VÕ CHÂN CỬU


 
  Lục bát Trần Vạn Giã
Thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay!”. Dân gian cũng như các sách khảo luận về văn học sử, về “Việt Thi” đều khái quát như vậy. Thế nhưng tới tận hôm nay, dòng chảy của thơ ca dẫu qua nhiều ghềnh thác tìm tòi, khai mở “cách tân” đưa ra nhiều thể nghiệm mới, có nhiều nhà thơ vẫn muốn khẳng định vóc dáng mình qua thể thơ lục bát.
Tủ sách “Di sản Văn học Miền Nam” của NXB Thư ấn quản ở tận Hoa Kỳ, năm 2008 cũng đã sưu tập những bài thơ lục bát nổi bật trong giai đoạn 1960-1975 ở một nửa nước Việt, in thành tập sách mang tựa đề “Một Thời Lục Bát Miền Nam”. Phải đến năm 2014, nhờ chuyến du lịch đến miền viễn tây nước Mỹ, tôi mới có được cuốn sách này, gặp lại chính mình và những bạn hữu văn nghệ cùng thời qua tập sách dày 600 trang. Trong những nhà thơ gốc ở Miền Trung có bài trong sách, tôi có 3 bài, 2 trang in. Riêng Trần Vạn Giã chiếm đến 10 bài, 4 trang in! Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Thanh Châu, là  một trong mấy người có nhiều công sưu tập hình thành nội dung sách (theo Lời Mở của NXB). Anh là người Nam bộ, vốn nghiêm túc trong thưởng ngoạn văn học, chưa hề quen biết với Trần Vạn Giã. Nên chắc là không sự thiên vị nào.
Mốc xuất hiện các bài thơ trong “Một thời Lục Bát Miền Nam” là năm 1960. Ngoài lý do về tàng thư kiếm được, thời điểm này cũng ghi dấu ấn về sự chuyển mình của dòng chảy thơ ca Miền Nam. Sau mấy năm tung hoành, trường phái “Thơ Tự Do” xuấn hiện từ Tạp chí văn nghệ Sáng Tạo gần như dần lắng lại. Cái tinh thần khai phá, đánh thức cảm xúc từ cái tôi hiện hữu nhiều với nhiều trói buộc mà các nhà thơ đưa ra trong “Thơ Tự Do”, đã tạo nên sự khơi mở cho nhiều lối thơ khác. Với thơ, giờ đây “hình thức” xem ra không còn là cái quyết định như nhiều người lầm tưởng. Cũng chính nhờ vậy, nên thơ Việt từ đó lại bắt đầu một giai đoạn  phong phú mới. Và thể thơ lục bát, qua cơ hội này cũng đã chứng tỏ sự kỳ diệu của những âm điệu, ngôn ngữ mới.
Vào năm 1963, chàng trai Trần Vạn Giã, lúc này vừa tròn 18 tuổi, từ nghiệp văn chương, đã có những vần thơ diễn tả những khổ nhọc từ việc “lang chạ” với vần điệu.
Đốt thơ
Một ngày đốt những bài thơ
Đun trong khói ngọn đèn mờ vô vi
Mê rừng chán đoạn cổ thi
Bỏ quê trôi dạt ta đi lên ngàn
Đời này có hợp có tan
Nên thơ ta cháy dịu dàng trong mơ.
 
Hai câu cuối trong bài thơ 8 câu cho thấy sự nhận chân của tác giả về những giá trị cuộc đời. Chưa phải là tuyệt tác, nhưng đây là một bài thơ tuyệt vời trong thời kỳ ấy. Ở một bài tiếp đó, anh đã cảm ơn “mây bạc”, một loại vật chất mà nhiều người có thể cho là phù phiếm, nhưng người đang theo đuổi hồn thơ thì lại là những hình tượng…vô giá.
Cám ơn mây bạc
Tôi rơi vào cõi tuyệt cùng
Nghe từ thiên cổ về chung mối sầu
Hôm nay cho đến ngàn sau
Biết còn sóng vỗ bên cầu đưa trăng
Lạnh hồn lạnh cả chiếu chăn
Ngờ đâu mặt đất có thằng người tôi
Hôm nay vò gạo hết rồi
Dế đùn bếp đất cái nồi chèo queo
Cám ơn mây bạc đang theo
Dìu tôi lơ lửng cuối đèo nhân sinh.
 
“Thấu thị” cõi nhân sinh
 
Xin người đọc lưu ý: vào thời điểm sau biến động 1963 ở Miền Nam, cuộc chiến ngày càng lan rộng, một số trí thức,  giáo sư đại học từ phương Tây trở về đã ra sức truyền bá chủ nghĩa “Hiện sinh”, khiến tâm trí của người dân, nhất là tầng lớp thanh niên có học ngày càng bị nhiễu loạn. Những từ ngữ Hán Việt mang tính triết học như “dấn thân”, “thân phận” đang trở nên thời thượng trong ngôn ngữ văn chương,. Vậy mà câu thơ Trần Vạn Giả lại khá “nôm na”. Những từ ngữ dân giã, như “vo gạo”, “chèo queo”…được anh dùng đúng chỗ, nên bài thơ vẫn có được sức sống riêng.
Tâm trạng của một thanh niên bị thời cuộc xua đuổi, phải lên rừng nương náu vào một tịnh cốc, lại là nguồn cơ duyên để anh hình thành nhân cách, thành một nhà thơ biết nhìn “thấu thị” bản ngã con người và kiếp nhân sinh. Hãy nghe anh kể chuyện:
Một hôm trở lại Nguyệt Đài
Mây thưa lớp lớp có ai gọi đò
Bài thơ “Còn đâu bờ sương Tây phủ”  mở đầu với hình tượng bến nước-con đò, tựa như khung cảnh thời Đường Thi cực thịnh. Nhưng nhờ câu chữ, ở đây nó lại rất Việt Nam. Tác giả miêu tả tiếp theo, rằng:
Bên bờ sương cỏ quanh co
Hắt hiu bước chậm tiếng cò điểm trăng
Anh đã sực tỉnh khi nghe tiếng chim cò quen thuộc của miền quê. Để rồi:
Giật mình hút ngọn sao băng
Tắt ngang núi Vỵ tưởng rằng hoàng hôn.
6 câu lục bát trên đây như một bài thơ Đường biến thể. Khung cảnh không mới, tứ thơ không mới, nhưng người đọc thấy rõ nhà thơ này đã chắt lọc được những tinh tế của người xưa, biến nó thành của mình. Cái “vốn học” của nhà thơ là đã hàm chứa trong đó.
 
Giữ hồn “Lục Bát”
 
Những bài thơ đầu đời được anh viết theo thể lục bát được anh gom thành một tập mang tên “Hồn Chữ”. Nó được nằm trong ngăn kéo khá lâu, hình như đến khoảng sau năm 1970 mới rải rác được đăng tải. Lúc này, cái tên Trần Vạn Giả lại nổi bật như một nhà thơ của nhóm “Nhân Sinh” hay “Trình Bày”, theo xu hướng  “đi trong rừng biểu ngữ”, như anh nhớ lại trong “Lời ngỏ” in ở đầu tập. Mặc dù ít được đề cập đến, nhưng “Hồn chữ” đã không mất đi. Xin trích thêm một bài lục bát hay trong tập:
Bài thương ca muộn - làm trên rừng
mùa ẩn tịch

Đứng trên mặt đất bao la
Một mình ta cuốc cái ta ngàn đời
Gió chiều bay đỗ chơi vơi
Đội trời và đội nón cời vun khoai
Có ai về dưới thôn Đoài
Nhờ ơn nhắn cuộc tình hoài xa xăm
 
Giọng thơ lục bát của Trần Vạn Giả lúc này rất riêng, mặc dù nó vẫn mang hơi hướm thời sự khi đó. Để chống lại sự sùng bái văn minh cơ khí, lúc này nhiều nhà thơ miền Nam do tiêm nhiễm tinh thần phương Đông, đã hết sức cổ vũ cho tinh thần “trở về với thiên nhiên”. Bối cảnh văn chương lúc này, số người cầm bút của giai đoạn trước 1960 vẫn đang nắm giữ các tạp chí văn nghệ lớn. Lo72p cầm bút trưởng thành sau đó, nhất là những nhà văn nhà thơ trưởng thành từ miền Trung và Nam bộ rất muốn khẳng định vị trí của mình. Họ đã tự phát lập ra nhiều tờ “tạp chí tỉnh lẻ”, hoặc “tạp chí xuất bản bất định kỳ”, nhưng tất cả đều không đứng vững do thiếu vốn và thiếu đầu mối phát hành. Có người nhờ thái độ la hét, tự tạo các xì-căn-đan để nổi tiếng nhanh. Trần Vạn Giã đã không làm vậy. Và đến nay những người yêu thơ vẫn không quên anh. Thời gian là thước đo giá trị văn chương đã trả lời.
Trong tập thơ “Hồn Chữ” hôm nay tôi được đọc, có những bài thơ tự do, thực chất vẫn mang cái hồn lục bát. Nó vẫn rất “Trần Vạn Giã”. Như đoạn đầu của bài: “Thắp tình giữa mùa đông”:
Những con đường ta đi qua
Và những con đường ta sẽ đến
Mênh mông dấu đất chân người
Hãy bình thản mà đi
Với gió giữa mùa đông rét đậm
Bừng lên ý nghĩ trăm năm.
……
Qua những tháng năm, thăng trầm cùng cuộc sống quê hương, từ mốc năm 2000, Trần Vạn Giã lại lần lượt xuất bản những tập thơ hoàn toàn theo thể thơ lục bát. Năm 2006, trong lời tựa cho tập thơ lục bát “Trầm tư với lá” của anh, nhà thơ, dịch giả Đào Xuân Quý viết rằng: “Trần Vạn Giã đã đi vào một con đường quá gay go, nguy hiểm đối với người làm thơ xưa nay…Gay go, nguy hiểm vì rất dễ sa vào chỗ đơn điệu, dễ biến thành vè, dễ làm người đọc chán. Nhưng Trần Vạn Giã đã tránh được tất cả những điều đó và gây được ấn tượng tốt nhờ có những câu thơ chân thật, có nghĩa, có tình…
Đọc “Hồn Chữ” được viết cách nay hơn 50 năm, người đọc có thể bổ sung thêm rằng anh chính âm điệu “lục bát” đã làm giàu thêm hồn thơTrần Vạn Giã.
Tháng 12-2016
Võ Chân Cửu
  Trở lại chuyên mục của : Võ Chân Cửu