, không có ai lột da sống đời được cả. Đêm nào bà cũng tụng kinh mà không nhớ lời Đức Phật dạy là: “Vạn vật đều vô thường và khổ đau” sao?"
Quả nhiên vạn vật đều vô thường. Người vượt biên năm xưa, nay trở về sẽ trở thành “Việt Kiều yêu nước”. Nhưng còn nhân vật Thương? Có lẽ số phận nàng cũng đã bình yên như tác giả. Trong những năm thất nghiệp, Mang Viên Long dựng quầy “sửa khóa, làm chìa”, đêm về anh yên bình viết văn. Từ 2003 anh liên tục xin “liên kết” xuất bản tác phẩm mới. Dì Lucia được NXB Hội Nhà Văn cấp phép, là tác phẩm thứ 18, là tập sách thứ 13 in sau 1975. Sách được tác giả tự phát hành, nhưng nghe đâu cuốn nào cũng thu hồi được đủ tiền in! (…)”
  Trở lại chuyên mục của : Võ Chân Cửu