VÕ THẠNH VĂN
(Chuyển tiếp)


 
MẮT MÔI CHÍN TỚI 
Phan Thị Cẩm-Thủy
 
Một tâm hồn mẫn cảm, phiêu dật, và với ngòi bút TÀI HOA của nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn thì sỏi đá cũng có hồn… huống hồ gì thiên nhiên hào phóng bốn mùa, mà ông đã từng đi qua, phải sinh động. Non nước ấy, đối với tôi, kẻ viết bài cảm nghiệm nầy là cách xa nghìn trùng. Nhưng, với ông, thì đó là là nhà, là nơi lui tới thường xuyên trong 12 năm ông chọn cuộc sống vô gia cư. Ông chọn đúng 12 năm (1978-2000) để ngao du sơn thủy quê người, vùng Bắc Vịnh của Cựu Kim Sơn. Chẳng hiểu với mục đích sâu xa gì, nhưng, đây là giai đoạn mà ông sáng tác mạnh nhất, khỏe nhất. Những tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp văn chương của ông [Kinh Vô Tự (10 nghìn câu ngũ ngôn), Kinh Vô Thường (10 nghìn câu lục bát), Đoạn Trường Hư Thanh (5 nghìn câu lục bát)…] đều ra đời cùng lúc, trong giai đoạn nầy. [ Quý bạn sẽ không ngạc nhiên khi đọc qua 10 nghìn câu thơ Kinh Vô Thường, sẽ bắt gặp đầy trăng, sao, mây, gió, núi, rừng, biển, sóng, chim, hoa, cây, cỏ… xuất hiện trùng trùng].
* * * * *
Để khỏi mất thì giờ của quý vị, đã đến lúc chúng ta phải đi vào chi tiết của phần [7/12 : 61-70) của trường thiên thi Ngỡ Mắt Môi Xưa. Nơi đây, tôi cảm nghiệm từng khổ thơ và trình lên quý bạn. Tôi đã chậm rãi nhấm nháp từng câu, từng chữ, từng khổ thơ riêng biệt. Qua nội dung của toàn trường thi ấy, tác giả PHDS/VTV đã yêu người thiếu nữ còn rất nhỏ (có thể thiếu nữ ấy đang độ tuổi mười ba... mười bốn). Dĩ nhiên, người con gái kim chi ngọc điệp ấy, là người tình đẹp nhất, rất đẹp trong lòng ông, thuở ấy. Nàng là con nhà khuê các, là lá ngọc cành vàng, là yểu điệu thục nữ. Cái tuổi non tơ, mộng mị của trăng chưa tròn, của hoa chư nở, của mắt môi chưa chín mọng, của lòng tràn ngập hi vọng, đầy ắp tương lai, hứa hẹn con đường hoa bướm trước mặt. Họ yêu nhau bao lâu, không ai biết, vì tác giả không nói ra. Nhưng, có lẽ vì chiến tranh, vì hoàn cảnh… họ lại phải sớm chia xa. Tác giả, và kể cả người con gái chàng yêu, còn quá trẻ dại để hiểu lẽ hợp tan, lẽ tụ tán ở đời. Chắc chắn, họ đã xót xa cho cuộc tình mà họ xem là tất cả, vào thời điểm ấy. Vì, ai đã xa nhau mà không từng khổ đau, bịn rịn.
 
[61]
ngày em lên đường
thuở môi chín tới
từng bước phơi phới
kết trái sầu ương
Thủơ ấy, tình yêu vừa kết trái, nhưng là trái “sầu ương,” báo hiệu một kết cuộc chẳng lành. Nhưng, đôi môi trinh nguyên thánh hạnh ấy cũng vừa chín tới, từng bước chân tung tăng tới trường, từng bước gõ nhịp guốc đường về, phơi phới tự tin. Họ tin vào tình yêu, họ tin vào người yêu, họ tin vào cuộc đời… Rồi bỗng dưng, ngọn gió chướng nào, hoàn cảnh trái ngang nào đã đưa đẩy hai người phải nghìn trùng xa cách, biền biệt tăm hơi… Từ đó, họ thương nhớ, luyến tiếc và rồi tìm kiếm nhau một đời. Từ đó, từ cõi thiên thai ngọt lịm của tình yêu, họ chợt rơi xuống trần ai tục lụy. Cõi trần mênh mông, đất trời thiên lý vạn lý, biết đâu mà tìm kiếm nhau. Tài Nữ Vương Thúy Kiều và Kim Trọng, “không dòng ngọc bội cũng phường kim môn” (ND, đttt) chỉ vì nhầm lẫn 2 chữ Lâm-Thanh và Lâm Truy mà lạc nhau 15 năm trời ròng rã. Cuộc đời đáng sợ thật.
 
[62]
gió về lối riêng
một đời tìm kiếm
đường ong dấu bướm
lạc bước thiên thai.
Tác giả của chúng ta vẫn đau đáu trong lòng và đầy khát khao được tìm thấy nhau, đến với nhau, tiếp tục dâng hiến cho nhau tình yêu đầu đời khiết bạch… Nỗi lòng đôi bên băng giá, tím tê, tái lịm, dại khờ… Họ tìm kiếm dấu vết của nhau, hơi hướng của nhau, tông tích của nhau… qua mọi hoàn cảnh, qua mọi tình huống, qua mọi trường hợp hy hữu có thể có… Họ tìm nhau trong những cơn gió thoảng, trong đường mây bay. Họ theo dấu bướm, họ dõi đường ong… Họ tìm nhau ngay cả trong những cơn mộng mị một thời thiên thai bồng đảo của yêu đương. Nhưng, cuối cùng, họ nhận ra một sự thật, sự thật mà họ không muốn chấp nhận. Ấy là ve xa nhành liễu, hồng hoa đã tàn, bướm ong lạc nhau vì hết mùa trao duyên ân ái…
 
[63]
buổi liễu xa ve
thuở hồng vắng bóng
ta xa hơi hướm
băng giá tái tê.
Mùa hoa nở vườn xuân, mùa ve hát trên nhành liễu cũng đi qua. Thời điểm vãng hạ lập thu, trời se lạnh, liễu héo úa, hoa rã tàn, ong bướm ra đi… Đó là lẽ tuần hoàn tự nhiên của đất trời… Đôi trai thanh gái lịch bắt đầu hiểu ra một chút về lẽ vô thường của thiên lý, sự biến hóa vô lường của vạn vật… mà qua đó, tình yêu của họ bị chi phối, bị ảnh hưởng nặng nề và mãnh liệt… Thời gian không ngừng lại. Rồi lập đông. Họ cảm thấy mùa đông về sớm hơn mọi khi. Mùa đông về với mưa, bão, gió, lạnh, thê, lương. Chẳng những hoa tàn, ong bướm ra đi… mà đến con đường ngày nào hai buổi đi về… cũng vắng lạnh thê thê. Tại sao, cuộc đời vẫn trôi chảy bình thường, chỉ có chính họ, kẻ trong cuộc, thiếu vắng nhau. Không còn nghe tiếng guốc em gõ nhịp, không còn thấy nụ cười tình trao duyên hứa hẹn… thì phố xá kể như tịch liêu, hoang phế.
 
[64]
mùa gió lạnh se
lập đông về sớm
vắng bặt ong bướm
đường quạnh thê thê
Làm trai, người con trai khí phách, như chính bản thân tác giả, mà chúng tôi có cơ duyên được biết rất sớm trong đời, chắc chắn phải kiên cường. Nhưng, qua khổ thơ [65] ta thấy có nước mắt. Làm trai, thà chảy máu chứ không chảy nước mắt. Vậy, nước mắt “đẫm ướt hàng mi” nầy, từ đâu mà có, từ đâu mà ra?! Xin thưa, chắc chắn phải là nước mắt của người con gái. Những giọt hồng lệ chảy ra từ hồng nhan. Nước mắt nhớ thương luyến tiếc sầu tình… của nàng đã nhuộm buồn vạn vật. Mọi thứ chung quanh trở thành èo uột, héo úa, xanh xao. Qua kiệt tác Đoạn Trường Tân Thanh, thi hào Nguyễn Du cũng từng bày tỏ điều ấy, trong một câu thơ nổi tiếng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Nội tâm của họ đã nhuộm buồn vạn hữu làm lây lất đến ngoại cảnh thê lương… đến nỗi dấu chim qua trời cũng xanh mướt đường bay.
 
[65]
đẫm ướt hàng mi
từ mùa thu trước
sầu giăng xanh mướt
nhuộm dấu chim đi
Có lẽ, mọi tang thương của cuộc tình hoa mộng thánh khiết nầy bắt đầu từ chỗ “Mối manh chưa có mà thề thốt đã nhiều” (Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, bài Tựa của Chu Mạnh Trinh). Lúc ấy, vào tuổi ấy, thời buổi loạn ly ấy… họ phải lòng nhau. Hoàn cảnh ấy, họ chỉ biết yêu thương đắm đuối, dâng hiến tình yêu trinh bạch xác hồn, họ dốc hết tim phổi cho nhau, ngoài ra, chẳng quan tâm lo lắng điều gì… Và ngoài ra, không hề có một chút bợn nhơ chen lấn. Rồi khi xa nhau, họ càng yêu thương trân quý và hiểu nhau hơn, thương cảm cho nhau nhiều hơn. Họ ví von, chàng là nạn nhân, mà nàng là khổ chủ. Thật ra, cả hai đều là nạn nhân. Họ biết, nợ nần nầy do hoàn cảnh ngoại tại (khói, lửa, gió, trăng…), nằm ngoài tầm với. Và họ thực chứng, tuy hơi muộn màng, dù có yêu nhau bao nhiêu cũng không đủ, cũng không vừa… Và do đó, mà, nuối tiếc càng thêm tiếc nuối, nhớ thương càng thêm thương nhớ.
 
[66]
ta là nạn nhân
và em khổ chủ
tình đong chưa đủ
gió trăng nợ nần
Khổ thơ [67], đối với tôi, PCT người viết bài nầy, hơi khó hiểu. Tác giả là người uyên bác. Ông học rộng, hiểu sâu, đọc nhiều kinh sách và dùng nhiều điển tích cũng như hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ… Có lẽ, ý tác giả muốn nói, từng sợi tóc trên suối tóc rũ ngập bờ vai của người yêu là từng sợi nhớ thương?! Suối tóc ấy, vì nhớ thương dang dỡ… mà trở thành ngập tràn phù sa của mùa nước nổi, chỉ hiện hữu trong lòng nàng… Từng ngón tay, từng lóng tay ngọc ngà mà nàng từng đan vuốt chải vào mái tóc nhung tơ ấy cũng ngập ướt vì mùa nước lũ băng đồng?! Một ẩn dụ đẹp. Nhưng nét đẹp sao mà thê lương!!! Ôi tình yêu, tình yêu mãnh liệt và sống lâu vô tận đến thế sao?! Nhưng, tại sao tác giả bảo là “từng sợi thương vay?” Có phải tác giả muốn họ (mà nhân vật chính là chàng và nàng) lẽ ra phải thực tế hơn, vì vận nước chiến chinh điêu tàn, vì cảnh nhà tan nát cửa nát… mà sớm biết và chấp nhận thực tại bất hạnh ấy?
 
[67]
từng sợi thương vay
tóc tràn vai rũ
ngập mùa nước lũ
lụt từng ngón tay
Khi đủ duyên, tới mùa hoa phải nở. Tới cử trăng phải tròn. Tới giờ triều phải dâng… Người thức thời thì tuân theo luật tuần hoàn của Tạo Hóa, của Đất Trời, của cả những định luật bất thành văn của cha ông, của đất lề quê thói bất biến từ một nền văn hóa cổ truyền phải giữ. Các bậc phụ huynh khôn ngoan và khả kính không chờ lúc hoa tàn, lúc trăng khuyết, lúc triều hạ, lúc nước vơi… mới hành sự. Nghĩa là, người con gái đã đến lúc phải giả từ dĩ vãng mộng mơ, bước lên xe hoa với tâm thế nguyên trinh tuyết bạch hồn xác. “Mùa trăng vu quy” đã tỏ, đã rạng, đã sáng soi bước chân người con gái bước về một thế giới khác, thế giới làm dâu nhà người. Nàng ra đi buồn “dười dượi,” và bướm ong cũng “rũ rượi” buồn lây.Chẳng có hình ảnh nào đẹp hơn trong văn chương, người con gái cành vàng lá ngọc ấy, xuất giá, mà buồn “như khúc cổ thi.” Tuyệt. Tuyệt bút tài hoa. Bạn hãy thử tưởng tượng, hình ảnh một người con gái trẻ đẹp, buồn ủ rũ như một bài thơ cổ… vì bài thơ nào hay mà chẳng buồn.
 
[68]
mùa trăng vu quy
bướm ong rũ rượi
em buồn dười dượi
như khúc cổ thi
Thời gian vô tình trôi. Mùa mãn mùa sang. Dù trong lòng có yêu nhau mãn đời, có thờ nhau mãn kiếp… thì cũng đến lúc người con trai phải lo chuyện công danh. Người con gái chỉ có một đường là lên xe hoa về nhà chồng. Còn phận làm trai trăm hướng. Cụ Nguyễn Công Trứ (Uy Viễn Tướng Công) gọi đó là Nam Nhi Trái. Nam Nhi Trái là món nợ làm trai. Đó là món nợ Tang Bồng của gươm đao kiếm kích… mà người làm trai phải thanh toán. Làm trai, một món nợ lớn, là phải trả nợ núi sông. Ngày xưa, người con trai phải lập công lập danh bằng cách múa ba thước gươm trên lưng ngựa chiến, cho dù da ngựa bọc thây, cho dù sa trường gió cát không hẹn ngày về… vì “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.” (VH). Ngày nay, làm trai phải học hành, phải đọc sách, phải bước ra khỏi làng, phải cầu công danh nơi xứ lạ... như Trương Lương, Hàn Tín, Trương Nghi, Tô Tần thuở trước. Tác giả đã làm xong những việc ấy. Với bản chất bẩm sinh và tu luyện dày công ấy, chắc chắn chàng (tác giả) xem nhẹ những người con trai không bao giờ biết cầm cuốn sách, chỉ quanh quẩn trong nhà, tính toán chuyện lụn vụn bất trí, bất nhân, bất nghĩa, bất lương, bất chính.
 
[69]
mùa trăng vinh quy
xum xoe võng kiệu
trăng tàn cuối dậu
ai khép rèm mi
Chỉ tiếc một điều, người con trai khí phách, lo miệt mài trả món nợ làm trai, món nợ công danh… thì tình duyên đã dang dỡ, trễ tràng. Khi danh đã thành, ngày vinh quy bái tổ, thì vắng bóng người yêu. “Võng anh đi trước,” đi một mình, chỉ có quân hầu tiền hô hậu ủng… nhưng không có “kiệu nàng theo sau.” [69]. Rồi đến khổ thơ [70] của phần [7/12], dù vinh quy bái tổ, công thành danh toại… thì cảnh thê lương vẫn còn đấy, trong lòng chàng, “con gió ngậm băng.” Đau buồn hơn, sau bao mùa xa cách, không rõ bao lâu, nhưng tác gỉa xem chừng như chuyện xa cách chia lìa chỉ mới xảy ra đây thôi, chỉ mùa trăng trước, mà “tình em bỗng lạ.” Đau buồn lắm, nhưng chàng nói là nói thế, mà tận thâm tâm của một người yêu thương hết lòng, thủy chung như nhất, thấu tình đạt lý, quảng đại khoan dung… thì chắc chắn chàng không bao giờ trách người yêu của mình như thế. Không bao giờ. Yêu là thông cảm, là tha thứ.
 
[70]
con gió ngậm băng
thổi về cuối hạ
tình em bỗng lạ
chỉ một mùa trăng
Qua tất cả những khổ thơ trong Ngỡ Mắt Môi Xưa (7/12 : 61-70), từng chữ, từng dòng đã mang đến cho ta một tình yêu ngọt ngào, đầy khao khát, trong trắng đầu đời, yêu và được yêu, với ước mơ được đến với nhau bền lâu. Tình yêu băng khiết ấy, có những lúc phải chia xa, cách trở nhưng vẫn toát lên sự lãng mạn tràn bờ. Mỗi vần thơ như mây bay, như gió thoảng, như nước chảy, như lụa vờn… gây bao nhớ nhung, luyến ái… làm đắm say thấm đẫm lòng người. Cho mãi đến ngày hôm nay, sau gần ¼ thế kỷ sáng tác, và chắc chắn, dư âm ngọt ngào còn ngân vọng lâu dài trong mai hậu. Mối tình “thanh mai trúc mã” ấy có sức sống lâu, sống bền, luôn cao đẹp. Một triết nhân nào đó đã nói: “Tình yêu chiến thắng tất cả.”
* * * * *
Những bất hạnh đời người, đã tạo ra khí phách, tài hoa và sức hấp dẫn tự nhiên của nhân vật ấy. Các Cụ xưa từng nói “Nhân bất phong sương vị lão tài.” Con người, không va chạm, không cọ xát, không kinh qua gian truân… thì làm sao lịch lãm được. Cũng như những viên sỏi lăn từ đỉnh núi xuống chân đồi, sau bao tháng năm ra chạm, cọ xát, bào mòn… chúng trở thành trơn tru, tròn trĩnh, bóng láng… làm say lòng khách ngoạn thạch cổ kim. Cũng tương tự, có phải chăng những cội sơn mai (hoặc tùng bách…) mọc trên những đỉnh núi cao, quanh năm thiếu nước… mà phải ngoi mình trồi lên từ những kẻ đá… đã tạo thành bao nét đâm ngang chém dọc, dáng vẻ thanh, kỳ, cồ, quái? Và đời người cũng thế. Những vị sơn tu thuần thành và chân chính, của bất cứ tôn giáo nào, qua năm tháng đói lạnh cô độc… cũng có nét quyến rũ thần kỳ.
Hoàn cảnh là đỉnh tuyết, là khe núi đá, là con suối chảy xiết… mà tác giả PHDS VTV là cội mai rừng, là trắc bá, là viên sỏi nhỏ đầy kiên cường, nhưng khiêm hạ… Qua những cô đơn, cách trở, bội bạc, ly tán… thì bản năng và ý tình con người càng thơm, càng quý, càng đẹp, càng phảng phất mùi hương của hiểu biết, nhân ái, độ lượng, hào sảng, phóng khoáng… Chỉ có mùi hương của ĐỨC HẠNH mới bay ngược chiều gió. Nhưng, những kẻ đứng dưới chân, sát cạnh… không ngửi được hương thơm ngào ngạt ấy. Tương tự, cũng như kẻ đứng dưới chân ngọn hải đăng, không thể thấy được ánh sáng toát ra từ ngọn hải đăng từng soi đường dẫn lối cho bao thuyền bè lạc hướng từ xa khơi…
Tác giả Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn là một hiện tượng tài hoa. Tài hoa nầy, theo chỗ chúng tôi được gần gũi mà biết, một phần do bẩm sinh, phần còn lại do tu luyện, mài dũa mà có. Về công phu tu luyện mài dũa, thì, tôi từng chứng kiến, những năm thiếu thời, chừng 13, 14 tuồi, chàng ngồi trong bếp, thọc đôi chân vào lớp tro tàn cho bớt lạnh… say sưa đọc những quyển sách dày cộm và rắc rối, phức tạp, khó hiểu… Về mặt bẩm sinh, chàng thừa hưởng dòng máu của người Cha hiền lành, đạo đức, nhân hậu, khiêm tốn. Và từ dòng máu Mẹ, một người đàn bà nhan sắc, tài hoa mệnh yểu, lìa đời lúc tuổi vừa 20.
 
Tóm lại, tác giả Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn vì miệt mài khổ học mà thành THÂN, vì thừa hưởng dòng máu bẩm sinh tài hoa mà thành DANH. Một đời ông, suốt một đời dài, tôi chưa hề thấy ông may mắn. Mà, ngược lại, tôi chứng kiến cảnh ông lớn lên trong cô độc, mồ côi, lẻ loi, hiu quạnh. Đời ông, đem tâm huyết và đức hạnh trải lòng, nhưng chỉ gặt hái được sự manh tâm, tráo trở, lừa lọc, phản phúc, và bội bạc… Có phải chính vì những bất hạnh ấy mà ông ngoi lên, trồi lên, vượt lên, bay lên… hơn người. Nếu thế, thì quả là Trời sinh những loài chim lạ để bay cao. Tôi viết về ông như một nhân chứng. Tác giả Võ Thạnh Văn và tác phẩm “Ngỡ Mắt Môi Xưa” (cùng những tác phẩm khác) đáng được yêu thương, trân quý và giữ gìn lắm vậy. Xin hồn thiêng Tổ Phụ giữ gìn và chúc lành cho ông. Xin Trời cao giáng phúc.

  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn