VÕ HOÀNG NAM


Bà Lão Mù Ăn Xin
 
            Mấy hôm nay, cả đất, trời tràn ngập không khí lạnh và màn mưa mỏng như sương mù bó chặt lấy, cái lạnh như cắt da, cắt thịt khiên cho mọi lời nói ra cũng biến thành hơi nước trắng như khói.
          Cái chợ ở làng quê tôi trong những ngày áp Tết, người đông tấp nập. Ồn ào, xô bồ, giữa kẻ bán người mua, với đầy rẫy những mặt hàng, thượng vàng, hạ cám, không thiếu thứ gì. Riêng ở một góc chợ có một bà lão mù lòa ngồi xin ăn thì ít ai để ý. Bà vẫn ngồi đó ngày này qua ngày khác, dù là chợ phiên hay chợ Tết đối với bà nó cũng như nhau vì đôi mắt bà đã mù từ khi chồng và con bà bị tai nạn giao thông. Bà ngồi đó nhưng vẫn hướng đôi mắt đục ra xa xăm một cách vô định. Đặt trước mặt bà là một cái tô bằng kim loại đã hoen rỉ và chính những âm thanh phát ra từ cái tô là niềm hy vọng của bà. Có lẽ bà đã ngồi đây từ lâu lắm rồi. Khuôn mặt khắc khổ không lấy đi vẻ nhân từ của bà. Những nếp nhăn trên khuôn mặt của bà như muốn nói với mọi người rằng: Bà đã từng trãi qua đủ những cơn sóng gió của cuộc đời. Lớp áo đã cũ mà bà đang mặc không thể chống đỡ nỗi cái giá rét, khiến chân tay bà run cầm cập. Phiên chợ của những ngày áp Tết người đông đúc nên chẳng mấy ai quan tâm đến bà. Có một người phụ nữ trông vẻ sang trọng, ăn mặc rất mốt thời trang, đi chiếc xe máy tay ga loại xịn, dừng lại ngay trước mặt bà cụ, mua hàng của một người ngồi ở cạnh đấy. Liếc nhìn bà cụ bằng cái nhìn rẻ rúng, khinh miệt, rồi nói với người bán hàng: “Già rồi thì có con, có cháu nuôi, không có con có cháu, thì còn có đôi chân, đôi tay, làm lấy mà ăn, đi ăn xin thì ai người ta cho”. Mua xong, người phụ nữ lên xe rồ ga đi, nước từ lốp chiếc xe bắn ra hắt đầy mặt mũi bà lão. Bà lão khẽ đưa đôi mắt đục mờ dõi theo hướng xe đi của người phụ nữ. Bà không nói nhưng dương như đã nghe hết những gì mà người phụ nữ kia nói, nhưng bà không buồn lòng vì người phụ nữ kia làm sao hiểu được bà, bằng chính bà hiểu bà. Gần trưa, chợ bắt đầu vãn người. Những người phụ nữ đi ngang qua chỗ bà đều lấy trong túi ra dăm ba nghìn tiền lẻ, cúi khom người xuống bỏ vào cái tô kim loại của bà. Bà cũng không quên gật đầu nói lời cám ơn với những người tốt bụng. Một nam thanh niên đi ngang qua móc trong túi ra tờ giấy bạc năm nghìn đã cũ, vo viên ném vào cái tô nhưng lại văng ra ngoài. Bà cụ khẽ lắng tai nghe rồi nói: “Cậu ơi! Hình như cậu rơi tiền thì phải?”. Người thanh niên nói: “Tiền tôi cho bà đấy”. “Tiền ngoài cái tô không thể là tiền của tôi được cậu nên nhặt lấy”. “Thế tôi nhặt bỏ vào tô cho bà được chưa?”. “Tùy cậu thôi”. Người thanh niên cúi xuống nhặt viên giấy năm nghìn bỏ vào cái tô cho bà. Bà ngước đôi mắt đục ngầu lên nhìn người thanh niên rồi nói: “Xin cảm ơn cậu, giờ thì nó thật sự là tiền của tôi rồi”. Người thanh niên cảm thấy xấu hổ với mọi người rồi lặng lẽ bỏ đi. Một lúc sau, có 2 mẹ con đi chợ về, đi ngang qua. Bé gái khoảng bảy tuổi, tóc tết đuôi sam trông rất kháu khỉnh đội cái mũ giả vương miện bằng nhựa màu hồng nhỏ nhỏ, nắm tay mẹ bước từng bước rất chậm hình như cô bé sợ trơn trượt, trên tay bé giữ chặt một gói bánh đắt tiền được bọc trong mấy lần giấy bóng màu đỏ tươi. Người phụ nữ lấy trong túi ra tờ giấy bạc mười nghìn đồng cúi xuống nhẹ nhàng đặt vào chiếc tô của bà rồi nói: “Con cho cụ đấy ạ!”. Bà lão không quên nói lời cảm ơn. Đứa bé kéo tay mẹ nói khẽ điều gì đó. Người phụ nữ cười, đưa cho cô bé tờ mười nghìn đồng lấy từ trong ví. Cô bé đi tới cái tô của bà lão, dùng hai tay đặt cẩn thận tờ tiền vào trong cái tô và không quên nhặt mấy đồng lẻ người ta vất vô ý làm rơi ra ngoài bỏ vào. Rồi vòng tay lại thưa: “Cháu gửi bà ạ!”. Bà lão cảm động nói: “Cháu cho bà xin nhé!”, bằng cái giọng run run. Cô bé đi ra chỗ mẹ đứng. Nhưng chợt cô bé như nghĩ ra điều gì đó, vội quay lại chỗ bà lão. Cô bé khẽ đặt gói bánh vào tay bà rồi nói một cách hồn nhiên: “Cháu biếu bà để bà ăn Tết nhé! Ở nhà, cháu còn có nhiều lắm”. Bà lão cầm gói bánh của cô bé, hai dòng nước mắt trào ra từ đôi mắt đã ngầu đục. Mẹ cô bé đứng ngoài thấy cách ứng xử của con mình thì mỉm cười, vẫy tay gọi con chào bà rồi về. Mưa nặng hạt thêm. Bà lão cầm gói bánh trên tay mà quên mất là mình đang đứng dưới trời mưa lạnh vì lúc này bà đang cảm thấy lòng mình ấm áp hơn lúc nào hết.
          Ai nói rằng trẻ con không biết nghĩ sâu như người lớn. Ai bảo thời kinh tế thị trường tình cảm con người với con người đang nhạt nhẽo dần. Vâng đó là người ta nghĩ, người ta nói. Nhưng thật ra trong cuộc sống, còn có rất nhiều người sống có tình, có nghĩa đáng để ta quý mến và trân trọng lắm. Sao ta không sống chậm hơn một chút và suy nghĩ đến những người có hoàn cảnh eo le hơn mình. Hãy biết yêu và quý trọng những người xung quanh ta hơn.


  Trở lại chuyên mục của : Võ Hoàng Nam