VÕ THẠNH VĂN
(Chuyển tiếp)
(Chuyển tiếp)
"SỢI TÓC NÀO BAY"
[Ngỡ Mắt Môi Xưa, 10B/12 của Võ Thạnh Văn]
Tác giả:THU VÂN
NGỠ, một cách nào đó, trong “Ngỡ Mắt Môi Xưa” như là một sự ngộ nhận. Bởi, cứ tưởng rằng ánh mắt long lanh ngày nào, mà nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn đã từng ngồi tù trong sâu thẳm, của ý thức tỉnh táo, giờ chỉ còn trong tâm thức mơ hồ. Cứ ngỡ đôi môi mọng ấy hãy còn đọng trên vùng nhớ, biết bao mật ngọt của nụ hồng còn vương, nhưng giờ thì XƯA rồi, từ cung đàn hoang phế đến giọng hát nỉ non đứt nhịp… Nhưng, yêu là thương (thương vô cớ); là nhớ (nhớ vô chừng); là mong (mong vô vọng); là đợi (đợi mông lung)… Yêu thương mong nhớ là ngẩn ngơ bất chợt, kiểu “chớp bề mưa nguồn,” cũng tương tự như kiểu “sấm đằng dông, động đằng tây.”
XƯA, như lâu lắm rồi trong xa xăm, có vết bụi mờ của thời gian hiện diện từ thiên tăng tuế nguyệt. Hay là XƯA theo nghĩa cũ cho ngọn “Gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè. Và gió hôn tóc thề. Rồi mùa thu bay đi…” (TCS). XƯA, theo nghĩa đen, là ý niệm thời gian của người xưa, sở hữu chủ của mắt môi, mà “đôi mắt này năm xưa lưu lạc vào hồn tôi” (Trúc Phương) hay “Đôi mắt người Sơn Tây, u ẩn chiều lưu lạc, buồn viễn xứ khôn khuây” (Quang Dũng). Môi, và đôi môi xưa, “Môi em hồng ước mơ, Khẻ mỉm cười vu vơ. Tôi ước làm son phấn, Nằm lên đó bao giờ.” (Phan Tất Loan). Love is blind. Yêu là mù quáng. Hình như phải mù mờ tí đỉnh mới thật sự là yêu.
SỢI TÓC NÀO BAY, chủ đề đoạn 10/12 của tuyệt phẩm NGỠ MẮT MÔI XƯA mà nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn đã gửi gắm tâm tư và tiếng vọng con tim của mình, chỉ trong một sợi tóc. Một sợi tóc thôi cũng đủ chứa đựng muôn màu muôn vẻ của một tình yêu thuần khiết, lãng mạn nhưng thánh thiện, trữ tình nhưng tinh khôi… và tất cả chỉ còn là dấu xưa. Dấu xưa bụi mờ. Bụi của thời gian, của không gian, của tưởng tiếc. Bụi, cũng là bụi của dĩ vãng, của nhớ quên lãng đãng bóng hình.
* * * * *
Ôi! Dấu xưa sao cứ mãi hiện diện trong vùng nhớ, trong “bộ nhớ,” khiến nhà thơ phù hư Võ Thạnh Văn còn chợt nhận ra mái tóc “xoả bờ vai thênh thang, tôi mơ làm chiếc lượt, chải xuôi tóc cho nàng” (Phan Tất Loan) nhưng “Tóc xưa giờ đã bay xa, Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa” (Dương Văn Thiệt). Nhớ, quả là phiền. Các Cụ ngày xưa từng ví von: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.” (Ca Dao). Nhớ điếu đến như thế, ắt hẳn các Cụ phải nghiện thuốc Lào tới cỡ… Ở đây, thi nhân “nghiện” hình bóng người yêu xưa, tức giai nhân trong mộng; hay là “nghiện” chuyện được nhớ như là một “thú đau thương?” Sợi tóc của dĩ vãng, của nhớ thương… cứ đi về, thật chậm, qua hồn. Mà, tâm hồn tác. giả là đường xưa, là ngõ cũ, là phố thị ngày nào.
[#91]
“sợi tóc nào bay
“qua hồn rất chậm
“ta nghe từng chặng
“đường phố bụi cay
Có một sợi tóc mà nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn chưa nhận diện được, phải chăng sợi tóc của người xưa mong manh bay giữa từng không, mặc cho bụi mù cuốn hút, lại huyền diệu len nhẹ vào hồn thi nhân, chầm chậm thôi, bởi nó mịn màng như tơ trời sao ấy. Từng chút, từng chút xuyên thấu vào tim để rồi dặt dìu uốn lượn theo từng nhịp đập cho dòng máu chở chuyên đến từng quãng, từng chặn núi đồi trùng điệp bao la để cuối cùng là về một vùng đất lạ… Sợi tóc của những ngày nắng mưa, rơi trên vai gầy guộc ngày nào, của thuở đón đưa sau hồi trống tan trường… của thời học trò hoa mộng. Cái thuở đón đưa của tuổi hoa mộng ấy, đã thực sự vuột rồi. Sợi tóc, dù chỉ là một sợi tóc, cũng đã là dĩ vãng.
[#92]
“nắng rắc rây mưa
“trên vai gầy guộc
“đôi tay bắt vuột
“một thuở đón đưa ...
Ở vùng đất ấy có từng giọt nắng hanh vàng “rắc ngàn hồn hoa xuống đời” (Phạm Đình Chương), rãi đều cho mây tan thành nước rơi trên “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi” (TCS). Xa xôi lắm, bởi chim đã bay thì bay đi mãi, dù cố gắng níu kéo, đôi tay người đã vuột mất rồi từ một ngày rất xa, giờ thì “Đầy vết tích rong rêu trú ngụ, Và một thời ấp ủ tình yêu”(Thanh Hùng). Cái thuở còn đón còn đưa giờ là hư vô, bởi “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại, Cuộc tình đã ra khơi khi ta còn mãi nơi đây” (TCS). Và người đã quẩn quanh… còn lại. “Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng, nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.” (Hoài Khanh). Một nhà thơ thời Phục Hưng của Pháp Quốc, than thở: Les jours s’en vont, et je demeure. Ngày tháng bay đi, và ta còn lại nơi đây.”
[#93]
“qua đọt tình buồn
“trên lưng tình hận
“dáng ai lận đận
“vọng ấm lời suông
Sợi tình nào chẳng buồn. Vì, chẳng buồn, thì chẳng đẹp. Sợi tình đẹp, đúng là đẹp, chỉ đẹp một thuở, chỉ đẹp thoáng chốc phù du… Cheo leo trên đọt tình buồn, mềm mại, non tơ, chơi vơi như không thể chịu đựng được sức trĩu nặng dù mong manh của chính nó, để đành phải trễ xuống lưng chừng, dính chặt, bám thành vết thù như con thú mang dấu thương trên thân, cứ trốn chạy, lầm lũi trong cái “lận đận đời bày biết mấy nắng mưa” (Bếp lửa -Bằng Việt). Vết thương, thứ vết thương không còn chữa trị được nữa, thành mãn tính, ngoài sự căm căm cô độc và tuyệt nhiên không có chút gì trìu mến có thể xoa dịu nỗi đau bởi chỉ là “vọng lời ấm suông…” để tác giả lần theo “dấu trăng chau” nơi chân cầu đang rút nước.
[#94]
“ta thấy trăng chau
“chân cầu nước rút
“vịnh chia mấy khúc
“lạc dấu thuyền câu
Qua suốt thiên trường thi Ngỡ Mắt Môi Xưa, tác giả vẫn cứ quanh quẩn với nhớ, với thương, với mơ, với mộng… từ một chuyện tình nhiều gió, nhiều trăng, lúc vơi lúc đầy, khi tròn khi khuyết… “Trăng năm nào giờ lạc nẻo về đâu. Đêm huyền hoặc nghẹn ngào bao luyến nhớ.” (Diệp Ly) Nhà thơ đã theo dấu trăng chau lượn nơi chân cầu đang rút nước, “Trăng ngày xưa hiểu nỗi lòng hai đứa. Trăng bây giờ nức nở chỉ mình ta.” (Diệp Ly). Nỗi lòng của nhà thơ Võ Phù Hư Võ Thạnh Văn rất xốn xang khi thấy trăng chau nơi chân cầu nước rút. Nhưng may mắn thay, bởi nước đi nhưng sông còn ở lại cho trăng cứ sóng sánh, cứ chập chờn của con thuyền câu vỡ ra rồi ráp lại từng mãng cho hợp tan đến lạc dấu và mất hút giữa nghìn con sóng lượn lờ mà nghe hồn rã rệu tang thương…
[#95]
“ai ngâm thơ tình
“trong đêm tịnh khẩu
“buốt băng khuê đẩu
“giây phút trụy tinh
Qủa thật, nhà thơ đã từng cố gắng, đã từng trốn chạy dĩ vãng, thứ dĩ vãng ám ảnh đời chàng… bằng phương pháp tịnh tâm, “tịnh khâu”… Nhưng âm vang của bài thơ tình lưu lạc trong đêm quánh đẫm hơi sương, trầm mặc, im lặng nhưng muốn quấy phá sự tịnh khẩu tịnh tâm cùa tác giả. Đêm không nói lời nào. Đêm quán chiếu vô thường. Đêm an nhiên giữa muôn trùng vạn vật. “Đêm nghe gió tự tình. Đêm nghe đất trở mình vì mưa. Đêm nghe gió thở dài, Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai” (TCS). Nhưng đêm lạnh lùng đến buốt băng chòm sao Khuê (thần chủ của văn chương và trí tuệ) run rẩy… khiến nó phải rơi tự do trong triệu năm ánh sáng. Khoảnh khắc và vô tận của sát na ấy, thi nhân chỉ còn thấy ánh trăng mờ và tìm cách vớt lên từ đầm lầy ký ức, nhưng nào có được…
[#96]
“xin cho mây qua
“xin cho mưa gội
“cho tình chín vội
“đỏ hạt khổ qua
Tác giả Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn chỉ còn cách cầu xin cho mây qua, bởi “Anh không là gió để xua mây. Anh không là băng để kết mây. Anh không là nắng để ấp mây, Anh không là thần để gọi mây…” Nên chỉ biết cầu xin cho mây tan thành nước gội nhuần vạn hữu. “Tiếng mưa từng giọt trong sâu lắng / Đọng lại tim em một khoảng trời.” (NĐ). Bởi cuộc tình đang ẩn khuất bên giàn khổ qua đang cần những giọt mưa tắm mát hình hài cho thêm chín mọng, đỏ ngòm hạt giống yêu thương mà mình đã chắt chiu nuôi dưỡng tưới tẩm phân nước… như từng chắt chiu vun quén mối tình nơi sân trường ngày cũ, bằng giấy vở hàng đôi… “Giấy mực học trò thơm như mùi cô đảo / Buồn không em khi cát bụi lỡ về.” (Thơ Ba La Nguyễn Lâm Anh, một thi nhân đồng hương xứ Quảng của tác giả Phù Hư dật dĩ).
[#97]
“cho thẫm giấy xanh
“cho hồng mực đỏ
“bài thơ cuối vở
“đọng giọt nắng hanh
Một thời thần thiên mơ mộng. Một thuở “trăm con chim mộng về bay đầu giường” (Huy Cận) từng đêm… Thuở lén đọc thư tình dưới trăng, trang thư màu xanh, chữ nghiêng sắc tím… Màu đỏ là màu của yêu thương, rực lửa yêu thương được em ngăn vào tập vở, thấm vào trang giấy xanh khiến cho “Áo em xanh ru tình theo lá / Đại ngàn reo nghìn đóa hương nồng / Chiều dần trôi mây mãi phiêu bồng / Xanh mắt biếc thêm hồng môi mọng.” (NĐ)! Và hồng thêm màu mực bài thơ anh viết ở trang cuối cùng pha trộn giọt nắng hanh rọi qua khung cửa mà giấy vở học trò đã hoen màu ngây dại giờ vẫn còn hấp lực…”Mây trắng bay từ đỉnh vân phong / Quyện lại dùm ta chốn cô phòng / Ủ ấp thêm hàm hương ru mật / Hồ điệp chập chùng lượn qua song.” (NĐ)
[#98]
“cho bướm vẫn qua
“cho ong còn lại
“xin cho nụ dại
“nở ngát đài hoa
Thơ và nhạc luôn đi đôi, nương tựa nhau mà tồn tại, mà phát triển… Thi trung hữu nhạc… vì trong thơ đã réo rắc âm điệu du dương trầm bỗng. Thi từ và nhạc từ là một… “Khuôn trăng tuyệt phẩm vẹn mười / Long lanh sóng mắt khiến người thức thao / Nụ hồng một nữa ngọt ngào / Nữa kia như thể ạt ào du miên.” (NĐ) Hoa dã quyến rủ ong bướm đong đưa bởi từ những nhánh già cằn cỗi ngày nao bây giờ đang chớm nụ và hấp dẫn gọi mời từ đài hoa nở ngát… là hình ảnh trác tuyệt của tình yêu đang thời kỳ chín mọng cho ho hương cho sắc bay khắp mười phương… Như thơ, nét đẹp muôn đời, đã mời mọc, đã hấp dẩn, đã lôi kéo, đã mê hoặc lòng người.
[#99]
“lệ tình long lanh
“như sương ngấn tích
“sóng hồ ngọc bích
“bằng bặt thu xanh
Tác giả nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn đã từng vun quén nụ tình ấy bằng dòng dư lệ, nên nó long lanh trong mắt trong, và bồng bềnh lãng đãng trên sóng hồ ngọc bích. “Nàng thì bằn bặt giấc tiên” (Kiều, ND), trong không gian tĩnh lặng chiều thu. Nàng vô tình chăng? Nàng đã quên rồi chăng? Nàng đã thực sự quên chăng? Dường như người con trai nào cũng mâu thuẩn. Một mặt, khi duyên nợ không thanh, họ muốn người mình yêu thương quên đi tất cả để hạnh phúc duyên mới. Mặt khác, họ đau khổ quằn quại khi biết người yêu mình, vì hạnh phúc, mà quên bẵng tình xưa và hình bóng cũ… Với chàng, thì chuyện quên là chuyện bất khả. Bởi đó, thảng hoặc, tình chợt về, tiếng guốc tiếng hài vẫn nghe rõ mồn một… trong đêm --những đêm dài chàng thức đợi.
[#100]
“tiếng guốc ai về
“có ta thức đợi
“âm vang vời vợi
“từng bước so le
“Cỏ bên chân nằm thu mình như đợi / Gót sen mềm nhè nhẹ bước buông lơi / Để hoàng hôn thả hồn theo cánh gió / Những xuân hồng chợt nở nét ngây thơ.” (Tình, TV). Dường như, trong đêm khuya vắng, có tiếng guốc ai về… Bởi thi nhân, người đang thao thức đợi chờ thứ âm vang như xa xăm vẫn còn ăn nhịp với bước đếm thời gian vô tận. “Về đây, về với nhau, mãi mãi có đôi uyên ương chỉ nói cùng lời” (…). Chốn xưa “chỉ còn em và anh nơi tình yêu ở lại” (Xuân Quỳnh). Tình yêu có âm ba riêng của nó. Tình yêu của hai người, chắc chắn có một ngôn ngữ rất riêng –mà không có bộ từ điển bách khoa nào có thể có, để ta cứu. Tình yêu là điện sóng vi ba, âm thầm nhưng mãnh liệt.
…”Canh năm nghe tiếng chuông ngân,
Dục người tỉnh thức giữa vầng phù sinh.
Reo vui trong ánh tâm minh,
Con tim có khối nghi tình vỡ toang.” (NĐ).
* * * * *
Thơ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn giàu tính triết lý nhân sinh, có cái vô thường trong đời thường giữa trùng trùng duyên khởi, duyên diệt, duyên sinh, được và mất, hoặc còn từ dấu xưa, hay chỉ lờ mờ ẩn hiện rồi lại rực sáng trong đêm đen mang âm vang của tình yêu lên tiếng. Trong muôn vàn sợi tóc, Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn chỉ cần một sợi thôi, một sợi bay mãi bay hoài trong vô tận, mang thông điệp của tình yêu đến với mọi người và hiến dâng cho đời những bông hoa ngát hương từ thủy chung bất tuyệt và nhất như. Nét thủy chung của Nguyễn Bính mà nhà thơ Phù Hư xem như Tiền Bối. Nét thủy chung của Phạm Thiên Thư tài hoa mà Võ Thạnh Văn đãi như bạn… Tất cả đều thủy chung. Nhưng, nét thủy chung, ngay cả của tác giả Võ Thạnh Văn, cũng đôi phận khác biệt… Mỗi người mỗi vẻ. Ấy là nét riêng. Ấy là phần độc đáo của từng người.
Ông TRỜI (Hóa Công) sinh ra “giống nghệ sĩ,” nhất là giới văn thi sĩ, đề làm giàu cho ngôn ngữ. Một thiên chức khác của Nghệ Sĩ, dưới bất cứ hình thức và phương tiện sáng tạo nào của bất cứ bộ môn văn nghệ nào, chung quy là LÀM ĐẸP CHO ĐỜI. Họ dạy bài học YÊU THƯƠNG. Họ đào tạo những tâm hồn quý yêu CHÂN, THIỆN, MỸ… Họ đánh thức bản năng thưởng ngoạn của đôi mắt và tâm hồn, để biết nhìn trăng lên trăng lặn, biết trăng tròn trăng khuyết, biết nước lớn nước ròng, biết thưởng thức thái tảo và hoàng hôn. Một thời, một thời mà nền giáo dục nước ta được đặt cơ sở trên nền tảng NHÂN VĂN, thì Đoạn Trường Tân Thanh, Bích Câu Kỳ Ngộ, Nhị Độ Mai, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên, Ngư Tiều vấn Đáp, Trinh Thử, Cung Oán Ngâm Khúc, Dương Từ Hà Mậu… đã dạy cho tuổi học sinh nam nữ lớn lên biết ĐẠO ĐỨC, biết YÊU THƯƠNG, biết MỘNG MƠ, biết TRÂN QUÝ người tình và tôn thờ TÌNH YÊU đích thực.
Chúng tôi xin mượn lời Học Giả Phạm Quỳnh (1892 – 1945) để kết thúc bài Cảm Nghiệm về “Ngỡ Mắt Môi Xưa” nầy. Phạm Quỳnh phát biểu: “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước ta còn.” Cũng như nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác bài ca bất hủ “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” với những câu mở đầu: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi ! Tiếng ru muôn đời…! Tiếng nước tôi! Bốn nghìn năm ròng rã buồn vui… khóc cười theo mệnh nước nổi trôi… Nước ôi.” [Tôi đã khóc, khi viết đến những dòng cuối cùng nầy].
THU VÂN
Bến Nước, 2019.