VÕ HOÀNG NAM
 

 Mẹ Với Gánh Hàng Rong
 
          Ba tôi bị bệnh hiểm nghèo nên mất sớm. Mẹ để chúng tôi ở lại quê, một thân một mình lên thành phố, cùng với một gánh hàng rong đi bán khắp phố phường!
         Vốn liếng chẳng có là bao. Gánh hàng của mẹ “thượng vàng hạ cám” mùa nào thứ đó, loại nào cũng có, một thứ một ít, tùy theo mùa vụ, ý thích của từng người. Lúc thì mấy bó cải bán kèm với hành ngò, lúc thì lạng tép đồng bán cùng mấy quả bí, quả bầu. Mớ rau muống hồ, hành, tỏi thì là, rau dền, rau ngót, khoai tây, cà rốt... chẳng khác nào một tiệm thuốc bắc. Người dân thành phố bận bịu hàng quán chỉ ra ngõ chờ là có gánh hàng của mẹ đi qua, bất kể mưa hay nắng mẹ đều tận tình phục vụ cho họ, tiện cả đôi đường... Các bác, các chị công chức, chỉ chờ gánh hàng của mẹ đi qua là đã có đủ loại hàng thực phẩm theo ý mình phục vụ cho bữa cơm gia đình. Mẹ bảo: “Người thành phố đôi khi quá vội vã, nên không kịp mỉm cười. Đôi khi quá lo toan, nên giọng nói không vồn vã. Nhưng tấm lòng của họ thì thoáng đạt vô cùng”. Một bà lưng đã còng mà ngày nào cũng lấy giúp mẹ một xô nước để giữ rau tươi khi trời nắng! Một bà bán nước mời mẹ chén nước chè nóng ngày đông. Một cô bé nhỏ trạc tuổi tôi mời mẹ vào trú mưa! Còn tặng cho mẹ cả một tập báo Hoa Học Trò cũ khi biết ở quê tôi thích đọc. Có bác thấy mẹ cuống lên vì hết sạch tiền lẻ, đã cười bảo: "Thôi, lần sau nhớ bớt cho tôi !". Anh em tôi nhờ sự tảo tần của mẹ mà nên người, mẹ nhờ sự rộng lượng sẻ chia của người thành phố mà nuôi được mấy anh em tôi ăn học thành người. Nay anh em chúng tôi trưởng thành cũng nhờ từ gánh hàng rong của mẹ, nhờ tình cảm của người dân thành phố. Cuộc sống sao có thể là cuộc sống nêu con người chẳng thể
dựa vào nhau.
         Mẹ tôi nay không còn nữa, những còn có rất nhiều những người mẹ vẫn đang gánh những gánh hàng rong đi bán trên khắp các con đường thành phố như mẹ tôi. Mong sao thành phố đừng quá nắng, đừng quá mưa, đừng quá lạnh, hãy bao bọc lây những người bán hàng rong, để họ nuôi những đứa con của họ khôn lớn thành người.
 
Oan Cho Chồng
 
          Thú thật từ ngày cưới nhau xong tôi không quan tâm tới việc tặng quà cho vợ vào những ngày sinh nhật, kỷ niệm hay ngày lễ nữa.
          Sắp đến kỷ niệm ngày Phụ nữ, mấy đứa bạn kháo nhau việc mua quà tặng vợ thế là tôi bắt chước hâm nóng lại tình cảm lãng mãn. Thường ngày thấy vợ trang điểm trước khi ra khỏi nhà thế là tôi vào quầy mỹ phẩm đầu chợ mua ngay một thỏi son và hộp kem thoa mặt, bên ngoài là chiếc hộp xinh xắn màu đỏ có thắt nơ hẳn hoi. Vừa đi tôi vừa tủm tỉm cười vì thế nào vợ cũng khen tôi “ Anh thật tuyệt vời”, mới nghĩ đến đó thôi tôi đã cảm thấy sung sướng vô cùng. Vừa bước chân vào nhà tôi gọi vợ đến và trao món quà kèm theo một lời chúc rất có cánh. Vợ tôi mắt tròn xoe ngạc nhiên nói: “ Chắc trời sắp sập đây” rồi mở hộp quà ra. Thấy thỏi son và hộp kem cô ấy đã kêu toáng lên: “ Anh bị chúng nó lừa rồi! đây là hàng dỏm, thật phí tiền”. Lần sau nhân kỷ niệm ngày sinh nhật vợ, quyết không bỏ cuộc tôi mua tặng vợ một đôi giày cao gót, tránh tình trạng như đợt trước tôi đã đo và xem cỡ giày cô ấy đi rồi đến thẳng siêu thị mua. Tôi chắc mẫm đợt này thì vợ không thể chê tôi được điểm nào. Tối đến tôi mang hộp giày ra tặng, cô ấy không quên coi giá tiền rồi hỏi: “ anh đo số đôi giày nào?” tôi chỉ đôi giày ở gầm giường. Cô ấy kêu lên: “ Anh đúng là ngớ ngẩn đôi giày đó em mượn về đi đám cười nhưng không vừa, đúng anh là đồ phá tiền”.
          Từ đó tôi tịt luôn việc tặng quà cho vợ không dám “ Múa rìu qua mắt thợ” nữa. Ấy vậy mà hễ cứ đến những ngày kỷ niệm cô ấy lại nói cạnh, nói khóe: “ Chồng người ta thì quan tâm đến vợ tặng quà này, quà nọ còn chồng mình chẳng biết vợ là ai cứ như Ô sin trong nhà vậy.
                                                Thật oan cho chồng!
 
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Võ Hoàng Nam