VÕ THẠNH VĂN
(Chuyển tiếp)


 
GIÓ MẬT MƯA HOA
[Ngớ Mắt Môi Xưa, 8/12: # 71- #80]
NGUYÊN BÌNH

 
Ngỡ Mắt Môi Xưa là tuyệt phẩm trường thi bao gồm 12 phần, mỗi phần 10 tứ khúc, mỗi khúc 4 câu và mỗi câu 4 chữ mà Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn ung dung dệt mây ngôn từ thanh tịnh kết thành tấm thảm hoài niệm về một bóng hình giai nhân xưa cũ nào xa thăm thẳm trong tâm thức.
Với Phù hư dật sĩ Võ Thạnh Văn, hình bóng xưa chỉ là hoài cảm còn tồn dư khi thuyền ý thi nhân đã về neo nơi cõi tịnh. Niệm thức chợt hiện chợt khuất lãng đãng ở chốn phiêu bồng nên với NGƯỜI, cuộc tình ngày ấy chỉ là NGỠ mà không còn là THỰC. Như Trịnh Công Sơn viết Tình Nhớ: “Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy, người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây.”
 
Đó là bi kịch của dòng ý thức luân lưu tiềm tàng trong tâm hồn con người, như gợn sóng vận chuyển âm ba xao động bập bềnh hình sin giữa trùng dương phẳng lặng. Giấc mơ hư huyễn của ngày tháng vời xa nào trong man man nhớ quên, cái thời ta xây cung thất, đền đài cho TÌNH YÊU MỘNG MỊ ẩn hiện “trên lớp sương phai” trải qua năm tháng có còn chăng? Tịch nhiên rồi sao mãi vọng âm? Cho tóc mây buông theo ngọn gió xuân thì:
 
o [71]
o “tình chưa lên ngai
o “ta xây cung thất
o “đền đài phiêu dật
o “trên lớp sương phai.
 
Ảo ảnh ngàn năm vẫn lưu dấu trong hồn ta. Mà sắc sắc không không làm sao ta có thể níu giữ dòng nước thời gian một ngày nào em đã tắm mát. Dẫu Em có đi về, tóc xanh một thuở hay tóc trắng hôm nay, guốc mộc khua chiều hẹn hò hay gót giày quay cuồng trên pist đỏ, ta vẫn hoài mong và ta tặng ta vô vọng. Trắng bàn tay cả trong những lúc tỉnh say, hư không cả những khi say tỉnh. Khi phong ba bão tố cuộc đời giăng ngang bầu trời hò hẹn, khi cơn mưa bụi tưới tắm hồn ta đơn lạnh, tất cả “cầm bằng hư không.”
 
o [72]
o “cầm bằng không hư
o “tỉnh say nửa giấc
o “gió giông ngần ngật
o “chưa dứt cơn rươi.
 
“Thời gian thụt lùi,” đó là chuyển động phi lý tính, vậy mà, giữa thường hằng, có lúc hồn ta trôi theo cánh bèo hoa tím khi dòng sông chảy ngược. Một khoảng trời mù sương cổ tích, một con đường ngập nắng chan hòa, một đền đài hoang phế, nơi những chiếc nấm kí ức mọc lên sau cơn mưa hoài niệm. Ở đó, không hiểu vì đâu “mùi thơm hương khế” choáng ngợp cả tâm thức ta giữa bộn bề lay động, cho ta “ngỡ mắt môi xưa” gần kề đâu đây. Trong thảo lư xanh, ta nghe niềm vui tỏa hương bát ngát. Hương của dấu yêu xưa cũ? Em có còn nở nụ cười ngây thơ trong vườn xanh lá biếc, nơi đôi tình nhân kia chơi đuổi bắt bên gốc khế già, hỡi em ?
 
o [73]
o “thời khắc thụt lùi
o “đi về cổ phế
o “mùi thơm hương khế
o “tỏa ngát niềm vui
 
Ta hỏi rằng, Người ơi, có còn trong nhau thuở ban đầu diễm mộng, làn gió xuân thì phơi phới rộn rả mỗi bước đi về? Nắng rất hương và mưa rất thơm, gió say mùi mật, mưa rươi từng cánh hoa vàng. Lãng mạn đám mây chiều bềnh bồng khi ai kia buông lơi tóc mây ngước nhìn cánh chim chiều, hồn ta xao xuyến và đôi mắt ai ánh lên nét ngại ngùng bỡ ngỡ. Ngày cũng lạ mà đêm cũng lạ, ta hôn mê với từng trang vở ép những bài thơ lồng cánh phượng đỏ xếp thành đôi bướm mộng. Ta muốn gởi trao mà mãi ngại ngùng. “Nụ cười thoáng qua” và mãi đậu lại nơi này, dẫu mai sau... “nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em” (TCS):
 
o [74]
o “gió mật mưa hoa
o “mây chiều bỡ ngỡ
o “ép từng trang vở
o “nụ cười thoáng qua
 
Cái tội là ngày xưa em lá ngọc cành vàng. Gót hài em lướt êm trên tấm thảm tình mùa xuân rực rỡ, mùa hạ nắng xanh, mùa thu dịu dàng và mùa đông thắp nến, ta ẩn trú trong tháp ngà viết tặng em suốt cả bốn mùa hư ảo, từng chương đời, từng chương tình ái, nơm nớp âu lo với những lời yêu vụng dại, bởi nơi em về là cung thất quý phi, cánh cổng son khóa vàng đóng kín, vườn thượng uyển đầy hoa thơm cỏ lạ, nên lòng ta trở thành “cỏ lá hoang mang.”
 
[75]
“dạo gót đài trang
“gõ từng chương sách
“tình ai kiểu cách
“cỏ lá hoang mang
 
Thế cho nên, tình ta “gởi gió cho mây ngàn bay,” hồn ta vút lên như cánh chim trời giữa ngàn phương gió lộng, nơi mà em là uyên nguyên của nhan sắc, là trong trắng của giọt sương, ta phong trần vàng võ dõi theo từng nếp gấp trên tà áo lụa, ta đếm bước theo người trên lối nhỏ quạnh hiu. Ta theo em đi về như chiếc bóng của hình hài em diễm tuyệt:
 
o [76]
o “lồng lộng uyên trinh
o “như mây theo gió
o “mắt ai vàng võ
o “như bóng theo hình
 
Cũng có lúc ta nặng lòng với giấc mơ em thả trên con thuyền giấy ngày xưa ấy. Xin người hãy cứ mơ xa. Phù hư và huyễn mộng trần gian luôn là trái táo mà Eva cắn vào trong vườn địa đàng –một EDEN thuở khai thiên lập địa. Ta không trách người, ta lại thương ta. Phải chăng tất cả đều sẽ rong rêu theo ngày tháng, hiện hữu rồi sẽ lụi tàn, chỉ còn tình yêu ở lại:
 
o [77]
o “ai mơ kiêu sa
o “ai thèm võng lọng
o “rong rêu từng cọng
o “một thoáng kinh qua
 
Cuộc đời lắm phong sương, nắng sớm chiều mưa, ta đã trải qua bao nhiêu giông tố, làm sao em hiểu được dòng máu luân chuyển trong trái tim yêu nồng ấm thế nào. Mà tình vẫn cứ đầy thương nhớ, có phải đâu như áng mây trôi, như cơn gió thoảng. Ở đâu đó trong khung trời viễn mộng, ta vẫn cứ đau đáu tình em, là bóng mây, là cơn gió. Gió mây trong miền tâm thức rực rỡ bóng hình. Ngóng bóng trăng khuya bên khóm quỳnh hoa, đón giọt sượng mai trên cành lá, ta vẫn mãi hoài NGỠ MẮT MÔI XƯA.
 
o [78]
o “chớp lạch mưa giông
o “ngọn ngành ai tỏ
o “tình em ta ngỡ
o “vờn cánh mây lồng
 
Lời nào là độc thoại, lời nào là lời trăm năm, xin em hiểu rằng, TA, “cô đơn từng niệm, cô đơn từng sát na hư huyễn,” bởi trái tim ta là hình bóng, bởi trong dòng máu ta là niệm khúc, bởi trong từng khúc ruột, miên viễn tồn dư một nỗi đau không vết thương, “Cơn đau mầu nhiệm,” mầu nhiệm vì Thiên Chúa đã mặc khải cho ta đối diện với thiên thần. Từ trong ẩn sâu của hoài vọng, hồn ta “TRỔ NỤ HOA TÂM.”
 
[79]
“em có hiểu không
“cô đơn từng niệm
“cơn đau mầu nhiệm
“trổ nụ hoa tâm.
 
Ta vô ngôn và em chính là tâm hồn ta hiện hữu. Sắc hương trần gian thường hằng, “qua khung cửa hẹp” – La Porte Étroite (Andre Gide). Ta tấu khúc Serenade dưới ánh trăng hoài niệm, ta gieo nốt nhạc lòng “phảng phất hương xưa.”
 
o [80]
o “em đã hiểu chưa
o “qua khung cửa hẹp
o “tình còn thơm đẹp
o “phảng phất hương xưa .
* * * * *
 
Xin gởi đến PHÙ HƯ DẬT SĨ VÕ THẠNH VĂN đôi dòng cảm nhận vụng về của Nguyên Bình, văn phong ý tứ xuất phát ở sự chân thành và lòng ngưỡng mộ. Mười tứ khúc của Dật Sĩ trong NGỠ MĂT MÔI XƯA đã chinh phục tâm hồn tôi bằng thủ pháp cô đọng đến lạ lùng. Tài hoa của bậc trí giả là ở chỗ dụng ý mà không dụng ngôn rườm rà, tái hiện mà không cần vẽ lại toàn cảnh bức tranh tâm thức. Ý tại ngôn ngoại. Thật đáng khâm phục.
 
NGUYÊN BÌNH cẩn bút.
Bà Rịa, ngày 24/2/2022

  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn