VÕ THẠNH VĂN
(Chuyển tiếp)
(Chuyển tiếp)
“CHỨNG TÍCH CỔ PHAI”
Ngỡ Mắt Môi Xưa, PHDS/VTV, 11/12
Bài Cảm Nghiệm: Tố-Nga
Thật tình cờ, tôi hân hạnh được Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn gởi tặng bản thảo của thiên trường thi “Ngỡ Mắt Môi Xưa.” Thi phẩm nầy gồm 12 phần, mỗi phần 10 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu 4 chữ. Tổng cộng 480 câu, 1920 con chữ. Và đây là 2 khổ thơ mở đầu (#1, #2) của tập trường thiên thi tứ tuyệt nói trên.
(01)
“ngỡ mắt môi xưa
“về trong nắng nhuộm
“sân trường phượng ướm
“màu phấn son đưa
(02)
“mắt có về không
“môi chưa thấy tới
“tay xa vời vợi
“dài mỏi mắt trông
Đây là câu chuyện của những giấc mơ về những bóng hồng “xưa” đã kinh qua đời tác giả Võ Thạnh Văn, một tên tuổi quen thuộc trong giới sáng tác thi ca. Tác giả đang mơ đang mộng về những bóng hình nào đó xa xưa. Những cơn gió thoảng, tác giả tưởng rằng bước chân người xưa. Những bông hoa chao động trước gió, tác giả lại ngỡ môi mắt người cũ. Sự thực là, khi sống với những giấc mơ, người ta trở nên giàu có, vì được sống với nhiều cuộc đời, nhiều cảnh ngộ, nhiều cung bậc của trái tim, nhiều tâm trạng, nhiều phương mộng, nhiều cảnh giới khác nhau, và nhất là được sống với nhiều bóng hồng thiên kiều bá mị… Hình ảnh giai nhân trong mơ trong mộng của thi nhân rất thật, rất xinh, rất kiều diễm, rất trong trắng (#101). Những cuộc tình của chàng rất thánh thiện. Bởi đó, chàng ngẩn ngơ tiếc nuối một đời dài cũng hiểu được…
* * * * *
Khi đọc đề tựa của thiên trường thi, có thể nói được là một thiên trường mộng, tôi cảm nhận có một sự đồng cảm nào đó với những từ “NGỠ” và “XƯA.” Điều nầy làm tôi háo hức, muốn đọc ngay. Tôi đã đọc. Và thật thú vị, đọc nhiều lần. Từ đó, nhận ra một điều nữa, con người, dù nam hay nữ, lớn hay nhỏ… ai cũng đều có những cái của riêng mình. Không ai biết. Không ai hay. Những điều ấy, ngay cả với chính mình, cũng chỉ xuất hiện trong những cơn mộng, trong những giấc mơ. Rất thật. Thi nhân cũng đang mơ về những ai đó, một vài bóng dáng hồng nhan kiều nữ của một thời, của một thuở… đã qua rồi, đã “xưa” rồi. Mà tác giả “ngỡ” như vẫn còn đây, vẫn quanh quẩn, vẫn đi về.
(101)
“hoa ảnh trong gương
“giai nhân trong mộng
“dáng tươi kiều lộng
“mặn phấn nồng hương
Hình ảnh của những người xưa ấy, tựa như giai nhận trong mộng, như bào anh trong gương. Nếu với nữ giới, chỉ một hình ảnh duy nhất luôn hiện diện trong giấc mơ là đủ, thì, hình như đối với thi sĩ Võ Thạnh Văn, trong mỗi thời điểm của một giấc mơ, ta có dự cảm, các hình tượng trong mơ là những thực thể khác nhau (#101). Vậy, phải chăng, có hiện trạng ấy, bởi vì những không trọn vẹn, dang dở, những dồn nén, những ấm ức, những nội kết, những nhớ thương… Với ta, mặc kệ. Người ta yêu ai khác thì cứ yêu, mà ta mơ thì cứ mơ… Có phải chăng, thi nhân có nhiều Hồng Nhan Tri Kỷ bước qua đời. Và, ông ta có quyền mơ mộng từng người, cùng lúc nhiều người? Vì ông tài hoa? Vì ông là nghệ sĩ? Vì Thượng Đế nhìn giới nghệ sĩ sáng tạo với một biệt nhãn nhiều ưu ái?
(102)
“từng bước chân quen
“từng hơi thở lạ
“thuyền chung bến chạ .
“dầm lấn neo chen
Bất cứ ai cũng có một quãng thời gian nào đó nhất định của đời mình. Thuở ấy, thời xa xưa, chúng ta là những cô gái trẻ. Cũng như mọi người, chúng ta từng có người yêu; từng nhớ nhung quay quắt khi phải cách xa; từng giận hờn; từng khóc lóc; từng cười vui khi bất ngờ người yêu ta về đến. Chúng ta từng đi dưới mưa (tự đày đọa mình vì những giận hờn vô cớ, có phải tiền đề của sự ghen tuông, mà lúc đó, chúng ta còn quá trẻ để nghĩ ra tên gọi...). Đi dưới mưa, chúng ta từng hứng nước lạnh đến đỏ ửng lòng bàn tay, rồi rửa mặt trong khi đi dưới những cơn mưa… (mà thật ra là để che dấu, để lau nước mắt…).
(103)
“chắc tình ra đi
“trong cơn chao đảo
“lòng chim ảo não
“hát khúc từ quy
Charlie Chaplin --danh hài Charlot, từng phát biểu: “Tôi thích đi dưới mưa để mọi người không ai biết tôi đang khóc.” Chúng ta đã từng mơ ước, tưởng tượng có ai đó đang ngồi cạnh, khi buổi tối một mình trên căn gác nhỏ, với quyển sách, cây bút trước mặt, nghiêm chỉnh học hành để chuẩn bị cho các kỳ thi… (mà thật ra, tâm hồn thì đang gởi đi đâu đó)… Chúng ta từng viết văn, làm thơ diễn tả niềm yêu nỗi nhớ một anh chàng thư sinh hoặc quân nhân trẻ, đang ngồi đâu đó trong các khuôn viên đại học, đang thụ huấn nơi xa, đang bay trên trời cao, hoặc đang thi thố dũng lược nơi sa trường. Lòng ta cứ thao thức và chập chờn mơ tưởng về chàng, về người tình đi chinh chiến, đang đối diện hiểm nguy, đang cô đơn vò võ từng ngày đêm nơi trận mạc.
(104)
“chứng tích cổ phai
“trên lưng đá mỏi
“góc đường mòn sỏi
“rêu nhớ dấu hài
Một tình yêu đẹp, một thời gian dài, ai cũng “ngỡ” đôi lứa không thể rời nhau, vì đã được Thượng Đế chúc lành, dành sẳn cho nhau. Nhưng, rồi cuộc đời, không dành cho ai toàn hoa hồng. Chiến tranh… Dường như chiến ranh định đoạt tất cả. Chúng ta, như hầu hết mọi người, cũng xa nhau, cũng trắc trở, cũng nhớ nhớ thương thương, cũng mơ mơ mộng mộng... Mà, ngoài những lúc ấy, chúng ta vẫn phải sống thật, đối đầu với thực tế… mà vẫn lan man với những giấc mơ, không có thật, hoặc với những hình bóng xa xưa. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: “Vì đời không bằng mộng, nên mộng cho bằng đời.” Để cân bằng giữa những thực tế phủ phàng, giữa nội tâm và ngoại tại, chúng ta lấy mơ lấy mộng và “ngỡ, tưởng” làm vui, làm khuây, làm an ủi vỗ về chính mình.
(105)
“có phải xa xôi
“mà tình rẻ nhánh
“đôi chim liền cánh
“sao vẫn chia phôi
Hợp tan là lẽ thường, nhất là trong thời buổi chiến tranh ly loạn. Chiến tranh đã chi phối và định đoạt tất cả. Nhưng, hình như cũng có một phần nào đó của định luật “Loin des yeux, loin du coeur” (Out of sight, out of mind) của ngày xưa, và “Loin des yeux, près du coeur” (Out of sight, close of mind) của ngày hôm nay chi phối. Khi sống với những giấc mơ, người ta trở nên giàu có, phong phú, sung mãn. Vì, ta được sống (dù trong mơ trong mộng) với nhiều cuộc đời, nhiều cảnh ngộ, nhiều cung bậc xúc cảm, nhiều tâm trạng, nhiều vùng địa lý, nhiều không gian và thời gian, nhiều cảnh giới rung động khác nhau. Nơi đó, người ta có quyền trao nhau những nụ hôn, được tự do nắm tay nhau, được quấn quít bên nhau, mà khi yêu lần đầu, người ta chưa dám thể hiện, bởi còn quá trẻ dại, quá thơ ngây, quá lý tưởng, quá thánh hạnh...
(106)
“buổi về thăm vườn
“chim xưa chợt hót
“giọng trầm xa xót
“lời gió thầm vương
Dù trong hoàn cảnh không được ở bên nhau, chúng ta vẫn phải trưởng thành, phải lớn lên, mà mỗi người đều có trách nhiệm và quyền hạn trong việc tạo ra và xây dựng, vun quén cho thế hệ kế tiếp. Và cứ thế, chúng ta già đi theo thời gian cùng những giấc mơ trong đời thực. Nhưng, những giấc mơ vẫn thỉnh thoảng hiện lên và đi về lui tới trong giấc ngủ, trong suy nghĩ thoáng qua. Khi gặp phải những bất trắc, những trở ngại gập ghềnh trên đường đời, ta thường có khuynh hướng tìm về với dĩ vãng, nương tựa vào quá khứ… để có thể tạm quên thực tại, để làm động lực mà sống tiếp, để đi tiếp con đường mình đã lựa chọn, hoặc phải chấp nhận... cùng vói những thành quả thực tế do chính mình tạo dựng.
(107)
“phút xa bàng hoàng
“đường chiều vàng lạnh
“tình ta đặc quánh
“nỗi nhớ quặn gan
Dù mộng mơ cũng chẳng đổi thay được gì, chỉ thuần tuý là những giấc mơ --nhưng lại rất cần thiết. Mơ, để mà sống tiếp, để đi tiếp con đường mình sàn lọc, ôm ấp, nung nấu, cùng với những yêu thương do chính mình ấp ủ, vun quén. Mơ và mộng là phương thuốc hiệu nghiệm có tác dụng giải tỏa những áo lực trong cuộc sống đời thường. Từ đó, ta có thể thực hiện những việc mà trong đời thực đã không làm được --những giấc mơ nhẹ nhàng, đẹp đẽ, trong sáng, lương thiện, chính đáng, tao nhã, đôi lúc mạnh mẽ, tràn đầy… Nhưng tất cả đều đáng được trân quý, giữ gìn. Vì giản dị là chỉ có trong mơ trong mộng mới xuất hiện chân thật nhất những ước muốn thầm kín, rất riêng tư của chính mình…
(108)
“gió thốc mành phên
“chiếu chăn hực lửa
“trăng rơi mật sữa
“tỏa ngọt hương sen
Những tưởng chỉ có một mình mình, mới thường hay sống trên mây. Nhưng lạ thay, khi tới tuổi được rảnh rỗi, những liên hệ chung quanh không còn cần tới mình nữa, chúng ta lại có thời gian gặp gỡ bạn bè, mới nhận ra rằng, có rất nhiều người, cả nam lẫn nữ, cũng thường có những giấc mơ, mong ước trở về quá khứ, trở về tuổi thơ, trở về sống lại thuở thanh xuân ngày nào. Trong đời thật, càng chua cay, càng trắc trở, càng dang dở… thì những mơ mộng của chúng ta càng trở nên cần thiết. Nội kết bất hạnh càng lớn thì ước mơ mộng mị càng nhiều, càng đẹp, càng óng mượt, càng lược là, càng lãng mạn…
(109)
“buổi ta lập am
“ẩn cư tránh họa
“em về tĩnh tọa
“xiêm áo xênh xang
Đọc “NGỠ MẮT MÔI XƯA,” qua hết 480 câu, tôi như cảm nhận chính những người phụ nữ trong thi phẩm ấy, ở một số dòng thơ, cũng đã khóc, khóc cho tác giả, hay là khóc cho chính mình. Khóc vì vui (vì người xưa vẫn còn nhớ đến mình), hay là khóc vì buồn, vì những tình cảm bị dồn nén cùng một lúc chợt ùa về, không có lối thoát, trong thực tại đời sống. Cũng không ai rõ. Bởi chính họ, có khi chưa hiểu rõ điều mình đang mơ. Ngỡ là đúng? Hay ngỡ là sai? Có một sự đồng cảm nào giữa họ, tác giả và người yêu thơ của ông chăng? Nhưng rốt cuộc, mơ mộng vẫn là lối thoát, một nút an toàn giải toả khi áp suất dâng cao…
(110)
“tây lĩnh non xa
“nghìn năm băng phủ
“tình ta ấp ủ
“cửa động tuyết sa
Bởi vì, nghệ sĩ nói chung và thi sĩ nói riêng, được sinh ra để ca tụng cái đẹp, ca tụng tình yêu, ca tụng nhan sắc, ca tụng những mối tình, ca tụng giấc mơ, ca tụng son sắc, ca ngợi thuỷ chung… làm cho người đọc lâng lâng với những ký ức… để rồi kết luận rằng tác giả thiên trường ca NMMX rất cận nhân tình, rất người, là người khoan dung, nhân hậu, chưa từng lên án hoặc giận hờn một người phụ nữ nào trong cuộc đời… Điều này nói lên tính nhân văn của thi phẩm “Ngỡ Mắt Môi Xưa” và của chính con người thi sĩ. Người yêu thơ ông, họ đã buồn, đã vui, đã khóc, đã cười, đã thương, đã nhớ… như chính mình là nhân vật ông diễn tả trong thơ…
Có một nhà văn nào đó, đã nói rằng, sự thành công của một tác phẩm văn học (văn, thơ…) là độc giả tự dưng nhìn thấy mình, cùng khóc, cùng cười với những nhân vật trong ấy. Người đọc đã buồn, đã vui, như chính mình là một trong những hình bóng, những nhân vật mà nhà thơ của chúng ta đã viết trong kịch bản cuộc đời… Đấy có phải là thành công của tác phẩm và tác giả?
Thi sĩ Võ Thạnh Văn, trong khổ thơ cuối (#120), của cả tập trường thi, cho thấy một sự độ lượng, bao dung, tha thứ của tác giả. Ông tha thứ cho những điều bất cập, bất toàn, bất như ý, không tròn vẹn. Ông tha thứ cho sự mất mát, và ông vẫn tiếp tục mơ trong lúc đã tỉnh giấc, để chấp nhận thực tại, với những mong manh, dễ vỡ, nhanh tan của những giấc mơ. Hình ảnh giai nhân mà ông mơ về, ngỡ rất gần, thì môi mắt vẫn nguyên vẹn như xưa, rất thân thiết, rất nồng nàn, rất kiều mộng, rất trắng trong, rất băng khiết
(120)
“như biển như sông
“như bèo như nước
“như còn như mất
“như có như không
Phải rồi, cuộc sống vốn dĩ vô thường, không biết trước được ngày mai ngày mốt sẽ ra sao. Để đáp lại thịnh tình của thi sĩ, tôi nghĩ, mình sẽ luôn yêu thương, sẽ tập tha thứ, sẽ luôn tôn trọng những hình ảnh kỷ niệm đẹp từ dĩ vãng xa xưa đến những gì đang có, đang hiện hữu, dù chỉ là những giấc mơ của riêng tôi….
* * * * *
Sau cơn mơ, khi tỉnh giấc, tác giả luôn nhận về mình những ray rứt, những ăn năn làm cho người đọc lâng lâng với những ký ức, những ẩn ức, những nỗi niềm… để rồi kết luận rằng, như đã nới ở trên, ông là người khoan dung, nhân hậu, chưa từng lên án hoặc giận hờn một người phụ nữ nào, một hoàn cảnh nào trong cuộc đời ông… Điều này nói lên tính nhân văn của thi phẩm « Ngỡ Mắt Môi Xưa » và của chính con người tác giả. Và tôi cũng nghĩ rằng, chắc sẽ có những người phụ nữ khác, khi đọc những khúc tình thi này, đã buồn, đã vui một mình, như chính mình là nhân vật của tác giả mà ta đã nhìn thấy trong giấc mơ của ông… như chính cá nhân tôi từng cảm nghiệm, và trải nghiệm.
Mùa Xuân vừa đến, mùa xuân của yêu thương, của tha thứ đến với trần gian. Chúc các bạn yêu thơ, và nhất là yêu THƠ TÌNH của PHDS, giống tôi, có những ngày thư nhàn, thưởng Xuân, được vui buồn cùng thi phẩm “NGỠ MẮT MÔI XƯA” cùng với tác giả PHDS Võ Thạnh Văn. Nơi đây, chỉ với bài cảm nhận ngắn ngủi, rất tiếc, với sự yếu kém văn học của mình, thành thật xin lỗi tác giả, vì đã không thể diễn đạt được tất cả những yêu thương, dằn vặt, khoan dung, nhân hậu, chung thủy… mà tác giả muốn trao gởi cho độc giả qua tác phẩm này.
Đào Thị Tố Nga,
Sài Gòn, Xuân Nhâm Dần, 2022.