VÕ THẠNH VĂN
(Chuyển tiếp)


 
CUỘC HẠNH NGỘ VƯỢT NGÀN CÕI LỤY…
[Ngỡ Mắt Môi Xưa, 11/12 : 101-110 ]
TG/TS: Bùi Lê Dung
 
Toàn bộ trường thi “Ngỡ Mắt Môi Xưa” có 120 khổ thơ với 480 dòng 4 chữ. Nội dung là những dòng thơ nhẹ nhàng mang vẻ đẹp lồng lộng thênh thang một cõi tình diệu vợi… Nếu những phần thơ trước là bao la phong phú những sắc màu của chân dung tình yêu trùng trùng duyên khởi thì đến phần cuối [11/12], từ dòng thơ [#101] đến [#110], lại vẽ lên ngời ngợi sắc điệu tình yêu dậy sóng vô thanh giữa cõi nhân trần tĩnh lặng của thi nhân, và của cả thế giới ta bà trần tục dung phàm…
* * * * *
Khởi từ [101] ”Hoa ảnh trong gương / giai nhân trong mộng”… [101]. Ừ thì “thủy nguyệt, kính hoa” – hoa trong gương, trăng đáy nước, tất cả vốn dĩ là ảo ảnh thường hằng. Nên, dẫu có rực rỡ hương sắc nồng nàn, thắm đượm yêu thương “Dáng tươi kiều lộng / mặn phấn nồng hương,” [101] hoặc giữa ma trận ta bà của cuộc đời trắng đen biến ảo, như “Từng bước chân quen / từng hơi thở lạ / thuyền chung bến chạ / dầm lấn neo chen” [102]… thì dẫu ở cung bậc tình trường nào, vẫn hiện hữu một thực tại chia xa đến bàng hoàng, âm thầm đến tro lạnh. “Có phải xa xôi / mà tình rẻ nhánh / đôi chim liền cánh / sao vẫn chia phôi.” [105]. Có một định mệnh thuyết nào trong tình yêu chăng? Có hợp tan nào trong duyên phận không? Trong lứa đôi có ngũ hành tương khắc?
 
Hình ảnh dung dị, lời thơ nhẹ nhàng mà thấm đẫm nỗi đớn đau thao thức cách ngăn… Ảo ảnh thường hằng là vậy, nhưng trong tình yêu son sắc thủy chung, thì dẫu cách trở xa lìa. “Chắc tình ra đi / trong cơn chao đảo.” [103] vẫn đậm tràn xiết bao nỗi đợi chờ khắc khoải những tin yêu. “Lòng chim ảo não / hát khúc từ quy.” [103]. Và hiển nhiên sẽ mãi mãi nguyên vẹn đẹp ngời niềm thương nhớ sắc son. “Chứng tích cổ phai / trên lưng đá mỏi / góc đường mòn sỏi / rêu nhớ dấu hài.” [104]. Ừ thì mây nhớ đường chim bay, sỏi vụn nhớ dấu hài của giai nhân điệu hạnh lướt qua một thời, một buổi, một thuở xa rồi. Bốn dòng thơ như một họa phẩm với những mảng màu lấp lánh từ ngoại tướng đến nội tâm, đẹp trĩu yêu thương!
Chỉ là nét vẽ đơn thuần, giản phác “đá, sỏi, rêu, dấu hài,” nhưng khi gắn nhịp cùng thiên thu “chứng tích cổ phai, mỏi, mòn, thương, nhớ…” đã tạo nên những hương thắm tình trần ngập say đắm ngọt ngào trong từng sắc nhớ… Niềm nhớ mong trĩu nặng đã đánh thức dậy nỗi khát khao tái hợp, đoàn tụ, chung đôi. Dòng thơ chợt rền vang những âm động sóng vỗ mênh mang. “Buổi về thăm vườn / chim xưa chợt hót / giọng trầm xa xót / lời gió thầm vương.” [106]. Bao hình ảnh thơ mộng chợt trở thành tấu khúc nhã nhạc từ tiếng chim xưa quyện hòa theo gió. “Giọng trầm xa xót / lời gió thầm vương.” [#106].
 
Ngôn từ giàu âm điệu, thi trung hữu nhạc, làm tăng đậm những nồng nàn si luyến, gây rung động thương yêu, thênh thang vẻ đẹp thấm đẫm sắc hương cõi tình lụy, tràn ngập luyến ái si mê. “Gió thốc mành phên / chiếu chăn hực lửa / trăng rơi mật sữa / tỏa ngọt hương sen.” [#108]. Nỗi đớn đau nghìn trùng xa cách ấy, dường như rất mong manh. Mong manh nhưng vẫn nguyên ròng bền chặc thủy chung như nhất. “Phút xa bàng hoàng / đường chiều vàng lạnh / tình ta đặc quánh / nỗi nhớ quặn gan.” [107]. Rồi từ biên độ ngoại động đến tận bản ngã tự thân, phải chăng đã trở thành cuộc hạnh ngộ vượt ngàn cõi lụy?
 
“Buổi ta lập am / ẩn cư tránh họa / em về tĩnh tọa / xiêm áo xênh xang.” [109]. Hình ảnh “Em về tĩnh tọa / xiêm áo xênh xang…” [109] có phải chăng là cuộc hạnh ngộ tâm thức biết bao lời sóng vỗ vô thanh… Cuộc hạnh ngộ ấy không có biên độ, không còn ranh giới? Muôn dặm quan san của một cõi người, cõi trần?… Để trong cuộc tương ái giữa đất trời bao dung vô lượng, tất cả đã vượt lên, bất ngờ sáng rực, ngời ngợi vẻ đẹp sưởi ấm hồn nhau của một tình yêu thánh khiết. “Tây lĩnh non xa / nghìn năm băng phủ / tình ta ấp ủ / cửa động tuyết sa.” [110]. Tây Lĩnh là ngọn Tần Lĩnh, Tuyết Sơn quanh năm tuyết phủ. Nơi đây, tác gỉa muốn nói đến những chia cách ngoại tại, khắc nghiệt như là định mệnh, vuột ngoài tầm tay của những người trong cuộc đang yêu thương, chỉ biết mong ngóng, đợi chờ…
 
Mười (10) khổ thơ của Phần [11/12], dạt dào nguồn cảm xúc, thanh thoát, an nhiên với cả một thiên tình sử lận đận. Tình yêu trong “Ngỡ Mắt Môi Xưa” rất tỉ mỉ, chu đáo, vẹn tròn, đúng nghĩa. Tinh khiết ban sơ quyện hòa trong nồng cháy lời yêu. Lãng mạn óng mượt bay bổng đó, mà vẫn tôn nghiêm đĩnh đạc, bao dung…. Một Trường Thi với phong vị đặc biệt rất riêng cùng mạch khí thơ thật lạ, thật xa xôi mơ hồ nhưng cũng gần gũi thân thiết, thật đạm bạc nhưng cũng thật lôi cuốn. Cách xếp đặt con chữ hài hòa tuyệt khéo từ cung bậc đến ngữ nghĩa, thể hiện năng lực và sự cảm nhận nhạy bén của tác giả. Nhưng còn thêm điều tuyệt vời ẩn sâu bên trong, theo từng phiến chữ. Phải chăng chính vẻ-đẹp-nội-tại-của-ngôn-từ đã có sức mạnh sờ chạm được đến mọi ngóc ngách cảm xúc của lòng người thưởng ngoạn?
 
Trong tốc độ công nghệ thông tin phát triển đến chóng mặt, mọi giá trị dường như gần đảo lộn, hoặc bảo hòa… Hình ảnh từ những trang thơ tình nơi đây... càng theo thời gian, càng trở nên quý báu vô cùng. Người đối ngoạn được nhận thêm nữa mấy tầng cảm nhận sâu sắc về thế giới chữ nghĩa -- thế giới của tâm thức – vẻ đẹp trong Hồn Bút của Võ Thạnh Văn thi nhân! Cảm nhận được nét tinh hoa lồng lộng một cõi Chữ, một cõi Tình trong một cõi Người…
Từ 40 dòng thơ [101 – 110], trong “Ngỡ Mắt Môi Xưa,” phải chăng đã giúp cho người đọc tìm thấy một góc thế giới thần tiên riêng tư cực kỳ quý báu trong tâm hồn, nơi cất giữ cho riêng mình những tinh túy diệu kỳ vẻ đẹp cuộc sống.
* * * * *
Quả là bút lực Võ Thạnh Văn dào dạt, sung mãn, thượng thừa. Mỗi bài viết của Phù Hư Dật Sĩ, dù dài hay ngắn, đều cho người đọc được mở rộng cánh cửa tâm thức tìm thấy những liễu ngộ diệu vời. Tác giả, nhà thơ, đã làm công việc của thi nhân. Thơ, đã làm trọn vẹn công việc của nó.
Thơ quả là hoàng hậu của những bộ môn văn học, nghệ thuật. Chức năng của thơ là khai mở, là khám phá, là trưng bày những ngõ ngách thầm kín của lòng người, của dòng đời, của quá khứ, của vị lai… Thơ là khắc khoải tìm kiếm tương lai. Thơ là Kinh. Thơ là Triết. Thơ là Đạo. Thơ là phương tiện đi về của những tương giao thiên cổ.
 
BÙI LÊ DUNG, viết tại nông trại Bùi Gia Trang,

  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn