VÕ THẠNH VĂN


 
Bài SINH ĐIẾU
Kính Gởi Thi Lão HÀ THƯỢNG NHÂN
 
“Kiếp xưa, hoặc uống trộm bất tử tiên đan, hoặc lỡ say chọc ghẹo tiên nữ, hoặc vô ý đánh rơi chén ngọc… Chẳng biết căn cớ từ đâu, mà hành trạng mù mờ, nửa tiên nửa tục… để cho mãi đến bây giờ vạn dặm đất trích, chẳng biết ngày nào mãn án liêu trai!!! Ôi, một kiếp tài hoa trót nặng nợ tơ tằm.”

 
 
“Hôm nay, quạnh hiu nơi trích địa, họa hoằn mới có dăm ba bằng hữu tri âm, một vài hồng nhan tri kỷ… Vẫn thói bất cần. Vẫn tánh bất chấp. Chảng chảng ngang thiên. Lấy vần điệu làm cánh. Lấy thi phú làm trời. Lấy chữ nghĩa làm đất. Lấy rượu cay làm nước. Mượn tạm cho mình 4 mùa làm của riêng tây.”
“Vạn đại như một ngày. Trăm năm bằng nửa buổi. Sinh để mà diệt. Có để mà không. Đến cũng như đi. Về cũng như ở. Trần gian chính là cõi rong chơi. Tháng ngày thoáng chốc. Cuộc đời một niệm. Hạnh phúc đếm từng sát na. Thắc mắc mà chi. Vương vấn mà chi. Sao bằng thái độ không cưỡng, không cầu.”
“Nơi đến cũng như nơi đi. Chốn về cũng như chốn ở. Làm bướm cũng như làm hoa. Là ong cũng như là nhụy. Không thiện. Không ác. Không phải. Không quấy. Bời vạn sự đều là giã tướng. Vừa hằng. Vừa chuyển. Vừa tụ. Vừa tán. Vạn đại giai không. Vạn pháp xuất tự một nguyên ủy, một căn nguyên rốt ráo.”
“Rồi mai xuất thần? Rồi mai hóa bướm? Rồi lại tiếp tục rong chơi nơi doanh châu bồng đảo? Tiên cảnh hay trần gian? Cõi trời hay thế tục? Tại sao phải thắc mắc? Tại sao lại vọng tưởng? Chi bằng cứ điềm nhiên cho đi. Cứ an nhiên nhận lãnh. Hãy uyên nhiên sống đời đạm nhiên. Hãy phiêu nhiên tự tại.”

“Mai kia, nơi ấy, nơi chốn vĩnh hằng sẽ về (và sẽ ở)… Có chăng mây bay? Có chăng gió lộng? Có chăng sương rơi? Có chăng sao băng? Có chăng tuyết rụng? Có chăng trăng khuya? Thưa rằng có. Chắc chắn có. Thế là đủ. Thế là vui. Đi không hối tiếc. Tiễn không luyến lưu. Bởi vì, chính nơi đó, sẽ gặp lại Trang, sẽ gặp lại Lão, sẽ gặp đủ mặt chư tiên.”
 
Hậu sinh  Võ Thạnh Văn
kính điếu
 
 
 
 
 
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn