VÕ CHÂN CỬU
 
Trăng Tháng Giêng
                                             
“Hãy khoác cho thi sĩ một vòng hoa. Và mời hắn ra khỏi thành phố ” ! Câu nói của triết gia Platon từ khoảng 350 năm trước công nguyên, đến nay như vẫn còn đúng. Làm sao để họ  không còn  gặp cảnh này ?
 
Hàng năm, cứ ăn Tết xong, chúng tôi lại hẹn nhau gặp mặt nhân ngày giỗ Vũ Hữu Định (VHĐ). Từ đêm 16 âm lịch, tháng Giêng 1981, đến nay đã vào năm cách biệt thứ 32.
 
Vào cuối 1980, tôi ngầm tính toán các điều kiện để vào năm mới cho vợ con về lại Sài Gòn sinh sống. Bỗng nhiên Định cùng một người bạn là Cao Trần từ Đà Nẵng vào có mặt ở Quy Nhơn, mục đích chính là để thăm tôi. Lúc này, vừa bị nhà máy điện Đà Nẵng thanh lọc ra khỏi “giai cấp công nhân”, nên cũng là lần đầu sau 1975 anh tung cánh giang hồ trở lại.
 
Nhà thơ “ngoại lệ”
 
Trong số những người làm thơ nổi bật ở Sài Gòn giai đoạn 1968-1975 thì VHĐ là một ngoại lệ. Cao trào văn nghệ-triết học và tác động chiến tranh lúc này khiến nhiều nhà thơ mới xuất hiện đều có dáng vẻ “nặng phần trình diễn” cả trong ngôn từ thơ ca lẫn cách ăn mặc, xuất hiện ở các quán cà phê. Người thì ‘bất cần đời” qua bộ treilli nhuốm màu bụi đỏ, bông mai xộc xệch; người kính cận dày trệ sống mũi, hoặc choàng bộ áo cà sa, tay ôm những chồng sách nặng. Có người đưa cả những dòng triết học tiếng Pháp, tiếng Đức để thơ mình có dáng vẻ hiện đại. Vũ Hữu Định thì không như vậy. Vừa lên tới căn gác trọ của chúng tôi, anh đã cởi áo sơ mi ra, trần trùng trục khoe cái bụng tròn. Trải chiếc, lăn ra làm một giấc, ngáy khò xong, rồi anh ngồi dậy dựa tường, lấy giấy tập kê lên đùi. Dòng thơ tuôn chảy.
Lớn hơn tôi cả 10 tuổi nhưng anh vẫn không kiểu cách, nhất định bảo tôi gọi nhau mi, tau. Dạo ấy trên căn gác gỗ nơi đường hẻm Nguyễn Huỳnh Đức-Phú Nhuận, tôi ở trọ chung cùng Lê Phiên Vươn, Nam Chữ, Nguyễn Lương Vỵ. Mỗi người một góc, một bàn học, một va-ly riêng. Ai nấy đều tôn trọng nhau, dành sự yên lặng để bạn mình làm việc, đọc sách, học bài. Và ai cũng mến Định, vì anh xởi lởi, nói huỵch toẹt mọi chuyện. Chúng tôi đều hiếu khách. Nhiều lớp làm văn nghệ ở xa về Sài Gòn nghe tiếng, đều tìm đến đây ngủ nhờ. Đủ mọi thành phần cùng gặp nhau trên gác. Như Nguyễn Nguyên Phương từ Trường chiến tranh chính trị Đà Lạt xuống, Nguyễn Mạnh Dạn (Nguyễn Mạnh Song Ka, nay là Nguyễn Mạnh An Dân) từ chi khu Trị Tâm Tây Ninh về. Hoặc Nguyễn Miên Thảo ngấm ngầm hoạt động “bí mật” khi làm nhật báo…Nhưng không ai “đụng” nhau.
Sự có mặt của thi sĩ Vũ Hữu Định đã phá tan những định kiến về người làm văn nghệ. Anh học hành không đến nơi đến chốn, từng làm đủ thứ nghề: bán báo, đánh giày, hát dạo, lính đào ngũ, quẳng áo xây dựng  nông thôn…Nhưng chữ nghĩa từ bụng anh viết ra, câu nào đều ra câu đó. Thơ VHĐ bài nào cũng tràn đầy cảm xúc, phong phú từ tình yêu đến nỗi nhớ nhà, và men rượu giang hồ...
Chúng tôi ngày đó đều chưa ai lấy vợ. Riêng Định ngoài người vợ nơi xa lại “nặng nợ trên tình trường. Một bữa cuối năm 1973, làm xong một bài thơ tình yêu, anh gọi chúng tôi ra, đưa đọc để “khoe”. Một cô gái đã “khóc” vì thất thân với người yêu. Thi sĩ đã  “cảm xúc” về những giọt nước mắt ấy ra sao ?
 
                  Lúc nên người
 
Em nhớ lại buổi đầu tiên em khóc
Buổi đầu tiên em hiểu chuyện con người
Cũng buổi đầu em hiểu ý chia đôi
Nước mắt quý một lần thành chất ngọc
 
Em nhớ lại buổi đầu tiên em sống
Mười mấy năm em mới sống lần này
Đó là lần em hiểu được cơn say
Không là rượu mà hồn em chếnh choáng
 
Trăng rực rỡ đêm mơ đời tỏ rạng
Em ngó anh để thấy núi thật gần
Em thầy sương mờ, gió mỏng qua sông
Có tiếng dội của giọt đời thứ nhất
 
Chút đau đớn bây giờ là chất mật
Cõi nhân gian em mới hiểu lần này
Nguồn an vui hay những trận đọa đày
Là hơi thở mà em chưa kịp thở
 
Ngày thứ nhất của đời hay thật rõ
Em nhớ hơi thở đứt hững ngày xưa
Sương nên mưa và nắng cũng thành mưa
Những màu sắc chuyển sắc màu đậm nhạt
 
Em nghe được tiếng nhạc trời hiu hắt
Thấy yên thương không có một màu chung
Màu núi xanh, lúc gió chuyển rừng
Em thấy được lòng em trong phút đó
 
Hôm nay sống em không còn xa lạ
Hoa, cỏ, mây, mưa, tiếng của sương chiều
Em đắm chìm trong một phút cô liêu
Để nghe rõ tiếng của nghìn năm cũ
 
Để hiểu với hương gió rừng mưa lũ
Nghe chuyển trăm năm sắc đá thành màu
Em có thật lòng với thú thương đau
Thấy hạnh phúc của màu xanh nước mắt
 
Em cười thật bởi vì em biết khóc
Em khóc mê man vì em đã nên người
Mộng thì gần trong những phút rong chơi
Thực đã có suốt đêm dài nhắm mắt

Em đã nhớ buổi ban đầu em khóc
Em thấy thơ mộng sống dửng dưng
Em thấy được anh và em đã tới gần
Ngày nghe chuyển những mầm đau hạnh phúc.
 
Người con gái sau khi trao thân cho người yêu thì mới “nên người”. Đó lại là sự thực, nhưng các bậc “đạo đức” không bao giờ công nhận. Cách nhìn rất “hiện sinh” ấy được thi sĩ biểu hiện. Chỉ là tình yêu đã nhuốm mùi xác thịt, nhưng chàng thi sĩ lại nhìn ra hương hoa, trăng sao, cả “sương mờ, gió mỏng qua sông”, và cũng là “mầm đau hạnh phúc”…Lê Xuân Tiến lúc đó thán phục cho rằng bài thơ  chứng tỏ rõ nét tài hoa của người thi sĩ giang hồ Vũ Hữu Định!
 
 Cứ dăm ba ngày, kiếm đâu ra được ít tiền, thì anh lại bảo: để tao đi chơi một chuyến. Hết Cần Thơ đến Sa Đéc, Long Xuyên, Mỹ Tho… Khi tôi dọn đi ở riêng ở quận 1 rồi quận 3, anh lại theo tôi. Một bữa tối, khi cả 2 đều hết tiền ăn, Định chợt nghĩ ra, bảo: mi chở tau xuống Đêm Màu Hồng, đứng ngoài đường chờ. Kỳ này nhất định lấy được tiền. Té ra anh xăm xăm vào để gặp nhà nhạc sĩ nổi tiếng đã phổ bài “Còn chút gì để nhớ”, và nói rằng mình mới đào ngũ về, trong túi không có tiền. Và anh đã lấy được tiền “tác quyền” lời thơ phổ nhạc.
Lăn lóc dòng đời, nên Định đã chơi thân với ai thì rất thương bạn, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bạn vui, khỏi âu lo. Đến Quy Nhơn, Định và Cao Trần suốt ngày đi uống rượu, hết dọc bờ biển lại vào các quán cóc ven sườn núi. Giới văn nghệ cũ ở Quy Nhơn lúc này ngoài tôi, còn có Đặng Tấn Tới ở thị trấn Bình Định, gần nhà thi sĩ Yến Lan. Riêng một nhà thơ “tranh đấu” gốc Huế, và vài cây bút văn xuôi “30-4” thì được chính quyền “chiếu cố”, đưa vào biên chế sáng tác cùng các nhà thơ “cách mạng chính thống” mà trại viết Quân khu 5 phân công về. Biết tính “dĩ hòa” của tôi, sau ngày đầu rong chơi, Định đến gõ cửa Tạp chí Văn nghệ tỉnh. Anh gửi ngay bài thơ có xu hướng ca ngợi cảnh đẹp quê hương mà anh đã làm tại Đà Nẵng sau khi được dự các buổi “nâng cao tư tưởng”. Bài thơ có tựa đề “Mùa lúa mượt”, mở đầu với 2 câu: Sương chiều thổi xuống ruộng non, Gió hấp tấp theo mây luồn qua núi… Nhưng sau đó thì hình ảnh gượng gạo…Rõ ràng là dù có tay nghêsử dụng ngôn từ, gieo vần nhuần nhuyễn, nhưng nếu sáng tác không thực sự từ cảm hứng thì câu thơ sẽ vô hồn. Loại thơ “vô thưởng vô phạt” này chỉ nhằm để khỏi bị bắt bẻ là “không chịu sáng tác mới do không hào hứng với cuộc đời mới ?”
Gửi thơ xong, Định và Cao Trần tiếp tục đi ra phố kêu rượu, chờ tôi. Sau 3 ngày rong chơi, tôi tiễn cả hai lên chiếc xe đò có động cơ chạy bằng than về lại Đà Nẵng. Trong những ngày tết Tân Dậu (1981), tôi nhận được bức thư tay có bài thơ “chào năm 41 tuổi” do Định chép tay, gửi từ Đà Nẵng vào. Bài thơ có nội dung  “tổng kết đời minh”. Ai ngờ đó là những câu linh cảm. Sau một cuộc rượu say túy lúy cùng các bạn văn nghệ cũ, mới, anh được đưa về ngủ ở nhà người em ruột là Lê Quang Tấn ở bên kia cầu sông Hàn (quận 3). Nhà  Tấn mới xây, anh ra nằm ngoài tấm Veranda cho mát. Tấm bao lơn này chưa có làm lan can. Nửa đêm trăng sáng, anh đứng dậy bước ra, như để đi về nhà, và rớt xuống đất Tính Định vẫn vậy, dù nhậu say, ngủ vùi, nhưng khi tỉnh dậy, việc đầu tiên là anh đi về ngay nơi ở thân thuộc nhất. Khi ở Sai Gòn là về nhà trọ có tôi.
 
Vòng hoa xứng đáng
 
                                        Mỗi lần em sinh nở
                                        Ta cũng phải vắng nhà
                                        Tháng này em sinh nở
                                        Ta  lại trên đường xa…
 
Bài thơ “Cảm ân người vợ khổ” mà Định làm trên “căn gác nhỏ dưới tàn cây vú sữa/Mùa lá khô lật sấp những trang đời”(VCHC) như thế. Tôi viết những dòng này, lòng vô vàn cảm ơn chị Vân, người vợ hiền của Định. Nếu không có chị chăm lo “Năm đứa con như năm hạt ngọc”  thì có lẽ những dòng thơ đắm say của anh không thể tuôn trào: Đời để lại cho anh ngoài ô cửa sổ/ Một hình mây, bóng núi, tin sông... Năm 2006, nhà phê bình Đặng Tiến đã ghi nhận rất chính xác: “Thơ VHĐ là điển hình cho thơ trữ tình hiện đại. Nó không gai góc thách thức; ngược lại nó kết thêm đằm thắm, quen thuộc. Lay động người đọc bằng tình cảm trong sáng và thiết tha, bằng nét tài hoa vô tội”.
Những người phụ nữ tuyệt vời, là vợ các nhà thơ như chị Vân ngoài việc chiều ông chồng làm thơ, còn có sự cảm thông sâu sắc với những thi sĩ là bạn hữu thân thiết của chồng mình. Ông Bùi Bảy, người thay mặt tộc họ Bùi chăm lo phần mộ và giỗ chạp thi sĩ Bùi Giáng. Ông Bảy vẫn công bố với mọi người: sau năm 1975, tai Saigon có 5 người vợ các nhà thơ bày tỏ sự quý trọng đối với Bùi thi sĩ bằng cách: đưa anh ra tắm gội. Các bà này đều tự tay mình giặt gỵa bộ quần áo hôi hám rồi lấy đồ mới cho Bùi thi sĩ mặc. Đó là các bà: Đông Phương Huệ, vợ Lê Nhược Thủy; Ngọc Phượng-vợ Nguyễn Lương Vỵ, Phương Bình-vợ Trần Từ Duy (Đông Ki Rét); bà Hoàng thị Hiệp-vợ anh Phạm Trung Cang (em ruột thi sĩ Phạm Công Thiện).Và bà Hữu Hạnh, vợ Võ Chân Cửu. 4 chị đầu tiên đều đã lần lượt ra định cư ở nước ngoài. Nên vào giữa thập kỷ 90, căn nhà của vợ chồng tôi ở ngay sau tường chùa Già Lam là nơi lui tới hàng ngày của Bùi Thi sĩ. Nơi ở chính của anh cách đó chỉ vài trăm mét. Và thi sĩ Bùi Giáng mỗi khi được ai tặng món tiền nhỏ nào, cũng đem tới đưa cho vợ VCHC cất. Khi cần thì thi sĩ tới hỏi, lấy một ít đi uống rượu ! Ông còn viết cả mấy dòng chữ uốn lượntrên giấy để nói rõ về sự cất giữ này !
Một ngày tháng giêng 1995 có một thanh niên ngoài 30 tuổi, người nói giọng Hà Nội mò vào hẻm 482 Lê Quang Định hỏi tìm nhà tôi. Anh ta gặp ngay ông già áo quần lem luốt nằm ở ngã ba đường hẻm, nên đứng lại tò mò. Bà bán tạp hóa-cóc ổi và rượu nhạt vỉa hè nói: Ông thầy đây là “thầy” của “ông thầy” mà anh muốn tìm, nhà ở trong kia, giáp lưng chùa ! Người khách lạ ngớ người, không hiểu gì cả !
Thì ra người đàn ông tên Cảm này được thi sĩ Nguyễn Đức Sơn từ Bảo Lộc giới thiệu xuống. Anh cho biết đã từng viết văn, làm thơ, và là chồng của một nhà văn nữ thời danh ở Hà Nội. Hai người kết hôn khi còn là sinh viên, nhưng sau khi cô vợ nổi tiếng, phải ly dị. Buồn đời, nghe qua tin đồn, anh mò vào Bảo Lộc để học theo cách sống của thi sĩ NĐS: tự trồng trỉa, hái lượm. Sau một năm, cả hai có nhiều điều không hợp nhau. Anh phải ra đi.
Về Saigon, lại gặp một trời thơ như hình ảnh Bùi Giáng, anh bạn người Hà Nội từng muốn thành nhà văn, anh càng tá hỏa về cách sống của các văn nghệ sĩ Sài gòn. Vợ tôi giải thích rằng vợ chồng tôi kính trọng và quý anh Giáng như người anh. Mỗi người thích sống kiểu nào mặc kệ họ. Còn như anh, có nhà ở Hà Nội thì nên về Hà Nội. Khi nào cưới được cô vợ người Miền Nam thì hãy vào. Có lẽ trên đời, tất cả thơ ca, nghệ thuật đều không thể nào tồn tại nếu không có bàn tay người phụ nữ.
Nghe lời, Cảm tiếp tục tên đường tìm kiếm. Cuối cùng, anh đã gặp được một cô gái trẻ Phú Yên cảm thông. Một bữa nọ, anh quay lại Sàigòn, nói với vợ chồng tôi: em hiểu ra rồi !
Vợ chồng  tôi đã nhận lời thay mặt họ nhà trai ra tận Phú Yên cưới vợ cho anh. Vợ tôi trao cho người từng muốn thành thi sĩ một bó hoa thơm để anh tặng cô dâu trong lễ cưới.
 
                                                    (Trích từ tập 22 Tản Mạn, NXB Hội Nhà Văn 2013)

  Trở lại chuyên mục của : Võ Chân Cửu