VÕ HOÀNG NAM
Hoa Là Linh Hồn Của Mùa Xuân
(Tản mạn)
Hoa mang đến cho con người bức thông điệp về mùa Xuân. Vì thế, từ lâu hoa trở thành linh hồn của mùa xuân là nguồn cảm hứng bất tận cho những thi sỹ khi nói về mùa Xuân.Hoa Là Linh Hồn Của Mùa Xuân
(Tản mạn)
Nếu như cuộc sống con người không có hoa thì ta có cảm giác như thiếu đi nhựa sống, vì hoa mang lại hương sắc cho cuộc đời. Người ta yêu hoa chính là yêu cái đẹp, tôn vinh cái đẹp. Nhưng ở mỗi loài hoa có vẻ đẹp riêng biệt của nó, thêm vào đó là ý tưởng của con người đã tạo nên cảm xúc thẩm mỹ khi thưởng thức các loài hoa. Hoa Đào tượng trưng cho sắc xuân của người miền Bắc. Đào có nhiều loại: Bạch Đào, Hồng Đào, Bích Đào... Theo tích cũ lưu truyền, có cành Đào trong nhà những ngày Tết còn trừ được ma quỷ quấy nhiễu. Vì vậy, hoa Đào là loại hoa không thể thiếu trong Tết cổ truyền ở miền Bắc. Người sành chơi biết chọn cho mình những cành Đào có nhiều nụ để có thể chơi đến giêng, nhưng đồng thời lại phải biết hãm cho hoa nở vào đúng ngày đầu xuân năm mới. Nếu hoa Đào là sắc xuân miền Bắc thì hoa Mai lại tượng trưng cho mùa xuân phương Nam. Hoa Mai cũng có rất nhiều loại: Mai tứ quý màu đỏ, Hồng Mai, Bạch Mai, Chi Mai màu trắng pha hồng, Hoàng Mai màu vàng, Mai Chiếu Thủy màu trắng phớt, Song Mai màu trắng muốt. . . nhưng phổ biến hơn cả là hoa Mai vàng. Hoa Mai cũng năm cánh nhưng không nhiều lớp như hoa Đào, hoa cũng không dày và sát cành như hoa Đào. Hoa Mai cánh mịn màng như lụa. Cành Mai nâu sẫm, ngắn, rất gân guốc nhưng cũng rất mềm mại. Hoa Mai tượng trưng cho phẩm tiết cao quý, khí phách của người quân tử, là niềm cảm hứng rất kinh điển trong thơ ca. Ngoài hai loại hoa đặc sắc nói trên, hoa Cúc và chậu Quất cũng là những loại hoa và cây cảnh phổ biến. Người xưa coi hoa Cúc là loài hoa ẩn dật, hoa Cúc có thể sánh với đức người quân tử, vì hoa Cúc là giống cây dễ trồng lại ít công chăm bón mà vẫn xanh tốt ra hoa trong cả bốn mùa, hoa Cúc cũng giống như tánh con người hướng thiện. Hoa Cúc nở nhiều nhất vào mùa Thu, hình sắc đều đẹp. Đến mùa Đông sương giá, trăm hoa đều tàn, chỉ còn lại hoa Cúc hiên ngang trong tiết lạnh, cũng như người quân tử chẳng sợ gian nan, nguy hiểm. Có rất nhiều loại Cúc: Cúc vàng, Cúc đại đoá, Cúc trắng, Cúc mốc, Cúc mắt trâu, Cúc bách mi...Cúc có vẻ đẹp độc đáo cả về sắc lẫn hương. Nó có vẻ đẹp thanh bạch kín đáo mà bền lâu, vì vậy, hoa Cúc thường tượng trưng cho cuộc sống thanh bạch, khiêm nhường. Quất được trồng trong chậu cảnh, tỉa thành những tầng, những tán cầu kì. Quất Văn Giang, Quất Nhật Tân là những loại Quất đẹp nổi tiếng. Cây Quất quý và hiếm là cây Quất nhỏ nhưng nhiều quả, quả tròn, to vàng mọng và lúc lỉu khắp cành. Màu vàng của quất biểu tượng cho tài lộc nên cây quất được nhiều người ưa chuộng. Hoa Mẫu Đơn là hoa phú quý, hoa Sen là hoa quân tử vì hoa Sen mọc lên từ bùn đen mà chẳng nhiễm màu đen vẫn tỏa hương thơm và sắc hồng. Vẻ đẹp của hoa Sen thanh thoát chẳng lả lơi, thân trong bùn mà vẫn đứng thẳng, không nhánh không cành, hương thơm thanh đạm. Trong nhà Phật, hoa Sen tượng trưng cho tinh thần vô nhiễm, vì hoa Sen vốn tinh khiết, đúng như người đời ví “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phật giáo thờ hình tượng Đức Phật ngồi trên đài Sen. Hoa Thủy Tiên là một loài hoa bắt nguồn từ Trung Quốc, một loài hoa quý tộc. Chơi thủy tiên đòi hỏi phải cầu kì, tinh tế. Hoa thủy tiên phải trắng muốt, nở thành chùm có mùi hương êm dịu và nở đúng ngày theo ý muốn. Thân thủy tiên đúng kiểu phải là thân có năm giò (nhánh) cân xứng. Rễ phải là chùm mập và trắng muốt ngâm trong bình pha lê trong suốt. Hoa Hồng sang trọng, ấm cúng; hoa Lay Ơn tinh khiết, hoa Viôlet đầy sức sống, ...Các loài hoa khi bước sang xuân cứ đua nhau khoe sắc làm cho người chơi hoa, thưởng thức hoa phải nức lòng, bối rối.
Hoa xuất hiện trong mùa xuân điểm tô cho đất trời, cho cuộc đời và nỗi hân hoan của lòng người. Nó là sứ giả của thời gian, của niềm tin, hi vọng và là linh hồn của mùa xuân. Thế giới loài hoa dường như bừng tỉnh sau những ngày đông giá rét, và nở rộ khoe sắc vào mùa xuân. Nếu như không nhầm thì mùa xuân chính là ngày hội của các loài hoa.
Mùa Xuân Với Loài Hoa Dại
(Tản mạn)
Mùa xuân về tất những loại hoa đồng nội đều thi nhau nở rộ, người đời gọi đó là loài hoa dại. Phải chăng tất cả mọi loại hoa sinh ra trên trái đất này đều có sự khởi nguồn từ hoa hoang dại, trong tất các loại hoa ấy loại hoa nào được con người đem về chăm sóc chiều chuộng chắm bón, nhân rộng ra để bán phục vụ cho cuộc sống thì những loại hoa đó được gọi với một cái tên vô cùng trìu mến là “hoa trồng”, còn lại thì bị con người gọi là “hoa dại”.(Tản mạn)
Nói đến “ hoa dại” là ta nghĩ ngay đến sự tự sinh tồn của nó, nếu loại hoa nào hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở một nơi, vùng miền nào đó thì nó có thể phát triển sinh sôi nảy nở thành con đàn cháu đống mà không cần đến sự trợ giúp bất một ai và nó cứ thế tồn tại và phát triển ngay đối với các loại sâu bệnh cũng phải kính nể nó cúi đầu chào thua. Ngược lại nếu không hợp thổ nhưỡng, khí hậu thì nó sẽ tự bị diệt vong. Tất nhiên cũng có một số “ hoa dai” con người thấy màu sắc đẹp lỗng lẫy, lại có hương thơm quyến rũ nên mang về trồng, rồi sau đó đặt tên cho nó, như hoa Sen, hoa Súng, Hoa cúc Dã Quỳ, hoa Nhài, hoa Phong Lan… nhưng nó không mất đi bản chất của hoa dại. Con người ta nhiều khi còn có cái nhìn và đánh giá thiên lệch theo sự ví von chẳng ăn nhập vào đâu như là hoa Nhài, hoa Dạ Thiên Hương, hoa Thiên Lý…luôn tỏa hương về đêm được ví như là những cô gái lẳng lơ như vậy thật chẳng công bằng chút nào, vậy thì oan uổng cho những loại hoa lắm người ơi! Tất nhiên còn có rất nhiều loại hoa kém may mắn như những loài hoa kể trên nở khắp hang cùng ngõ hẻm, lối di hàng rào, trên đồng, ngoài bãi triền đê ao hồ sông nước như hoa Trinh Nữ, hoa Râm Bụt, Hoa Cỏ May, Hoa chuối, hoa Cà, hoa bí hoa mướp…đều chịu chung số phận gọi là “hoa dại”. Tuy rằng trong số những bông hoa “ Hoa dại” một số được con người ưu ái đặt cho một cái tên nhưng nó cũng không thể nào bứt phá ra khỏi họ nhà “ Hoa dại” như hoa Sim, Hoa Mua, hoa Dũ Dẻ…chúng vẫn sống lên lỏi trong các khu vườn, đồi rừng mà vẫn tỏa sắc dâng hương. Thế mới biết hoa dại có một sức sồng vô cùng mãnh liệt bất chấp mọi thời tiết địa hình, địa lý ngoài mục đích của sự sinh tồn ra hoa dại còn đóng góp cho con người một giá trị tinh thân vô cùng phong phú. Tất nhiên đối với loài hoa dại mỗi loại hoa đều có nét đặc thù riêng tự bảo vệ mình để tránh sự “truy sát” của kẻ thù. Mùa xuân về ta thả bước chân trên mọi nẻo đường quê đâu đâu cũng gặp sắc hương của loại hoa dại, nó bình thương chân chất như tâm lòng của người dân quê. Ta như có cảm nhận rằng: mùa xuân không chỉ dành riêng cho một loại hoa nào mà nó dành chung cho tất cả các loại hoa trong đó không loại trừ hoa dại. Nếu tinh mắt và có tâm hồn nghệ sỹ một chút dù có là mùa xuân hay không mùa xuân thì những bông hoa dại ngầm níu chân ta dừng lại ngắm nó một chút thôi, chẳng cần chi sự âu yếm như vậy nó cũng đã toại nguyện lắm rồi vì khỏi bỏ công khoe sắc tỏa hương. Hoa dại là loại hoa chân chất như vậy đó, nó chỉ biết cống hiến chứ không bao giờ nghĩ đến sự ban phát của một ai, nhưng hương sắc cũng chẳng thua kém mấy loại hoa trồng.
Như đã thành duyên nợ, hễ mỗi khi mùa xuân về dù là hoa trồng hay hoa dại lại rủ nhau khoe sắc tỏa hương dâng tặng đời một niềm vui trong cuộc sống.